Với phong trào nhiếp ảnh số càng ngày càng lan tràn khắp nơi, những diễn đàn khoe ảnh nổi lên đầy mạng online. Nhưng theo sự quan sát của tôi, hầu hết những diễn đàn của người Việt nói riêng, và một vài diễn đàn ngoại quốc nói chung, đều mang tính cách “khoe hàng”. Trong bài này tôi sẽ so sánh những điểm khác nhau.
Xác nhận vấn đề
Thời xửa thời xưa (trước thời của digital cameras), những người chơi ảnh thường là những người thật sự đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh, bởi vì để có thể theo đuổi “môn chơi” này, họ phải bỏ ra rất nhiều tiền, công lao, và thời gian để trau dồi kiến thức. Những người này, dù ít hay nhiều, cũng đã có tham dự những lớp nghệ thuật, và học kỹ thuật tạo ảnh ở trường lớp hẳn hòi.
Thời nay, những điều kiện đòi hỏi nói trên không còn nữa; hầu như bất cứ ai cũng có thể mua máy ảnh số, cũng có thể bấm máy (Auto), và cũng có thể “khoe hình” mà không hề đi dự một trường lớp nào chuyên về nhiếp ảnh. Cùng lắm, những tay “khá khá” đã cố gắng tự học từ những video clip trên YouTube mà cũng chưa chắc là đúng kỹ thuật.
Một thí dụ của “khoe hàng”: máy Nikon D4 $6000, ống kính 500mm $8000, hệ thống báng súng SharpShooter $179, bộ đồ “rằn ri” $500, cặp kính đen $200, nét mặt ngầu = vô giá! ž (không phải “chân dung” của tác giả!)
Phân tích những chi tiết
Mỗi lần rảo quanh những “khu chợ” trên internet (những diễn đàn chia sẻ hình ảnh trên mạng, nhất là những trang mạng có người Việt sinh hoạt), tôi thấy có những chiều hướng đáng lưu ý.
1. Những hình ảnh được “khoe” thường thiếu chủ đề rõ ràng, thiếu bố cục, và thiếu “hồn”. Ngoài những yếu tố kỹ thuật, những ảnh đó không còn gì để thu hút cặp mắt người xem, mà đôi khi những yếu tố kỹ thuật đó chưa được chuẩn cho lắm.
2. Phần đông những người chơi ảnh lại tập trung vào mặt “đồ nghề” hơn những tác-phẩm-họ-có-thể-tạo-ra-với-đồ-nghề-đó. Thường thường những mục khoe khoang về máy móc được hưởng ứng nhiều nhất, với nhiều bà con dồn dập trầm trồ và tán thành máy ảnh này, ống kính nọ.
3. Những lời bình của cả đôi bên – người chụp và người xem – đều phản ảnh một sự “thiếu hiểu biết” hoặc kiến thức chuyên môn về thể loại ảnh đang được “khoe”. Đa số chú thích hình ảnh của bức ảnh chứng tỏ người chụp thiếu sự nghiên cứu về đề tài, trừ khi chủ đề là của bức chân dung bạn quen hoặc người trong gia đình. Nếu họ chụp những thể loại như thiên nhiên (chim chóc) chẳng hạn, lời caption của họ thay vì nói về chủ đề của tác phẩm, thì lại là những lời “thuyết minh” của con chim. Thí dụ một tấm ảnh chim sẻ đậu trên cành, người chụp để caption: “Các anh còn chê em nhỏ con nữa không?” Thật sự, những lời chú thích như trên không giúp người xem học hỏi thêm gì về đối tượng trong ảnh.
4. Mỗi khi có người bình phẩm, người ta nói “đẹp!” nhưng lại không biết tại sao ảnh đẹp. Đó là vì những tấm ảnh không xứng đáng với lời khen đó, bởi vì nó chỉ đạt được – ở mức tối đa – những yếu tố kỹ thuật (rõ nét, phơi sáng chính xác, màu trung thực, số lượng và chất lượng ánh sáng, v.v…). Theo tôi, những ảnh này cùng lắm chỉ là đúng chứ chưa phải là đẹp.
Tóm lại, hiện tượng Khoe hàng là một hoạt động bình thường trong xã hội (thời digital), với nhiều loại người tham dự. Ngược lại, Khoe ảnh là một bước tự nhiên của những người đam mê chụp ảnh, đã từng trau dồi (dù ít hay nhiều) trong trình độ nhiếp ảnh, và đối xử với những tác phẩm của họ với sự trau chuốt và sâu sắc hơn.
Trước khi bạn “khoe hàng”, hãy chuẩn bị vài tác phẩm để “khoe ảnh”. Hoặc khi đã “khoe ảnh”, thì lâu lâu cũng “khoe hàng” cho bà con nhộn nhịp, cho vui.
Bảo Huân
AN