Đồng Bằng Sông Cửu Long nổi tiếng là nơi ruộng vườn thẳng cánh cò bay, là vùng đất nông nghiệp trù phú và đa dạng với Gạo Ý Đông, Gạo Móng Chim, với Nếp Thơm, Nếp Sáp, Nếp Đen, với giống Dừa PB121 của bác Tám Thưởng – người được mệnh danh là Ông Già Bến Tre trồng dừa được giải thưởng quốc tế, và với những tràm chim, sân chim, vườn chim nổi tiếng…Trong tác phẩm “Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng,” nhà văn Ngô Thế Vinh nhận xét: “Con sông Mekong như mạch sống đã và đang ngày một gắn bó với tương lai vận mệnh của các quốc gia Đông Nam Á, mà Việt Nam lại là quốc gia cuối nguồn…” [trích từ lời dẫn nhập] Ảnh hưởng ngày càng xấu từ mọi phía đổ ập lên môi trường sinh thái của thiên nhiên, khiến tác giả có cảm tưởng hòa bình và sự sống trên trái đất đang bị đe dọa, bởi những hoạt động thiếu trách nhiệm, thiếu quan tâm đến giá trị nhân bản do một nhóm người, hay do chủ trương của các nhà lãnh đạo hình thành. Hủy hoại thiên nhiên và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến sự sinh tồn của hàng trăm triệu con người thuộc các quốc gia trong vùng Đông Nam Á. Những nhân vật hư cấu như ông Khắc, như bác sĩ Duy, như Cao, như Hộ, như Điền, như Thuận, như Bé Tư…v.v.., phải chăng chính là hóa thân của nhà văn Ngô Thế Vinh nói riêng, của các nhà khoa học về môi trường nói chung, thầm lặng đi vào mặt trận Biển Đông đối diện với cuộc chiến rộng lớn về môi trường, về chủ quyền đất nước, về những thảm họa sẽ xảy ra một khi giòng Cửu Long cạn nước vì các công trình xây đập nước của Trung Quốc.
Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng – Ngô Thế Vinh – nhà xuất bản Giấy Vụn
Người Việt nào cũng biết: Sông Cửu Long, hay Cửu Long Giang là tên gọi chung cho các phân lưu của sông Mekong chảy trên lãnh thổ Việt Nam. Bắt đầu từ Phnom Penh, Cửu Long chia thành hai nhánh: Bên phải là sông Bassac, chảy sang Việt Nam gọi là Hậu Giang hay sông Hậu. Bên trái là Mekong, chảy sang Việt Nam gọi là Tiền Giang hay sông Tiền.
Sông Hậu chảy qua Châu Đốc, Long Xuyên, Vĩnh Long, Thành Phố Cần Thơ, Châu Thành, Sóc Trăng, đổ ra biển bằng ba cửa: Cửa Định An, cửa Ba Thắc (Bassac), cửa Trần Đề. Thập niên 1970, cửa Ba Thắc đã bị bồi lấp; ngày nay sông Hậu chỉ còn hai cửa biển Định An và cửa biển Trần Đề.
Sông Tiền có lòng sông rộng với nhiều cù lao ở giữa giòng, chảy qua Tân Châu, Hồng Ngự, Cao Lãnh, Vĩnh Long đến Cai Lậy, chia làm bốn nhánh đổ ra biển bằng sáu cửa: Cửa Đại, cửa Tiểu, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu, và cửa Ba Lai. Hiện nay cửa Ba Lai đã bị hệ thống cống đập Ba Lai ngăn lại. Hệ thống này nằm trong dự án “ngọt hóa” vùng ven biển của tỉnh Bến Tre.
Do chín cánh cửa nguyên thủy của Sông Tiền và Sông Hậu, nên đoạn sông Mekong chảy qua Việt Nam được gọi là Sông Cửu Long, tức là “sông chín con rồng.” Theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam năm 2011, hiện nay có khoảng 17 triệu người dân Việt Nam, đang sinh sống tại lưu vực thuộc Hệ Thống Sông Cửu Long, hay được gọi là Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Nhà văn Ngô Thế Vinh đặc biệt nhấn mạnh đến những con đập lớn ở ngay bậc thềm Vân Nam, như Mạn Loan – Manwan, Đại Chiếu Sơn – Dachaoshan, Cảnh Hồng – Jinghong, Đập Mẹ – Mother Dam, nằm trong một kế hoạch mà chính phủ Bắc Kinh dự kiến từ những năm 70, trong khi đó chính quyền Việt Nam im như thóc, không hề phản đối. Những đập nước nằm trong dự án Mekong Casade này, sẽ là hiểm họa đối với các quốc gia ở cuối nguồn như Việt Nam, Lào, Thái Lan, Cam Bốt, một khi giòng Cửu Long cạn kiệt. Tác giả viết:
“Phải nói là con đập Manwan đóng một vai trò quyết định trong kế hoạch điện khí hóa, đô thị hóa cả một vùng Nam Trung Quốc từ kém phát triển đã mau chóng tiến kịp và sánh vai với những tỉnh trù phú miền Đông và miền Đông Bắc…Con đập cao tới 99 mét chắn ngang khúc sông giữa hai ngọn núi với bức tường thành cao tới 35 tầng. Đơn vị phát điện đầu tiên bắt đầu sản xuất điện từ ngày 30 Tháng Sáu, 1993 và chỉ hai năm sau đó, tất cả 5 đơn vị phát điện cùng hoạt động theo đúng như giai đoạn 1 của dự án. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, ở đây có một sự kiện đáng ghi nhớ và gây nhiều tranh cãi là vào giữa năm 1993, xảy ra một hiện tượng được coi là bất thường: mực nước sông Mekong phía hạ lưu đột ngột tụt xuống thấp mà không phải là vào mùa khô, chỉ lúc đó người ta mới biết là Trung Quốc đã xây xong con đập Manwan và đó là thời điểm bắt đầu lấy nước từ sông Mekong vào hồ chứa, họ chẳng thèm thông báo gì cho những quốc gia sống dưới nguồn. Chỉ riêng con đập Manwan mà đã giữ tới 20% nguồn nước trên dòng chính khúc sông Mekong chảy qua Vân Nam…” [trang 58].
Là bác sĩ tốt nghiệp Đại Học Y Khoa Sài Gòn năm 1968, nhà văn Ngô Thế Vinh nguyên là Y Sĩ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, từng tu nghiệp ngành Y Khoa Phục Hồi tại Letterman General Hospital San Francisco, và phục vụ tại Trường Quân Y. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 ông bị đi cải tạo ba năm. Khi được trả tự do, ông làm việc tại Trung Tâm Phục Hồi Bà Huyện Thanh Quan và Trường Vật Lý Trị Liệu Sài Gòn. Đến Hoa Kỳ năm 1983 ông tiếp tục học về y khoa, hiện đang làm việc tại một bệnh viện ở Miền Nam California. Tác phẩm “Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng” do nhà xuất bản Văn Nghệ ở California in lần thứ nhất năm 2000, tái bản lần thứ hai năm 2001. Nhà xuất bản Viet Ecology Press ở hải ngoại, kết hợp với nhà xuất bản Giấy Vụn tại Việt Nam tái bản lần thứ ba. “Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng” là tiếng chuông cảnh tỉnh của tác giả trước số phận của đồng bằng sông Cửu Long khi Sông Mẹ cạn giòng, khi nước biển càng ngày càng dâng cao “…một mai khi cạn nguồn phù sa và nước ngọt để chỉ còn cường triều nước mặn thì đó sẽ là buổi hoàng hôn của nền Văn Minh Miệt Vườn; và cũng để rồi sẽ có một ngày nào đó-đây đó trên khúc sông Mekong sẽ…Sông kia giờ đã lên đồng.Bên làm nhà cửa bên trồng ngô khoai.Vẳng nghe tiếng ếch bên tai. Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò…” [trang 671].
“Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng” là tiểu thuyết tư liệu (documentary novel) – một thể loại văn chương đưa những dữ kiện lịch sử vào nội dung tác phẩm, và tác giả bằng trí tưởng tượng đã hư cấu ra một số nhân vật để minh họa cho những vấn đề mà ông muốn đề cập đến. Tác phẩm dày 646 trang, chia thành 23 chương, cộng thêm “Lời Dẫn Nhập,” một phần Phụ Lục về “Ký Họa Đoàn Thám Hiểm Sông Mekong năm 1866-1873,” và đoạn “Thay Lời Kết” có hai phần rõ rệt. Phần Một“Cửu Long Cạn Dòng” là hồi chuông cảnh báo sông Mekong bị đặt dưới tác động tai hại của các công trình thủy điện, sẽ gây nguy hiểm lâu dài cho môi trường sinh thái, và những thảm họa mà người dân trong vùng phải gánh chịu. Phần Hai “Biển Đông Dậy Sóng” nhắc đến biến cố Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988, nhấn mạnh đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đồng thời vạch rõ tham vọng lấn chiếm Biển Đông cũng như khát vọng bành trướng ngàn đời của Trung Quốc. Có thể nói “Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng” là thông điệp vừa mang tính thời sự nóng bỏng trước hiện tình đất nước hôm nay, vừa là biểu tượng bất biến của lòng yêu nước, mà nhà văn Ngô Thế Vinh muốn gửi đến người Việt Nam – đặc biệt là giới trẻ – nên và phải “chuẩn bị một đội ngũ trí tuệ trong mọi lãnh vực khoa học, đặc biệt là các ngành hải dương học, địa chất, môi sinh và cả về Luật Biển, Quốc Tế Công Pháp. Họ sẽ là thành viên không thể thiếu trên các bàn Hội nghị, hay trước các Tòa Án Quốc Tế trong tương lai.”[ trang 371]
HNP
5:15am Chủ Nhật ngày 18 tháng 5 năm 2014