Menu Close

An Sinh Xã Hội (06/19/14)

Thưa bà năm nay tôi đã 60 tuổi, chồng tôi đã mất, bộ ASXH nói khi nào tôi được 60 tuổi sẽ được hưởng quyền lợi của chồng tôi, vậy tôi cần các giấy tờ để đi apply, có phải đi làm ở sở ASXH nơi mình ở? Chồng tôi qua Mỹ làm việc từ lúc trẻ, đủ credit hưởng phúc lợi, vậy khoảng bao nhiêu? Tôi vẫn còn đi làm, có ảnh hưởng gì không, khi tôi đến tuổi 62 thì xin hưu sớm có được không?

Đáp

Sau khi người làm việc chính trong gia đình qua đời, quan phu hay quả phụ cần tiến hành ngay thủ tục xin Lump Sum Death Benefit (số tiền trả một lần) để lo hậu sự cho người quá vãng. Số tiền này là 255 đô la và chỉ có người hôn phối cùng chung sống với người đã qua đời mới đủ điều kiện để hưởng. Vợ hay chồng cũ không xin được khoản này.

Quyền lợi này không đòi hỏi yếu tố tuổi tác của người sống còn.

Sang đến quyền lợi tồn sinh thì quan phu hay quả phụ ngay cả vợ cũ hay chồng cũ đều có thể xin được số tiền dưới hồ sơ làm việc của người đã mất trong những trường hợp sau đây:

– Tuổi 60 và độc thân
– 50 đến 59 tuổi, nếu người nạp đơn được sở An Sinh Xã Hội công nhận rằng người này bị tàn tật và người này độc thân
– Bất luận tuổi tác nếu người cha hay mẹ trẻ đang nuôi dạy đứa con nhỏ (con của người đã qua đời) và độc thân
– Đối với vợ hay chồng cũ thì hôn nhân phải kéo dài tối thiểu là 10 năm.

Xin lưu ý, khi bắt đầu lãnh tiền tồn sinh bà vẫn có quyền tiếp tục làm việc. Từ năm 60 tuổi đến tuổi hưu toàn phần (số tuổi hưu toàn phần lệ thuộc vào năm sanh)

– sinh từ 1943 đến 1954 tuổi hưu toàn phần là 66
– sinh năm 1955 tuổi hưu toàn phần là 66 và hai tháng
– sinh năm 1956 tuổi hưu toàn phần là 66 và bốn tháng
– sinh năm 1957 tuổi hưu toàn phần là 66 và sáu tháng
– sinh năm 1958 tuổi hưu toàn phần là 66 và tám tháng
– sinh năm 1959 tuổi hưu toàn phần là 66 và mười tháng
– từ năm 1960 trở đi tuổi hưu toàn phần sẽ là 67 tuổi

Trong năm 2014 nếu bắt đầu lãnh tiền tồn sinh bà có thể đi làm với mức lương $15,480 một năm hoặc không quá $1,290 một tháng. Xin nhớ rằng số tiền này là thu nhập chưa đóng thuế.

Viên chức An Sinh Xã Hội sẽ cho bà biết số tiền tồn sinh là bao nhiêu. Như bà có trình bày ông nhà làm việc từ lúc hãy còn trẻ hẳn số tiền tồn sinh có thể cao hơn số tiền bà có thể lãnh trên chính hồ sơ làm việc của mình khi bà được tuổi 62.

Khi tiến hành thủ tục nạp đơn bà có thể viếng mạng www.socialsecurity.gov để nạp đơn trực tuyến hay gọi số điện thoại miễn phí 1-800-772-1213 để làm cuộc hẹn. Bà có thể yêu cầu được phỏng vấn qua điện thoại hay đích thân đến văn phòng An Sinh Xã Hội để nạp đơn. Bà cần chuẩn bị: thẻ ASXH của bà và của ông, giấy hôn thú và giấy khai tử, văn kiện chứng minh tình trạng di trú, thẻ xanh nếu là thường trú nhân và bằng quốc tịch nếu là công dân Hoa Kỳ, bà cũng cần xuất trình giấy khai sinh hay thẻ thông hành Mỹ để chứng minh ngày sanh tháng đẻ.

Trong trường hợp bà bắt đầu lãnh quyền lợi tồn sinh ở tuổi 60 hãy tiếp tục lãnh cho tới khi bà được 70, lúc bấy giờ chuyển sang chính hồ sơ làm việc của bà, khi ấy số tiền hưu của bà sẽ cao hơn. Tiền hưu sẽ được tăng 8% mỗi năm sau ngày bà đạt tuổi hưu toàn phần và chưa lãnh tiền ra.

Tôi tên Kiên sinh ngày 12/12 /1953, hiện tôi đang có tiền tàn tật (SSDI) tiền tàn tật có từ tháng 10 năm 2012 đến nay, khoảng 1.5 năm thì tới ngày hưu non (sớm ). Vậy tôi phải làm đơn xin tiền hưu non trước là bao lâu? Nếu đã có tiền SSDI và xin tiền hưu non, họ có cho hai thứ cùng một lúc hoặc mình phải chọn một trong hai. Xin chị mách giùm.

Đáp

Chương trình An Sinh Xã Hội chu toàn quyền lợi cho người đi làm có đóng đủ số tín chỉ, được tiền hưu khi đủ tuổi, tiền tàn tật nếu không may tình trạng sức khoẻ không cho phép làm việc mưu sinh. Khi bắt đầu nhận quyền lợi tàn tật thì cơ quan ASXH có ấn định chu kỳ tái khám để tìm biết xem người thụ hưởng còn đủ điều kiện để nhận chi phiếu bệnh tật hay không?

Một khi bước vào độ tuổi hưu thì ông không cần xin chuyển qua hồ sơ mới hay chọn lựa giữa tiền hưu và tiền bệnh. Ông vẫn tiếp tục lãnh những quyền lợi hiện có, điều thay đổi là sẽ không cần phải bận tâm vì những lần tái khám sức khoẻ.

AH