Michael Pearce là một nhà văn người Anh kiêm ký giả tờ Cracked, từng sống và dạy học tại Trung Cộng. Với kinh nghiệm sống tại đây, Michael Pearce đã cho xuất bản cuốn sách “Oh China” ( có thể mua ấn bản điện tử qua amazon.com) cũng như nhiều bài viết về thực trạng xã hội Trung Cộng, về những phô trương và hào nhoáng bên ngoài mà một số du khách có dịp sang đây du lịch đã bày tỏ sự thán phục về những sự “hiện đại” của những thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến… Nhưng thật sự đàng sau những hào nhoáng này là gì?
Nhân viên an ninh canh gác hành khách xếp hàng và kiểm tra an ninh trong buổi sáng tại ga Tiantongyuan Bắc tại Bắc Kinh vào ngày 27 tháng 5 năm 2014- nguồn time.com
Michael Pearce
Cracked từng viết nhiều về hàng giả Trung Cộng trước đây, nhưng với các cửa hàng Apple và mẫu vật hóa thạch thời tiền sử giả, thì những thứ đó ít nhất cũng không phải như là xì dầu giả để mang vào trong cơ thể của các bạn. Bạn biết có chiếc đồng hồ Rolex giả và phim lậu nhưng không ngờ là đến thịt cũng bị giả. Các vụ thịt giả gây ồn ào công luận từ năm ngoái liên quan đến thịt chuột, thịt cáo và chồn được bày bán như thịt cừu. Thịt giả lan tràn như vụ một xưởng thịt đã cho xuất xưởng khoảng 20 tấn thịt bò giả, được làm từ thịt heo và qua các công đoạn ngâm tẩm hoá chất cho chúng giống như thịt bò để bán cho cao giá. Tình trạng tồi tệ này làm tôi chẳng dám ăn thịt trừ khi vào những tiệm treo những miếng thịt lủng lẳng để chính mình săm soi coi có thật sự là thịt không. Những miếng thịt treo bên ngoài cửa tiệm như vậy không phải dấu hiệu cho biết tiệm có bán thịt mà nó là dấu hiệu cho người ta biết đó là thịt… (có thể) thật. Chuyện ít khủng khiếp hơn thịt giả là… sách giáo khoa giả. Là giáo sư nên tôi thường đặt sách cho lớp học nhưng cuối cùng phát hiện là chỉ có hai cuốn là có cùng nội dung. Nhưng những thứ giả này chỉ là khúc dạo đầu cho chuyện hàng giả vì bạn không hình dung được chuyện như thế này: Mình rút tiền từ máy ATM, lỡ bấm quá tay thêm một số “0” so với số tiền định rút nên đút vào máy để bỏ lại tài khoản của mình thì bị máy báo là… tiền giả, dù mình mới vừa rút ra từ nó. Đây là chuyện khá phổ biến cho người dân Hoa Lục đến độ không còn dám tin vào các máy tự động sẽ phục vụ họ tốt hơn. Dĩ nhiên bạn có thể vào bên trong ngân hàng khiếu nại, làm cho ra chuyện nếu chịu bỏ ra một ngày trời vì… chuyện quan liêu giấy tờ gặp phải trong mỗi chuyện vụn thường ngày.
Michael Pearce tại Trung Quốc – nguồn mearnsleadet.co.uk
Chưa bao giờ vào ngân hàng mà tôi mất dưới một tiếng đồng hồ. Có lần chỉ đổi tờ 20 bảng Anh mà họ đòi bản sao thông hành, điền sáu mẫu đơn và qua ba người đóng dấu để hoàn tất. Và đây là quốc gia mà từng phô trương chuyện xây tòa cao ốc 30 tầng trong vòng 15 ngày. Thường, những chuyện kiểu chuyện “kỳ tích” này xảy ra ở Hoa Lục là nhờ kỹ thuật xây dựng tân tiến được biết đến như là kiểu “bán xây dựng”, mà công bằng để nói là nó mang tính “lắp ráp” hơn là “xây”. Và cũng chẳng có gì bảo đảm là nó sẽ an toàn. Thật sự là vậy. Đó là điều tôi nhìn nhận được ở quốc gia này, sự giám kiểm phẩm chất và bảo trì nói chung là không tồn tại trong cấu trúc hạ tầng của xã hội Trung Cộng. Thứ Trưởng Bộ Xây Dựng Qiu Baoxing từng thừa nhận là các toà nhà của họ chỉ kéo dài khoảng 25-30 năm (so với tuổi thọ trung bình của các building thương mại tại Mỹ là 70-75 năm, theo số liệu Bộ Năng Lượng- chú thích KTT), còn đường sá cầu cống thì còn tệ hơn vậy nữa. (Như vụ cả một toà cao ốc trong khu liên hợp dân sinh Lotus Riverside tại quận Minhang, Thượng Hải bị ngã đổ khi hầu như đã xây xong vì nền móng không đủ chắc hồi năm 2009 hay chiếc cầu 8 làn xe chạy tại Harbin vừa được xây với chi phí 300 triệu đô la bị gãy hoặc Đại Hý Viện Quảng Đông được xây với chi phí 210 triệu đô la bị nứt kính và trần nhà sau khi khai trương… ). Tình trạng này đến từ việc Trung Cộng muốn phô trương cùng thế giới một tốc độ phát triển “chóng mặt” qua tốc độ xây dựng các cao ốc cao tầng, quan tâm về “số” hơn là “phẩm”, sử dụng sức người để giải quyết vấn đề việc làm hơn là thiết bị tân tiến cần thiết để đạt được các tiêu chuẩn kỹ thuật và mức độ an toàn, cũng như phẩm chất các vật liệu xây dựng quá kém. Đường sá kém thì làm sao? Đi xe điện vậy. Muốn biết đi xe điện “tân tiến” của Trung Cộng ra sao thì cứ đi mua sắm ngày Lễ Tạ Ơn tại Mỹ. Ngay Walmart. Sau khi gã bán cần sa phát vài mẫu miễn phí. Hàng trăm người xô đẩy, chen lấn khi xe đến và bạn thấy mình cũng xô đẩy như vậy để đến được xe. Mình gọi đó là một ngày “đẹp trời” nếu mình không cắn sứt lỗ tai thằng nào đó.
Vài sản phẩm trong hàng triệu đồ giả của Trung Quốc
Xứ sở này là xứ sở coi người da trắng như một thứ thời thượng. Có lần tôi được mướn để đóng vai giả làm một Phó Chủ Tịch một công ty chế tạo máy lạnh tại Mỹ. Tôi đâu phải là người Mỹ, nhưng nó cũng đâu quan trọng gì. Tôi được đưa đến một nhà hàng lớn, có chủ tịch thành phố, các quan chức và nói chuyện với khoảng 500 nông dân và gia đình của họ. Điều này xảy ra vì tôi có “bộ mặt” Tây để thêm phần trịnh trọng. Các công ty lớn của Trung Cộng thường mướn vài anh chàng Tây (trắng) đứng đường bệ đó đây trong công ty khi có khách hàng tương lai đến thăm bởi vì nó chứng tỏ công ty “uy tín” và “phát đạt”, mướn “Tây” về làm cho mình. Phần lớn các giáo viên da trắng được mướn dạy tại các thành phố không phải vì chuyên môn của mình mà đơn giản chỉ vì có vài tay Tây da trắng dạy thì mới oai (KTT: Liệu các trường dạy tiếng Anh hay “trường quốc tế” tại Việt Nam có mướn các tay “Tây ba lô” để moi tiền một lớp giàu mới tại VN đang chạy theo phong trào cho con học “trường quốc tế”?). Tôi biết có những người Phi Luật Tân, người Mỹ (đen) gốc Phi Châu hay vài sắc dân Châu Á khác có trình độ cao hơn nhiều những người da trắng này nhưng không được mướn vì màu da của họ. Không chỉ vậy, nếu anh là da trắng thì chẳng sợ… chết khát khi các vũ trường, câu lạc bộ có thể cho anh uống miễn phí, miễn sao có Tây trắng ngồi cho sang. Trung Cộng chuộng phương Tây đến độ bắt chước đủ thứ, xây nhái theo Mỹ và Châu Âu. Thành phố tôi ở có dự án xây hai khu phố Ý, vi-la sang trọng rồi bỏ không vì nó xây ở nơi… không là đâu, chưa có đường sá dẫn tới cùng các dịch vụ tiện ích phục vụ… Dân đông để làm gì, cứ mang ra làm thợ xây dựng xây cao ốc, phố xá…, còn xây xong làm gì thì tính sau.
Máy xúc tháo dỡ một tòa nhà 13 tầng bị lật đổ vào năm 2009 tại chung cư Lotus Riverside ở quận Minhang Thượng Hải. nguồn businessweek.com
Còn nói về chuyện chính phủ thì họ kiểm soát tất cả mọi chuyện. Đúng nghĩa là tất cả mọi chuyện. Có lẽ các bạn cũng đã nghe chuyện chính phủ bắt giam các ký giả trong việc kiểm soát báo chí hay có đến hai triệu nhân viên để kiểm soát internet. Nhưng chưa bằng chuyện sinh đẻ có kế hoạch. Ắt bạn nghe chuyện chính sách một con của Trung Cộng nhưng chưa tưởng tượng được việc họ kiểm soát nó như thế nào. Các nữ nhân viên nhà nước bị buộc phải khám nội khoa hàng năm để chắc chắn là họ tuân thủ đúng theo “chính sách nhà nước”, kể cả phụ nữ mãn kinh cũng bị khám, chắc nhà nước sợ họ có… cái tử cung bí mật nào khác. Nhưng nếu có một đứa con thì mới điên hơn. Khi chúng tôi mua đồ thử thai thì bên trong nó có phiếu giảm giá cho trạm phá thai. Thử làm ở Mỹ như vậy ra sao? Khi vợ tôi thật sự có thai thì chúng tôi phải đi đến ba văn phòng nhà nước khác nhau, rồi điền nhiều đơn khác nhau để làm thủ tục, rồi nhận được cuốn sách nhỏ có mã số cho thai nhi. Họ đánh số các thai nhi như người máy vậy, nhưng đó là chuyện bình thường. Nhưng nhà nước không chỉ kiểm soát các chuyện như vậy, họ kiểm soát cả chuyện nhỏ trong nhà các bạn. Nếu mình muốn xài máy sưởi thì phải đợi nhà nước nghĩ là đến mùa mở cầu dao (chung) thì nhà mình mới được sưởi ấm vì không có công ty tư nhân cung cấp dịch vụ cho dân. Mùa chạy máy sưởi bắt đầu từ giữa Tháng 11, nếu Tháng 10 mà lạnh thì chịu chết. Còn nếu thử ôm ai thì bạn đã vi phạm luật cấm ôm ấp, hôn hít của nhà nước hay có thêm luật bắt buộc phải thăm viếng bà con cao tuổi.
Nguồn fotozup.com
Nhưng muốn biết thật sự nhà nước kiểm soát mọi chuyện sao thì coi chuyện có lần họ bắt dân chúng phải… hút thuốc lá cho nhiều. Tỉnh Hồ Bắc (Hubei) từng bắt cán bộ công nhân viên nhà nước, thầy cô giáo của tỉnh này phải hút nhiều thuốc lá để… giúp tăng trưởng kinh tế địa phương, tăng mức thu thuế của tỉnh. Các cán bộ, nhân viên nhà nước này bị phạt nếu hút không đủ số thuốc lá quy định hay bị bắt gặp hút các loại thuốc lá các tỉnh thành khác đang cạnh tranh với thuốc lá tỉnh nhà.
Tháp Eiffel tại Trung Quốc – nguồn totalycoolpix.com
MP
Đinh Yên Thảo dịch