Menu Close

Biển Đông dậy sóng

Dư luận người Việt khắp nơi những ngày qua xôn xao tin Trung cộng kéo giàn khoan bạc tỉ “Hải Dương 981” đặt giữa quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chỉ khoảng 120 hải lý. Bắc Kinh đã điều hằng chục chiến hạm lẫn chiến đấu cơ ra đây. Hà Nội cũng gởi ra nhiều tàu cảnh sát. Đối đầu tượng trưng đến nay là tàu bè hai bên… phun nước vào nhau. Cùng thời điểm, thêm ít nhất 27 ngư phủ người Việt ở Quảng Ngãi bị hải quân Trung cộng rượt chạy có cờ, tàu bè bị phá nát, và ngư cụ, thủy sản bị người Tàu tịch thu.

alt

Những ngày qua trên internet cũng xuất hiện một số hình ảnh quân đội đồng loạt di chuyển tại nhiều nơi ở VN, trong đó có Sài Gòn và Đà Nẵng. Trong ảnh: thiết giáp, thiết vận xa trên đường Cao Thắng, Quận 3 Sài Gòn.

Dư luận Tây Phương và Hoa Kỳ nói chung lên án Trung cộng khiêu khích. Cuối tuần qua, tại Việt Nam, lần đầu tiên có hằng ngàn người xuống đường bài Trung cộng tại Hà Nội, Sài Gòn, Vinh, Đà Nẵng… mà không bị an ninh mật vụ thẳng tay đàn áp. Riêng tại Sài Gòn, có ít nhất 4 nhóm khác nhau đi biểu tình. Lớn nhất có biểu tình của gần 20 hội, nhóm dân sự độc lập tụ tập trước số 4 Duy Tân “Nhà Văn Hóa Thanh Niên”, ước lượng đông chừng 3,000 người. Ngoài khẩu hiệu chống Trung cộng, bảo vệ Biển Đông, còn có các khẩu hiệu “Tự do cho người yêu nước”, kêu gọi phóng thích cho bloggers, và các nhà bất đồng chính kiến từng tham gia chống Trung Quốc hiện bị cầm tù. An ninh đối phó bằng cách gài mật vụ trà trộn vô đám đông, giơ lên các khẩu hiệu “ca ngợi đảng” và “sống học tập theo gương HCM”, hoặc gây hấn đánh nhau, gây  rối loạn để cắt rời, chia mỏng đội hình người biểu tình. Song thực tế cho thấy người biểu tình rất nhạy bén, né tránh khiêu khích.

alt

alt

alt

Người Sài Gòn, trong đó có rất nhiều giới trẻ, đi biểu tình kháng Tàu cuối tuần qua.

alt

Thánh Lễ công khai tại Giáo Xứ Thái Hà tối Thứ Bảy 10-5-2014 nguyện cầu cho quốc gia nguy biến.

alt

Tuổi trẻ quốc nội bày tỏ thái độ.

Ukraine biến loạn khó lường

Cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng kéo dài và không hề bớt căng thẳng. Hôm Thứ Sáu 9-5-2014, đã xảy ra các cuộc đụng độ giữa binh sĩ chánh phủ Kiev (thân Tây phương) và các phiến quân gốc Nga tại thành phố cảng Mariupol ở miền nam. Rất nhiều người bị thiệt mạng tuy không có con số chính xác.

Sang Chúa Nhật 11-5, hơn 3 triệu dân của hai thị trấn  miền đông Ukraine là Donetsk và Luhansk trưng cầu dân ý đòi ly khai khỏi Ukraine và xin sát nhập vào Liên Bang Nga. Moscow mau lẹ bày tỏ “tôn trọng ý dân Ukraine”. Thứ Hai đầu tuần, Tòa Bạch Ốc tuyên bố không công nhận kết quả. Liên Âu EU cũng bác bỏ, lại còn đồng thuận mở thêm  những cuộc tẩy cấm vận ngoại giao và phong tỏa tài sản nhiều công dân Nga. Một sự kiện sắp diễn ra có thể ảnh hưởng lớn đến tương lai Ukraine: cuộc bầu cử Tổng Thống  vào ngày 25 tháng 5 sắp tới.

alt

Dân chúng gốc Nga tại 2 thị trấn trọng yếu đông phần Ukraine bỏ phiếu đòi ly khai.

 

NATO chuẩn bị bàn cờ Đông Âu

Hôm Thứ Sáu 9-5-2014, Tổng Thống Nga Vladimir Putin cũng đã tới bán đảo Crimea mà Moscow thôn tính từ Ukraine hồi Tháng Ba. Khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng vừa điều động một số chiến hạm đến xứ Lithuania thuộc vùng biển Baltic. Với tình hình Ukraine ngày càng thêm rối ren, NATO có thể đặt quân trú phòng thường trực tại các quốc gia Đông Âu. Quyết định sau cùng thuộc về 28 quốc gia thành viên NATO. Mấy thập niên sau khi Chiến Tranh Lạnh kết liễu, NATO hạn chế việc đóng quân cũng như lắp đặt các hệ thống võ khí lớn tại Đông Âu để tỏ vẻ hòa hoãn với nước Nga. Nhưng các nước cờ gấp rút của nước Nga, từ sau khi thôn tính bán đảo Crimea, khiến nước này bị cô lập, bị dư luận quốc tế xem là mối đe doạ an ninh toàn cầu. Putin nghĩ có thể… chơi xỏ Hoa Kỳ và Tây Phương, tuy nhiên, có thể có phản ứng ngược một cách mãnh liệt cho kẻ “chơi dao có ngày đứt tay”.

Nữ Thủ Tướng Thái bị bãi miễn

Tuần qua, cựu nữ Thủ Tướng Yingluck Shinawatra của Thái Lan, láng giềng Việt Nam, đã bị một tòa án bãi nhiệm,  cùng lúc với 9 Bộ Trưởng thành viên nội các. Chỉ sau một ngày, phe đối lập cho mở các cuộc điều tra, rồi truy tố bà Yingluck Shinawatra vì tội lạm dụng quyền hành và tham nhũng. Bà cựu Thủ Tướng đặc biệt bị cáo buộc tắc trách trong một chương trình trợ cấp cho nông dân, gây thiệt hại gần $4.2 tỉ. Các diễn biến chánh trị dồn dập là chiến thắng lớn cho phe đối lập, nhưng hầu như chắc chắn sẽ đẩy Thái Lan vào các cuộc khủng hoảng chính trị triền miên.

alt

Nữ Thủ Tướng Yingluck Shinawatra trong vòng tay người hậu thuẫn mình sau khi bị phế truất.

Xứ Thái bị “họa vô đơn chí”

Xứ Thái Lan không chỉ trong tâm điểm bão tố chánh trị, mà còn hứng chịu thiên tai dị thường. Đầu tuần trước, một trận động đất mạnh 6.0 độ Richter phát khởi cách thị trấn Chiang Rai miền bắc Thái chừng 17 dặm. Dân chúng tại đô thành Bangkok và cả bên xứ láng giềng Myanmar cũng cảm thấy mặt đất rung lắc. Trận động đất gây nhiều thiệt hại cho nhà cửa, dinh thự, phá hủy nhiều đường sá, tuy nhiên, may mắn chưa thấy có thiệt hại nhân mạng. Thiên tai như động đất là điều rất hiếm gặp, hầu như chẳng khi nào xảy ra nơi vùng đất này.

alt

Cảnh đi lại sau động đất ở Thái. ẢNH ATHIT PERAWONGMETHA / REUTERS

Thi bay lượn ở Hong Kong

Hôm Chúa Nhật cuối tuần 11-5-2014, tại khu trung tâm tài chánh của Hong Kong đã diễn ra một sự kiện khá độc đáo, thu hút hằng ngàn người hiếu kỳ. Người tranh tài từ 43 đội khác nhau thay phiên trình diễn kỹ thuật chao lượn đẹp mắt với những chiếc phi cơ tự tạo tại nhà. Cuộc biểu diễn mang tên Red Bull Flugtag Hong Kong 2014 diễn ra tại tân cảng New Central Harbourfront. Các đội thi bay lượn càng lâu càng tốt trước khi đáp xuống mặt biển.

alt

ẢNH JEROME FAVRE / EPA

alt

ẢNH TYRONE SIU / REUTERS

Lễ ra mắt tân Vệ Binh Thụy Sĩ

Một sự kiện cũng khá thú vị khác, nhưng có phần nghiêm trang hơn, là lễ tuyên thệ của các tân Vệ Binh Thụy Sĩ “Swiss Guard” ở Vatican. Lễ tuyên thệ diễn ra tại Vương Cung Thánh Đường Thánh St. Peter, dưới sự chủ tọa của Hồng Y Ngoại Trưởng Tòa Thánh Pietro Parolin. Vệ Binh Thụy Sĩ được thành lập từ 1506, bao gồm vỏn vẹn 100 tình nguyện viên. Họ phải là thanh niên Công Giáo, quốc tịch Thụy Sĩ, và cao ít nhất 5 feet 7 (khoảng 1m7) và không được để râu. Các ứng viên tân Vệ Binh Thụy Sĩ được tuyên thệ mỗi năm vào ngày 6 tháng 5, dịp tưởng niệm 147 binh sĩ Thụy Sĩ thiệt mạng khi bảo vệ Giáo Hoàng Pope Clement VII trong lần thành Rome bị tấn công năm 1527.

alt

Vệ Binh Thụy Sĩ. ẢNH ANGELO CARCONI / EPA

alt

Các tân Vệ Binh Thụy Sĩ rước cờ tại lễ tuyên thệ ở Vatican. ẢNH TONY GENTILE / REUTERS

Tin Syria

Hôm Thứ Tư và Thứ Năm giữa tuần trước, sau gần 2 năm tử chiến, khoảng  1,200 tay súng thuộc “Quân Đội Tự Do Syria” đã rút khỏi thị trấn hoang địa Homs, từng là “thủ phủ của cách mạng”. Quân đội trung thành với chánh phủ Syria tiếp quản một Homs hoang tàn đổ nát, hình ảnh biểu tượng cho cuộc nội chiến kinh hoàng hiện nay tại Syria. Trong ảnh: Các binh sĩ trung thành với Tổng Thống độc tài Bashar al-Assad chiếm Homs hôm 8-5-2014. Ảnh Khaled Al-hariri / Reuters

alt

alt

ẢNH YOUSSEF KARWASHAN / AFP – GETTY IMAGES

alt

ẢNH AP

Ngày này trong lịch sử

– Ngày 14-5-1996. Cách nay 18 năm. Hơn 2 thập kỷ sau khi chiến cuộc VN kết liễu, Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton chấm dứt quy chế xem Việt Nam là vùng chiến sự (Combat Zone Designation). Với sắc lịnh này, chánh phủ liên bang không còn chu cấp cho các gia đình có thân nhân là quân nhân Hoa Kỳ còn bị mất tích. Quy chế xem Việt Nam là vùng chiến sự được thiết lập từ 24-4-1965, kèm theo nó là những biệt đãi dành cho nhiều gia đình binh sĩ Hoa Kỳ tham chiến và mất tích trên chiến trường VN. Sự kiện thôi không xem Việt Nam là vùng chiến sự nối tiếp nhiều bước khác trong nỗ lực bình thường hóa bang giao giữa siêu cường Hoa Kỳ và cựu thù CSVN. Từ đầu 1994, cũng chính Tổng Thống Clinton tháo gỡ lịnh cấm vận Hà Nội. Và đến 11-7-1995 Hoa Kỳ chánh thức nối lại bang giao bình thường với CHXHCNVN.

– Ngày 16-5-1945. Cách nay 69 năm. Hoàng Đế Bảo Đại ban ra đạo dụ số 67 thành lập một tổ chức khá đặc biệt mang tên “Hội Tân Việt Nam”, thu hút nhiều bậc thức giả Việt bấy giờ như: Đào Duy Anh, Phan Anh, Trần Khánh Giư (tức Khái Hưng), Vũ Đình Liên, Nguyễn Xiển… với Vũ Đình Hoè làm Tổng Thư Ký Hội. Hội hoạt động hợp pháp dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim (với nội các được Hoàng Đế Bảo Đại chuẩn y ngày 7-4-1945). “Hội Tân Việt Nam” xu hướng thân Nhật, cổ súy nền độc lập quốc gia trong phạm vi khối “Đại Đông Á”, kêu gọi đoàn kết mọi giới trong xã hội và các khuynh hướng chính trị sửa soạn việc kiến thiết quốc gia, v.v… Tân Việt Nam dùng tờ báo Thanh Nghị để gây ảnh hưởng trong giới trí thức, thanh niên, học sinh. Tuy nhiên, Việt Minh mau lẹ lũng đoạn, phá hoại tổ chức non trẻ này, khiến nó chết yểu chỉ sau 2 tháng, và một số thành viên trí thức thiên tả sau đó về theo Việt Minh.

– Ngày 16-5-1929. Cách nay 85 năm. Giải Oscar phim ảnh đầu tiên được tổ chức tại khách sạn Hollywood Roosevelt Hotel. Đến năm 1953, sự kiện này được  trình chiếu trên TV lần đầu tiên. Ngày nay, lễ trao giải “Academy Award” mỗi năm được trực tiếp truyền hình đến hơn 200 quốc gia khác nhau. Đến ngày nay, giải Oscar vẫn là tặng thưởng phim ảnh thế giá nhất thế giới.

alt

Emil Jannings đoạt giải Oscar nam tài tử hay nhất đầu tiên năm 1929.

– Ngày 20-5-1925. Cách nay 89 năm. Giáo Hoàng Pius XI thiết lập Tòa Khâm Sứ đầu tiên tại Đông Dương. Tòa Khâm Sứ được xây mới, nằm gần Nhà Thờ Chánh Tòa Phủ Cam của Huế (lúc đó là kinh đô của VN). Đức Khâm Sứ (còn gọi là Khâm Sai hay Khâm Mạng Tòa Thánh) tiên khởi là Giám Mục Constantin Ayuti người Ý. Tòa Khâm Sứ đảm trách liên lạc giữa Vatican với Việt Nam trên mặt đạo (phụng vụ) lẫn mặt đời (ngoại giao) một cách giới hạn. Đây là một bước trưởng thành chánh yếu cho Giáo Hội Công Giáo VN. Sau khi Công Giáo du nhập vào VN, lần lượt nhiều địa phận được thiết lập, như Hải Phòng (1879), Bắc Ninh (1883), Phát Diệm (1901), Lạng Sơn (1913)… Năm 1933, Giám Mục Nguyễn Bá Tòng là tu sĩ người Việt đầu tiên được tấn phong làm Giám Mục. Đến 1940, tại Đông Dương đã có 18 địa phận; khoảng 5,000 giáo đường lớn nhỏ; chừng 2,000 cơ sở trường học, nhà thương, trại tế bần… của Giáo Hội Công Giáo. Tòa Khâm Sứ hoạt động liên tục đến biến cố 30-4-1975 thì bị Hà Nội cấm cửa.

alt

Cơ ngơi Tòa Khâm Sứ tại Huế.