
Loạt bút ký về một miền đất mang tên Africa.
Kinh ngạc. Mới lạ. Bất thường. Mê hoặc. Nơi thách thức sự sống của bầy thú rừng hoang dã. Và mang đến làn gió cho sự tưởng tượng của ống kính.
Điện thoại không sóng. Internet không tồn tại. Và thế giới hiện đại chỉ bắt đầu trên bốn chiếc bánh xe off road dọc ngang giữa bạt ngàn…
Khi loài thú hoang…
Tôi thức giấc. Căn lều ngộp giữa bóng đêm im. Ngọn đèn măng -xông đã ngúm tự bao giờ chẳng rõ. Đêm đầu tiên giữa chốn hoang lâm, dư âm giọng gầm thống thiết của bầy sư tử vẫn còn đầy ám ảnh. Có lẽ, nỗi mỏi mệt đã làm tôi đuối sức để không ngủ với cơn mơ. Tôi im lìm đối thoại với bóng đêm, giác quan vẫn từ bi với những thanh âm nổi loạn của lũ kỳ đà Châu Phi đang rần rã ma- ra -thon trên vách lều. Tay Andy, chốc chốc lại gióng giọng ở quãng âm cao. Giữa cơn thiu ngủ, tôi rất có thể đã ngộ nhận với tiếng gầm của sư tử!

Tôi vẫn hằng mơ về một buổi bình minh trên xứ sở Châu Phi
Tôi thức trước cái alarm, ngạc nhiên vì chẳng thể dỗ lại giấc ngủ lưng chừng. Nửa giờ đồng hồ răm rắp hành trang, gã gác rừng đón chúng tôi trước cửa lều bằng lời chào buổi sáng. Hai lãng tử bám bước theo cái dáng lênh khênh của gã vệ sĩ. Benjamin, cái tên được “hiện đại hóa” để dễ gọi.
“Bầy Linh Cẩu Đốm vùng rừng này thường lảng vảng quanh lều suốt đêm, đôi khi chúng còn tấn công cả người. Và khi hợp sức thì thành một lực lượng đáng sợ. Nếu thiếu những lưỡi mác này thì ông bà khó có thể chợp mắt được đấy!” Gã vệ sĩ, giương cao lưỡi mác như xác định.
Một cảnh tượng rực rỡ tuyệt đẹp trên trái đất, là bình minh ở xứ sở Châu Phi. Khi ánh mặt trời trườn lên khắp đồng cỏ, cả một quần thể hoang dã đang chực thức dậy trong một ngày say mê khác…
Một loài luôn thức dậy sớm nhất để kiếm ăn, đó là loài Linh Cẩu Đốm (Hyena). Loài thú mà những gã vệ sĩ thổ dân vẫn hàng đêm xua đuổi bằng những lưỡi mác sáng loáng. Tôi thậm ghét cái giọng cười nhăn nhở, và cả tiếng tru man dị giữa đêm của lũ chó hoang này.

Selfie trên chiếc 4×4 off road
Chiếc Bốn nhân Bốn off road khởi động trên đoạn đường rừng gập ghềnh. Cái đầu tôi say hello với trần xe, đau điếng.
“African massage”, gã tài xế Domi, ngoái nhìn tôi bằng cái nháy mắt hóm hỉnh.
“Nhớ đừng ngồi gần cửa sổ, coi chừng dập mặt.” Bà Elizabeth, vẻ như rất cẩn trọng và đầy trải nghiệm với những cú “Tẩm quất Châu Phi” điếng người này. Cái lối phát âm thuần âm ngữ Ănglê của bà luôn gợi sự liên tưởng đến nhân vật “bà sếp M.” của tay điệp viên 007. Bà Elizabeth, điệu đà xòe bàn tay năm ngón để diễn đạt số lần thăm viếng lục địa đen. Chỉ 8 tiếng đường bay từ Anh Quốc, dân Ănglê ghé Africa như đi chợ.
Chiếc off road không cửa sổ an toàn, tênh hênh gió. Mấy lớp áo vẫn cảm giác phong phanh, “Tưởng Africa chỉ như cái chảo lửa!” Tôi lầm bầm. Xe lướt gió. Mênh mang một đồi Gazelle đang gặm cỏ.
“Những con Gazelle ở đây còm cõi quá!” Bà Ellizabeth nhận xét, mắt dán theo những cái mũi đang chúi xuống đám cỏ lơ thơ.
Giọng Domi trên máy liên lạc với cái đuôi sam – chiếc off road đồng hành đang rẽ sang hướng khác.

Gazelle, loài thú đặc trưng ở Africa
“Sư tử bờm đang ở gần đây.” Sau cái cúp máy, gã tài xế bẻ lái, tăng tốc độ.
Bùm! Bùm! Bùm! Tôi ôm cái nòng kính như ôm đứa con trong lòng, điếng người với cú đập mạnh của cái ống kính vào cằm. Sư tử bờm hay “không bờm”, vẫn khó xuất hiện bầy đàn như trong những cuốn phim tư liệu về Africa. Những tay quay phim thú hoang dã, đã phải lầy lội hàng ngàn giờ để săn tìm từng thước phim quý giá này.
“Voi là súp, nhưng ‘sư tử bờm’ thì càng không dễ thấy được.” Vẻ mặt Domi như đang nén những u sầu.
May mắn không ngẫu nhiên và là tất nhiên, nó ẩn giấu trong tính kiên trì. Domi đang bày một keo khác. “Ông vua con đây rồi!” Gã la lớn.
Trên mô đất, một bộ dạng lu thu vừa như rụt rè, vừa mang vẻ hoảng sợ của một chú sư tử con. Một cái chỏm đầu cỏn con khác thì đang lấp ló giữa rừng cỏ sậy.

“Ở nhà một mình” không “fun” chút nào! Những chú sư tử con này luôn phải đối diện với những hiểm nguy rình rập
“Ah, là Simba đây mà!” Tôi khoái chí nhắc lại cái tên của chú sư tử con Simba, “ông vua con” của Mufasa-vị vua thống trị thế giới hoang dã Africa trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng The Lion King.
“Nhưng sao chúng lại bơ vơ ở đây?” Tôi chú tâm vào những đôi mắt thú con đầy biểu cảm sinh động. Chẳng chút dữ tợn, hệt như một lũ chó con kháu khỉnh. Domi thành thạo như bàn tay, “Cha mẹ chúng phải đi săn mồi suốt đêm. Đó là một đại gia đình, với 22 thành viên. Sư tử là loài vật rất bầy đàn và sống trong niềm kiêu hãnh. Chúng lớn lên cùng nhau và tạo nên một gia đình vô cùng gần gũi, những bầy đàn rất thân thiết.”
“ Nhưng, ‘lũ trẻ’ sẽ bị những loài thú dữ khác xơi mất trước khi cha mẹ chúng tìm thấy?” Tôi bất chợt xốn xang nỗi thương cảm.
Domi rải chất giọng pha thổ ngữ Swahili, “Mấy chú sư tử con này chỉ mới 3 tháng tuổi. Tội nghiệp, chúng sẽ rất dễ bị tấn công bởi lũ Linh Cẩu Đốm, rắn, đại bàng và cả báo Cheetah; có khi lại là những tên sư tử cùng loài. Nên chúng thường dựa vào mẹ để tồn tại.”
Sự tồn tại là cuộc mặc cả lạ lùng. Có cần không, một bản tuyên ngôn dành cho… động vật? Tôi cảm giác bụi xốn trong mắt, “Rồi cha mẹ chúng sẽ về tìm con, phải không?”

Sớm, trên một mô đất nhỏ, chú sư tử “Simba” này đang mong ngóng mẹ về.
“Chúng sẽ về tìm con, đó là bản năng bẩm sinh của loài vật mà.” Domi cười lớn.
Can đảm là đức hạnh số một của những chàng vệ sĩ này. Lưỡi mác, dao găm, trùy… Sắc phục thổ dân, đỏ đến nhức mắt. “Lũ thú dữ cực kỳ dị ứng với sắc đỏ. Và đây là những chiếc áo… giáp, an toàn nhất.” Gã vệ sĩ vừa giải thích, vừa vịn tay vào một cành cây để làm dáng.
“Nữ tính quá, cá tính và ngầu ngầu một chút đi!” Tôi “đạo diễn” trước khi click máy.
Gã thổ dân giương cao cái lưỡi mác, khoe thêm cái trùy, “Công dụng hả? Đã từng đánh vỡ sọ vài con Linh Cẩu Đốm.”
Trở về lều, trốn cơn nắng trưa như thiêu đốt. Cơn nóng ngột ngạt. Tôi nằm ngóng từng ngọn gió rừng. Cái dáng to lớn của một con kỳ đà, bỗng mập mờ trên lớp phông lều. Tôi bật dậy, nghe tiếng mình thảng thốt, “Nó không ở ngoài lều, nó ở TRONG.” Andy đang chùi bụi mấy cái ống kính, nhìn tôi cà rỡn, “Sư tử không sợ mà đi sợ con thằn lằn Châu Phi à?”

Chân dung của gã vệ sĩ thổ dân Benjamin qua ống kính của Đặng Mỹ Hạnh
“Nó là kỳ đà… voi, không phải thằn lằn.” Tôi cáu kỉnh. Trong tình thế nguy cấp, sự liều lĩnh có đôi khi thay thế cả sự khôn ngoan! Nửa giờ trôi tuột với gậy gộc và khủng bố, con kỳ đà voi vẫn chơi trò ú tim đáng ghét.
“Nó đã chui vào bằng cái lỗ nào?” Tôi nằm soài trên sàn đất., thở dốc.
Văng văng âm điệu của Pink Floyd. Tôi dỏng tai nhẩm theo lời nhạc Comfortably Numb,“ Lạ, mấy gã thổ dân này mà cũng nghe nhạc Pink Floyd à?”
Andy đưa cái nhìn trêu chọc về hướng tôi,“Văn minh không hiện diện ở cái xó xỉnh rừng rú này. Có thể là từ cái iPad của gã Yohan cạnh lều.” Năng lượng từ mặt trời chỉ cung cấp “đủ tiêu chuẩn” cho máy sạc pin, đèn măng- xông… Khứa Yohan này xài sang. Tôi lầm thầm.
Gã “Vệ sĩ Benjamin” hộ tống hai lãng tử ra xe. Hình ảnh con kỳ đà vẫn dai dẳng đến ngoan cố, tôi như nài nỉ, “Một con kỳ đà quái… kiệt đang cư ngụ bất hợp pháp trong lều chúng tôi, anh làm ơn đuổi giùm nhé!”
“Hakuna Matata!” Đừng lo chi! Thuật ngữ Swahili có nghĩa là “no worries.” Gã vệ sĩ đặt bàn tay đáng tin cậy lên vai tôi, nụ cười lấp đầy nỗi trấn an.
Tài xế Domi nhấn ga, vượt lên con đường rừng trước mặt. Chiều dần uống cạn nắng. Hoàng hôn sóng sánh màu hổ phách…