Menu Close

Viêm gan – Ống dẫn tinh trùng

Tôi được biết có nhiều đồng hương mình mắc bệnh viêm gan A,  B và C. Xin bác sĩ cho biết sự khác nhau giữa các loại viêm gan này, và loại nào có thể chích ngừa? Xin cảm ơn bác sĩ.  Tân Nguyễn- Houston

Đáp

Viêm gan (Hepatitis) là bệnh có thể gây ra do:

– Hóa chất như rượu, các dược phẩm như acetaminophen, kháng sinh, thuốc trị bệnh thần kinh trung ương.

– Vi khuẩn, nấm và các loại virus A, B, C, D…

Trong bệnh Viêm gan, các tế bào của gan bị tổn thương đưa tới rối loạn các chức năng có vai trò quan trọng trong sự tiêu hóa thực phẩm của gan. Viêm gan A,B,C thường có những dấu hiệu tương tự như nhau nhưng cách truyền bệnh và hậu quả lên gan đều khác nhau. Viêm gan có thể là cấp tính nếu kéo dài dưới 6 tháng, kinh niên nếu kéo dài hơn 6 tháng.

1. Viêm gan virus A:

Viêm gan loại A là bệnh truyền nhiễm ở gan, gây ra do virus Hepatitis A. Tình trạng bệnh có thể từ vừa phải tới trầm trọng kéo dài vài tuần lễ tới nhiều tháng. Nhiễm bệnh do:

– Tiêu thụ nước uống, thực phẩm nhiễm với virus A hoặc do tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh. Virus này thường có trong phân của người đang bị bệnh. Nếu họ không rửa tay sạch khi nấu nướng hoặc dọn thực phẩm cho khách hàng là bệnh sẽ lây truyền sang khách.

– Mẹ thay tã cho con bị bệnh mà không rửa tay

– Giao hợp với người bị bệnh

Viêm gan A thường tự hết mà không cần điều trị, do đó ít khi bệnh trở thành kinh niên. Viêm gan A có thể chích ngừa bằng vaccin, chích làm 2 lần cách nhau 6 tháng hoặc chích ngừa chung với vaccine viêm gan B cho người từ 18 tuổi trở lên, chích làm 3 lần, cách nhau 6 tháng.

Sau khi bị bệnh và sau khi chích ngừa, bệnh nhân được miễn dịch với virus A suốt đời.

2. Viêm gan B

Viêm gan B gây ra do virus Hepatitis B. Bệnh có thể cấp tính ngắn hạn kéo dài khoảng 6 tháng sau khi nhiễm hoặc kéo dài mãn tính với virus trong máu và có thể gây ra xơ cứng hoặc ung thư gan. Trong thời kỳ cấp tính (acute), bệnh nhân thường tự khỏi, không cần điều trị. Khi chuyển sang giai đoạn mãn tính, điều trị với thuốc đặc trị virus B như interferon.

Bệnh lan truyền qua máu, tinh dịch, nước âm hộ của bệnh nhân xâm nhập cơ thể người không bị bệnh. Các trường hợp lây nhiễm có thể là:

– Khi mẹ bị bệnh truyền sang con khi sanh;

– Giao hợp với người bị Viêm gan B;

– Dùng chung kim, ống chích, dao cạo, bàn chải đánh răng với người bị bệnh;

– Trực tiếp tiếp xúc với máu hoặc vết thương mở của người bệnh;

– Tiếp xúc với máu người bệnh dính trên kim chích hoặc vật nhọn.

Cách phòng ngừa hữu hiệu nhất là chích ngừa với vaccin viêm gan B. Vaccin này thường được chích làm 3 hoặc 4 lần trong thời gian 6 tháng, kể từ lúc bé mới sanh.

3. Viêm gan C

Viêm gan C là một trong những loại viêm gan gây ra do virus nguy hiểm nhất vì bệnh có thể đưa tới biến chứng là xơ cứng gan và ung thư gan. Bệnh lây lan qua kim chích chứa virus, xăm da với dụng cụ nhiễm virus C, tiếp nhận máu người bệnh, thai nhi trong khi sanh mà mẹ đang bị bệnh. Bệnh được điều trị với thuốc chích interferon và thuốc viên Ribavin.

Không có thuốc chích ngừa viêm gan C cho nên cần áp dụng các phương thức an toàn cá nhân như:

– Không dùng chung kim chích với người bệnh;

– Xăm và khoen da với dụng cụ đã được khử trùng;

– Không giao hợp với nhiều bạn tình khác nhau hoặc với người mà quá khứ về sức khỏe không rõ ràng.

Bệnh âm thầm phát triển rồi tình cờ thử máu, mới được bác sĩ cho biết là bị bệnh ở giai đoạn kinh niên,

 

Năm nay tôi 37 tuổi, mới tái giá với ông chồng người khác quốc tịch. Ông này đã cắt ống dẫn tinh trùng cách đây 3 năm. Bây giờ chúng tôi muốn có con, và ông ấy muốn nối lại ống dẫn này. Xin bác sĩ cho biết liệu tôi có thể có con ngay sau khi ống được nối lại và muốn nối lại có tốn tiền nhiều lắm không và bác sĩ nào có thể thực hiện được giải phẫu tái lập lưu thông này được. Lynn Ngô

Đáp

Cắt ống dẫn tinh trùng ở nam giới có mục đích là để ngăn sự di chuyển của tinh dịch chứa tinh trùng từ ngọc hành tới dương cụ khi người đàn ông không muốn có con. Đó là vasectomy. Việc nối lại đường giao thông này, thì trong y khoa gọi là vasectomy reversal.

Giải phẫu nối này có thể thực hiện bằng vài cách:

– nối hai đầu ống dẫn tinh trùng đứt đoạn với nhau hoặc

– nối đoạn cuối của ống dẫn tinh với mào tinh hoàn (epididymis).

Thời gian giữa cắt ống dẫn tinh và khi nối lại có vai trò quan trọng trong việc tái lập lưu thông của tinh trùng. Nếu là mới cắt rồi nối lại thì hai đầu cắt chưa bị tắc nghẽn và tinh dịch chứa tinh trùng hy vọng là có thể còn lưu thông được như trước. Danh từ y khoa gọi giải phẫu này là vasovasostomy. Nhưng nếu đã cắt được vài năm thì có một sự tắc nghẽn, bác sĩ phải nối đầu dưới của ống dẫn tinh với mào tinh hoàn, gọi là vasoepididymostomy. Kết quả tái lập ống dẫn tinh là phụ nữ có thể có thai từ 40 tới 90%.

Giải phẫu thường được bác sĩ chuyên môn về giải phẫu hoặc niệu học (urologist) thực hiện, phí tổn có thể từ 5,000 tới 15,000 đô la, chưa kể thù lao cho bác sĩ gây mê và tiền nằm bệnh viện. Xin bà nhắc với ông nhà là cần thực hiện mấy cách sau đây sau khi giải phẫu:

– Khi về nhà, hãy thư giãn nghỉ ngơi;

– Chườm chỗ mổ với túi nước đá để giảm sưng đau;

– Mặc quần lót hơi chật để đỡ cơ quan sinh dục;

– Trong 2 tuần lễ đầu sau giải phẫu, tránh nâng nhấc vật nặng hoặc vận động quá mạnh;

– Tránh giao hợp từ 2 tới 4 tuần lễ sau giải phẫu hoặc khi bác sĩ nói OK.

Trong trường hợp không muốn nối lại ống dẫn tinh trùng, vợ chồng vẫn có thể có con bằng thụ tinh nhân tạo. Bác sĩ chuyên môn lấy tinh trùng từ ngọc hành hoặc mào tinh hoàn của người nam rồi cho kết hợp với trứng người nữ sau đó đặt vào tử cung để tăng sinh thành thai nhi.

Cầu chúc ông bà sớm toại nguyện, đầu năm sinh cháu trai, cuối năm sinh cháu gái, Mỹ-Việt đề huề.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức.