Tháng 6. Khi hoa hải đào (crape myrtle) bắt đầu nở rộ, nhìn về chân mây phía mặt trời đang dần lặn tắt, thấy thấp thoáng hình bóng quảng trường Thiên An Môn và bên tai ta chợt vang lên tiếng thơ ngày nào của Shi Tao:
“Nguyên cuộc đời tôi
sẽ không bao giờ sống qua được tháng sáu
tháng sáu khi trái tim tôi ngừng đập
khi thơ tôi ngưng thở
khi người tôi yêu dấu
chết trong vũng máu đang mơ
Tháng sáu mặt trời dãi lửa thiêu cháy làn da
Xé toang sự thật tự nhiên của thương tích tôi
Tháng sáu con cá
lao khỏi biển máu đỏ
Trôi tấp vào chốn khác của giấc đông miên
Tháng sáu, trái đất quặn mình, sông rạch lặng tiếng
Chồng chất ngàn ngàn lá thư
không thể gửi đến cho những người đã chết”
(Trích theo Nguyễn Mạnh Trinh)

Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 – NGUỒN THEGUARDIAN.COM
Ôi. Tháng 6 Thiên An Môn. Còn nhớ có lần Nguyễn đã viết: Từ sau năm 1989, Thiên An Môn đã trở thành đất thiêng của người dân Trung Hoa. Đây là nơi lảng vảng những hồn ma của quá khứ. Đây là nơi vào tháng 6 khách từ năm châu đến viếng, họ đứng lặng nhìn hoàng hôn mà còn nghe vang vọng tiếng kêu gào hờn oán của hàng ngàn sinh viên bị đàn áp trong biển máu. Mường tượng thấy những ánh lửa trong đêm, những mái đầu gục vào nhau trong giấc ngủ mơ, những mối tình nở vội dưới ánh trăng trên quảng trường.
Tháng 6 lại về. Chiều nay chúng ta như thấy lại những mái đầu xanh và những đôi mắt sáng của hàng ngàn sinh viên dưới các mái lều của gió. Họ chỉ được trang bị bằng những chiếc gậy ngắn và lòng yêu nước, yêu tự do dân chủ. Họ với sự trợ giúp của dân chúng tay không phá sập các chướng ngại, vượt qua rào cản, đối diện thách thức quân đội có nhiệm vụ dẹp bạo loạn. Và ta bàng hoàng chợt thấy như Charlie Cole của tờ Newsweek thuật lại “Chiều tối ngày 3 tháng 6, sau một ngày đương đầu căng thẳng giữa phía quân đội và những người biểu tình, quân đội bắt đầu bao vây trung tâm thành phố và cuối cùng, họ cho xe tăng và xe bọc thép vào ngay giữa Quảng Trường Thiên An Môn. Phía trên quảng trường, ở ngay trước Tử Cấm Thành, một chiếc xe bọc thép bị xé lẻ khỏi đội hình.
Trong lúc hoảng loạn tìm cách thoát khỏi đám đông, chiếc xe này đã cán lên một số người biểu tình. Ngay lập tức, bạo lực bùng phát. Đám đông chặn chiếc xe, lôi những người lính ra, giết chết rồi phóng hỏa đốt xe.
… Vào khoảng 4 – 5 giờ sáng, hàng đoàn xe tăng chạy vào quảng trường nghiền nát xe buýt, xe đạp và người dưới bánh xích. Khi trời hửng sáng, chúng tôi thấy nhiều xe bọc thép tới cùng hàng ngàn binh lính tiến vào. Ngày hôm sau, ngày 5 tháng Sáu, buổi trưa, chúng tôi nghe tiếng xe bọc thép nổ máy và bắt đầu rời quảng trường. Để giải tán đám người trên Đại lộ Trường An, một số súng máy đã nhả đạn vào họ. Mọi người bỏ chạy vì hoảng loạn.
Và rồi hình ảnh người thanh niên mặc áo trắng bỗng xuất hiện trước mắt ta một tay cầm chiếc áo khoác, tay kia cầm túi siêu thị bước vào lối xe tăng đi với ý định chặn đoàn xe lại. Rồi hình ảnh những chiếc xe tăng sau đó cán nát người và xe đạp ngổn ngang trên quảng trường. Mắt mờ lệ ta còn như thấy lại cảnh quân đội lôi người thiếu nữ tham dự biểu tình ra bắn bên bức tường Thiên An Môn. Tiếp theo, lời ai như lời Triệu Tử Dương 25 năm về trước chợt vang lên. Loa cầm trên tay, long lanh nước mắt, Triệu Tử Dương đứng ở quảng trường Thiên An Môn, giữa nhóm sinh viên đang kêu gọi những cải cách dân chủ và nghẹn ngào tuyên bố, “chúng ta đã đến quá trễ, quá trễ.” Lời của ông như một trách móc vượt thời gian.

Hình ảnh sáng ngày 5 Tháng Sáu do phóng viên ảnh của AP Jeff Widener chụp
Để đóng lại những hình ảnh Thiên An Môn trong chiều nay, xin mời bạn bè nghe lại tuyên ngôn của các sinh viên ngày ấy.
“Dù những đôi vai của chúng ta vẫn không đủ sức mạnh, dù cái chết đối với chúng ta sẽ rất khắc nghiệt, chúng ta phải chấp nhận hy sinh cuộc sống, chúng ta không có chọn lựa nào khác khi lịch sử đòi hỏi chúng ta phải làm điều đó. Những huyễn tưởng đẹp đẽ về sự chịu đựng đau khổ chỉ có thể bị xóa bỏ bằng sự khổ đau chịu đựng trong hiện thực. Với vong linh của người đã khuất – chúng ta đấu tranh để được sống. Với sự tuyệt vọng để cứu lấy cái đất nước ích kỷ và không có nhuệ khí này – chúng ta dâng hiến bản thân mình. Nếu chúng ta không sẵn sàng để hy sinh thì còn ai sẽ làm điều đó đây?”
Ôi, ở đâu không là Thiên An Môn. Chúng ta ước mong lời tuyên ngôn đó vang lên một lần nữa ở Huế, Sài Gòn và Hà Nội ngày hôm nay.