Qua cơ hội tiếp xúc với những người thích chụp hình và những học viên của Lớp Nhiếp Ảnh VPAD (Vietnamese Photography Association of Dallas/Fort Worth), tôi đã nhiều lần gặp câu hỏi: “Tôi muốn mua một máy ảnh đủ tốt để học chụp hình, vậy máy nào rẻ nhất và tốt nhất?”
Câu hỏi này, theo lý thuyết thì hơi mâu thuẫn, cũng giống như khẩu hiệu của cửa tiệm Target “Expect more, Pay less”. (Thật là ngược hẳn với câu “Tiền nào của nấy”).
Nhưng rất may mắn là tôi đã tìm được câu trả lời – rành mạch và chính xác. Lý do tôi có thể dám xác nhận chắc chắn điều này là vì tôi đã sở hữu máy ảnh và đã có nhiều thời gian sử dụng những chức năng của những loại máy này trong những điều kiện thực tế.
Andy Nguyễn và máy ảnh Nikon D3200 tại Ft. Worth Airshow. Photo courtesy: Bảo Huân.
Điều kiện thứ nhất: giá rẻ
Để thích ứng với nhu cầu này, tôi đã xem lướt qua một số máy ảnh DSLR ở hạng rẻ nhất. Rẻ ở đây chỉ là để so sánh với những loại máy “lớn” (loại máy có thể thay ống kính được), chứ thật sự hạng giá này không phải rẻ lắm khi so sánh với những máy ảnh “bỏ túi”.
Đời máy hiện tại (mới nhất) của Nikon gồm những máy “beginner” (người mới chụp) như D3100 (cuối năm 2010), D3200 (đầu năm 2012), và D3300 (đầu năm 2014). Giá thị trường của những máy này (có luôn cả ống kính), nằm trong khoảng từ $400 tới $600.
Máy ảnh D3200 cùng Andy Nguyễn ở Phi Châu, qua cái nhìn của nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh, được chụp với một máy D3200 khác.
Điều kiện thứ nhì: tốt
Như đã nói trên, câu “tiền nào của nấy” áp dụng trong trường hợp này. Tuy nhiên, chúng ta chỉ đang nói đến những máy đủ tốt để khởi đầu trong thú vui nhiếp ảnh.
Trong ba máy ảnh “beginner” nói trên, Tôi đã chọn chỉ một máy duy nhất. Lý do?
Khi so sánh giữa Nikon D3200 và D3100, tôi tìm được 6 lý do:
1. Máy D3200 có đến 24 megapixel (mười megapixel hơn máy D3100). Trùng hợp thay, con số 24 megapixel cũng là con số cao nhất của những máy Nikon có crop-sensor hiện nay (ở bất cứ giá nào).
2. Màn ảnh phía sau (LCD) của máy D3200 có độ nhuyễn (rõ hơn) nhiều gấp bốn lần máy D3100, mặc dù cả hai đều cùng kích thước (3-inch). Hình ảnh bạn chụp khi nhìn trên màn ảnh này sẽ thấy đẹp như trên Apple iPad hoặc iPhone.
3. Khả năng điều khiển máy ảnh bằng Wi-Fi, một chức năng không có ở máy D3100. Cục WU-1a Wi-Fi adaptor cho phép bạn điều khiển máy ảnh D3200 của bạn bằng smartphone (Samsung Galaxy chẳng hạn) hoặc bằng tablet, chuyển hình và cập nhật hình lên mạng xã hội, blog, website… ngay từ “dụng cụ thông minh” của bạn.
Bộ phận WU-1a Wi-Fi adaptor và máy D3200
4. Cửa chập yên lặng. Nếu bạn dùng máy D3200 để chụp “lén” ai, hoặc chụp những động vật nhút nhát, bạn có thể dùng chức năng này để chụp ảnh mà không nghe lớn tiếng “cạch” (tiếng bấm máy).
5. Tốc độ 3 fps (3 pô trong mỗi giây) của máy D3100 thì được xem là “quá chậm” trong giới chụp ảnh action. Với máy D3200, tốc độ “bắn” được tăng lên 4 fps (ngang hàng với máy D800, một máy mắc hơn gấp bảy lần)
6. Máy D3100 quay được full HD video ở 24 fps. Máy D3200 tiến bộ hơn một chút, với hai tốc độ 25 và 30 fps. Nhưng đặc điểm “professional” của máy D3200 là có lỗ 3.5mm để cắm external microphone để có được âm thanh tốt hơn nhiều.
Máy D3100 (có luôn ống kính) hiện đang bán khoảng $409. Với chỉ $90 hơn, bạn có thể có máy ảnh D3200 trong tay, và tối tân hơn nhiều.
Không, tôi không quên về cái máy thứ ba (D3300). Máy này có giá cao hơn D3200 một trăm đô ($596), nhưng những tiến bộ về kỹ thuật không đáng kể (số megapixel chỉ ngang hàng với máy D3200, không thay đổi ở 24).
Có điều, các bạn chắc sẽ không khỏi thắc mắc, “Andy Nguyễn là nhiếp ảnh gia pro vậy sao còn xài máy beginner?” Xin thưa, cái máy chỉ là cái máy. Điều quan trọng là cách mình dùng nó. Máy D3200 có đủ chức năng để thực hiện được những kỹ thuật căn bản, nhưng cao hơn đó thì sẽ lệ thuộc nơi người chụp.
Cả hai chúng tôi (Andy và nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh) đã mang máy Nikon D3200 (cùng những máy khác) trong chuyến đi Châu Phi vừa qua.
External microphone giúp cho âm thanh của phần video trong máy D3200 tốt hơn.
AN