Menu Close

Mùa làm gạch – Kỳ 2

Có gạch sẵn rồi là bước qua giai đoạn kế tiếp cho ghe qua Trà Ôn chở cát về làm hồ xây lò. Không biết kỹ thuật tân tiến ngày nay xây lò gạch bằng loại hồ gì nhưng vào khoảng trước nữa cho chí tới mấy năm 1980-1983, chúng tôi thấy xây lò gạch có cái vui là không ai xây lò bằng xi măng như xây nhà mà phải dùng bùn non trộn với cát cồn làm hồ xây lò gạch. Khi hồ bằng bùn non và cát cồn gặp lửa hầm gạch nóng lên cát sẽ chảy ra thành chất thủy tinh kết dính các viên gạch lại với nhau nên lò gạch không bị nứt bể; còn nếu bạn dùng xi măng xây lò với sức nóng của lửa nung gạch không cách gì xi măng chịu đựng nổi sức nóng ấy được và lò gạch sẽ bị nứt bể.

alt

Máy ép và cắt gạchNGUỒN QUANGTIEN-VAC.COM.VN

Còn trộn hồ xây lò gạch, người ta đào một cái hầm bề ngang khoảng ba thước, bề dài chừng bốn hoặc năm thước, chiều sâu chừng năm hoặc sáu tấc rồi xuống sông hoặc xuống hầm gần đó xúc bùn lên đổ vào hầm này; sau đó đổ cát cồn vô trộn đều miễn sao ông thợ chánh thấy hồ có độ dẻo vừa xây lò được là ngưng lại và bắt đầu dùng hồ này xây lò. Khi mẻ hồ bùn với cát này hết, người ta bắt đầu trộn thêm mẻ hồ khác. Nhưng thường thường người ta canh làm sao mỗi ngày chỉ trộn một lần hồ dùng đủ cho cả một ngày thôi, hôm sau sẽ trộn mẻ hồ mới cho ngày hôm sau; có như vậy nhơn công đỡ phải vất vả và mệt nhọc.

Còn việc xúc cát cũng cực nhưng cực gì thì cực miễn sao có đi qua chợ Trà Ôn rồi lên chợ uống cà phê, mua bánh trái ăn thì thấy cũng bớt cực chút đỉnh. Khi ghe qua tới Trà Ôn chỗ cồn mình định xúc cát vào lúc nước đang lớn và cho ghe cắm sào bỏ neo đậu ngay trên nền cồn cát mới nổi ấy. Thế rồi cơm ghe bè bạn lo cơm nước ăn uống xong là ngủ một giấc chờ tới khi nào nước ròng cát lòi lên và chiếc ghe đang nằm khơi trên mặt cồn cát, anh em lại hè nhau mỗi người một cái len miểng chia làm hai toán qua hai bên hông ghe xúc cát vô len và bơi lên ghe. Và cứ vích cát lên ghe vậy hoài cho tới khi nào nhắm ghe cát gần đầy và thấy nặng nặng là ngưng lại, tắm rửa thay quần áo chờ nước lớn ghe cát nổi lên là quay ghe về lại Cái Côn. Về tới lò gạch Cái Côn lại bắt đầu gánh cát lên bờ rồi hôm sau hoặc vài ba ngày sau lại qua Trà Ôn chở cát tiếp cho đến khi lò gạch xây xong mới thôi chở cát nữa.

Công việc xây lò gạch là do ông thợ cái đứng ra xây, chúng tôi chỉ phụ mang gạch và vác hồ cung cấp cho ông thôi. Có một điều rất tài tình là ngoài những vật liệu là gạch, cát và bùn non thôi, kỳ dư không có vật liệu nào khác chống đỡ nhưng những người thợ chánh xây lò gạch họ đã xây được những lò gạch như các bảo tháp vừa cao vừa lớn mà khi mình bước vô bên trong lò bỗng thấy mình vô cùng bé nhỏ trước một không gian mênh mông bên trong lò gạch sản xuất 100,000 viên gạch như vậy.      

                               
Tưởng cũng nên nhắc qua một chút về khâu làm đất để in gạch. Thật ra, công việc nào làm bằng tay cũng chỉ là do kinh nghiệm mỗi cá nhân làm công việc ấy nhuần nhuyễn nhiều ngày mà ra, không ai tài giỏi gì hơn ai. Chẳng hạn bạn muốn làm đất để in ngói, in gạch tàu thì công việc trước tiên là dùng len miểng xới đất thật mỏng. Công việc này đòi hỏi làm từ từ, không gấp gáp gì và làm sao những lưỡi len xắn đất thật mỏng, đều đều bằng nhau tránh xắn đất không đều, miếng này quá dày, miếng kia quá mỏng. Vì nếu xới đất không đều sau này khi mang đất lên in gạch ngói đất sẽ bị óc trâu, in ngói dễ bị bể. Sau khi bạn xắn đất giáp mí hầm rồi, bạn ban đất lại cho bằng phẳng, dẽ-dặt và chà láng mặt đất vừa mới xới xong ấy. Sau cùng bạn xả nước vô đầy hầm nhằm mục đính ngâm đất cho đất nở ra. Sau khi ngâm nước như vậy xong, qua vài ngày sau, nếu bạn muốn in ngói, thì lại phải xả nước trong hầm đất này ra và xới đất này lại một lượt nữa; rồi cũng lại ban đất cho bằng mặt, chà láng và lại thả nước vô ngâm đất lần thứ hai. Chừng nào cần in ngói, người ta lại tháo nước ra và chuyền đất này lên bờ vun thành cây cho ráo nước và qua chừng một hoặc hai ngày sau là thợ có thể lấy đất này bắt đầu in ngói, in gạch tàu được rồi. Mỗi một hầm đất như vậy có chiều dài chừng sáu thước, chiều ngang khoảng ba hoặc bốn thước là trung bình. Thường thường trong chu vi lấy đất làm gạch, lúc nào ở dưới đó cũng có sẵn ba bốn hầm đất đã xới xong và ngâm nước như vậy. Mấy hầm đất này có cái vui là khi mình mới xới một lớp len miểng thì đất vừa tới nửa ống chưn, nhưng sau khi bạn ngâm nước vài đêm thì đất lại nở ra thêm, lúc bấy giờ lớp đất xào xới này lên cao có khi qua khỏi đầu gối. Hồi đó, hai móng chưn cái của tôi qua hơn hai năm làm đất in gạch bị hư hết, không ra móng được vì ngày nào cũng đứng sâu trong bùn như vậy.

alt

Cửa lò gạch vùng Vĩnh Thạnh (Lấp Vò-Sa Đéc)ẢNH TRẦN NHIẾP

Đó là cách làm đất in ngói và gạch tàu. Đất in gạch thẻ, còn gọi gạch tiểu, thì không cần phải xới lại lần thứ hai. Nếu in bằng tay thì chỉ một lần xới đất xong rồi ngâm nước như vừa kể là có thể lấy đất lên in gạch được rồi. Đất in gạch đại cũng vậy, không cần làm đất kỹ hai lần như vậy, chỉ xới sơ sơ, ban đất cho dẽ dặt rồi ngâm nước một đêm là lấy đất lên để ráo là in gạch được rồi.

Sau này có máy in gạch ống, gạch tiểu, gạch đại thì làm đất in bằng máy đơn giản hơn. Bạn chỉ cần bắt dây năm, mười người tùy theo chiều xa từ dưới hầm lấy đất lên tới chỗ bỏ đất xa hay gần mà số người nhiều hay ít để chuyền đất lên bờ, ngay bên cạnh chỗ nền đặt máy in gạch. Ở điểm cuối cùng này, tức là nơi bỏ đất dồn đống lại, có một hoặc hai người dùng len miểng xắn đất nhỏ lại, lâu lâu lại xách nước tưới sương sương lên đống đất vừa xới, nhưng không nên tưới ướt quá đất sẽ nhão khó in. Đất mà chứa thành đống như vậy gọi là cây đất. Tùy theo số lượng mình muốn in bao nhiêu gạch mà làm mấy cây đất để sẵn để khi cần in là có đất sẵn sàng. Hồi đó chúng tôi lúc nào cũng có ba hoặc bốn cây đất khô để in gạch ống, gạch thẻ như vậy.

Việc in gạch ống hay gạch thẻ bằng máy thì cũng đơn giản lắm. Máy chạy có thợ máy coi chừng điều khiển máy đã đành, ngoài ra có toán xắn đất cho vào máy cũng vài ba người tùy theo máy chạy nhanh hay chạy chậm. Ở đầu gạch in ra, cũng có vài người bắt gạch để lên xe rồi có người kéo xe đem gạch này đi phơi. Thường thường ở đầu gạch ra này có khoảng ba hoặc bốn xe mới di chuyển gạch vừa in xong đem đi phơi mới kịp. Gạch phơi trong những nhà phơi mái thấp, lấy cái gió làm gạch khô dần chứ không phơi ngoài nắng vì nắng nóng gắt làm gạch dễ bị nứt và bể. Gạch phơi như vậy khi nào khô gom lại chất thành từng cây, mỗi cây gạch khoảng năm trăm viên chẳng hạn, miễn sao gạch chất vuông vắn không bị ngã đổ và dễ đếm để khi nào số gạch in đủ 100,000 viên là bắt đầu vô lò để đốt lửa nung gạch.

HT