Ngày học cuối cùng vừa kết thúc. Hòa cùng niềm vui của hàng triệu sinh viên học sinh vừa tung hô, reo hò đón chào mùa Hè hay tại những buổi lễ tốt nghiệp sau nhiều năm đèn sách, là niềm vui của những bậc phụ huynh nhìn con cái thêm trưởng thành. Không riêng với các em, những ngày qua, trên facebook tràn ngập những hình ảnh, tâm tình của những bậc làm cha làm mẹ đang vui cùng niềm vui của các em, đặc biệt với những phụ huynh có con cái vừa hoàn tất một chặng đường học vấn như tiểu học, trung học, đại học hay đạt được một thành tích học đường nào đó. Nhân dịp bãi trường, Chuyên Mục xin gởi lời chúc mừng đến các em cùng các bậc phụ huynh và chia sẻ vài câu chuyện đáng ngưỡng mộ trong mùa bãi trường này.
Griffin Furlong, thủ khoa của trung học First Coast High tại Jacksonville, Florida – nguồn nbcnews.com
Mùa bãi trường năm nay, những người theo dõi tin tức thời sự ắt cũng đã nghe hay đọc qua mẫu tin về Griffin Furlong, thủ khoa của trung học First Coast High tại Jacksonville, Florida trong năm nay. Không phải không có lý do để trong số hàng ngàn thủ khoa, á khoa trung học năm nay, cái tên của Furlong được xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông quốc gia và cả nước ngoài. Năm lên 6 tuổi, căn bịnh ung thư máu đã cướp đi mạng sống của người mẹ thương yêu của mình, để rồi chẳng bao lâu sau, cả ba cha con Furlong bị mất nhà và phải dọn vào sống tạm trong những trại dành cho những người vô gia cư, trải qua những đêm bụng đói mà đi ngủ trong vòng hai năm trời. Furlong tâm sự rằng, có những đêm nằm khóc thầm trong trại vô gia cư giá lạnh, cứ mong mình bị tan biến đi để khỏi chịu đựng những đau khổ dằn vặt. Furlong kể, “Tôi chưa bao giờ có được một tuổi thơ trọn vẹn. Tôi không còn cảm thấy mình là người nữa. Có đêm tôi tự vấn, ‘Mình cứ tiếp tục như vậy hay phải làm điều đó chính mình'”. Cuộc sống cứ phải dọn tới lui giữa các căn nhà thuê mướn hay nhà bà con, thậm chí trước khi tốt nghiệp năm nay, gia đình Furlong đã phải vô lại trại vô gia cư và dù Furlong thú nhận từng có những lúc đã mang ý định bỏ cuộc, nhưng Furlong đã quyết chẳng bỏ cuộc, miệt mài đeo đuổi con đường học vấn để thay đổi tương lai. Furlong tốt nghiệp với điểm số GPA 4.65, trở thành Thủ Khoa từng sống trong những trại vô gia cư. Trong diễn văn phát biểu của mình, Furlong nhấn mạnh đến mục đích của đời sống, “Các bạn niên học 2014 đang ngồi trước mặt tôi, đừng sống một cuộc đời không mục đích. Tận trong sâu thẳm mình, các bạn biết được mình có những điều gì để chứng tỏ mình… đừng tìm lý do bào chữa, nhất là khi bạn có một gia đình đầy yêu thương để sẵn sàng cho bạn những thứ cần hay muốn… Không ai đưa cho bạn sự thành công. Bạn phải bước ra và đạt được bằng chính mình. Đừng gặm nhấm quá khứ, hãy dùng nó như một động lực cho tương lai. Bạn sẽ sửng sốt về những gì mình có thể làm được cho cuộc đời mình với ý chí, bằng tham vọng và quan trọng nhất, bằng một mục đích sống”.
Griffin Furlong, trong ngày tốt nghiệp – nguồn nbcnews.com
Câu chuyện của Furlong gây xúc động cho nhiều người, và chỉ trong vòng hơn hai tuần qua thì trên trang mạng kêu gọi giúp đỡ cho Furlong tại gofundme.com đã có đến gần 2,000 ân nhân gởi tiền giúp Furlong trang trải chi phí đại học. Số tiền quyên được lên hơn 100 ngàn đô la, vượt quá mục tiêu 20 ngàn do người bạn đồng học khởi xướng, nhưng không là điều ngạc nhiên với tấm lòng hào phóng vốn có của người dân Mỹ.
Nhưng câu chuyện của Griffin Furlong không phải là câu chuyện duy nhất trong năm nay. Đó còn là câu chuyện của Rashema Melson, cũng là một học sinh vô gia cư và ra trường thủ khoa trung học Anacostia High School tại Washington DC năm nay. Melson cũng là một cô gái mất cha từ 7 tháng tuổi và đã phải ở với mẹ cùng các chị em gái tại DC General – một trại vô gia cư lớn nhất vùng DC khi có hơn 300 người lớn và 500 trẻ em cùng sống chung nơi đây trong hơn hai năm qua. Cô kể cùng phóng viên rằng đôi khi phải mang headphone vào tai để tránh những tiếng ồn ào phân tâm chung quanh, tưởng tượng như không đang ở một trại vô gia cư ồn ào đông đúc để mà học bài và chỉ có con đường học vấn mới giúp cô và gia đình thoát khỏi cảnh ngộ không nhà đã kéo dài trong sáu năm qua. Melson bảo rằng không có cha đã là một khó khăn cho một cô gái, và cô phải học cách tự thương lấy mình khi mà thiếu vắng tình thương của cha. Sống trong một môi trường vô gia cư và những khu vực tội phạm bao quanh, một bé gái thiếu cha mà không mang thai sớm và sa vào con đường nghiện ngập cũng đã là một niềm tự hào cho Melson, như chính cô trả lời. Nhưng Nelson đã làm được nhiều, rất nhiều hơn điều cô tự hào. Xuất hiện trên truyền hình là một Melson mạnh mẽ, đầy cá tính, không mang vẻ sầu muộn do cảnh ngộ. Melson đã được đại học Georgetown cấp học bổng toàn phần để theo học tiền y khoa, với ước muốn của cô sẽ trở thành một chuyên viên giảo nghiệm học.
Rashema Melson, một học sinh vô gia cư và ra trường thủ khoa trung học Anacostia High School tại Washington DC – nguồn huffingtonpost.com
Chelesa Fearce
Mỗi mùa bế giảng, chúng ta luôn xuất hiện những câu chuyện về đời sống cần có một mục đích của Griffin Furlong hay sự xác quyết về thành công của Rashema Melson khi vượt qua những cảnh ngộ khó khăn, thử thách của mình để thăng tiến trên đường học vấn. Đó là những câu chuyện cảm động và lan truyền những niềm hứng khởi đến các sinh viên học sinh khác, và đến cả những người trưởng thành cùng cảnh ngộ đang cố vượt qua số phận. Những câu chuyện này nhắc lại câu chuyện thành công của Khadijah Williams, một cô gái Mỹ Phi Châu khác từng xuất hiện trên sô truyền hình Oprah hồi năm 2009 khi Williams cũng là một học sinh vô gia cư, phải chuyển đổi chỗ ở liên tục trong suốt những năm học nhưng rồi vẫn tốt nghiệp xuất sắc trung học và được đại học Harvard thu nhận và cấp cho học bổng toàn phần để theo học. Williams ra trường năm trước và hiện đang làm giám đốc cho một hãng kỹ thuật về giáo dục tại New York. Nó là câu chuyện của chị em Chelesa Fearce tại Georgia hồi năm trước, cũng là những học sinh từng cư ngụ tại các nhà vô gia cư hay có khi phải ngủ trong xe, dưới đất trong nhiều năm trung học nhưng rồi cả hai chị em đều lần lượt tốt nghiệp Thủ Khoa, rồi Á Khoa. Hay đó là câu chuyện của Leonardo Leal-Guerrero, một học sinh người Mễ Tây Cơ đến Mỹ năm 12 tuổi không biết một chữ tiếng Anh, bị cha nuôi bắt nghỉ học và đuổi khỏi nhà phải sống rày đây mai đó nhà bà con cùng các trại vô gia cư nhưng năm năm sau đã tốt nghiệp Thủ Khoa và được những đại học danh tiếng như Harvard, Brown và Stanford đồng ý cấp học bổng đại học theo học. Đó không phải là những câu chuyện về hàng ngàn thủ khoa, á khoa mỗi năm, mà hơn thế nữa, đó là câu chuyện tái khẳng định về những ý chí và nghị lực của một người có thể làm được, có thể vượt ra khỏi những giới hạn chung quanh để đạt được những điều tưởng như không thể xảy ra, và để đạt đến mục đích cuộc đời mình.
Khadijah Williams, một học sinh vô gia cư, tốt nghiệp xuất sắc trung học và được đại học Harvard thu nhận và cấp cho học bổng toàn phần để theo học- nguồn huffingtonpost.com
Vincent Phan – á khoa Allen High School, 2014 – nguồn Facebook.com
ĐYT