Menu Close

VPAD trên đà phát triển (kỳ 91)

Thời gian trôi mau… mới đây mà Lớp Nhiếp Ảnh do tôi phụ trách đã tới lúc mãn khóa.

Thật sự, tất cả đã vượt sự  mong muốn của tôi, từ số người hưởng ứng, đến tinh thần đam mê nhiếp ảnh của những học viên. Nguyện ước ban đầu của tôi là đặt bước chân đầu tiên trên con đường dài cho những người thật sự mê nhiếp ảnh. Sự đòi hỏi duy nhất chỉ là đam mê, rồi những chuyện khác sẽ được lần lượt giải quyết! Việc khó nhất ban đầu là việc tổ chức và thu xếp.

 

alt

Andy Nguyễn và Lớp Nhiếp Ảnh đầu tiên ở Dallas.

Ngày khai giảng lớp học Nhiếp ảnh.  Tôi vẫn nhớ, là một ngày hiếm thấy ở Dallas – tuyết rơi trắng xóa, nhưng mọi người vẫn đến lớp đúng giờ, và mang theo cả máy ảnh. Một số người có máy ảnh hạng “pro”, quá tốt! Một số người có máy ảnh vừa đủ tiêu chuẩn; còn hai ba người  thì đang còn giữ máy ảnh… cũ. Cũng chẳng sao! Có vài người dù đã biết chụp nhưng vẫn muốn gia nhập lớp, vì họ thích không khí sinh hoạt với những người cùng sở thích, và để ôn lại những kỹ thuật hay.

Vì khóa học kéo dài chỉ gần hai tháng nên mỗi buổi học đều quan trọng. Và buổi học đầu tiên có thể là quan trọng nhất. Đối với những người chỉ từng mua máy ảnh về, rồi cứ để mode P (tự động) mà chụp, khi đã ngồi vào lớp thì có thể bỏ quên thói quen đó ngoài cửa; vì đây cũng là lúc trình độ nhiếp ảnh của họ được nâng một bậc cao hơn.

Không lâu sau ngày khai giảng, tôi đã bắt đầu nghe những câu rất khả quan:“Đi học nhiếp ảnh vui quá anh Andy ơi. Bây giờ em biết cách lấy ánh sáng rồi!”

Đó là những hồi đáp từ học viên, là những kết quả thực tế tôi muốn thấy. Môn nhiếp ảnh, trước khi trở thành một nghề nghiệp, khởi đầu là một hình thức tiêu khiển. Nhiếp ảnh NÊN là một niềm vui. Khi chúng ta có tiền thì ta đi mua máy ảnh, mua ống kính, nhưng lại không biết dùng hết mức của nó. Mỗi lần đọc cuốn sách User Manual thì lại không hiểu cho lắm, cũng đâm ra hơi bực mình. Khi tới lớp thì khác. Những thắc mắc dần được giải đáp trọn vẹn. Chúng ta không cần phải “đoán” nữa, không cần phải “mơ hồ” nữa. Mỗi lần bấm máy là mỗi lần tự chủ được, hoàn toàn nắm vững trong tay những gì mình muốn chụp. Những bài học liên tiếp, tuần này qua tuần nọ, xen kẽ với thời gian “homework” để những học viên thực tập. Chỉ trong vài ba tuần mà đã có những thay đổi rất đáng mừng.

 

alt

Giảng viên Andy cùng các anh em học viên bàn tán sôi nổi về các loại máy ảnh. Photo: Bảo Huân.

– Mọi người đến lớp sớm hơn (trước giờ học cả nửa giờ), tụ ba tụ năm, bàn bạc về kỹ thuật nhiếp ảnh, ôn lại bài học, và những máy móc.

– Nói về máy móc, có nhiều anh em học viên đã lẳng lặng đi mua “đồ chơi mới” (máy ảnh ngon hơn, hoặc ống kính tốt hơn), sau khi đã vô học được vài buổi.

– Không khí trong lớp sôi động, phản ảnh tinh thần đam mê của mọi người.

– Những câu hỏi luôn luôn được nêu lên trong lớp. Đó là điều tôi luôn khuyến khích, nhất là những câu hỏi liên quan tới đề tài đang được dạy trong buổi học.

Số người hưởng ứng với khóa học thật là một điều đáng khích lệ. Ngoài số bạn mê nhiếp ảnh ở khu Garland và lân cận (Dallas), còn có vài anh em đến từ Arlington (cách xa khoảng 1 giờ) không ngại lái xe đến học mỗi tuần. Ngay cả sau khi khóa học đã khai giảng, có rất nhiều người đã gọi tới và muốn ghi tên học. Một trường hợp, một anh gọi giùm cho người bà con ở xa đã đọc báo Trẻ và biết được về Lớp Nhiếp Ảnh do Andy Nguyễn phụ trách (niên khóa sắp tới.) Và “người bà con” này  liền thu xếp thời gian qua ở nhà anh trong suốt thời gian của khóa học (7 tuần). Trường hợp khác nữa, một người gọi từ vùng hẻo lánh đồng quê Texas, rất hứng thú khi biết về khoá học nhiếp ảnh, và vẫn muốn ghi tên tới học mỗi tuần dù phải lái xe 2 tiếng rưỡi mỗi chiều. Thật đáng …khâm phục tinh thần say mê Nhiếp ảnh!

 Lớp Nhiếp Ảnh sơ cấp đã kết thúc với nhiều kết quả mỹ mãn. Tôi lại bắt tay chuẩn bị cho những niên khóa sắp tới.

Phải chăng đây là “nhân tố”  của Hội VPAD (Vietnamese Photography Association of Dallas) trong tương lai?

 

alt

Giảng viên Andy cùng các anh em học viên bàn tán sôi nổi về các loại máy ảnh. Photo: Bảo Huân.

AN