Menu Close

Những bụi gai trên lối về – Kỳ 3

Tâm trạng lạc lõng giữa lòng quê hương tỉ lệ theo sự thay đổi  cảnh cũ người xưa của những người ly hương. “Những bụi gai trên lối về” là ba bài viết ghi lại những hoài niệm một thời đã xa cũng như nỗi thất vọng trước những mất mát  từ những nơi chốn tác giả đã từng sinh sống, từng đi qua.

Khu Hòa Bình – Cà phê Tùng

Phố vòng quanh khu Hòa Bình thay đổi hoàn toàn. Lạ, mới, trang trí hiện đại, đẹp mắt nhưng hội trường Hòa Bình và các kiosk chung quanh không thay đổi.  Không thay đổi mà còn xập xệ!  Ngày trước những kiosk nầy đẹp, trưng bày lộng lẫy và sang trọng hơn hẳn những dãy phố.  Hội trường cũ còn nguyên, với người xa về, là một may mắn!  Vì nó trở thành một biểu tượng, một chứng tích cuối cùng của một giai đoạn đất nước tại Đà Lạt.  Tôi nhớ rõ ngày đó câu nói “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm” rất lớn, không phải căng ngang giữa những hàng cột bên dưới mà là trên mái, có thể nhìn thấy từ rất xa!  39 năm đã qua, đã xác nhận câu nói đó là chính xác.  Bây giờ thì “Nước Cộng Hòa XHCNVN muôn năm” có kèm cả quốc huy CS thay vào đó mà chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, chính lãnh đạo thành phố sẽ ra lệnh đập bỏ!  Hai chữ ‘muôn năm’ thì mỉa mai hơn, thế giới đã trả lời từ năm 1989 tại Đông Âu!

alt

Cà phê Tùng

Bà Huyện Thanh Quan đã khóc một cố đô Thăng Long hoang phế, bây giờ những câu thơ nao lòng đó đang sống lại! “Nghìn năm gương cũ soi kim cổ.  Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”!  

Hồi trước, loanh quanh khu Hòa Bình một đỗi thì thế nào cũng ghé Mê Kông hay cà phê Tùng.  Ngồi Mê Kông có cửa kiếng trong suốt không bị ảnh hưởng tiếng động bên ngoài, lại có tầm nhìn thoáng nên mọi chuyện cứ cà kê dê ngỗng thoải mái.  Đôi khi chỉ một bóng hồng ngang qua cũng là đề tài hấp dẫn, vì Đà Lạt vốn nhỏ nên dễ biết nhau và có rất nhiều đề tài dành cho giới thanh lịch ưa theo dõi thời sự!  Đôi khi có hẹn hoặc tìm một ai đó thì nhìn qua cửa kiếng cũng thấy. Cà phê Tùng khác hơn.  Ánh sáng và trang trí ấm hơn, tối hơn, nên có vẻ trang trọng hơn nhưng tầm nhìn thì bị giới hạn, vì ngay trước cửa là hông của một dãy nhà dài ngăn khu hội trường Hòa Bình với bến xe của thành phố, mà sau lưng dãy nhà nầy là khu cà phê Domino bình dân, nổi tiếng nhất Đà Lạt thời đó!  Cho nên hẹn đấu láo thì Mê Kông, còn không gian của tâm sự là Tùng!  Bây giờ chỉ còn lại Tùng. Và Tùng bây giờ cũng không phải là Tùng của một thời vang bóng.      

alt

Như ngày trước, một mình lội loanh quanh khu Hòa Bình đã mỏi, tôi đẩy cửa bước vô Tùng. Tiệm vắng.Tiệm vốn không rộng nhưng chỉ có hai người khách và yên tĩnh nên có cảm tưởng rộng hơn. Quầy không người, chỉ có chiếc đèn nhỏ với ánh sáng vàng đục. Trên quầy có 2 cái TV mỏng, cỡ 20 inch, một quay ra ngoài, một quay vào phòng phía trong, đang chiếu chương trình Animal Planet nói tiếng Mỹ nhưng không mở lớn.  Không có nhạc. Mỗi vách tường một bức tranh cũ. Ánh sáng tối tối và màu sắc tranh cũng tối tối, bàn ghế cũng tối tối. Cái tối của tranh tối tranh sáng, cái tối mờ mờ của tâm sự còn đó!  Đợi người chạy bàn cũng lâu.  Một cô khoảng 20, mặc bình thường, đến hỏi. Tôi xin phép chụp vài ảnh, cô nói “Dạ được”. Tôi hỏi thức uống. Cô kể vài món. Tôi vào đây không phải để uống “Thôi, cháu cho cái cà phê sữa đá”.  Cô hỏi thêm chi tiết gì đó, tôi ừ!  Trong thời gian chờ, tôi chụp mấy ảnh rồi đứng lên bước vào phòng trong.  Có 4, 5 bạn trẻ ngồi cách khoảng, hình như đang vọc smartphone, iPad thì phải!  2 bức tranh hai bên vách của phòng trong hình như cũng không thay đổi. Trở lại bàn ngồi đợi cũng khá lâu. Ly đá, cà phê phin có sữa sẵn dưới đáy, cái muỗng nhỏ gác hờ trên miệng đĩa với một lọ đường. Ngồi đợi từng giọt. ‘Từng giọt thời gian’ mà tôi đã quên, bây giờ bỗng gặp lại! Tự dưng thấy quán cà phê không có nhạc thế mà hay, vì biết đâu trong 7, 8 người đang hiện diện mỗi người không có một bản nhạc riêng để nghe hay để nhớ?  Mà chính bản nhạc từ cõi lòng đó mới đáng trầm tư theo từng giọt thời gian!  

Hình như trong quán chỉ có 2 cái TV là lạ. Tùng đang níu lại thời gian. Tôi chợt hỏi, những người muôn năm cũ bi chừ đang ở mô?

Hồ Tuyền Lâm Khu du lịch biệt thự ông Huỳnh Đức Hòa

Người anh từ vùng quê chạy xe lên thăm.  Anh là lính cũ. Gặp, chỉ có cái bắt tay, như không có gì để nói. Không nói, vì chẳng biết nói gì, ngôn ngữ lúc nầy bỗng thừa thãi!  Nhưng chính cái im lặng lại nói được nhiều hơn ngôn ngữ!  Tôi rũ được bụi phong trần, anh còn nguyên. Hốc hác, trẻ tuổi nhưng như già sụm!  Anh chở đi lòng vòng mới bắt đầu nói nhưng ngồi sau, đeo mạng bịt mũi, lúng túng với nón bảo hiểm, gió thì vù vù, tai lùng bùng nên tôi chỉ ậm ừ… Ơ hay, lúc cần nói thì im, lúc không thể nghe lại kể! Hình như cánh cổng lòng cũng phải nhờ không gian mở khóa!  

alt

Khu du lịch biệt thự ông Huỳnh Đức Hòa

Chạy theo hướng từ viện Pasteur đi Suối Tía để xuống hồ Tuyền Lâm. Lối đi nầy HH đã kể với tôi không biết bao nhiêu lần khi theo mẹ vô rừng, lội suối, hoa bướm lượn theo từng bước chân của cô bé tuổi lên 10, 15!  Lúc ra khỏi nhà, cô em còn kéo tay dặn kỹ “Cứ hỏi khu du lịch biệt thự ông Huỳnh Đức Hòa thì mấy ông xe ôm, không ông nào không biết”!  

Bỏ lại trung tâm Đà Lạt bê tông cốt sắt phía sau. Đường đi hồ Tuyền Lâm còn khá thiên nhiên. Tôi vẫn mê nhìn từ đường cao xuống nương rẫy, lũng sâu, vì ở đó đôi khi tình cờ bắt gặp được các cô nàng sương, hay mây, lười biếng lờ đờ, thứ lờ đờ của các cô nương quần áo mong manh, ngủ nướng dậy muộn, vươn vai nhìn ra cửa sổ!  Đổ dốc quanh co và bóng dáng hồ nước đã ẩn hiện như chiếc gương soi. Đẹp. Chạy chậm, đường ôm theo hồ thật thơ mộng! Càng thơ mộng hơn nhờ vắng khách, vì chúng tôi đến đó đã hơn 3 giờ chiều Chủ Nhật. Nơi miệng đập gặp một số bạn trẻ đang còn níu kéo một ngày vui. Vừa qua khỏi đập là ngã ba. (Tôi đoán) một ngã ra hướng đèo Prenn. Chúng tôi tiếp tục chạy theo ven hồ. Một đỗi khá xa, gặp vài quán nước ghế quay ra hồ, không khách, chủ ngồi bâng quơ. Ngừng lại hỏi câu cô em đã dặn. “Cứ vô tuốt trong đó đến cuối đường, còn khoảng 5, 7 cây nữa”.  Đã qua phía bên nầy hồ, nhìn lại bờ bên kia, mặt trời chiều đang chênh chếch nắng, thật đẹp. Bây giờ mới thấy một số biệt thự ẩn hiện bên đó. Thứ biệt thự và phong cảnh rất phương Tây! Vào sâu hơn, một số xe gắn máy để ven đường. Có lẽ một nhóm trẻ nào đó đang còn mê mải cuộc vui trên các đồi cây nhưng không nghe tiếng nói. Hồ hẹp lại, hoặc đang gặp một khúc eo, là nơi tọa lạc của hai resort. Cổng Sacom màu tím thẫm, còn Dalat Edensee thì chữ mạ vàng!  Khung cảnh rất tĩnh mịch. Không một bóng người. Cuối đường là một cổng bằng cây rừng thô sơ, chỉ đi bộ, có tấm bảng đề Đá Tiên.

alt

Địa hình Tuyền Lâm khá hùng vĩ và rừng thông còn rộng mênh mông. Những biểu dấu khá rõ là khi đi trên đường đèo Prenn thì sát hai bên đường vẫn còn giữ được vẻ thiên nhiên nhưng nhìn xuống các thung lũng thì xe ủi đất đã hoành hành ngang dọc. Một số biệt thự đã, hoặc đang xây cất dở dang. Vì thế thắng cảnh tự nhiên đã mất tính hoang dã, chỉ giả tạo bề mặt!  Do đó, một thời gian không lâu nữa, ‘cô-gái-Đà-Lạt’ sẽ biến thành một loại son phấn đứng dọc đường còn chiều sâu quyến rũ làm say đắm lòng người bị mất trắng!

alt

Những ngày sau nghe thêm vài chuyện khác!

Trước kia nước uống cung cấp cho Đà Lạt từ hồ Tuyền Lâm bị thiếu, nên nhà máy phải sử dụng công suất tối đa vẫn không đủ nhưng tiền chi phí cho việc tiêu thụ nước rẻ. Sau đó ký hợp đồng với hồ Dankia, có điều kiện bắt buộc là thành phố phải mua một số lượng nước rất lớn, đưa đến việc nước dư dùng.  Dư dùng nên nhà máy giảm công suất. Giảm công suất là giảm nhân công. Vì chi phí lớn theo hợp đồng mua nước nên người Đà Lạt phải trả cao hơn về giá cước!  Gốc rễ của vấn đề, theo giới bình dân cho biết, vì ông Huỳnh Đức Hòa và thân nhân đang có đầu tư trong công ty Dankia!

Anh taxi đưa chúng tôi đi xuống ngã phi trường Liên Khương, tôi có thú vui gợi chuyện dọc đường để biết nhiều tin vỉa hè.  Tôi hỏi “anh thấy người VN chống Trung Quốc có đông không”  “Đông” “Cỡ bao nhiêu phần trăm” “Cũng đông lắm” “Còn nhà nước có chống không” Anh nhìn tôi, kéo dài thời gian.  Tôi tiếp “Nói chuyện liên quan đến chính trị anh sợ phải không”  Anh cười cười ‘cầu tài’!  Tôi hỏi chuyện khác. “Ông Huỳnh Đức Hòa là chủ tịch tỉnh hay bí thư” “Ổng làm chủ tịch được 2 kỳ (nhiệm kỳ) là 8 năm rồi” “Còn bây giờ” “Mới lên bí thư, chắc thêm 2 kỳ nữa!” “Ổng giỏi nhỉ” “Không biết, nhưng thêm 2 kỳ nữa thì có đến đời cháu chắt ăn cũng không thể nào hết được!” Tôi tìm câu trả lời cho câu hỏi tại hồ Tuyền Lâm hôm qua.  “Anh có biết tại sao vào hồ Tuyền Lâm hỏi khu du lịch biệt thự ông Huỳnh Đức Hoà thì ai cũng biết” “Ai mà không biết ổng!  Người ta còn gọi ổng là Huỳnh Đất Hòa mà!” Tôi gặng “Là Huỳnh Đắc Hòa” “Không, đất là đất đai đó” “Tại sao” “Thì ổng nổi tiếng có nhiều đất mà” “Hưừmm” Anh taxi tiếp “Gọi ổng là Huỳnh Đất Hòa hay đại gia Hòa cũng được”.

Lịch Nhân Quyền

Thêm một lần nữa, anh chị em chúng tôi gom lại trong bữa cơm gia đình với ông cụ trước khi chia tay. Ở tuổi 95 nhưng cụ còn sáng suốt và rất vui.  HH và tôi thì cố giấu cảm xúc, ai biết được cơn gió nào bất chợt sẽ thổi vào ngọn đèn 95 năm đang cạn dầu và lụn bấc?  Ra phòng khách cụ vói lấy quyển lịch đang treo trên tường, bây giờ chúng tôi mới bắt đầu chú ý.  Quyển lịch có tên Lịch Nhân Quyền, với hình bàn tay năm ngón và cũng là hình ảnh cánh chim bồ câu, màu xanh. Cụ giở từng trang và giải thích với HH về những điều luật in trên đó!  Nhóm tổ chức tranh đấu cho nhân quyền đã gửi tặng cụ, một ông cụ chân quê đang ở một xó xỉnh rất quê! Tôi mừng!  Không mừng sao được?  Thì ra các tổ chức tranh đấu đã đi được một bước khá xa! Từ cụ sẽ lan ra đến nhiều người nữa… thì một ngày… vâng, sẽ có một ngày!  Mong là ngày đó không còn xa, nhất định thế!

alt

Lịch Nhân Quyền

HPB – Tháng Tư, 2014