Menu Close

Kinh hoàng dịch sởi

Ở Việt Nam, sởi đang là đề tài thời sự, thu hút sự quan tâm của dư luận nhiều nhất hiện nay. Vốn chỉ là một bệnh được xếp vào hàng bệnh vặt, bệnh hiền nhưng chỉ bốn tháng qua, cả nước có 10,230 trường hợp sốt phát ban thì hết 3,647 trường hợp là sởi, cướp đi sinh mạng của 125 bệnh nhân, hầu hết là trẻ em, gây tâm lý lo lắng nhiều cho các bậc phụ huynh.

alt

Một phòng điều trị sởi của Bệnh viện Nhi

Sài Gòn, dù bị sởi tấn công mạnh, số trẻ vào Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tăng liên tục nhưng không có trẻ nào tử vong vì sởi. Trong khi, tại Hà Nội, hai trường học Phan Đình Phùng và Đống Đa đã phải tạm đóng cửa vì nhiều học sinh bị sởi. Số bệnh nhi (không ít ca nặng từ các tỉnh chuyển về) vào bệnh viện Nhi Trung Ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới rất đông.

Tại Bệnh viện Nhi Trung Ương – Hà Nội, một phóng viên bạn mô tả ngắn gọn: ‘Hai trẻ nằm chung một giường. Một trẻ vào viện ít nhất hai người nhà đi theo phục vụ. Trẻ nằm xếp lớp, ban mọc dầy, thở khó nhọc mê man, dây nhợ nối lằng nhằng, 50 máy thở không đủ cho các ca bệnh nặng. Có đứa sáng vào, chiều ‘đi’. Người mẹ xỉu lên xỉu xuống…’.

Một cụ già bán nước ngoài cổng bệnh viện Hà Nội, tỏ ra có nhiều kinh nghiệm, ‘Bệnh sởi rất hiền, chỉ mỗi tội hay lây. Nếu thấy trẻ sốt nóng, lừ đừ, quấy khóc, ho hen, phát ban đỏ trên mặt, trên cánh tay thì trăm phần trăm là bị sởi. Phải kiêng ra gió, không tắm, không gãi, chờ ban mọc xuống tới chân, độ một tuần, là dứt sốt. Tẩm bổ vài hôm sẽ khỏe lại bình thường, chả phải thuốc thang gì. Nhà con đàn, một đứa bị ban đỏ (sởi), những đứa còn lại hầu như bị hết. Bệnh vào mùa nào cũng có thể mắc, nhưng không đến nỗi nằm viện. Chết lại càng không’.

alt

Lý giải về hiện tượng bùng nổ của căn bệnh này, các giới chức ngành y Việt Nam đều quy lỗi cho việc lơ là tiêm phòng. Trên lý thuyết, nếu trẻ được tiêm phòng một lần thì 87% không mắc sởi. Tiêm thêm lần 2 thì tỷ lệ miễn dịch đạt tới 95%. Khốn nỗi, dạo gần đây, xuất hiện tình trạng trẻ tiêm ngừa hay bị đột tử khiến các bà mẹ sợ, không muốn đưa con đi tiêm phòng. Do vậy vào mùa hè nóng nực, cơ thể trẻ nhỏ vốn yếu ớt, ít sức đề kháng, dễ bị virus sởi tấn công. Vào bệnh viện cấp cứu, lại thiếu giường nằm, phải ghép chung hai ba trẻ một giường. Bệnh càng nặng thêm. Ngoài ra, do điều trị dài ngày trong bệnh viện, trẻ dễ ‘rước’ thêm những bệnh khác (gọi là lây chéo). Chính đây là nguyên nhân khiến bệnh sởi biến chuyển phức tạp, khó điều trị hơn và dễ tử vong hơn (tính tới ngày 15/4, bệnh viện Nhi T.Ư. có 25 ca chết trực tiếp vì sởi so với 80 ca chết vì biến chứng và lây chéo).

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện nhận định: ‘Năm 2010 cũng đã có dịch sởi nhưng không thể so sánh với mức độ bùng phát dữ dội năm nay’. Trước hàng loạt câu hỏi báo chí đặt ra: Cả nước phát sởi nhưng tại sao chỉ trẻ em Hà Nội, trẻ em Miền Bắc chết nhiều nhất. Tại sao chết nhiều mà vẫn không công bố dịch. Phải chăng Bộ Y Tế ‘giấu dịch’, đùn đẩy né tránh trách nhiệm? Người đứng đầu Bộ Y Tế vẫn chưa tìm được cách giải thích nào ‘nghe cho lọt tai’.

 ‘Bộ ta’ bắt đầu ‘chữa cháy’ bằng cách tổ chức tiêm ‘vét’ tận địa bàn thôn xã các tỉnh thành có lượng dân nhập cư đông, hay chuyển dịch, như Hà Nội, Sài Gòn, Bình Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng. Có mặt tại viện Pasteur – Sài Gòn, người viết ghi nhận cảnh các y tá, miệng bịt khẩu trang, tay này kim tiêm nhọn hoắt, tay kia miếng bông tẩm cồn. Một chị bế con nhỏ, vén áo chìa tay con. Mũi tiêm cắm vào thịt, đứa trẻ đau, khóc thét, ưỡn lên. Sau vài chục giây ‘đau như kiến cắn’, chị bế con đứng lên. Tiếng loa gọi tiếp, số 537, 537 đâu, có không? Dạ, dạ có!

Khi bài này đến tay bạn đọc, Sài Gòn vẫn đang ráo riết cho xe lưu động đi gọi loa, phát tờ rơi, gửi thư nhắc tiêm chủng.

alt

Phun thuốc khử trùng, tẩy uế một trường học ở Hà Nội nơi có học sinh bị bệnh sởi tuần qua

XH