Mấy tuần lễ qua đã có những cơn dông bão nặng nề, đôi khi thêm cả lốc xoáy, đổ xuống trên nhiều vùng đất ở Mỹ. Nhiều cư dân trong khu vực đã nghe tiếng còi hụ báo nguy, và có thể thắc mắc về ý nghĩa những hồi còi đó. Thông thường, còi hụ được nghe trong hai trường hợp:
Dông bão lớn: Khi Cơ quan Khí tượng Quốc gia (National Weather Service) phát ra Cảnh báo về Dông bão lớn (Severe Thunderstorm Warning) trong một khu vực, có nghĩa là sấm sét, gió mạnh, mưa hoặc mưa đá có thể đe dọa đến tính mạng và tài sản. Sở Cảnh sát thường hụ còi cảnh báo.
Lốc xoáy: Khi Cơ quan Khí tượng Quốc gia phát ra cảnh báo về Lốc xoáy (Tornado Warning) trong một khu vực, có nghĩa là lốc xoáy đã được phát hiện và có nguy cơ đến gần. Nên phân biệt: Tornado Watch (Coi chừng Lốc xoáy) là để báo cho ta biết cơn lốc xoáy có thể xảy ra trong khu vực. Còn Tornado Warning (Cảnh báo Lốc xoáy) cho biết lốc xoáy đã được nhìn thấy hoặc được radar phát hiện. Sở Cảnh sát sẽ hú còi cảnh báo, thường với âm thanh nhanh.
Một số thắc mắc về còi hụ có thể được giải đáp như sau:
1. Làm gì khi nghe còi hụ?
Vào ngay trong nhà, mở TV hoặc radio để biết thêm tin tức.
2. Tại sao có thể không nghe được còi hụ khi ở trong nhà?
Còi hụ là để báo động cho người ở bên ngoài nhà về những nguy hiểm đang tới gần.
3. Làm sao để được báo động khi ở trong nhà hay lúc đang ở sở làm?
Mỗi gia đình, mỗi sở làm nên có một Weather Radio. Nó cũng giống như bộ phận báo khói để trong khi thời tiết khắc nghiệt sẽ báo động cho chúng ta có ngay hành động thích hợp và cần thiết.
4. Có khi nào thử còi hụ không?
Thỉnh thoảng còi hụ được thử, tùy theo thông lệ ở địa phương. Liên lạc với các viên chức hữu trách để biết ngày còi hụ thử trong khu vực ta cư ngụ.
5. Tại sao còi có khi hụ lúc mưa đá và gió?
Khi gió bão thổi quá 70 mile/giờ, cây cối có thể trốc gốc hoặc gãy đổ. Mưa đá lớn cỡ trái banh chơi golf hoặc lớn hơn có thể làm bể cửa kiếng. Cả hai trường hợp đều có thể gây hại trực tiếp đến người còn đang ở bên ngoài, nên nhiều địa phương đã nổi còi báo động.
6. Còi hụ có cảnh báo chúng ta về mọi cơn bão nguy hiểm?
Không. Cách an toàn nhất là tìm hiểu và dùng mọi thông tin sẵn có để bảo vệ bản thân và gia đình khi thời tiết đe dọa. Không một phương pháp nào có thể thay thế được ý thức nhạy bén của chúng ta. Còi hụ chỉ là một phần trong hệ thống cảnh báo, còn phải kể đến sự chuẩn bị, và các phương tiện truyền thông ở địa phương như TV, radio.
7. Cơ quan nào kích hoạt còi hụ?
Thường do thành phố chủ động và do Sở cảnh sát hoặc Sở cứu hỏa thi hành.
8. Cơ quan Khí tượng Quốc gia có ra chỉ dẫn nào về còi báo động bên ngoài?
Toàn quốc thì không, nhưng các văn phòng ở địa phương có thể phối hợp với các giới chức lo việc cứu cấp đưa ra những chỉ dẫn cho cộng đồng.