Menu Close

Lá thư tình cuối cùng

Tôi nói với thằng bạn thân của tôi:

“Năm nay tao trên sáu mươi, mày trên năm mươi, chỉ khoảng mươi lăm năm nữa, trong hai đứa mình chắc có một đứa ra nghĩa địa. Mười năm, hai mươi năm có là bao, vèo một cái là qua…”

Hắn trầm ngâm không trả lời. Tôi vỗ vỗ vào lưng hắn, nói tiếp:

“Cái xác thân mỹ miều béo tốt như thế này mà nằm bốc mùi thối hoăng lên trong một cỗ quan tài thì thật là phí… Phí, là vì phải bỏ lại trần gian bao nhiêu váy ngắn, bao nhiêu chân dài… Cho chúng nó xơi!”

Nhiều khi thấy đời quanh đi quẩn lại mấy chuyện sinh lão bệnh tử, ta lừa dối mình, chui đầu vào mộng mị, khi chui ra vẫn lại thấy đời lão bệnh tử sinh, cá lớn nuốt cá bé, tranh giành nhau miếng ăn đồng bạc. Rồi trong lúc này, đủ chuyện đang hừng hực như lửa táp. Nào là chuyện nước non; chuyện đất đai, biển đảo, giàn khoan, máy bay tàu chiến, máu xương chiến tranh gầm gừ…

Ừ, nói vậy là ra cái điều triết lý vặt! Nhưng thử nhìn lại, có cái gì là không vặt đâu? Khi sắp lìa bỏ cuộc đời thì mọi cái đều là chuyện vặt, chẳng có chuyện gì là chuyện lớn cả.

Buồn quá! Thôi, nếu bạn cũng đang có tâm sự về lẽ tử sinh như vậy thì tôi mời bạn đọc lá thư sau đây, thư của một ông sắp chết gởi cho một bà cũng sắp quy tiên, điều quái đản là nó được viết ở một tương lai chưa đến, cách thời gian mà bạn và tôi đang sống đến cả vài mươi năm. Đọc, biết đâu nó lại là một liều thuốc giúp bạn đỡ buồn trong giây lát. Thư như thế này:

 

alt

Bảo Huân

Em yêu,

Anh đang ngồi bấu tay vào thành giường nhìn ra ngoài trời. Hình như, trời đang mưa. Mắt anh mấy ngày nay thấy nắng loà nhoà lại tưởng mưa, thấy mưa thì nhìn như đang nắng xuống. Thằng chắt nội nói, mắt cụ nhìn không rõ nữa, cụ đi đâu để cháu dắt. Nó nói thật, nhưng mình cần gì nó dắt, ví thử có em đến ngoài ngõ kia, thì anh sẽ nhìn thấy ra em, rõ mồn một ngay.

Anh vẫn khoẻ. Mỗi ngày các cháu nó cho ăn năm bữa, mỗi bữa một bát cháo đã nấu kỹ đến nát nhừ, chúng nói là cho dễ tiêu. Anh chỉ dám viết thư cho em mà không dám gọi điện vì giờ đây tiếng của anh rất khó nghe, khó hiểu, em có thể nghe thấy tiếng anh nói như tiếng gió thổi ngang qua rừng phi lao xào xạc.

Sáng nào anh cũng chuyên cần đi thể dục, đi thật chậm, lần từng bước, từ mép giường ra tới bậc cửa sổ thì dừng để nghỉ, vị chi là mười bước. Mười bước mà đi mất hai phút, mồ hôi đổ vã ra như ngày xưa chạy vài cây số. Ngày xưa chạy thế là sảng khoái ghê. Bây giờ đi như vầy thì không khác cực hình!

Nay con cháu đông rồi, anh không phải mổ cò trên bàn phím như thuở ngày xửa ngày xưa viết báo kiếm cơm nữa, muốn viết cái gì thì có các cháu chúng giúp ông. Nhưng khi viết thư cho em, anh phải tự đánh máy lấy; anh không muốn cho ai đọc những dòng tâm tình mà anh chỉ muốn chia sẻ với em thôi.

Nhớ cách đây chừng 50 năm, chúng mình chạy ào ào trên bãi biển. Em thì lúc nào cũng hét lên: “Thích quá! Anh bắt kịp em không?” Còn anh thì chạy theo sau nhìn em, thấy bắp chân em trắng ngà trong bóng hoàng hôn mà nhớ mãi. Giờ, anh vẫn còn nhớ đấy. Hôm rồi, anh bảo đứa cháu nó đưa ra biển, định nhấc chân bước, định hổn hển nhắc lại lời em nói. Sống lại giây lát với hồi ức, thích lắm cơ, nhưng suýt nữa người anh đổ chúi xuống vì gió.

Nhận được tin chúng nó kể em đã hết ốm, đã ăn được mỗi bữa năm thìa cháo bột mà anh mừng quá. Ăn năm thìa là tốt rồi, ăn nhiều quá không nên em ạ. Anh khoẻ thế này mà chỉ ăn bốn thìa thôi là thấy no căng. Nhớ ngày xưa anh vẫn thích ăn cơm nguội với cá nục kho dưa. Món này bây giờ không ai nấu nữa. Vừa rồi, tự dưng thèm, bảo chúng nó bày cho cơm nguội cá kho, ăn một chút thôi mà như nhai phải đá, vừa cứng, vừa vô vị. Anh nhận ra rằng lúc này những món ăn ngon mà mình từng ăn là những món ăn của lòng hoài niệm. Chẳng lẽ tình yêu cũng thế ư? Cũng là lòng hoài niệm của thuở thanh xuân. Ấy chết, anh lại lải nhải như thằng bé đang yêu mà bị em ruồng rẫy, bỏ đi lấy chồng rồi.

Anh nhắc nhé, nếu ngoài trời có gió là em không được ra ngoài. Hôm qua, mấy đứa cháu bảo ông ơi, ra sân hóng mát, gió đầu thu mát lắm ông ạ, thích hơn trong phòng máy lạnh nhiều. Theo chân nó vừa ra tới sân, ngọn gió suýt thổi anh bay lên, may có hai thằng cháu níu lại giữ chặt.

Sắp tới ngày sinh nhật của em. Thế là em đã tròn tuổi 92. Hôm đó anh sẽ cố gắng điện thoại cho em. Nhưng anh nói trước, nếu em nghe tiếng xào xạc tức là anh nói rằng em đấy hả. Khi nghe tiếng khùng khục tức là anh chúc em sinh nhật vui vẻ. Đến khi nghe tiếng phù phù là anh đang hôn em.

Nhớ hồi ấy, anh đưa hai tay lên nhấc bổng em quay mấy vòng giữa trời, em cười rất to. Giờ, anh nhìn lại đôi tay mình, thấy hình như tay ai gầy guộc xương xẩu, như hai cái que khô, rất tội nghiệp. Hôm qua anh cố nhấc con búp bê của con chắt út lên cao mà nghe tiếng xương cốt kêu răng rắc, sợ quá nên thôi.

Em ngủ ngon không?

Anh chợp mắt từ chập tối, đến khoảng 9 giờ là dậy, ngồi, nhìn ra trời đêm. Mấy đứa cháu nói ông ngủ ít quá. Anh bảo, thì đến khi ông ra đi, là đi xuống đất, ông ngủ cả ngày lo gì.

Thỉnh thoảng, anh vẫn mở máy tính, xem lại mấy bài viết trên blog hồi ấy, thấy rất vui. Chắc giờ mấy ông, mấy bà blogger cũng không còn mấy ai nữa, lâu chẳng thấy ai vào blog nữa. Lũ cháu hỏi, ông ơi, blog là gì. Chúng nó bây giờ chơi trò khác, chẳng màng biết đến cái trò của bọn mình từng chơi. Ngồi bô ị mà vẫn có màn hình máy tính ở miệng bô, thích thật. Thời buổi giờ hiện đại quá, mình theo chẳng kịp, chẳng biết gì. Nhà anh, có cái máy giặt, con cháu nó đi làm, điều khiển giặt đồ phơi phóng từ xa; nó lại điều khiển cả rôbốt. Anh ngồi, rôbốt nó đến, nó cởi áo anh ra, nó gội đầu cho anh, tắm táp, rồi còn mang áo quần đi giặt. Lũ trẻ bây giờ yêu nhau cũng nhờ rôbốt làm hộ. Máy chữ không cần đánh, muốn viết gì, chỉ cần đọc là máy tính tự gõ chữ. Nhưng giọng anh phì phèo quá nên máy tính nó đánh sai hết cả. Ai đời anh viết, em ơi, anh nhớ em lắm, nhưng vì miệng anh móm mém phì phò nên máy nó nghe không rõ, nó đánh thành: “Phem phơi, phanh phớ phem phắm!”

Anh không muốn gọi em là bà. Cứ gọi nhau bằng anh, bằng em như thế này, để nghe cho nó ngọt ngào. Hai ngày nữa anh tròn 99 tuổi. Không hiểu sao mình lại sống dai thế. Sống như vầy là sống lấn sang cả kiếp sau, nếu có cái kiếp sau. Nhớ, là nhớ cái ông Giáp. Lúc ông ấy quy tiên thì đã 103 tuổi. Sống gì mà dai kinh. Người ta bảo con người hay bất cứ con gì mà sống dai quá thì cũng thành yêu thành tinh. Chính thế mà anh không muốn gởi hình cho em xem, và cũng không muốn nhìn hình em lúc này. Vì sao à? Vì anh muốn anh hiện diện trong trí em như một tay playboy của những năm 30 tuổi chứ không phải là lão già thảm não như lúc này, và em thì cũng vậy, luôn duyên dáng, sexy trong ký ức anh, mãi mãi!

Viết cho anh vài dòng, ngăn ngắn thôi, kẻo mệt. Anh đợi.

Mà này, nếu không gửi được thư thì bảo bọn nó sai rôbốt nó mang máy ghi âm những gì em muốn nói, cho anh nghe, em nhé.

Có lẽ đây là lá thư cuối cùng anh viết cho em. Có lẽ anh không sống thêm được một mùa xuân để viết thêm lá nào nữa.  

Yêu em mãi, cho hết kiếp này.

Và cả những kiếp còn lại.

ND