Menu Close

Có khi nào…

Có khi nào giữa giòng đời xuôi ngược, ta bỗng nhận ra một khuôn mặt rất quen. Người ấy cũng vừa nhận ra ta, nhưng chưa kịp chào nhau thì cả hai đã bị giòng xe cuốn đi không dừng lại được, rồi mất hút. Thỉnh thoảng bạn hữu họp mặt có người nói: “Bữa đó thấy bạn đi ngoài phố, gọi hoài chẳng nghe.” Hay có người trách “Lần đó tôi thấy rõ ràng bạn nhìn tôi, mà bạn chẳng thèm dừng lại nói chuyện.” Đặc biệt hơn có người ở rất xa tận Atlanta chẳng hạn, bỗng dưng tìm cách liên lạc để chỉ nói rằng “Hình bạn đăng trên báo thật giống bạn học cũ của tôi…!” Lạ nhỉ và ngộ nhỉ! Từ bao giờ không biết người ta bỗng chợt nhận ra rằng họ muốn đi tìm một thoáng hương xưa, muốn trở về đường cũ nên thơ, dù chưa chắc đã gặp đúng người xưa ước mơ. Nhưng cuộc đời như chuyến xe lửa tốc hành, đã đưa người ta đến những bến bờ khác lạ. Khi cầm vé lên tàu, khi hàng chục toa xe chậm rãi nhưng kiên quyết lăn trên thiết lộ, những gì là quá khứ hay không là quá khứ mặc nhiên ở lại. Và những hành khách mà ta tưởng rằng đã quen ấy, thinh lặng đi đến chân trời góc biển xa xôi nào đó.

Từng đoàn tàu, từng đường rầy, từng nhà ga, từng hệ lụy có trong đời…, bằng cách này hay cách khác mời gọi người ta tham dự một cuộc hành trình không ngưng nghỉ. Nên có bao giờ nghe tiếng còi tàu ngân vang trên thiết lộ tôi hay ai đó chớ vội mừng, bởi vì con tàu trở về hay con tàu sẽ đến chưa chắc đúng là tàu đêm năm cũ. Người cuối cùng xuống bến, hay người cuối cùng còn đứng đợi ở sân ga, cũng chưa chắc có thể gọi nhau là cố nhân bởi vì cả hai hoàn toàn xa lạ. Chỉ có một điều không biết tại sao, dù thân quen hay không hề biết, những bóng người trên sân ga đều lẻ loi giống nhau. Và Nguyễn Bính đã đại diện cuộc đời, nói về điều lẻ loi hiển nhiên ấy: “Có lần tôi thấy một người đi. Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì. Chân bước hững hờ theo bóng lẻ. Một mình làm cả cuộc phân ly!” Có khi nào chiếc bóng làm cả cuộc phân ly này, khiến người ta ngộ nhận hoặc lầm tưởng chính là mình không nhỉ…?!

Có khi nào ở cuối Tháng Năm hanh nắng, tôi hay ai đó chợt thấy nhớ cố hương…! Mùa này ở quê nhà đỏ rực màu phượng vĩ. Đi đâu cũng nghe tiếng ve râm ran, đi đâu cũng thấy phượng trải thảm đỏ thắm lối về. Hoa phượng là bạn chí thân của học trò, thế nhưng mỗi khi ngắm lá phượng xanh hoa phượng đỏ, lòng tôi vẫn cứ ngỡ ngàng như lần đầu tiên nhìn thấy phượng. Nhớ xưa tôi từng viết về phượng:

“…Ở Sài Gòn  mưa rơi giữa mùa phượng nở. Màu xanh của lá màu đỏ của hoa đong đưa chao động giữa muôn ngàn giọt nước li ti trắng xóa, đã tạo nên một gam màu độc đáo. Người ta vốn chỉ nói về phượng khi hè đến, khi trống trường im tiếng, khi cổng trường khép lại. Và thật lạ! Một cây phượng vĩ sắc hoa đỏ rực đứng giữa sân trường vắng, đứng giữa trời nắng hanh – và cũng chỉ trong khung cảnh đó thôi – lại luôn luôn gợi cho lòng người cảm giác tĩnh lặng, vắng vẻ, cô liêu; dù không cần am tường hội họa, sơ đẳng ai cũng biết màu đỏ là màu nóng động! Phượng giữa sân trường vắng giữa trời nắng hanh, luôn luôn gợi cho lòng người cảm giác tĩnh lặng vắng vẻ, cô liêu. Còn phượng trong mưa đem đến cho ta nỗi niềm gì? Tôi đã hỏi lòng như thế, khi ngắm lá phượng xanh hoa phượng đỏ đứng rủ buồn trong mưa. Có điều gì nửa như u uẩn nửa như cam chịu bàng bạc giữa sắc màu quen thuộc ấy, để tôi ngậm ngùi thương phận người mong manh phiêu hốt trong cõi đời nhiều hệ lụy này. Giữa những tất bật đời thường, giữa những mệt mỏi vì năm tháng qua đi chồng chất biết bao đớn đau phiền muộn, giữa khi lòng không ấm áp niềm tin tưởng, giữa khi mọi chuyện còn dở dang, phải chăng đời của người ta cũng u uẩn cũng cam chịu, như phượng đỏ lá xanh giữa trời mưa gió?!”

Đó là chuyện của ngày xưa. Nơi tôi đang cư ngụ bây giờ không có “cố nhân” phượng đỏ, chỉ có phượng tím. Phượng tím tên khoa học là Jacaranda Mimosifolia, nở khắp các nẻo đường ở Santa Ana khi vào hạ. Người Việt cư trú tại Hoa Kỳ  lần đầu tiên nhìn thấy phượng tím rất ngạc nhiên, nhưng cư dân Đà Lạt là tôi không thấy lạ. Khắp nước Việt Nam thuở ấy chỉ Đà Lạt mới có phượng tím. Sự nhập cư đặc biệt của phượng tím là công trình của Kỹ Sư Nông Nghiệp Lương Văn Sáu. Ông là hội viên của Hội Hoa Hồng nước Pháp, và cũng là người sáng lập Công Viên Hoa Đà Lạt; ông đã mang phượng tím về trồng tại xứ muôn hoa vào năm 1962. Bờ hồ Xuân Hương, đường vào chợ Đà Lạt, trong Thung Lũng Tình Yêu, Thiền Viện Trúc Lâm, hồ Tuyền Lâm là những nơi ngập tràn sắc hoa phượng tím. Giữa muôn hồng nghìn tía của thành đô Đà Lạt, những cành phượng tím dịu dàng, thơ mộng, tao nhã, vươn cao trên khung trời khói tỏa sương lồng, khiến lòng tôi bâng khuâng ngập ngừng như tâm tình của Hồ Dzếnh “…Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ. Cho nghìn sau…lơ lửng…với nghìn xưa.” Chợt nhớ…Tôi đi ngày ấy trời se lạnh, có tiếng chim kêu ở cuối vườn. Mây bạc ngang đầu mây vẫn trắng, chập chờn phượng tím chập chờn sương!

Có khi nào vừa bước chân xuống bậc tam cấp trước cửa nhà, cũng là lúc tôi bắt đầu chọn cho mình một con đường để đi. Con đường đó có thể đưa tôi đến chân trời đầy tuyết đông buốt giá ở phương bắc. Con đường đó có thể đưa tôi đến hoàng hôn đầy ráng chiều rực rỡ ở phương tây. Con đường đó có thể khiến tôi phải đối diện với cơn sóng động đập phá trùng dương, nếu muốn ra khơi. Chọn lựa một con đường nào đó là chấp nhận một nguyên tắc sống, một sự thẳng thắn đương đầu với mọi hiểm họa phải có trong cuộc hành trình. Tôi nghĩ gì khi đối diện với ngả rẽ chẳng đặng đừng, khi đối diện với tuyết băng lạnh lùng trải dài một màu trắng u buồn, khi lặng nhìn tâm hồn dần chết? Tôi mang tâm trạng nào lúc một mình theo dõi chiếc bóng xiêu vẹo ngả dài, giữa màu nắng u uất đến lạ thường của chiều tà? Trông vời con nước xuôi, ngắm cánh buồm vật vờ phiêu hốt, lòng tôi cảm nhận ra sao trước âm thanh nức nở nghẹn ngào của sóng biếc? Những cảnh đời không như ý nguyện – thật bất ngờ –  luôn rình rập gây trở ngại cho cuộc hành trình tôi đã thành tâm lựa chọn. Có khi nào tôi phải khóc khi sớm mai thức dậy, nhìn thấy băng tuyết đóng cứng con đường tôi đã đang hân hoan cất bước. Có khi nào tôi phải rơi lệ khi đường xa gánh nặng xế chiều, tôi vẫn một mình quay quắt trong cơn đau vì nắng gắt. Có khi nào tôi phải để giòng nước mắt chảy, vì chứng kiến con thuyền đời tả tơi giữa sóng gầm biển động.

Có khi nào như vậy không? Có đấy! Nhưng tôi cương quyết không lùi bước, mà thật ân cần tôi nhắn nhủ chính tôi: Khóc đúng lúc bao giờ cũng tốt, nhưng phải lau sạch nước mắt sau mỗi cơn lâm lụy, phải nhìn thẳng vào hiểm họa, để tìm ra phương cách hóa giải những điều không như ý nguyện. Hạnh phúc thật sự sẽ mở rộng vòng tay hoan hỉ đón chào, khi tôi toàn tâm toàn ý đi trên con đường đã chọn.

HV
11:08pm Thứ Bảy ngày 24 tháng 5 năm 2014