Menu Close

Cung Trầm Tưởng – Hành trình thơ

Tình ca âm vang giữa đêm mưa thu trong thành đô Paris hoa lệ, tình ca “rưng rưng rượu đỏ tràn ly, ngóng em kiên khổ phút giờ” [1] khơi nguồn bất tận từ “phố cũ hè xưa” [1] khiến khúc cung ứa lệ thương đời, cành khô vàng lá chiều rơi giữa chiều. Mai dù vận nước liêu xiêu, mùa thu khắc khoải muôn điều phong ba. Tiếng xưa hồ vọng trăng ngà, ngỡ chân thiện mỹ sầu ca nhớ người. Để lòng người nghệ sĩ và cả thiên hạ cùng thổn thức chơi vơi… “Mùa thu! Mùa thu. Mây trời âm u. Yêu người độ lượng. Trông em tâm tưởng, giam tù.” [1] Vừa bước vào con đường sáng tạo, cung đàn nghệ sĩ của Cung Trầm Tưởng đã trình tấu giai điệu đặc biệt rất riêng, mời gọi cõi người ta cảm thụ nét đẹp chân thường của “Mùa thu âm thầm. Bên vườn Lục-Xâm. Ngồi quen ghế đá. Không em buốt giá từ tâm” [1] Cung Trầm Tưởng muốn chia sẻ điều gì khi đi từ thực tại vào cõi mơ, khi đứng giữa đêm thu hoài nghi chất vấn: “Mùa thu nơi đâu? Người em mắt nâu. Tóc vàng sợi nhỏ. Mong em chín đỏ trái sầu.” [1] Một dấu hỏi vô biên khiến ta về nghe sóng trường giang động, cả một thiên thu thẫm bụi hồng! Bắt đầu từ mùa thu Paris chín đỏ trái sầu, cuộc lữ hành của Cung Trầm Tưởng dư đầy những bước vong thân, bị giải đi từ trại giam Suối Máu đến nhà tù Hoàng Liên Sơn, Hà Tây… Hay đó chỉ là hóa thân của hành trình thi ca khơi nguồn từ “Mưa rơi đêm lạnh Sài Gòn, mưa hay trời khóc đêm tròn tuổi tôi? Mưa hay trời cũng thế thôi, đời nay biển lạnh mưa bồi đất hoang. Hồn tu kín xứ đa mang, chóng hao tâm thể sớm vàng lượng xuân. Niềm tin tay trắng cơ bần, cuối hoàng hôn lịm bóng thần tượng xưa.” [2]   

 

alt

 
Tiếng thơ của Cung Trầm Tưởng mang theo hình ảnh chân-thiện-mỹ  âm vang giữa cõi đời, và mỹ là danh từ được nói đến nhiều nhất. Cái đẹp trong phạm trù mỹ học được Cung Trầm Tưởng dùng để mô tả bối cảnh hiện thực, trở thành thang điểm giúp người đang đọc hay đang lắng nghe, vừa có thể thẩm định giá trị những bài thơ sống động như tranh vẽ của tác giả, vừa khâm phục sự cảm thụ thẩm mỹ của riêng ông. Sự cảm thụ thẩm mỹ tuyệt vời này chính là bệ phóng chắp thêm đôi cánh cho khả năng sáng tạo của ông bay cao. Ở giữa không gian mênh mông, tiếng thơ của Cung Trầm Tưởng mời gọi cõi người ta bước vào thế giới tinh thần, thấu đạt cảnh giới cao nhất để lãnh ngộ về cái đẹp. Cảnh giới này nếu nhìn dưới lăng kính hoài nghi của David Hume là điều không có thật. Bởi vì nhà triết học theo chủ thuyết hoài nghi này quan niệm cái đẹp chỉ hiện hữu trong tinh thần, và chỉ tinh thần mới chiêm nghiệm được sắc màu ảo diệu phi thường của cái đẹp. Nhưng Cung Trầm Tưởng không hoài nghi như David Hume, cái đẹp trong “Một Hành Trình Thơ” của Cung Trầm Tưởng được sáng tạo từ sự thật, từ kinh nghiệm và sự từng trải của chính ông suốt mười năm bị giam giữ trong nhà tù cộng sản. “Tờ mờ sớm phố âm ti. Xe phu hốt xác người đi khua ầm. Chòm sông xóm núi lạnh căm. Trẻ trong veo mắt, mẹ cầm cập môi. Ai về Thanh Hóa xa xôi. Mà nghe sáo hót mồ côi cánh đồng. Chuyện nghìn đêm kể chưa xong. Thương con cầu thực, nhớ chồng tha phương. Vì bầy buôn máu bán xương. Lệ nàng rỏ lắm đoạn trường nát tan. Vì quân hiếu sát tham tàn. Thế gian nàng góa liệm màn tang sô….” [3] Chỉ cần đọc mấy câu thôi, cõi người ta đã thấy thiên địa thảm sầu, đã nhìn rõ khúc quanh ngặt nghèo của đất nước Việt Nam khi lịch sử sang trang, khi xã hội bị tàn phá và tan nát vì  cơn chính biến xảy ra trong ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Cung Trầm Tưởng tên thật là Cung Thức Cần, sinh năm 1932 tại Hà Nội, du học tại Hoa Kỳ và Pháp, tốt nghiệp Kỹ Sư Trường Võ Bị Không Quân Pháp, và là cựu Trung Tá Không Quân phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Không Quân Sài Gòn. Sau năm 1975 ông bị tù trong trại giam của chính quyền cộng sản suốt 10 năm, bị quản thúc tại địa phương thêm ba năm. Năm 1993 ông cùng gia đình đến Hoa Kỳ định cư, thường trú tại tiểu bang Minnesota.“Một Hành Trình Thơ” dày 644 trang, kể cả 12 trang phụ bản tranh  màu của các họa sĩ nổi tiếng, in trên giấy màu vàng hoàng yến, bìa cứng màu xanh lục do nhà sách Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2012 tại Hoa Kỳ, là bảy thi tập gồm có:

1. Sóng Đầu Dòng-Tình Ca Và Quá Độ
2. Lời Viết Hai Tay
3. Bài Ca Níu Áo Quan Tài
4. Những Dấu Chân Ngang Trên Một Miền Phiếm Định
5. Thi Bá – Con Tắc Kè Và Bà Góa Phụ
6. Một Dặm Đường Một Nghìn Bài Thơ
7. Sáng Ký Về Người Tình Đầu

“Một Hành Trình Thơ” là dọc đường gió bụi đi cùng Thi Ca trong suốt 60 năm của Cung Trầm Tưởng. “Một Hành Trình Thơ” cũng là bước lênh đênh, bị lưu đày trong những nhà tù cộng sản của tác giả nói riêng, của những chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt của Miền Nam Việt Nam nói chung, khi: “Gió lên như địch thổi. Đưa ai qua trường giang. Nay cô liêu bạt ngàn. Tiễn ta vào bất tử. Đau thương là vinh dự. Chân đi hất hồng trần…” [4]  Cảm  nhận uyên nguyên bắt nguồn từ Thượng Đế sau những lần ly biệt tiễn đưa giữa trời mùa thu, sau những lời hò hẹn kiếp sau: “Bù em xuôi có ngàn thơ. Vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương. Quên thôi, bông sẽ phai hường. Mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu. Non sông bóng mẹ sầu u. Mòn trong ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu. Thôi em xanh mắt bồ câu. Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau…” [5] Đã mở ra con đường tình sử theo quan niệm mỹ học và theo tiếng tơ lòng bất tận của Cung Trầm Tưởng. Trong vườn thơ đầy hương sắc tuyệt đẹp, một hành trình cùng đi với thi ca của Cung Trầm Tưởng là bản giao hưởng vượt thời gian, là đôi cánh nâng tâm hồn người ta bay lên cao, vượt thoát giòng sóng hư ảo rối bời của trần gian, thinh lặng cảm thụ âm hưởng độc huyền trong phúc âm riêng của một đời người.  

HNP – 4:50am Thứ Bảy ngày 26 tháng 4 năm 2014

*. Trích từ thi ca của Cung Trầm Tưởng:
[1]. “Chưa Bao Giờ Buồn Thế.”
[2]. “Đêm Sinh Nhật.”
[3]. “Bài Ca Níu Áo Quan Tài.”
[4]. “Vạn Vạn Lý.”
[5]. “Kiếp Sau.”