Ngày Father’s Day… Xin được trở lại với Thư Chết (Lettre Morte) của Linda Lê gởi người cha quá cố. Và mời nghe tiếng lòng chân thực của một người con gái do biến động lịch sử phải vĩnh viễn xa cha.

Nhưng trước hết xin nghe Đinh Cường viết về Linda Lê trong Blog Phạm Cao Hoàng
Linda Lê có mái tóc dài, trán cao, đôi mắt to,
môi gợi cảm, nhưng toàn thể khuôn mặt toát ra
một sự lạnh lẽo hoài nghi
Thế giới Linda Lê là thế giới độc thoại
cách viết như thôi miên kỳ diệu và quái đản
Linda Lê sinh năm 1963 tại Đà Lạt, cha là kỹ sư người Việt và mẹ người Pháp. Cùng mẹ, chị em gái và bà, Linda Lê rời Sài Gòn năm 1977 sang Pháp định cư, bỏ lại người cha sống cô đơn ở Việt Nam. Năm 1981, Linda Lê đến Paris theo học văn chương tại trường Henri IV, và sau đó đến Sorbonne. Cô viết tiểu thuyết bằng tiếng Pháp nhưng các tác phẩm phần lớn đều được dịch sang tiếng Anh, Hòa Lan, Bồ Đào Nha và cả tiếng Việt. Các tác phẩm của Linda Lê được nhiều người biết đến là Phúc âm tội ác (1992), Vu khống (2009), Lại chơi với lửa (2010)… và nhất là bộ ba Les Trois Parques (Ba nữ thần số mệnh, 1997), Voix (Tiếng nói, 1998)… và Lettre Morte (Thư Chết)
Trở lại với “Thư Chết”: Sống lưu vong tại Pháp hơn 20 năm, đến một ngày, nhân vật tôi được tin cha qua đời, cô quạnh trong căn nhà nơi ông sống vò võ một mình từ khi vợ con ra đi. Bức thư bộc lộ niềm hối hận khôn nguôi của một đứa con mãi mãi thất hứa không về bên cha như đã hẹn, lòng thương cha day dứt đến nhói tâm can. Có khi cô tưởng tượng mình đang ôm đầu cha ru trong vòng tay của mình.
“Tôi tự cho mình thời gian trong khi người không còn thời gian nữa. Chúng ta luôn tin rằng chữ “Quá muộn!” sẽ không bao giờ vỗ thẳng vào mặt mình… Cha tôi có đôi môi bợt trên giường bệnh. Tôi đã không ở đó để thổi sự sống vào người.” Linda Lê viết.
Khoảnh khắc biệt ly ngày người mẹ và tác giả rời Việt Nam được tái hiện đầy đau đớn: “Ngồi trên chiếc taxi đưa tôi đi, tôi nhìn thấy người trên chiếc xe đạp, nhớn nhác… Tôi thấy cha ở một ngã tư, lấy tay ra hiệu cho tôi. Rồi thì bóng cha biến mất mãi mãi”.
Trong thư, tác giả cũng không ngại nhắc đến nguyên nhân làm cô dần quên lãng cha: đó là một người đàn ông đã có vợ mang biệt danh Nhà Xác (Morgue), y là một trí thức lang chạ và lưu manh. Linda Lê có một “niềm đam mê tầm thường” với anh ta. Trong lúc người cha mòn mỏi viết thư và chờ đợi hồi âm của con gái, cô mòn mỏi chờ đợi những lần tới thăm chớp nhoáng của Nhà Xác. Đọc thư cha, trả lời thư cha trở thành một việc nhàm chán phiền phức.
Linda Lê không ngại dằn mạnh chi tiết đó trong tác phẩm, như miết dao vào tim và xoáy sâu. Tất cả cho ta cảm giác là người sống dù có tự vấn lương tâm bao nhiêu thì cũng không đủ bù đắp cho những mất mát mà người chết đã phải chịu.
“Khi một người chết đi, chúng ta cứ lải nhải rằng người đó từng thích cái này cái kia, rằng người đó từng nói lời này lời kia, và những thứ mà người đó thích đều được chôn theo, những thứ người đó thích mang một vẻ đặc biệt, màu sắc của chúng đi vào bảo tàng: chúng trơ ra”. Thực tế của đời sống, như Linda Lê nhắc lại, có thể khiến ta đánh mất người thân yêu bất cứ lúc nào bằng cách cư xử vô tâm thường ngày, đến lúc đó không cơn hối hận nào có thể cứu vãn.
Bức thư chứa đầy cảm xúc mãnh liệt này tựa như hành động quỳ gối tạ tội của người con gái bên vong linh cha. Đồng thời, ẩn chứa nỗi căm hờn dành cho người đàn ông bạc tình nơi đất khách, Nhà Xác, người mà trong suốt tác phẩm, Linda Lê đã dựng nên hình tượng hoàn toàn đối lập với người cha.
Thư Chết giống như lời thỉnh cầu âm thầm trước vong linh người cha. Hiển hiện qua những dòng chữ không chút hoa mỹ là một khao khát mãnh liệt được giành lại, kết nối, hàn gắn thêm lần nữa. Đó là cách tác giả tự phục sinh.
Chân thành và tha thiết, tác phẩm được đánh giá là “Giá thử hồi sinh là điều có thể thông qua việc viết, thì chắc chắn Linda Lê đã xuất sắc hoàn thành sứ mệnh điên rồ ấy”.