Chào Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức,
Tôi có câu hỏi xin BS cho biết tại sao tôi hay bị vọp bẻ và bị mề đay. Nguyên nhân từ đâu bị bệnh và có thuốc gì để trị nhanh nhất. Rất cám ơn bác sĩ. Catherine Ong
Đáp
Chào Catherine, Email có hai câu hỏi về hai bệnh khác nhau, cho nên tôi xin trả lời câu hỏi về Vọp Bẻ trước. Còn câu hỏi về Mề đay, xin trả lời sau.
Vọp Bẻ hoặc Chuột Rút là một bệnh trong đó có sự co đau rất bất ngờ ngoài ý muốn ở một bắp thịt làm cho cử động phần cơ thể này rất đau và khó khăn.
Chuột rút có thể xảy ra ở bất cứ bắp thịt nào, nhưng thường thấy ở bắp chuối giữa đầu gối và cổ chân, bắp thịt đùi và hông (cơ đùi trước và đùi sau giữa đầu gối và hông), dọc theo bàn tay, bàn chân và cơ bụng. Cơ co có thể chỉ kéo dài vài giây đồng hồ tới vài phút nhưng cũng có thể hết đi rồi co trở lại.
Bệnh thường xảy ra vào ban đêm khi đang ngủ hoặc mới thức giấc; sau khi vận động, sử dụng cơ bắp lâu dài.
Bệnh thấy ở mọi giới mọi tuổi nhưng nhiều hơn ở trẻ em và lão niên trên 65 tuổi, người mập phì, người ham thể dục thể thao, nam nhiều hơn nữ.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của chuột rút chưa được biết rõ, có thể là do vận động quá mức hoặc trong tình trạng bất động quá lâu như khi ngủ ban đêm, khi ngồi lâu ở cùng một vị trí.
Chuột rút ban đêm có thể vì:
– Ban ngày đứng lâu trên mặt phẳng cứng, cơ bắp không hoạt động, cứng nhắc
– Có tật ở bàn chân, như trường hợp không có độ cong của mu bàn chân, gót chân nằm phẳng trên mặt đất (flat-foot) khiến cho bắp thịt luôn luôn căng
– Thiếu nước trong cơ thể
– Người hơi mập, chân chịu sức nặng liên tục
– Mang giầy quá chật, gót quá cao
– Mất cân bằng chất điện giải trong máu.
Điều trị
Thường thường chuột rút không kéo dài lâu và không gây ra hậu quả trầm trọng. Tuy nhiên, khi đang lái xe, điều khiển máy móc hoặc đang bơi lội thì tai nạn có thể xảy ra. Sau đây là một số phương thức nên áp dụng để giải tỏa cơn đau:
– Nhẹ nhàng thoa bóp bắp thịt bị co.
– Khi chuột rút ở bắp chuối, nhè nhẹ vươn duỗi cơ theo chiều đối ngược: kéo đầu ngón chân và bàn lên phía trần nhà, hướng về đầu gối.
– Khi co cơ bắp đùi, nhờ người kéo thẳng chân ra, nâng cao gót chân đồng thời ấn đầu gối xuống.
– Khi co cơ xương sườn, nên hít thở sâu để thư giãn cơ hoành đồng thời xoa bóp nhẹ các bắp thịt quanh ngực.
– Tắm nước nóng để thư giãn bắp thịt.
– Thong thả đạp xe đạp chừng dăm phút trước khi đi ngủ.
Nhiều kinh nghiệm cho hay đặt một cái chăn ở cuối chân giường để các ngón và bàn chân khỏi chúi xuống trong khi ngủ. Lý do là khi bàn chân chúi xuống quá lâu sẽ làm căng thẳng bắp chuối.
Có người nói để một cục xà bông dưới khăn phủ giường để tránh chuột rút. Xin Catherine và quý thân hữu áp dụng thử coi và “công bố” kết quả cho bà con biết mà làm theo.
Bác sĩ thường điều trị với các dược phẩm Quinine sulfate và được coi như khá công hiệu để chữa chuột rút, nhưng có nhiều tác dụng ngoại ý không tốt (ù tai, rối loạn thị giác, chóng mặt, buồn nôn, giảm tiểu cầu, rối loạn nhịp tim), cho nên cần được sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ khi dùng. Vì lẽ đó, từ năm 1995, Cơ quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ cấm bán tự do các loại thuốc bổ (tonic) có chất Quinine. Ðang có thai, bệnh thận, bệnh tim không được dùng Quinine.
Dược phẩm có hoạt chất diphenhydramine hydrochloride (benadryl), sinh tố E, thuốc thư giãn cơ (equanil, miltown), veramil hydrochloride (Calan, Isoptin, Verelan), chloroquine phosphate (Aralen Phosphate) và hydroxychloroquine sulfate (Plaquemil sulfate) cũng có đôi chút công hiệu.
Phòng ngừa
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, cho nên xin hiến vài mẹo vặt để phòng tránh:
– Uống nước đầy đủ. Liên hệ nhân quả giữa thiếu nước và chuột rút chưa được biết rõ, nhưng khi cơ thể thiếu nước thì chuột rút xảy ra. Vì thế, cần uống nước đầy đủ trước, trong khi và sau khi tập luyện cơ thể và trước khi đi ngủ buổi tối.
– Thư giãn cơ bắp trước và sau mỗi lần vận động cơ thể.
– Tập vươn duỗi chân mỗi buổi sáng, trước khi ăn và trước khi đi ngủ vào buổi tối theo cách sau đây:
. Ðứng thẳng cách xa tường 15 cm, gót chân chạm đất
. Giữ gót chân chạm mặt đất, ngả mình về phía trước, hai bàn tay chống lên tường
. Ðẩy hai bàn tay lên trên, giống như lau tường, càng cao càng tốt
. Giữ nguyên vị trí trong 30 giây, rồi buông tay xuống, thư giãn.
Nhắc lại các động tác trên năm lần.
. Khi ngồi, co bàn chân về phía đầu gối càng cao càng tốt. Làm như vậy để máu dễ dàng lưu thông ở bắp chuối.
Trước khi vận động cơ thể, nên dành mươi phút “hâm nóng” toàn thân và “vươn duỗi” cơ bắp để tránh chuột rút.
Hy vọng những ý kiến trên đây sẽ giúp Catherine cũng như độc giả tuần báo Trẻ khắp nơi có thêm hiểu biết về chứng Vọp Bẻ, mà tiếng Anh gọi là Muscles Cramps.
Chào bác sĩ
Năm nay tôi 65 tuổi sức khỏe tốt nhờ tôi đã chạy bộ được gần 30 năm nay. Gần đây, tôi bị đau ở đầu gối, không trầm trọng lắm cho nên tôi không uống thuốc gì cả. Xin bác sĩ cho biết là chuyện gì sẽ xảy ra cho đầu gối của tôi nếu tôi tiếp tục chạy 10 mile mỗi ngày như vậy?
Cảm ơn bác sĩ – Trương Thìn
Đáp
Chào ông Trương Thìn
Tôi thấy có rất nhiều người ở tuổi ông vẫn chạy bộ là vì họ nghĩ là chạy như vậy sẽ duy trì được sức khỏe tốt. Nhưng thực ra cũng có nhiều người trong nhóm này phải trả một cái giá hơi đắt. Lý do là nếu tiếp tục chạy như vậy sẽ rơi vào rủi ro bị bệnh viêm xương khớp hoặc các bệnh khác của khớp. Vì họ quên rằng, không cần phải chạy 10 mile mỗi ngày mới duy trì được sức khỏe, và xương khớp con người cũng hư hao với thời gian. Các nhà chuyên môn về sức khỏe đều đồng ý với nhau là đi bộ khoảng ½ giờ với tốc độ nhanh, ba hoặc bốn lần trong một tuần lễ là đủ và có tác dụng tốt cho trái tim rồi. Vì, tiếp tục chạy như vậy thì khớp của ông sẽ có thể bị hiện tượng tả tơi hao mòn, đưa tới viêm đau khớp đầu gối. Ông đã chạy hơn 30 năm rồi mà bây giờ ông cảm thấy hơi đau đầu gối thì đó là báo hiệu hậu quả của 30 năm chạy bộ.
Tôi đề nghị với ông là nên suy nghĩ lại, liệu có nên chạy bộ tiếp hay không và cũng nên tới bác sĩ gia đình để xin khám bệnh, chụp X-quang đầu gối, để coi xem xương khớp, dây chằng… ra sao. Vì nếu chẳng may mà khớp đã bắt đầu tả tơi hư hao thì, bệnh viêm xương khớp cũng đang trên đường tới thăm ông rồi đó.
Xin ông “bảo trọng”
NYD