Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, hiện sống tại Sài Gòn, một lần nữa được đề cử Giải Nobel Hòa Bình 2014. Ông là một nhà bất đồng chánh kiến lừng danh nhiều thập niên qua.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế tiếp kiến Đại sứ Hoa Kỳ David Shear tại tư gia ở Sài Gòn năm 2012.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế sanh năm 1942, thuộc lớp chuyên gia trẻ sau cùng do quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ưu tiên đầu tư đào tạo. Sau khi đỗ đạt, không ở lại ngoại quốc dù có nhiều chào mời hậu hĩnh, ông nhất quyết hồi hương vào năm 1974 vừa dạy học tại trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn vừa làm việc tại Nhà Thương Chợ Rẫy. Sau biến cố 30-4-1975, BS Quế nhiều lần chỉ trích chánh sách y tế bất công, chuộng “hồng hơn chuyên”, nên bị giáng chức rồi cô lập dần. Mấy thập niên tiếp theo, vì bất đồng chánh kiến, BS Quế ba lần bị nhà cầm quyền Hà Nội đày ải khổ sai tổng cộng trên 20 năm.
Thăm viếng tù nhân chánh trị Đinh Đăng Định và vợ (bìa trái/phải), từ trái sang có bác sĩ Nguyễn Đan Quế và vài gương mặt cổ súy cho dân chủ tại quốc nội hiện nay: Đinh Nhật Uy, Phạm Chí Dũng, và Phạm Bá Hải.
Vụ bắt bớ đầu tiên vào đầu năm 1978, sau chừng 2 năm BS Quế và một số chiến hữu đồng chí hướng lập Mặt Trận Dân Tộc Tiến Bộ, ra hai tờ báo chui “Vùng Dậy” và “Toàn Dân Vùng Dậy”. Gần 50 nhà ái quốc đã bị giam cầm cả thập niên tiếp theo, trong đó 5 người không bao giờ trở về. Sau khi ra tù, BS Quế lại thành lập Cao Trào Nhân Bản (1990), công bố “Lời Kêu Gọi” đòi đa nguyên chánh trị và tuyển cử tự do ngày 11-5-1990. Ông bị bắt trở lại chỉ sau một thời gian ngắn.
Trong thời gian tù đày cấm cố lần hai, năm 1994, Hoa Kỳ thời Tổng Thống Bill Clinton đã ra đạo luật chọn chính ngày 11-5 hằng năm làm Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam “Vietnam Human Rights Day” nhằm hậu thuẫn các nỗ lực tranh đấu bất bạo động tại VN. Năm 1998, BS Quế và một gương mặt tranh đấu lừng danh khác, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, được trả tự do. Sự kiện này từng gây xôn xao một thời. Lúc đó, khác GS Hoạt chấp nhận ra hải ngoại sống lưu vong, BS Quế vẫn chọn ở lại quê nhà.
Giải Nobel Hòa Bình là một trong năm giải thưởng nguyên thủy được vinh danh từ năm 1901. Trong di chúc của cha đẻ giải Nobel, nhà bác học người Thụy Điển Alfred Nobel, còn xác định các giải về Vật lý, Hóa học, Y học, và Văn chương. Đến năm 1968, người ta thêm giải Nobel Kinh tế học. Mỗi năm có hằng trăm cá nhân hoặc tổ chức khắp thế giới được tiến cử cho giải Nobel. Các sự tiến cử phải do những cá nhân hoặc tổ chức có thế giá và uy tín, như các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ, các giáo sư đại học, giới thẩm phán cao cấp, v.v…
Trong trường hợp Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, trước đây ông từng có vài lần được tiến cử cho giải Nobel Hòa Bình, lần cuối cùng khoảng giữa thập niên 2000. Lần này, chính danh ra mắt tái tiến cử BS Quế, ngoài một số nhà lập pháp Hoa Kỳ thuộc lưỡng đảng, còn có giới chánh khách Canada, đặc biệt Thượng nghị sĩ Canada gốc Việt Ngô Thanh Hải (thuộc Đảng Bảo thủ, đại diện cho tỉnh bang Ontario), cũng như nhiều tổ chức phi chánh phủ đang làm việc bảo vệ nhân quyền quanh thế giới.
Với cái tên Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, đây cũng không phải là lần đầu tiên người Việt hoặc nước Việt Nam từng xuất hiện quanh sự kiện giải Nobel. Cũng chính giải Nobel Hòa Bình này, năm 1973, đã được đồng ban tặng cho một tên tuổi cộng sản gộc và trùm thương thuyết gia của Bắc Việt tại Hòa Đàm Paris: Lê Đức Thọ. Trớ trêu, thời gian trên 40 năm đã chứng minh Hiệp Định Paris 1972 không hề mang lại hòa bình hay bình an thật sự cho người Việt.
Một cá nhân khác là Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Đệ Ngũ Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, cũng hơn một lần được tiến cử giải Nobel Hòa Bình. Năm 1981, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hợp Quốc UNHCR nhận giải Nobel Hòa Bình vì nỗ lực cứu giúp thuyền nhân Việt trên Biển Đông. Đặc biệt, mới gần đây, một khoa học gia người Việt khác là Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh cũng đã được đồng vinh danh giải Nobel Hòa Bình năm 2007, nhưng lại ít nhận được quan tâm. Có thể vì TS Ninh nhận giải Nobel Hòa Bình 2007 với tư cách một thành viên của Uỷ Ban Liên Chính Phủ, đã giúp biên soạn và phúc trình một công trình nghiên cứu đồ sộ dài 3,000 trang về vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, một đề tài có thể quyết định sự tồn vong của nhân loại.
Một lần Đại sứ Úc thăm Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ.
Người đầu tiên nhận giải Nobel Hòa Bình 1901 là một công dân Thụy Sĩ tên Jean Henry Dunant, nhà sáng lập ra Hội Hồng Thập Tự Thế Giới (cùng được vinh danh có Frédéric Passy, sáng lập viên và Chủ tịch đầu tiên của Hội Hòa Bình Pháp Quốc). Tiếp theo truyền thống này, Hội Hồng Thập Tự thêm vài lần nữa cũng đoạt giải Nobel Hòa Bình: 1917, 1945, và 1963. Năm 1999, tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới (Doctors Without Borders) cũng được vinh danh Nobel Hòa Bình.
Nếu được tặng thưởng Nobel Hòa Bình, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế sẽ được ghi danh cùng nhiều yếu nhân thế giới. Tổng Thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson (Nobel Hòa Bình 1920) với sáng kiến thành lập Hội Quốc Liên (League of Nations) tiền thân của Liên Hợp Quốc sau này. Vị Mục sư người Mỹ da đen Martin Luther King lãnh tụ phong trào dân quyền và bình đẳng được vinh danh năm 1964. Mẹ Thánh Teresa, sanh thời là một nữ tu Công Giáo nổi tiếng với các hoạt động nhân đạo, được tặng Nobel Hoa Kỳ 1979.
Hội Đồng Nobel lâu nay cũng từng nhiều lần trao tặng giải Nobel Hòa Bình cho các tổ chức hoặc cá nhân tranh đấu cho tự do dân chủ. Năm 1977 với tổ chức Ân Xá Quốc Tế. Năm 1975 với Andrei Sakharov, nhân vật hoạt động nhân quyền tại Nga sô cũ. Năm 1983 với Lech Walesa, thủ lãnh Công Đoàn Đoàn Kết, sau này trở thành Tổng Thống đầu tiên của xứ Ba Lan. Năm 2010 với Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) sau nhiều năm ròng rã tranh đấu cho nhân quyền tại Trung cộng. Và đặc biệt năm 1990 với Mikhail Gorbachev kết liễu cuộc Chiến Tranh Lạnh “Cold War”, và cũng là nhân vật đóng vai trò chánh yếu trong vụ giải thể Nga sô và chủ nghĩa cộng sản tại Âu Châu.
Tuy nhiên, ngay cả với Hội Đồng Nobel uy tín bậc nhất thế giới, mà cũng không ít lần họ sai sót. Trong số những nhân vật trọng yếu chưa từng được vinh danh Nobel Hòa Bình có cố Giáo Hoàng (và tân Hiển Thánh) John Paul II và lãnh tụ Ấn Độ Mahatma Gandhi. Đặc biệt trường hợp Gandhi là người chủ trương tranh đấu bất bạo động mà đã mang lại nền độc lập cho quốc gia Ấn. Mặc dù được đề cử nhiều lần: 1937, 1938, 1939, 1947, và chỉ vài tháng trước khi bị ám sát năm 1948, nhưng Mahatma Gandhi đã không bao giờ được trao giải.
Mahatma Gandhi – sai lầm lớn nhất của giám khảo giải Nobel Hòa Bình.
Chính Hội Đồng Nobel vào năm 2006 đã thừa nhận không vinh danh Mahatma Gandhi là “thiếu sót lớn nhất” trong lịch sử giải Nobel. Tên tuổi Gandhi đã thành huyền thoại, dù có hay không có Nobel, nhưng giải Nobel Hòa Bình vắng tên Gandhi là khiếm khuyết không bao giờ bù đắp được. Lỗi lầm này sâu đậm đến nỗi khi trao giải Nobel Hòa Bình 1989 cho Đức Dalai Lama, một trong những lý do Hội Đồng Nobel nêu ra là để nhằm tưởng nhớ đến tấm gương của Mahatma Gandhi.
Giải Nobel Hòa Bình 1989 Đức Dalai Lama (Tây Tạng) và Giải Nobel Hòa Bình 1991 Aung San Suu Kyi (Miến Điện) tại London năm 2012. Ảnh Jeremy Russell/OHHDL
Có thể nói Giải Nobel Hòa Bình khá tế nhị và dễ phát sinh tranh cãi. Các giải Nobel khác, như Vật lý, Hóa học, Y học, Kinh tế học, và thậm chí cả Văn chương thường sự lựa chọn dễ công tâm hơn, và đa phần các ứng cử viên thường chỉ được tiến cử sau vài thập kỷ với các đóng góp liên tục cho đời. Riêng giải Nobel Hòa Bình thường phụ thuộc vào những diễn biến chánh trị hoàn cầu ở một thời điểm nào đó. Lịch sử cũng không ít lần trớ trêu. Tổng Thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt vừa nhận Nobel 1906 thì liền sau đó tung Hải Quân Hoa Kỳ thẳng tay triệt hạ các cuộc nổi dậy của nghĩa quân Philippines (lúc đó Phi là thuộc địa của Hoa Kỳ). Ngay cả Adolf Hitler cũng từng được đề cử giải Nobel Hòa Bình năm 1939.
Năm nay, Hội Đồng Nobel sẽ công bố kết quả vào tháng 10, và lễ vinh danh chánh thức sẽ diễn ra trong tháng 12-2014. Dù kết quả thế nào, cũng sẽ có kẻ binh người chống. Dù BS Nguyễn Đan Quế chỉ mới ở giai đoạn tiến cử cho Nobel Hòa Bình, nhà cầm quyền Hà Nội — dễ hiểu — đã bực dọc và ra sức tấn công không ít. Số đông còn lại cách chung xem sự đề cử này là khích lệ cần thiết cho phong trào dân chủ khắp nơi.
Ban giám khảo giải Nobel Hòa Bình cũng lỡ… quên cố Giáo Hoàng John Paul II, vừa được Vatican tấn phong lên hàng Hiển Thánh.
TD