Menu Close

Chuyện nhặt ở Omaha

Chúng tôi còn một ngày ở Nebraska. Đi đâu nữa trong cái thủ đô Lincoln quá ư lặng lẽ này. Về nhà càng cô tịch với tiếng tụng kinh A Di Đà. Bà chị thì hình như chẳng muốn đi đâu và đã có hẹn với các ni sư tại chùa. Chúng tôi bàn nhau đi Omaha, thành phố lớn nhất tiểu bang nằm bên bờ sông Missouri, dạo chơi River walk cho thỏa ý các bạn bù lại chuyện bỏ qua Bricktown ở Oklahoma vì thời tiết xấu trên đường ngao du miền Trung Tây khi trong đầu chẳng có định hướng.

 

alt

Thành phố Omaha vào xuân

Hướng đi đương nhiên là có nhưng đi để ngắm nhìn chẳng có gì định hướng trong đầu. Giống như trong đêm tối, chúng tôi phóng xe trên con đường 81 giữa thảo nguyên mênh mông mà trong đầu cứ nghĩ mình đang đi trên con đường vô định giữa màn đen, chỉ biết lao về phía trước. Tới đâu hay đó. Đi như thế xem ra cũng thú vị, mặc dù đã vạch sẵn cung đường, còn những chuyện bỗng dưng bắt gặp trên lộ trình như thế nào sẽ làm mình có cảm giác hơn. Thật ra cái cảm giác này giống cảm giác của người nhà quê, đi du lịch rong chơi trong túi ít tiền, gặp gì ăn nấy trên những chặng dừng chân, trong đầu chẳng bao giờ nghĩ đã đi chơi phải ở khách sạn sang trọng, ăn uống cao lương mỹ vị.

Omaha đẹp hơn tôi tưởng. Nếu Lincoln lặng lẽ, thì Omaha êm đềm soi bóng bên dòng Missouri. Thành phố đông dân cư gần gấp đôi thủ phủ Lincoln, nhưng so ra còn thua xa Fort Worth của Texas. Duy có điều, downtown Omaha có kiến trúc tráng lệ hơn cái thành phố nhà quê của xứ cao bồi phương Nam nơi tôi ở.

 

alt

Bệ tượng Monument to Labor chính cao 35 feet những người đang nấu kim loại

Nghe đâu người ta xây dựng một cụm tượng đồng trong khu Lewis and Clark Landing River Walk hồi năm 2003 để tưởng niệm những người lao động xây dựng nên thành phố Omaha. Cái tên Monument to Labor của cụm tượng đồng nghệ thuật bên bờ Missouri do nghệ sĩ nổi tiếng điêu khắc Matthew Placzek người gốc Nga sáng tác, phản ảnh sự làm việc cực nhọc của người di dân từ vùng Đông Bắc sang miền Trung Tây mà chính phủ Hoa Kỳ mua lại từ tay người Pháp (thuộc vùng Louisiana). Những đường nét cơ bắp khỏe mạnh của các tay thợ lò rèn làm ra những dụng cụ lao động cho nghề nông xưa kia trên mảnh đất trù phú Đại bình nguyên đã làm tiền đề cho ngành nông nghiệp phát triển mạnh của tiểu bang Nebraska ngày nay.

Đến một thành phố lạ, ta thường hỏi ở đó có nơi nào đi chơi; thành phố có đặc điểm gì? Câu trả lời rằng tự thân mỗi người tìm ra nơi mình muốn biết. Thành phố nào cũng có trung tâm phố cổ, quán ăn nhà hàng nổi tiếng, những khu vui chơi tư nhân hay công viên công cộng. Còn chưa biết chọn lựa nên đi đâu thì cứ đi sở thú. Sở thú lúc nào cũng đông người lại vừa được dạo cảnh vừa ngắm khỉ ngắm voi và ngắm đủ mọi loại người già trẻ bé lớn gái trai tròn mắt ngạc nhiên và miệng lúc nào cũng vui cười trước bầy thú lạ. Chúng tôi chọn River Walk ngay từ lúc bước chân vào xe, cứ thế mà đi đến đích.

 

alt

Lewis and Clark Landing River Walk bên bờ sông Missouri

Khu River Walk Omaha không khác River Walk của New Orleans là mấy. Cũng con đường dọc theo bờ sông dẫn vào khu phố cũ của một nơi là French Quarter và một chỗ là phố cổ của những di dân đầu tiên đến sinh sống bên bờ Missouri. Nếu đem ra so sánh với River Walk Alamo của Texas thì với tôi chẳng hấp dẫn chút nào. Cả hai khu phố đi bộ dọc bờ sông Omaha hay New Orleans, không khác nào Bến Bạch Đằng ở Sài Gòn chỉ có ăn khô mực uống bia và đi dạo. River Walk Alamo thì lại khác. Nơi này có dòng kênh ngoằn ngoèo, phố cổ xưa cũ bắc qua những chiếc cầu hình bán nguyệt, có thông reo bốn mùa và ánh đèn lung linh lãng mạn về đêm sau những cánh cửa đóng kín cất giữ âm thanh náo nhiệt của những hộp đêm. Nghĩa là có ăn uống, vui chơi giải trí, tìm hiểu văn hóa và cách sống con người một cách sống động và trọn vẹn. River Walk của Omaha có cụm tượng đồng những người lao động trân mình dưới nắng. Dường như du khách và cả người địa phương nếu có ghé xem chỉ vì thấy lạ chứ chẳng cần phải để tìm hiểu một cách tận tường.

Ý nghĩa cụm tượng đồng nói trên, tôi biết được qua tạp chí Nghệ thuật điêu khắc thế giới. Sẵn đi Omaha tôi kiểm chứng luôn điều hư thật do mấy người bạn sống tại Des Moines, Iowa gởi qua iPhone cho tôi xem một số hình ảnh điêu khắc tượng đồng mà tôi cho rằng đó là một ý tưởng nghệ thuật lạ lùng. Số là bạn tôi bảo ở Omaha có cụm tượng đồng được xây dựng dưới nước gần bờ sông Missouri trông rất đẹp. Tôi tự hỏi, sao lại phải đặt những pho tượng dưới nước chỉ để nhìn phần trên cánh tay và bàn tay gân guốc của người cầm búa đang đục cái gì. Sau khi tìm hiểu mới biết, cách nay ba năm, Omaha bị ngập lụt trong mùa mưa bão, nước sông Missouri dâng tràn ngập đến tận chân bệ tượng người nấu đồng, còn những pho tượng người đang rèn sắt đứng phía dưới chung quanh bệ tượng nên nước ngập đến gần vai. Tôi phì cười và nghĩ mấy người bạn muốn đùa với thằng bạn thích nghệ thuật điêu khắc cho vui trong ngày Cá Tháng Tư.

Nhìn những pho tượng đồng điêu khắc sinh động, gân bàn tay gân guốc nổi cộm lên làm tôi liên tưởng đến bàn tay của một bà bác người Việt ngồi lặng yên trên băng ghế ngắm nhìn dòng sông trong ánh nắng chiều buông. Đôi bàn tay đặt lên đầu gối lộ ra những đường gân xanh chứng tỏ đó là một bàn tay lao động nặng nhọc. Bà ngồi đăm chiêu có lúc miệng lại toát ra nụ cười. Quả là hơi lạ. Chúng tôi đi dạo suốt cả buổi đến giờ mới bắt gặp được duy nhất một người đồng hương. Nhưng tôi cảm nhận được bức tường khoảng cách khi tôi chợt hỏi “bác là người Việt”. Một ánh nhìn lạ lẫm ngước lên như thể chúng tôi là những con người kỳ quặc.

 

alt

Cụm tượng đồng Monument to Labor do nhà điêu khắc Matthew Placzek người gốc Nga sáng tác

Phải nhờ đến cô vợ thằng bạn, bác sĩ tiến sĩ tâm lý “gỡ rối tơ lòng”. Bà bác sống gần đây, được con gái bảo lãnh sang ba năm rồi và đang làm công việc “nhổ móng bò” trong lò mổ bò cùng thằng con rể. Bà kể công việc đơn giản nhưng cực nhọc, lúc nào cũng đứng trong phòng lạnh tím tái cả đôi tay. Rồi bà tâm sự bà sắp giàu có do nhận được giấy báo trúng thưởng nửa triệu đô từ Lincoln gởi đến. Các con bà bảo đó chỉ là trò lừa bịp đừng mơ tưởng viển vông. Bà móc túi lấy ra mảnh giấy nhờ “bác sĩ” xem coi có đúng là sự thật. Nội dung đúng là như vậy, có ghi ngày giờ và địa điểm đến nhận. Nhưng nhận được cái gì lại là chuyện khác.

Sao trùng hợp thế! Lại ngay cùng một địa phương. Chuyện trúng thưởng của bà làm tôi nhớ bộ phim Nebraska trong đợt đề cử Oscar cách nay hai tháng. Phim kể về một ông già tên là Woody Grant. Sống một cuộc sống bình dị và nghèo khó, bỗng một ngày ông nhận được thông báo mình đã trúng thưởng một phần quà trị giá đến một triệu đô. Cả đời nghèo khó và chưa bao giờ mơ đến một số tiền quá lớn như vậy, ông Woody Grant rất hào hứng và tìm mọi cách đến được Nebraska. Dù bị bệnh và không lái được xe nhưng ông già Wooddy Grant vẫn sẵn sàng vượt quãng đường xa từ Montana để đến tận Nebraska.

Vợ con ông cố gắng giải thích rằng lá thư thông báo ông trúng số chỉ là một trò lừa bịp quảng cáo. Nhưng nỗ lực của họ cũng bằng thừa, đi nhận tiền thưởng đã trở thành nỗi ám ảnh cho đến khi David đồng ý đưa ông bố tới Nebraska. Trên hành trình, hai bố con ông Woody đã phải trải qua nhiều tình huống hài hước đến dở khóc dở cười. Cuối cùng khi đến nơi, hai bố con nhận ra được rằng mình bị lừa. Phần thưởng một triệu đô thì chẳng thấy đâu mà thay vào đó ông Woody được tặng một chiếc mũ.

Câu chuyện phim đơn giản nhưng cũng đủ để ta nhận ra ước mơ giàu sang của những người nghèo luôn cháy bỏng. Và rằng để thực hiện ước muốn đó dù rất hão huyền và không chắc chắn, người ta cũng sẽ đánh đổi và cố gắng bằng những nỗ lực tột đỉnh. Chẳng ai đánh thuế ước mơ và giàu sang luôn là ước vọng chính đáng của con người.

 

alt

Tượng đồng chìm trong nước lũ hồi tháng 6/2010 tại Omaha

TN