Daniil Kharms (1905-1942) (tên thật là Daniil Ivanovich Yuvachev) là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch người Nga, sinh ra tại St. Petersburg.
Từ năm 1924, Daniil Kharms bỏ trường đại học và dấn thân vào văn chương. Năm 1928, ông sáng lập nhóm OBERIU (Hiệp Hội Nghệ Thuật Thực Sự) với các thành viên là những nghệ sĩ tiền vệ triệt để. Chế độ Stalin không chấp nhận nghệ thuật của nhóm này, nên đã bắt nhốt Daniil Kharms vào năm 1931 và đày ông từ St. Petersburg đến Kursk. Năm 1932, ông được thả trở về St. Petersburg và vừa viết vừa sống nghèo đói lây lất cho đến khi bị bắt lần cuối cùng vào năm 1941. Họ nhốt ông trong trại tâm thần của nhà giam Leningrad số 1, và ông chết ở đó vào ngày 2 tháng 2 năm 1942, vì đói.

Daniil Kharms
Nhà văn George Saunders nhận định: “Kharms nằm trong cùng một tủ sách với Tolstoy, Chekhov, và Babel… như một trong những nhà tiền phong vĩ đại của truyện ngắn đương đại. Trong thể loại này, truyện ngắn của ông sẽ là những tác phẩm ngắn gọn nhất, khôi hài nhất, và ở những phương diện nào đó, trung thực nhất… Truyện ngắn của ông gần như không có hình hài, nhưng vừa bạo động, buồn bã, vừa khoái hoạt và kinh hoàng trong cùng một lúc.”
Pronin nói: “Em có đôi vớ dài thật đẹp.”
Irina Mazer nói: “Anh thích đôi vớ dài của em hả?”
Pronin nói: “Ồ vâng, thích lắm.” Và chàng đưa hai bàn tay ve vuốt đôi vớ dài của nàng.
Irina hỏi: “Tại sao anh thích đôi vớ dài của em?”
Pronin nói: “Nó thật là mịn.”
Irina vén váy lên và nói: “Anh có thấy nó dài lên đến đâu chưa?”
Pronin nói: “Ồ, vâng, vâng.”
Irina nói: “Nhưng nó dài lên đến đây là hết. Từ chỗ này trở lên chỉ còn cặp đùi trần.”
“Ôi, đùi của em!” Pronin nói.
“Em có cặp đùi tròn lắm,” Irina nói. “Và hai bên hông rất nở nang.”
“Cho anh xem đi,” Pronin nói.
“Không được đâu,” Irina nói. “Em không mặc quần lót.”
Pronin quỳ xuống trước nàng.
Irina hỏi: “Sao anh lại quỳ xuống?”
Pronin hôn cặp đùi nàng ngay phía trên ống vớ và nói: “Tại vì thế này đây.”
Irina nói: “Anh lại giở váy em lên cao thêm nữa làm gì thế? Em đã nói em không mặc quần lót mà.”
Nhưng Pronin vẫn giở váy nàng lên và nói: “Tốt thôi mà, tốt thôi mà.”
“Anh nói ‘tốt thôi mà’ nghĩa là gì?” Irina hỏi.
Ngay lúc ấy có người gõ cửa. Irina vội vã kéo váy xuống, và Pronin đứng dậy, bước đến cửa sổ.
“Ai đấy?” Irina hỏi xuyên qua cánh cửa.
“Mở cửa ra,” một giọng nghiêm trọng nói.
Irina mở cửa, và một người đàn ông trong chiếc áo choàng đen và đôi ủng cao bước vào phòng. Sau lưng gã là hai tên lính, đeo lon binh nhì, tay cầm súng trường, và sau lưng họ là lão gác cổng. Hai tên binh nhì đứng gần cửa, và người đàn ông trong chiếc áo choàng đen bước đến gần Irina Mazer, hỏi:
“Tên của cô?”
“Mazer,” Irina nói.
“Tên của anh?” người đàn ông trong chiếc áo choàng đen quay sang Pronin.
Pronin nói: “Tên tôi là Pronin.”
“Anh có mang súng không?” người đàn ông trong chiếc áo choàng đen hỏi.
“Không,” Pronin nói.
“Ngồi xuống đây,” người đàn ông trong chiếc áo choàng đen nói với Pronin, trỏ vào cái ghế.
Pronin ngồi xuống.
“Còn cô,” người đàn ông trong chiếc áo choàng đen nói, quay sang Irina, “cô mặc áo choàng vào. Cô sẽ phải đi với chúng tôi.”
“Tại sao?” Irina hỏi.
Người đàn ông trong chiếc áo choàng đen không trả lời.
“Tôi phải thay quần áo,” Irina nói.
“Không,” người đàn ông trong chiếc áo choàng đen nói.
“Nhưng tôi phải mặc thêm vài món y phục,” Irina nói.
“Không,” người đàn ông trong chiếc áo choàng đen nói.
Irina khoác áo choàng lông trong im lặng.
“Tạm biệt,” nàng nói với Pronin.
“Cấm nói,” người đàn ông trong chiếc áo choàng đen nói.
“Tôi cũng phải đi với ông?” Pronin hỏi.
“Đúng,” người đàn ông trong chiếc áo choàng đen nói. “Mặc quần áo vào.”
Pronin đứng dậy, lấy áo choàng và mũ từ cái móc treo áo, và nói: “Vâng, tôi đã sẵn sàng.”
“Đi,” người đàn ông trong chiếc áo choàng đen nói.
Hai tên binh nhì và lão gác cổng bước đi, nện gót uỳnh uỵch lên sàn nhà.
Tất cả đi ra trước hiên.
Người đàn ông trong chiếc áo choàng đen đóng cửa phòng Irina và khằn lại bằng hai con niêm màu nâu.
“Đi nào,” gã nói.
Và cả bọn họ rời khỏi căn hộ, đóng mạnh cánh cửa bên ngoài đánh sầm một tiếng.
Hoàng Ngọc-Tuấn
Nguồn website tienve.org