LGT: Tác giả gặp Cô Na lần đầu tại Khóa Tu Nghiệp Sư Phạm Việt Ngữ (TNSP) thứ 25 do Ban Đại Diện Các Trung Tâm Miền Nam California tổ chức vào tháng 8, 2013. Với sự quý mến và cảm phục đối với những công việc dấn thân Cô Na đã làm trong nhiều năm qua, tác giả đã xin phỏng vấn Cô và sau nhiều tháng chờ đợi vì Cô Na hiện đang hoàn tất chương trình tiến sĩ, tác giả đã thực hiện được một phần của cuộc phỏng vấn chiều sâu theo phương pháp lịch sử truyền khẩu với Cô Na. Kính mời quý độc giả cùng gặp gỡ một trái tim Phù Tang đã tận tụy giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em gốc Việt ở Nhật trong suốt nhiều năm qua. Xin thăm trang mạng https://www.facebook.com/lopvietkodomo để biết thêm về sinh hoạt của Cô (và “Like” nếu quý vị thích).
TRANGĐÀI-GLASSEY-TRẦNGUYỄN (TGT): Kính chào Cô Natsuki Kitayama. Trangđài xin phép gọi Cô là “Cô Na” trong bài phỏng vấn này, như các Thầy Cô tại Khoá TNSP 25 vẫn gọi Cô. Trước hết, xin chân thành cảm ơn Cô đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.
Natsuki Kitayama (NK): Dạ, kính chào cô Trangđài và quý độc giả.
TGT: Tên Cô Na viết tắt “NK” làm Trangđài nhớ đến một thương hiệu trứ danh của Vương quốc Thụy Điển, thường gọi là NK (đọc là ‘en-cô’) (Nordiska Kompaniet, Công ty Bắc Âu). Tuy là một sự trùng hợp tình cờ, nhưng Trangđài nghĩ, Cô Na cũng là một nhân vật trứ danh đối với những người bảo tồn và phát triển tiếng Việt trên thế giới. Để bắt đầu, Cô Na nói một chút về kinh nghiệm sinh trưởng của mình nhé. Cô sinh năm 1975 tại Ishikawa, Nhật Bản. Cô còn nhớ những kỷ niệm thời thơ ấu nào?
NK: Dạ, hồi còn nhỏ, có thể nói tôi là con gái hay mắc cỡ trước mặt những người lạ, làm cái gì cũng không được tự tin lắm. Nhưng trong nhà hay giữa bạn bè rất thân thì lại rất tự tin. Có lẽ mẹ tôi sợ rằng tôi có thể trở thành một người không được tự tin nên cho tôi đi học thêm nhiều môn như đàn piano, đàn tranh Nhật, tiếng Anh, thư pháp và bàn tính.v.v….Trong đó, piano và tiếng Anh là tôi học lâu nhất. Bây giờ tôi thấy mấy môn đó cũng đã trở thành căn bản của tôi khi làm những gì mới như tiếng Việt hay đàn bầu chẳng hạn.

Dùng trò chơi twister để học tiếng Việt – Thể dục bằng 6 thanh hiệu
TGT: Lý do nào đã khiến Cô chọn học Khoá tiếng Việt tại Trường đại học Ngoại ngữ Osaka?
NK: Lúc 18 tuổi, tôi đi thi vào Trường đại học Ngoại ngữ Osaka (nay là Trường đại học Tổng hợp Osaka). Trước khi đi thi, tôi phải chọn 1 trong 25 chuyên ngành, tức là 25 khoa ngôn ngữ. Trong 25 ngôn ngữ đó dĩ nhiên cũng có ngoại ngữ có thế mạnh trên thế giới như tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Pháp.v.v… nhưng tôi lại thích học ngoại ngữ nào ít người biết, ngôn ngữ mà chúng tôi gọi là minor language, không biết bên Mỹ cũng gọi như thế không? Hồi đó tôi đọc sách hướng dẫn của trường để xem trường có dạy minor language nào, thì tìm được tiếng Việt. Phần giới thiệu khoa tiếng Việt đã có 2 trang, trong đó thầy giáo giới thiệu sơ sơ về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Tôi vẫn nhớ một câu là văn hóa Việt Nam mặc dù chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa và văn hóa Pháp nhưng vẫn là văn hóa độc lập, độc đáo và sâu sắc. Bây giờ nghĩ lại hồi đó tôi cũng thiếu suy nghĩ và chỉ là một cô gái say mê ngoại ngữ và văn hóa nước ngoài, và cũng rất là can đảm vì chỉ đọc 2 trang đó mà quyết tâm học tiếng Việt.
TGT: Là một người Nhật học tiếng Việt, đối với Cô, khó nhất ở chỗ nào?
NK: Ban đầu tôi thấy khó nhất là cách phát âm của tiếng Việt. Tiếng Việt có nhiều âm: nguyên âm và phụ âm, hơn nữa là có thanh điệu nữa. Khi còn ở quê, tôi chưa được gặp người Việt lần nào, cũng không có cơ hội nghe tiếng Việt nên khi mới bắt đầu học tiếng Việt, tôi gặp rất nhiều khó khăn để tiếp thu được tiếng Việt và văn hóa Việt.
TGT: Cô tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa ngôn ngữ và văn hoá tại Trường đại học Osaka năm 2002. Cô đã chọn đề tài gì cho luận án của mình?
NK: Tôi đã viết luận án về “Sự chuyển đổi ngôn ngữ (code switching) giữa hai người đều biết nói tiếng Việt và tiếng Nhật”. Hai người đó là người Việt và người Nhật. Tôi đã nhờ mấy người bạn người Việt và người Nhật đến nói chuyện với người Nhật/Việt khoảng 30 phút. Người đối thoại đó có khi là người lạ, có khi là người quen. Kết quả là vì những cuộc nói chuyện đó diễn ra tại Nhật nên họ nói tiếng Nhật nhiều hơn là tiếng Việt nhưng khi nói chuyện với người quen thì sự chuyển đổi giữa hai ngôn ngữ ấy xảy ra nhiều lần hơn là trường hợp người xa lạ.
TGT: Cô đã có duyên gặp gỡ và làm việc với “NGO Vietnam in Kobe” như thế nào? Cô đóng vai trò gì trong Hội từ năm 2003 đến 2009?
NK: Từ năm 2002 đến 2003, tôi tham gia một dự án nghiên cứu của Bảo tàng dân tộc học Nhật Bản. Mục đích chính của dự án đó là triển lãm những đồ vật của các cộng đồng dân tộc khác với dân tộc Nhật ở nước Nhật. Tôi phụ trách thu thập những hiện vật của cộng đồng người Việt để giới thiệu cuộc sống và sinh hoạt của người Việt ở Nhật. Trong thời gian đi tìm hiện vật và tìm hiểu về các sinh hoạt của cộng đồng người Việt, tôi đi thăm “NGO Vietnam in Kobe”. Văn phòng đó nằm ở giữa cộng đồng người Việt tại Kobe, mở lớp tiếng Việt cho các em gốc Việt vào Thứ Bảy hàng tuần, và hàng năm cũng tổ chức Hội Xuân. Sau khi đi đến văn phòng mấy lần, tôi bắt đầu có một câu hỏi: Nếu tôi làm việc ở một tổ chức có giám đốc là người Việt và nằm ở cộng đồng người Việt thì có cảm giác như thế nào và có thể làm được gì cho tổ chức cũng như cộng đồng không? Hơn nữa tôi đã có quan tâm đến lớp tiếng Việt cho các em gốc Việt nữa. Do đó tôi nhờ bà giám đốc nhận tôi vào làm việc. Năm đầu tiên tôi làm việc chủ yếu là viết đơn xin tài trợ để nộp cho các quỹ. Nửa năm sau tôi đi San Diego để học thêm tiếng Anh ở UCSD và tìm hiểu về cộng đồng người Việt ở Nam Cali. Trong thời gian ở lại SD, tôi được mời đi dạy tiếng Việt cho các em ở Trung tâm Việt ngữ Lạc Việt San Diego. Nhờ kinh nghiệm đó, sau khi đi Mỹ về, tôi được giao việc giảng dạy tiếng Việt ở lớp tiếng Việt của NGO Vietnam in Kobe. Đó là tháng 4 năm 2004. Tôi bắt đầu dạy tiếng Việt ở lớp Việt ngữ của tổ chức đó đến tháng 3 năm 2010.

TGT: Làm việc với người Việt ở Nhật cho Cô những cảm nhận gì về văn hoá và ngôn ngữ Việt Nam, và về đời sống của người Việt tại Nhật?
NK: Ở đó tôi học hỏi được rất nhiều trong công việc ví dụ như tư vấn bằng tiếng Việt qua điện thoại hay là những kiến thức về các vấn đề luật pháp, hôn nhân, ly hôn, visa, lao động, giáo dục.v.v… Trong thời gian làm việc ở đó cũng có rất nhiều kinh nghiệm và kỷ niệm nên không biết nên kể từ chuyện nào và chuyện nào có thể kể lại ở đây được. Có thể nói là cộng đồng người Việt ở Nhật cũng phức tạp và nhiều mặt, chắc có lẽ cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng vậy, và ở bên VN cũng vậy.
TGT: Cô Na kể cho độc giả nghe vài kỷ niệm dễ thương với Hội NGO này đi!
NK: Ở Hội Xuân năm 2006, các em lớp Việt ngữ của tôi trình diễn hát và hợp tấu. Các em hát, chơi đàn bầu, piano và đánh trống. Dễ thương lắm. Sau đó các em không có dịp biểu diễn nữa. Bây giờ các em cũng lớn rồi, tất cả các em đó không còn đi học ở lớp đó nữa. Tôi cũng không còn làm việc ở NGO Vietnam in Kobe nữa. Nhưng tôi thỉnh thoảng coi lại những tấm hình của các em trong dịp đó và cảm thấy ấm áp và rất nhớ các em.
TGT: Trong suốt năm năm từ 2004-2009, Cô cũng dạy Việt ngữ cho Hội. Xin Cô Na kể về những cảm giác đầu tiên của Cô khi làm cô giáo Việt ngữ. Có run không? Và chắc không ít hứng thú!
NK: Cũng run một chút nhưng phấn khởi nhiều hơn. Vì trước khi tôi dạy, lớp đó chỉ dạy tiếng thôi. Tôi muốn áp dụng cách tổ chức lớp của trung tâm Lạc Việt San Diego. Lớp ấy có ba phần trong một buổi học: giờ học tiếng, giờ ăn bánh và giờ nghỉ ngơi (chơi game). Tôi cũng bắt chước theo cách tổ chức đó. Tức là cho các em học tiếng 30 phút, ăn bánh 10 phút và chỉ các em chơi trò chơi bằng tiếng Việt 20 phút. Tôi rất hồi hộp và muốn biết cách tổ chức đó và cách dạy của mình có hợp với các em sinh sống ở Nhật không.
TGT: Cuộc phỏng vấn với Cô Na làm Trangđài nghĩ ngay đến cuộc phỏng vấn nhiều năm về trước với Hoạ sĩ Himiko Nguyễn Hoàng Kim. Hoàng Kim sống và làm việc tại Việt Nam, có qua Nhật đi làm một thời gian và chọn cho mình cái tên Himiko, “Đứa Bé Nhìn Thấy Lửa,” vì thích ý nghĩa của nó. Cô Na có biết Cô Himiko không?
NK: Trước hết, tên Himiko là tên rất phổ biến và nổi tiếng ở nước Nhật. Vì đó là tên của Nữ vương đầu tiên ở nước Nhật (Không phải là tổ tiên của gia đình Nhật Hoàng). Nhưng cô Trangđài vừa giải thích tên Himiko có nghĩa là “đứa bé nhìn thấy lửa” thì tôi cũng hiểu nó cũng có nghĩa như thế, mặc dù chữ Hán của nó khác với tên Nữ vương ấy. Vâng, cô Himiko Nguyễn Hoàng Kim thì tôi có gặp một lần ở quán cafe của cô ấy. 3, 4 năm trước tôi đọc bài giới thiệu về quán cafe của cô Himiko ở tạp chí “Vietnam Sketch” trên mạng. Thấy quán đó có vẻ lạ nên tôi đi thử với các bạn. Quán đó đúng là lạ và độc đáo.
TGT: Xin chân thành cám ơn Cô Na đã cho phép Trangđài thực hiện cuộc phỏng vấn này. Kính chúc Cô nhiều sức khoẻ và mọi điều thành công trong tương lai.