Menu Close

Whey protein – Vết thâm

Hello bác sĩ Đức, tôi tên là Diệp. Tôi có đứa con trai hiện tại đang tập tạ một tuần 6 ngày. Mà nó thường hay uống whey protein buổi sáng và sau khi tập của hãng Optinum Nutrition hằng ngày. Tôi có thắc mắc không biết một ngày mà uống whey protein tới hai lần thì có gì ảnh hưởng tới con tôi không?

Đáp

Chào ông bà, khi làm sữa chua hoặc fromage, thường thì ta phải để sữa lên men, đông đặc lại và gồm có 2 phần sữa đông đặc và phần chất lỏng, tiếng Anh gọi là whey. Trong chất lỏng này có nhiều chất đạm protein, cho nên dung dịch đó được gọi là whey protein. Whey protein có 9 loại acid amin cần thiết cho cơ thể. Như vậy whey protein là một loại thực phẩm có nhiều chất đạm. Whey có 20% chất đạm của sữa, 80% kia là chất casein, một chất đạm cơ bản của fromage được dùng để chế biến thực phẩm cũng như sơn hoặc dùng trong kỹ nghệ. Chất lỏng whey được tách khỏi casein, lọc rồi được sấy khô thành bột whey, đóng gói và bán ra thị trường như một thực phẩm chức năng, tức là có một tác dụng tốt cho sức khỏe..

Một số nghiên cứu sơ khởi ở loài chuột gợi ý rằng whey protein có thể có tác dụng chống viêm hoặc chống ung thư. Tác dụng của whey protein đối với con người rất đáng lưu ý và hiện nay đang được nghiên cứu xem chất đạm này có tác dụng giảm rủi ro bệnh tật nào đối với sức khỏe con người cũng như là liệu có thể dùng trong việc điều trị phụ thêm cho một vài bệnh nào đó.

Trên thị trường, hiện nay có một số sản phẩm whey protein được bán như một thực phẩm phụ đặc biệt là được quảng cáo như dùng cho các lực sĩ tập luyện mạnh để có bắp thịt nở nang.

Dùng vừa phải thì không sao, nhưng nếu dùng quá nhiều whey protein có thể gây ra đau bụng, giảm khẩu vị, buồn nôn, nhức đầu, mỏi mệt.

Bà nên nói với cháu đọc kỹ lời giới thiệu trên nhãn hiệu của sản phẩm, coi xem một ngày uống bao nhiêu lần và số lượng là bao nhiêu. Vì là thực phẩm cho nên mỗi nhà sản xuất có cách dùng riêng. Nếu cần, bà nói với cháu hỏi bác sĩ gia đình coi xem cháu có dùng được không.

Theo tôi, nếu cháu dùng mà bắp thịt nở nang và không có dấu hiệu bất lợi nào cho sức khỏe thì cháu có thể tiếp tục.

Chúc ông bà và cháu có sức khỏe tốt.

 

Thưa bác sĩ, 2 tháng nay có thể tôi có vài chỗ da bị đổi màu, có quầng nâu đậm hơn da bình thường, nếu không để ý nhìn kỹ thì không thấy được, giống như lấy viết vẽ 1 cái vòng không có hình dạng nhất định, lớn nhỏ đủ cỡ, lấy tay ấn vào cảm giác đau. Nó phía sau lưng, tôi không thấy được nhưng có cảm giác và đau nhức. Lúc đầu chỉ có quầng hình tam giác dưới ngực trái và rải rác trên cánh tay. Khi gặp bác sĩ gia đình chỉ coi sơ qua không chú trọng gì nhiều và cho hiệu kem Ketoconazole, thoa 1 ngày/ lần trong 2 tuần. Nay vết thâm quầng đã lợt màu nhiều (mặc dù có khi quên thoa kem)

Giờ thì càng ngày càng có nhiều vết thâm xuất hiện, có khi lên tới mặt, 2 bên miệng và trán (chúng xuất hiện kèm theo cảm giác như trên) và tự động lợt đi rồi trở lại. Những triệu chứng không rõ ràng và không làm tôi khó chịu nhưng lo lắng nhiều. Xin bác sĩ vui lòng cho biết đó là bệnh gì hay do thiếu chất gì?

Đáp

Chào ông/ bà. Tôi xin làm 2 công việc của một “thầy bói”.

Thứ nhất là với tên Huỳnh Kim Thúy thì tôi cho rằng đây là một nữ độc giả của tuần báo Trẻ, vì Kim Thúy thường là tên của phái nữ. Do đó tôi xin đoán mò là bà hoặc cô.

Thầy bói thứ hai là về phạm vi chuyên môn y học.

Thường thường để chẩn đoán một bệnh nào đó thì phải áp dụng 4 món ăn chơi của y học cổ truyền mình gọi là Tứ chẩn. Đó là Vọng, Văn, Vấn và Thiết.

– Vọng tức là phải quan sát người bệnh nhìn tận mắt vào tình trạng của người bệnh được lộ ra ngoài như sắc diện hồng hào hay xanh tái, tính tình bồn chồn hay điềm tĩnh, cười nói hoặc nhăn nhó…

– Văn là nghe tiếng nói của bệnh nhân nhỏ hay to, có hùng dũng hay yếu xìu…

– Vấn là hỏi các dấu hiệu triệu chứng của bệnh như đau ở đâu từ bao giờ…

– Thiết là sờ nắn chẳng hạn như đau bụng thì nắn coi bụng cứng hay mềm, có đau khi sờ ấn…

Đặc biệt là đối với bệnh ở ngoài da, phải nhìn tận mắt mới chẩn đoán ra bệnh rồi hỏi thêm y sử, bệnh có từ bao giờ, có nguyên nhân nào gây ra dấu vết trên da không…

Thành ra, cứ theo như bà kể thì tôi chỉ đoán mò như sau:

1- Vết da đổi mầu của bà có thể là một loại bệnh ngoài da gọi là bệnh vẩy cám, tiếng Anh Pityriasis Versicolor, do một loại nấm gây ra. Không hiểu hình  dạng có giống như ở hình đính kèm không.

2- Sở dĩ tôi bói mò như vậy là vì bà được bác sĩ cho dùng thuốc thoa Ketoconazole chuyên trị bệnh này.

3- Bệnh này bác sĩ nhìn là chẩn đoán được rồi, cho nên ổng “mới chỉ coi sơ qua không chú trọng gì nhiều”. Và cho toa mua kem hiệu Ketoconazole.

Bà thử hỏi bác sĩ điều trị coi lang y này “bói” mò như vậy, có đúng vài phần trăm nào không nhé. Nếu đúng, xin cho biết và tôi sẽ gửi bà những hiểu biết căn bản về bệnh vẩy cám. Nếu sai thì… huề cả làng, vì như tôi đã nói, tôi chỉ đoán mò mà thôi.

Tiện đây, xin lưu ý quý độc giả tuần báo Trẻ là, nếu email hỏi về sức khỏe, xin vui lòng cho biết thêm chi tiết một chút. Chẳng hạn nam hay nữ, tuổi, dấu hiệu bệnh như thế nào, bao lâu, hoàn cảnh gây ra bệnh, đã đi bác sĩ khám bệnh chưa và nếu có thể chữa bằng thuốc gì. Chúng tôi chỉ làm công việc giải thích rõ hơn về bệnh để bà con hiểu thêm mà thôi. Bác sĩ gia đình mới là người quyết định việc điều trị. Xin cảm ơn.

Chúc bà vui mạnh.

NYD