
Một ngày sau biểu tình ở “khu chế xuất” Sóng Thần, khói lửa vẫn bốc cao, dù giao thông đã bình thường trở lại, công nhân các nhà máy Hàn, Nhật, Việt…vẫn đi làm
Năm nay, Phật Đản 2558, Sài Gòn, và các thành phố lân cận, không rầm rộ, tươi vui, ngược lại, tất cả hoạt động Phật sự đều tiết kiệm, chừng mực. Nét mặt các Phật tử, tăng ni, dù thuộc các tông phái khác nhau, tuổi tác, giai tầng khác nhau, đều toát lên vẻ căng thẳng, âu lo. Trong các bài diễn văn, thuyết pháp của các vị thủ tọa, ngoài việc ôn lại ý nghĩa thâm sâu của ngày Tam Hợp (kỷ niệm 3 sự kiện Phật đản sinh, Phật thành đạo và Phật nhập niết bàn) thì đều khuyên Phật tử từ bi hỷ xả, tuân thủ tinh thần hòa bình, an lạc, bất bạo động của Phật tổ Như Lai người hơn hai ngàn năm trăm năm trước, từng khai sáng một tôn giáo không phân đẳng cấp, không cổ súy chiến tranh, không coi thường sinh mạng, hạnh phúc của chúng sinh. Những bài thuyết giảng này, ngày thường, không có gì phải bàn về tính đúng đắn của nó nhưng trong thời điểm hiện tại, khi Trung Quốc ngang nhiên tiến chiếm vùng biển đảo Việt Nam nổi lên các phong trào biểu tình của học sinh sinh viên, trí thức, công nhân, ngư dân cả nước, đòi ‘HD 981 get out of Vietnam now’, ‘Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam’.
Có mặt tại Việt Nam Quốc Tự, vào sáng ngày Phật Đản, (nhằm 13/5 dương lịch) người viết bài ghi nhận, trong không khí nóng bức, hàng ngàn Phật tử chen nhau gửi xe, mua cờ Phật Giáo, đốt nhang, thả chim, vái Phật, cắm nhang vội vã rồi chen ra lấy xe đi ngay. Ở các chùa lớn nhỏ khắp các tỉnh Miền Đông Nam Bộ, mọi hoạt động làm xe hoa, trình diễn văn nghệ, triển lãm…đều im ắng, do đã tiến hành từ đầu tháng 5 để mừng đại lễ Vesak thế giới do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Ninh Bình từ ngày 7 đến 11/5.

Chùa Bửu Quang (Bà Rịa Vũng Tàu) trong ngày Phật Đản năm nay, vắng hẳn khách chiêm bái
Ngay buổi sáng Phật Đản, tại tỉnh Bình Dương, Đồng Nai người dân không khỏi bàng hoàng ngạc nhiên khi thấy xuất hiện trên đường phố một biển người đông đảo, đi bộ có, lái xe gắn máy có, cuồn cuộn khí thế, đổ về các khu công nghiệp có đông công ty Trung Quốc, tay phất cờ, tay cầm biểu ngữ chống Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam trên biển Đông. Lực lượng bảo vệ các nhà máy Trung Quốc, Đài Loan và Singapore đều bất lực, không thể ngăn chặn hành động đập phá, hò hét dữ dội của đám đông. Từ khu công nghiệp Linh Trung, Linh Xuân, Sóng Thần tới Singapore, Nam Tân Uyên, Đất Cuốc…chỗ nào cũng đập phá ầm ầm, hô đả đảo xâm lược, đốt nhà xưởng bừng bừng.
Chuyện láng giềng Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trên biển Việt Nam để ‘nắn gân’ Việt Nam, thăm dò phản ứng khối ASEAN, Mỹ và Phương Tây, vốn đã xảy ra từ đầu tháng 5, chính thức được công khai hóa vào ngày 4 tháng 5. Các thành phần dân và hội đoàn biểu tình chống hành vi xâm lược của Trung Quốc. Điều chính quyền lo ngại nhất là những cuộc biểu tình đi quá đà trở thành chống chính quyền.

Ghe thuyền Bình Châu (Vũng Tàu) chỉ đi về trong ngày, đánh bắt gần bờ. Giá cá do vậy cao gấp đôi ngày thường (35,000 đồng thành 70,000 đồng)
Nhiều người dân sống dọc theo khu công nghiệp Sóng Thần và khu chế xuất Singapore (Bình Dương), chứng kiến cuộc bạo loạn ngày 13/5. Một nhóm nữ công nhân khu nhà trọ Tân Uyên, hiện đang nghỉ làm vì nhà máy đóng cửa, đã kể lại vắn tắt, nét mặt chưa hết kinh hoàng: “Điện tắt tối om, mùi vải, mùi nhựa bị đốt khét lẹt. Tiếng đập cửa, tiếng hô đả đảo Trung Quốc, tiếng chân chạy, tiếng la hét ồn ào, chát chúa, hỗn loạn. Người ta tuôn vô nhà kho, mạnh ai nấy khiêng…’ Một công nhân lái xe của xí nghiệp may gia công Đài Loan cho biết, nhóm biểu tình đập phá không phân biệt công ty Trung Quốc hay Đài Loan, cứ bảng hiệu không phải chữ Việt, chữ Anh, chữ Hàn, chữ Nhật. Chủ nhân chạy trước, nhân viên văn phòng, bảo vệ cũng chạy luôn.
Trong thực tế, sau Bình Dương, khu công nghiệp Vũng Áng – Hà Tĩnh- cũng xảy ra cuộc biểu tình chống giàn khoan HD 981 của Trung Quốc (gọi tắt là chống Trung Quốc). Gần 80 công nhân của khu công nghiệp này đã bị bắt sau khi xô xát với công nhân Trung Quốc.
Hiện tại, việc chống Trung Quốc ở các khu công nghiệp Đông Nam Bộ tạm thời bị ngưng, các nhà máy bị đập phá đều ngưng hoạt động, công nhân nằm nhà, cảnh sát và nhân viên bảo vệ đang kiểm soát các khu chế xuất, khu nhà trọ công nhân… Hai ngày 14, 15/5, người đứng đầu nghiệp đoàn, đứng đầu thành phố Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai họp báo trấn an, hứa hẹn bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản doanh nghiệp nước ngoài, đưa những kẻ cầm đầu ra xét xử… Trong thực tế, hơn 200,000 công nhân Bình Dương, và không ít hơn số đó, ở các tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu, Đồng Nai, khí thế chống Trung Quốc chưa hề tắt lịm. Anh em bốc vác cảng Cái Mép, Thị Vải tâm sự ‘Vì miếng cơm manh áo, phải làm thinh. Nhưng đã đứng dậy được rồi, sẽ không làm thinh như trước’. Bình luận ở quán nước vỉa hè, những ngày này, mỗi người là một đài phát thanh. Cộng đồng người Hoa Chợ Lớn đang co cụm, nghe ngóng. Đồ Trung Quốc không ai mua. Giá thịt cá, rau cỏ, xăng dầu rục rịch tăng, thời thế thay đổi tới nơi”. Một nhóm Phật tử chùa Giác Lâm – huyện Tân Uyên, Bình Dương, nơi đông công nhân nhập cư sinh sống, tỏ ra lo lắng nhất. Họ cho rằng không tin sức ép dư luận thế giới cộng với kiểu đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, bằng con đường ngoại giao, bằng luật pháp quốc tế, và cả truyền thống từ bi, bất bạo động của Phật Giáo có thể làm vỡ mộng bá quyền của Trung Cộng. Nhưng không tin, cũng chưa biết làm gì trong lúc này.

Biểu tình