Menu Close

Kinh nguyệt – Dinh dưỡng

Cháu gái của tôi năm nay 14 tuổi và bắt đầu có kinh nguyệt. Mỗi lần có kinh là cháu nó đau bụng, và hỏi tôi tại sao. Ngày xưa khi có kinh thì mẹ tôi nói đó là chuyện bình thường của phụ nữ trước khi thấy tháng. Xin bác sĩ giúp tôi ý kiến để giải thích cho cháu. Nancy Bùi

Đáp

Chào Nancy. Đau bụng khi có kinh là một khó chịu của nữ giới trong thời kỳ Tiền kinh Premenstrual Syndrome.

Cho tới nay, các bác sĩ cũng chưa biết rõ nguyên nhân chính xác nào lại đưa tới đau tiền kinh. Sau đây là một số giải thích:

Đa số ý kiến cho là do sự thay đổi số lượng chất hormone trong cơ thể. Sau mỗi lần có kinh, các hormone nữ estrogen và progesterone tăng lên. Rồi khoảng 1 tuần lễ trước khi kinh bắt đầu thì các hormone này lại bắt đầu giảm. Sự thay đổi lên xuống có tính cách tự nhiên này của các hormone là nguyên nhân đưa tới sự co dãn các cơ của tử cung trong hội chứng tiền kinh nguyệt.

Ngoài ra, một số nguy cơ sau đây cũng có thể gia tăng các dấu hiệu của đau bụng tiền kinh nguyệt:

– Gia đình có bệnh trầm cảm

– Có tiền sử trầm cảm sau khi sinh đẻ hoặc rối loạn tinh thần.

– Ít vận động cơ thể

– Dinh dưỡng kém -Thiếu sinh tố E, B6, thiếu vài khoáng chất như magnesium, maganese.

 – Rối loạn cảm xúc, căng thẳng cũng làm triệu chứng trầm trọng hơn nhưng không phải là nguyên nhân.

– Một số phụ nữ cho hay khi uống nhiều cà phê, ăn nhiều đồ mặn ngọt, thì sự khó chịu tăng lên.

 Một câu hỏi được nêu ra là nếu sự lên xuống của hormone là chuyện thường xảy ra thì tại sao chỉ có một số phụ nữ đau bụng mà số phụ nữ khác không.

Có ý kiến cho rằng các phụ nữ bị ngầm đau bụng này nhạy cảm với sự thay đổi hormone nhiều hơn những người kia.

Rồi cũng có ý kiến cho rằng, thực phẩm mà họ ăn vào cũng ảnh hưởng tới cảm giác của họ, nhất là vào vài tuần lễ trước khi có kinh.

Với cháu, sau khi giải thích như trên, bà nên khuyên cháu:

– dinh dưỡng cân bằng với nhiều trái cây và rau.

– giảm các thực phẩm chế biến sẵn như crackers, chip.

– giảm muối vì muối giữ nước, làm cơ thể phù nước, nhưng lại nên uống nhiều nước lã tinh khiết.

– tránh cà phê vì cà phê khiến ta bẳn tính, lo sợ thêm đau.

– ngủ nghỉ đầy đủ.

– tập thể dục thể thao và thư giãn tâm hồn, giảm stress.

Nếu cần và để bớt đau, bà có thể cho cháu uống vài loại thuốc giảm đau như Advil, ibuprofen, mua tự do không cần toa bác sĩ. Nếu cháu vẫn không bớt, bà nên đưa cháu đi khám bệnh. Bác sĩ có thể cho dùng các loại thuốc khác mạnh hơn, đôi khi phải dùng tới các viên thuốc điều hòa sinh sản (Birth control pills).

Cũng xin nói thêm là, các cháu gái có thể có kinh lần đầu vào 8 hoặc 9 tuổi trong khi đó nhiều cháu khác có kinh trễ hơn, 14 hoặc 15 tuổi. Vấn đề này tùy thuộc vào các hormone nữ cũng như tùy theo gen di truyền.

Vợ chồng chúng tôi rất quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng, vì vẫn nghe nói khi ăn uống đúng cách thì sức khỏe sẽ tốt hơn. Chúng tôi thường tìm hiểu qua báo chí hoặc internet hoặc bạn bè. Xin bác sĩ cho biết thế nào là dinh dưỡng đúng cách và các tài liệu qua truyền thông có đáng tin cậy không. Mr & Mrs Lê Vân

Đáp

Chào ông bà. Nói đến vấn đề ăn uống hợp lý và đúng cách, thì phải mất cả tháng mới hết được, tuy nhiên với trang giấy có hạn của tuần báo Trẻ, chúng tôi xin tóm lược các ý chính của các nhà chuyên môn về dinh dưỡng như sau:

Để có sức khỏe, dinh dưỡng cần tuân theo 3 nguyên tắc chính: Đa dạng + Cân bằng + Vừa phải.

1. Đa dạng có nghĩa là nhiều loại thực phẩm khác nhau. Lý do là mỗi loại thực có chất dinh dưỡng mà thực phẩm kia có thể không có hoặc có rất ít. Chẳng hạn cơm gạo là để cung cấp chất tinh bột và đường, còn thịt gà thịt heo có nhiều chất đạm, rau và trái có nhiều chất xơ…

2. Phần ăn phải cân bằng theo một tỷ lệ nhất định, như là chất tinh bột cơm gạo, 60-65%; chất béo 20-30% và chất đạm 25-30%.

3. Vừa phải, đúng với nhu cầu cơ thể, tức là tùy theo sự hoạt động, cần bao nhiêu năng lượng tính bằng calorie thì ta ăn vừa đúng với nhu cầu. Nhiều quá thì mập phì mà ít quá lại gầy yếu.

Ngoài ra cũng nên:

– Giảm chất béo động vật bão hòa và cholesterol: lượng cholesterol ăn vào mỗi ngày không quá 300mg; chất béo động vật bão hòa không chiếm tỷ lệ quá 10% tổng số năng lượng được cung cấp mỗi ngày. Cho nên mọi người cần dùng dầu thực vật với chất béo chưa bão hòa.

– Ăn thực phẩm có chất xơ và tinh bột.

– Tránh tiêu thụ quá nhiều đường tinh chế. Đường không gây bệnh tiểu đường, bệnh tim như nhiều người vẫn lầm tưởng, nhưng vì có nhiều năng lượng cho nên dễ dẫn tới béo phì, một nguy cơ của bệnh tiểu đường loại 2.

– Giới hạn muối không quá 2,500 mg mỗi ngày để giảm thiểu rủi ro bị cao huyết áp vì muối giữ nước trong cơ thể.

– Hạn chế rượu bia. Nếu không thể bỏ hẳn thì không nên tiêu thụ quá 350 ml bia hoặc 150 ml rượu vang, rượu mạnh thì không quá 50ml, hai lần một ngày đối với nam giới, một lần với phụ nữ…

Các tin tức trên truyền thông báo chí đến từ nhiều nguồn khác nhau cho nên ý kiến cũng khác nhau, vì vậy, để chắc ăn, đề nghị ông hỏi ý kiến bác sĩ gia đình hoặc người chuyên môn về dinh dưỡng, vì các vị này hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình và trực tiếp chăm sóc mình, cho nên ý kiến của họ đáng tin cậy.

Cũng nên lưu ý rằng, không có một chế độ dinh dưỡng “chung” cho mọi người vì một chế độ thích hợp với người này, nhưng không thích hợp với người kia.

Đồng thời dinh dưỡng hợp lý không đồng nghĩa với dùng thêm quá nhiều sinh tố mua ở ngoài tiệm mà phải là sinh tố có sẵn trong thực phẩm tươi ngon. Sinh tố khoáng chất đều có trong thực phẩm. Nếu ăn nhiều loại khác nhau là ta có đủ chất dinh dưỡng rồi.
Một điểm nữa cũng nên lưu ý là, ngoài việc dinh dưỡng hợp lý, để có sức khỏe lành mạnh cần kèm theo chương trình vận động cơ thể nữa. Kẻo ăn nhiều mà không vận động thì lại mập phì, huyết áp tăng và cũng dễ bị bệnh tiểu đường.

NYD