Năm nào cũng thế, dẫu có bận rộn thế nào đi chăng nữa, gia đình chúng tôi cũng vẫn cố gắng thu xếp để tham dự buổi tưởng niệm 30/04. Riêng với tôi thì sự tưởng niệm không hẳn, như người ta nói, “ôm mãi một quá khứ đau buồn”, mà là những giây phút hướng lòng về với Quê Hương, cũng như thắp lên một nén hương, một ngọn nến cho những người đã không may mắn đến được bến bờ tự do.
Theo thông lệ thì mỗi địa phương đều tổ chức tưởng niệm. Nội dung và hình thức ra sao cũng tùy thuộc ban tổ chức. Tuy nhiên, năm nay đặc biệt hơn mọi năm, vì chúng tôi sẽ đến khu vực của tượng đài thuyền nhân Hoa Biển để thắp lên một nén hương tưởng niệm.

Tuy Na Uy đã vào xuân nhưng khí trời vẫn còn rất lạnh. Những cơn gió biển cuộn về làm buốt cả không gian. Những khuôn mặt nhìn nhau, vừa quen vừa lạ. Nhưng quen hay lạ gì thì cũng là những thân phận lưu vong, nên sự đồng cảm hiện lên trong ánh mắt.
Sau khi chào quốc kỳ và đọc điếu văn, 39 ngọn nến được thắp lên tượng chưng cho 39 năm mất nước. Tôi bảo với thằng bé:
– Con mang con gấu bông ra để chỗ bia đá đi.
Nó ngần ngại:
– Mẹ để đi.
– Con để mới đúng, vì con là… trẻ con.
Thằng bé năm nay đã lớn hẳn, nên thường hay mắc cở hơn xưa. Hiện giờ, những việc mẹ nhờ làm phải có sức thuyết phục thì mới chịu làm, không như xưa mẹ bảo gì là mau mắn làm ngay. Nó hỏi:
– Sao người ta để hoa, để nến, mà con lại phải để gấu?
– Con biết tại sao không?
Nó lắc đầu. Đôi khi tôi không nắm chắc được phần thông hiểu tiếng Việt của thằng bé, nên không biết rõ nó hiểu được bao nhiêu phần trăm khi tôi giải thích bằng tiếng Việt. Vì thế nên có khi tôi phải giải thích bằng tiếng Na Uy, hoặc pha trộn cả hai ngôn ngữ. Tôi hỏi nó bằng tiếng Na Uy, xin tạm dịch:
– Nếu con được tặng quà, thì con mong món quà đó sẽ là một cánh hoa hay một con gấu bông?
Nó không ngần ngại trả lời:
– Con gấu bông!
– Vậy thì con hãy nghe lời mẹ, mang con gấu bông này đến chỗ bia đá kia, vì những người đã chết trên biển khi xưa, không phải chỉ toàn người lớn, mà còn có rất nhiều rất nhiều trẻ con.
Nó im lặng! Hình như nó đã hiểu hơn. Nó nhìn xung quanh thì chỉ thấy toàn người lớn. Họ đang bận rộn thắp sáng những ngọn nến quanh tấm bia. Xa xa có một vài đứa bé, bé hơn nó nhiều. Nó cầm con gấu, lẳng lặng đến bên tấm bia, để xuống. Con gấu bông của nó thật ngây ngô với chiếc áo vàng ba sọc, trông thật lẻ loi, như những vong linh của những đứa trẻ con lạc lõng.
Tôi mỉm cười và đặt tay lên vai thằng bé:
– Chắc chắn rằng những đứa bé đã chết trên biển kia sẽ rất vui mừng khi nhận được gấu bông con tặng.

Na Uy