Menu Close

Xem tranh

alt

Trước khi bàn về vấn đề thưởng thức một bức tranh, có vài câu chuyện khá lý thú như sau:

 Bà Đệ nhất Phu nhân của một nước đứng đầu khối Đông Âu Cộng sản cũ, theo phái đoàn thăm chính thức nước Pháp, rất yêu tranh và đã chọn nhà danh họa hiện đại là Họa sĩ trừu tượng Pierre Soulages để viếng thăm và xem tranh. Sau khi đi hết phòng tranh, bà dừng lại trước một tác phẩm trừu tượng toàn mầu đen (mầu chủ yếu của Soulages) và bắt đầu nói cảm tưởng về bức tranh. Bà mô tả bức tranh vẽ về một ô cửa sổ mở ra đêm tối, nét trắng mỏng kia là đường xẹt của một vì sao băng, khối đen này là hình bóng người nghệ sĩ cô đơn, vân vân… Khi bà khách quyền quý ấy đã thôi thao thao bất tuyệt về tác phẩm vừa xem, nhà danh họa người Pháp chỉ còn biết nói một câu: “Bà đã cho bức tranh của tôi một câu chuyện mà tôi không hề nghĩ ra!”

 Câu chuyện thứ hai về một người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn chơi tranh Thủy mặc, đã đố một họa sĩ có tiếng ở Sài Gòn chỉ ra đâu là bức tranh thật và đâu là bức tranh giả, khi ông đưa ra 2 bức thủy mặc vẽ trên giấy xuyến chỉ cùng một đề tài và có cùng triện đỏ cũng như chữ ký của tác giả. Người họa sĩ nổi tiếng kia đã chọn bức có nét vẽ tinh vi và mầu sắc điệu nghệ hơn là bức thật, nhưng người chủ của 2 bức tranh ấy đã cho một kết quả ngược lại. Bức được vẽ công phu hơn là một bức tranh chép!

 Một câu chuyện khác được trích ra từ hồi ký của bà Hillary Clinton kể lại với những lời lẽ đầy thán phục về Bill Clinton, lúc còn là chàng sinh viên luật khoa thuộc đại học Yale, trong cuốn hồi ký: Living History. Có đoạn hồi ký ngắn nhưng là một yếu tố có giá trị như chiếc chìa khoá định mệnh mở toang cánh cửa của trái tim Hillary – một nữ sinh viên luật tuyệt vời cả về nhan sắc, văn hoá và nhân cách. Hillary kể rằng: “Sau khi ghi danh vào đại học Yale, 1970, cả hai chúng tôi đều muốn xem triển lãm Mark Rothko – một họa sĩ trừu tượng người Mỹ gốc Latvia (1903-1970) tại viện bảo tàng nghệ thuật của đại học Yale.  Đi từ phòng tranh này đến phòng tranh khác, Bill nói về Rothko và hội họa thế kỷ 20, am tường một cách đầy thú vị mà thoạt tiên có vẻ không hợp với vẻ bề ngoài rất ngầu của một chàng “Viking” gốc Arkansas. Kiến thức về nghệ thuật của Bill đã như một giọt nước tràn ly, sau khi rời phòng tranh, không về nhà vội, tôi đến ngồi trên chiếc đùi khổng lồ của pho tượng Draped seated woman của nhà điêu khắc đương đại lừng danh thế giới Henry Moore để cùng Bill tiếp tục trò chuyện đến tối…” Chi tiết này có thể vô giá trị với nhiều người Việt ngày nay, những cuộc tình của giới trẻ bây giờ không cần đến “giọt nước tràn ly” như cách của Bill Clinton, họ không có nhu cầu này trong cuộc sống. Những người giàu có mới của chúng ta cũng không thấy cần phải đi xem tranh. Họ có đủ mọi thứ đắt tiền trên đời trừ những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Điều này không phải lỗi tại họ, khi nền giáo dục vẫn còn phải tiếp tục sửa đổi để trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức văn hoá phù hợp với xu thế và tiêu chuẩn của thời đại.

alt

Trang bị kiến thức về hội họaNGUỒN HUFFINGTONPOST.COM

Qua những câu chuyện trên, xem tranh là một điều khó khăn không chỉ riêng cho người ngoài nghề, nó không chỉ là một trong những hoạt động văn hoá giải trí có ý nghĩa nhất mà còn quan trọng hơn là một tiến trình phát triển những giá trị sống của con người.
Vậy làm thế nào để có thể thưởng thức được các tác phẩm một cách thú vị? Về cơ bản, chúng ta có 3 giai đoạn cho việc xem tranh: trước khi xem tranh, đối điện với các tác phẩm, sau khi rời bức tranh.

– Giai đoạn trước khi xem tranh

Đây là bước chuẩn bị quan trọng để chúng ta có thể cảm nhận được giá trị của một tác phẩm nghệ thuật. Điều đầu tiên bạn cần phải trang bị kiến thức về: Lịch sử mỹ thuật Việt Nam và Thế giới. Tiếp theo là kiến thức chuyên môn. Tại sao phải như vậy? Là bởi nhờ có những kiến thức ấy, bạn sẽ hiểu được bạn đang đứng trước một tác phẩm nghệ thuật thuộc trường phái nào: cổ điển, hiện đại hay đương đại; tranh sơn dầu, bột màu, thủy thái trên giấy hay trên lụa; sơn amì, acrylic hay chất liệu tổng hợp; chất lượng chuyên môn của tác phẩm ấy cao hay thấp, giả hay thật; tâm hồn của tác giả ấy mạnh mẽ hay nhẹ nhàng, sâu sắc hay nông cạn… Và nhờ tiếp cận sâu với nghệ thuật, bạn ngày càng khám phá thế giới kỳ ảo nhất của nghệ thuật đã hàng ngàn năm làm thăng hoa đời sống tinh thần của con người. Ngoài ra, bạn còn có thể trở nên những nhà sưu tập, nâng cao hiểu biết nghệ thuật và giúp phần giữ lại những tác phẩm quý của nghệ sĩ Việt Nam.

alt

Tự họa – Trịnh Cung

Để thực hiện được bước đi đầu tiên này, bạn hãy tìm mua vài cuốn sách về mỹ thuật Việt Nam và Thế giới để đọc dần, tìm hiểu các tác phẩm của những danh họa. Sau đó, bạn cần giao tiếp với một số họa sĩ ngay tại phòng triển lãm của họ hoặc đến thăm xưởng vẽ để tận mắt thấy công việc và nghe những ý kiến của họ về mỹ thuật. Nên đi xem tranh để tiếp xúc trực tiếp với nghệ thuật, nhờ đó cảm giác thẩm mỹ được phát triển và cập nhật được sự thay đổi sáng tạo và hiểu được những lý do hình thành của tác phẩm.

– Giai đoạn đối diện với tác phẩm

Trước khi bàn về việc làm thế nào để cảm thụ tác phẩm hội họa, bạn nên áp dụng một số điều cần thiết cho việc xem tranh như sau:

1. Dù là tranh sơn dầu hay bột mầu, tranh lụa hay sơn mài, bạn không nên đứng quá gần bức tranh. Khoảng cách giữa người xem và bức tranh ít nhất phải bằng chiều rộng nhất của bức tranh. Tại sao như vậy? – Vì với khoảng cách đó tầm mắt bạn mới nhìn được toàn diện bức tranh, không có chi tiết nào của tác phẩm bị nằm ngoài tầm mắt bạn. Chỉ nên đến thật gần khi bạn muốn thấy thật rõ một chi tiết nào đó của bức vẽ.

alt

Cathedral in moon – Đinh Cường

2. Tuyệt đối bạn không được sờ vào mặt bức vẽ dù bạn bị lôi cuốn bởi cách vẽ của họa sĩ. Vì mồ hôi hoặc vết bẩn của tay bạn sẽ làm hỏng mầu vẽ của bức tranh dù nó là mầu sơn dầu. Chính vì thế mà những loại tranh vẽ trên giấy bằng mầu nước, bột mầu, chì mầu, phấn tiên, đều phải được phủ một lớp “fixatif” để bảo vệ mầu không bị lem khi gặp nước. Dù thật là khó chịu khi bạn không được sờ vào tác phẩm đang tạo ra trong bạn sự ngạc nhiên hoặc tò mò, nhưng vì tác phẩm nghệ thuật là một tài sản tinh thần được người nghệ sĩ sáng tạo ra nên việc bảo vệ là nguyên tắc chung trên toàn thế giới.

3. Bạn không được dùng máy ảnh có đèn flash để chụp tranh trong các viện bảo tàng mỹ thuật (quốc tế), bạn sẽ bị từ chối bởi những người bảo vệ vì ánh sáng đèn flash sẽ làm hỏng mầu sắc của bức tranh đã có nhiều tuổi thọ.

4. Bạn nên có một số thông tin về tác giả như: tiểu sử, khuynh hướng hội họa, quan niệm nghệ thuật, quá trình sáng tác,… để việc xem tranh của bạn được nhiều gợi mở hơn.

alt

Và như thế, bạn bắt đầu ung dung cho việc xem tranh.

Điều nên tránh khi đứng trước các tác phẩm nghệ thuật thuộc loại mới, khó hiểu, bạn đừng vội đặt ra câu hỏi như: họa sĩ vẽ cái gì vậy, hoặc ý nghĩa của bức tranh này là gì, sao tôi chẳng hiểu gì cả… Khi bạn đứng trước các tác phẩm mỹ thuật hiện đại hay đương đại, hãy bắt đầu bằng sự dạo chơi qua khắp các bức tranh rồi chỉ nên dừng lại trước một bức mà bạn cảm thấy níu chân mình. Đây là cảm giác thực sự của cuộc trò chuyện đầu tiên giữa người xem và tác phẩm. Cuộc trò chuyện ấy sẽ được phát triển bằng chiếc chìa khoá của kiến thức Lịch sử Mỹ thuật và chuyên môn mà bạn đã có. Đó là: phong cách của tác phẩm này của ai; hình thức hội họa thuộc về trường phái nào; vẻ đẹp của chất liệu; sự chặt chẽ của bố cục, nhịp điệu của đường nét, một bảng màu êm đềm hay một tương phản dữ dội, sự kỳ diệu của ánh sáng… Và bạn sẽ khám phá ra cá tính, tâm tình của tác giả. Sau cùng là bạn biết nhận ra bút pháp hay còn gọi là phong cách của từng tác giả. Sự khám phá cái đẹp của nghệ thuật hiện đại và đương đại là một cuộc phiêu lưu không ngừng để đến được những hành tinh tâm tưởng của con người. Nó hoàn toàn khác khi chúng ta đứng trước những tác phẩm hiện thực. Vì thế, không bao giờ có câu trả lời ngay lập tức về những gì mà bạn muốn hiểu khi lần đầu đối diện với bức tranh.

– Giai đoạn sau khi rời bức tranh

Hãy kéo dài cuộc thưởng thức bằng hồi tưởng và đặt ra những câu hỏi, rồi trở lại nhiều lần để tiếp tục khám phá. Muốn có được những hiểu biết trọn vẹn, bạn có thể trao đổi những cảm nghĩ với bạn bè cùng sở thích hoặc với những nhà bình luận nghệ thuật hay với những họa sĩ…Và chính bạn sẽ tự tìm ra lời giải đáp sau cùng cho những câu hỏi của mình.

Vì lợi ích của chính bạn và cũng vì lợi ích của các thế hệ trẻ người Việt sau này. Hãy đi và chắc chắn bạn sẽ đến.

alt

Trở lại nhiều lần để tiếp tục khám phá . NGUỒN LIFESTYLE.INQUIRER.NET

TC – 11/2007