Trang blog China Real Time của Wall Street Journal đăng bức hình trên của Reuters ngày 16 tháng 5 vừa rồi cùng với bài “China’s ghost cities are about to get spookier” (Những thành phố ma của Trung Quốc sắp trở thành quái đản hơn): Một người đàn ông bước gần bóng phản chiếu của hai tòa nhà chung cư mới xây và còn trống tại một công viên ở Shenyang thuộc tỉnh Liaoning ở đông bắc Trung Quốc. Bức hình như một tiên đoán về cái bong bóng địa ốc đang có những chỉ dấu bị bục.

Thị trấn ma (ghost town) là một cái thành phố, có khi là một cái làng, bị bỏ phế sau một thời phồn thịnh, vì kinh tế suy thoái và dân chúng bỏ đi, hoặc vì một thiên tai như lụt lội, nạn động đất hay núi lửa, hoặc do nhân tai như chiến tranh hay tai nạn do sản phẩm của con người gây ra như lò nguyên tử nổ, chẳng hạn. Điển hình do thiên tai là thành phố Pompeii ở miền nam nước Ý bị núi lửa Visuvius chôn vùi vào năm 79, được khám phá vào năm 1748, và nay là một nơi lôi cuốn du khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Do nhân tai thì một trong những thành phố ma nổi tiếng nhất là thành phố Pripyat ở Ukraine đã trở thành một thị trấn ma sau khi lò nguyên tử Chernobyl phát nổ vào năm 1986. Cho tới nay ít ai dám lai vãng tới nơi này vì phóng xạ mặc dù chính quyền địa phương đang có những nỗ lực khai thác ngành du lịch tại đây. Mới mẻ nhất của loại thành phố ma do cả thiên tai (động đất và sóng thần) và nhân tai (lò nguyên tử bị tàn phá) gây ra phải kể tới thị trấn Fukushima của Nhật Bản.

Công viên giải trí Wonderland ở Nankou Town, Changping, phía bắc Bắc Kinh, dự tính sẽ là công viên giải trí lớn nhất thế giới, đã bị bỏ phế từ nhiều năm nay vì trở ngại tài chính của chính quyền địa phương và tranh chấp đất đai. – ẢNH FLICKR.COM/PHOTOS/TORMODS
Tuy nhiên, có những thành phố chưa hề có một thời phồn thịnh với đông đảo dân cư sinh sống song vẫn được gọi là thành phố ma (nhưng) tân lập. Lần đầu tiên tôi biết tới danh từ thành phố ma tân lập, “newly-built ghost town,” là khi đọc một bản tin trên tờ The New York Times, khi tường thuật về cái bong bóng địa ốc bị bể tại Spain vào cuối năm 2010. Đây là hiện tượng có lẽ chỉ xảy ra ở đầu thế kỷ 21 này khi giá địa ốc bỗng dưng rủ nhau lên trời ở nhiều thành phố trên thế giới, đưa đến việc hàng loạt nhà cửa được xây cất, nhiều khu gia cư tân lập được dựng lên, rồi hệ thống tài chính bị khủng hoảng, nhiều người bị mất nhà vì mất việc không trả nổi tiền mượn để mua nhà hoặc vì những lý do khác, giá nhà tuột dốc, và nhiều nhà mới không bán được, cái này kéo theo cái kia, và kết quả là ta có những thị trấn ma tân lập.
Có lẽ không ở đâu có nhiều thành phố ma tân lập như ở Trung Quốc. Khi Hoa Kỳ và một số những nước khác rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính với ngành địa ốc bị phá sản vào năm 2008, ảnh hưởng trầm trọng tới ngành xuất cảng vốn là một kỹ nghệ tạo công ăn việc làm cho nhiều triệu người Trung Quốc. Để đối phó, chính quyền Bắc Kinh đã bơm khoảng 635 tỉ Mỹ kim vào các dự án xây cất hạ tầng cơ sở như đường sá cầu cống, nhà cửa và các dự án phát triển nông thôn, cũng như tái thiết những vùng bị phá hủy bởi nạn động đất ở Sichuan. Đầu tư này trong khi giúp Trung Quốc tạm thời tránh được nạn kinh tế suy trầm và xã hội bất ổn nhờ đã tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu người, nhưng đồng thời đã đưa tới những bất quân bình đáng ngại và nạn đầu cơ tích trữ, đặc biệt trong ngành địa ốc.

Thành phố tân lập ở Chenggong, Yunnan, và đại lộ trống trơn của Zhengzhou, Henan, không người ở. – ẢNH BBC.COM VÀ DAILYMAIL.CO.UK
Nhiều khu chung cư mới, công viên giải trí (theme park) và cả thành phố tân lập với đầy đủ đường sá, công viên, khu hành chánh, khu thương mại, viện bảo tàng, và cả khu đại học đã được xây cất lên khắp nơi ở Trung Quốc, song nhiều năm đã qua vẫn bị bỏ trống, mặc dù nhiều đơn vị gia cư đã có chủ nhưng người mua đã mua để đầu tư hơn là để ở. Khác với ở Mỹ, tại Trung Quốc không có thuế bất động sản, nên việc làm chủ một căn nhà thứ hai hay thứ ba không phải là một tốn kém đáng ngại, đặc biệt khi người mua trả bằng tiền mặt. Vả lại, mua nhà là một cách đầu tư vững vàng và sinh lợi mau nhất, nhiều người lý luận, so với sự bấp bênh của việc đầu tư vào thị trường chứng khoán hay cất tiền ở nhà băng với phân lời thấp, trong khi giá bất động sản ngày một cao (cho tới gần đây).
Trong khi đó, các chính quyền địa phương cứ mặc sức xây cất vì những công trình này cho phép họ liệt vô số tổng sản lượng hàng năm của địa phương như một thành tích phát triển kinh tế để nạp cho trung ương. “Ai lại muốn là viên thị trưởng tường trình rằng thì ông ta đã không đạt được 8% tăng trưởng GDP năm nay?” Web site ScallyWagAndVagabond.com ghi lại lời phát biểu của ông Patrick Chovanec, giáo sư dạy môn thương mại tại Tsinghua University ở Bắc Kinh. “Không ai dại gì làm cái việc đó cả. Do đấy sự khích lệ [đạt chỉ tiêu] là cứ xây. Và nếu đó là cách dễ nhất để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, vậy thì cứ mặc sức mà xây thôi.”

Một khu gia cư ở Ordos, Nội Mông, thành phố ma tân lập lớn nhất. – ẢNH MICHAEL CHRISTOPHER BROWN/TIME 
Theo ký giả Andrian Brown của chương trình Dateline thuộc hệ thống truyền hình SBS One của Úc thì vào năm 2011 tại Trung Quốc có cả thảy 6 triệu căn chung cư bỏ trống, phần lớn là những căn thuộc loại sang trọng, đắt tiền. Hồi ấy ông đã đi thăm nhiều thành phố tân lập nhưng không thấy có người ở. Khi trở lại Trung Quốc vào cuối năm 2013, ông lại được biết thêm là trong vòng có ba năm mà Trung Quốc lại có thêm 20 thành phố mới nữa, với lưa thưa một ít người ở hoặc bỏ trống.
Tuy thế, có nhà phân tích, như Tom Miller, tác giả cuốn “China’s Urban Million – The Story Behind the Biggest Migration in Human History” (2012), thì cho rằng Trung Quốc đang theo đuổi một chương trình đô thị hoá vĩ đại chưa từng có ở đâu. Những thành phố gọi là ma bây giờ rồi đây sẽ đầy dân cư trong tương lai. Dù vậy, ký giả Brown của đài SBS One lại ghi nhận một hiện tượng là tại thành phố tân lập gọi là Lanzhou New Area, thuộc tỉnh Gansu, tây bắc Trung Quốc, chính quyền địa phương cho đập đi nhà dân mặc dù mới xây cất được 10 năm trở lại, để di dân vào các chung cư cao ốc. Những người này vốn là nông dân. Họ bằng lòng dọn vô các cao ốc vì chính quyền bảo họ như vậy, họ cho biết, khiến ký giả SBS One tự hỏi không biết họ sẽ tìm đâu ra việc để sinh sống.

Một góc của Ordos, thuộc Nội Mông, thành phố tân lập lớn nhất ở Trung Quốc, dự trù cho một dân số là 1 triệu, xây từ 2006, tới nay vẫn không có bao nhiêu người ở. – ẢNH MICHAEL CHRISTOPHER BROWN/TIME
Điển hình và nổi tiếng nhất trong số những thành phố ma tân lập này là thành phố Ordos, còn gọi là Kangbashi New Area, thuộc Nội Mông, cực bắc Trung Quốc, coi như hoàn tất vào năm 2006 giữa một vùng sa mạc, nhưng tới nay vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy nơi đây sẽ trở thành một thứ Dubai của Trung Đông ở Đông phương như chính quyền địa phương kỳ vọng. Gần đây, có lẽ vì những tường trình tiêu cực của truyền thông quốc tế, trong đó có chương trình truyền hình điều tra 60 Minutes của hệ thống CBS năm ngoái, một số chính quyền địa phương đã cho dọn các cơ sở hành chánh tới các thị trấn tân lập để hy vọng tạo cho chúng một sinh khí.
Nhiều cao ốc chung cư, thành phố không người ở, thế nhưng nhiều triệu người trong cái dân số khổng lồ trên 1 tỉ người lại không có được một căn nhà cho ra hồn. Sở hữu lại càng là chuyện xa vời. Báo điện tử Epoch Times tháng 5 vừa rồi có bài viết về cái gọi là “Misery Index” (chỉ số khốn khổ) về tình trạng hiếm hoi nhà cửa cho hàng nhiều triệu người dân Trung Hoa, dựa vào thông tin lợi tức lấy từ cơ quan nhà nước National Bureau of Statistics và giá nhà của Web site địa ốc lớn Fangjia.com. Theo đó thì một người dân có lợi tức trung bình tại Trung Quốc rất khó mà mua được một căn chung cư dù rất khiêm tốn. Để có thể có đủ 30% đặt cọc cho một căn chung cư rộng 860 square feet, người dân Trung Quốc bình thường phải mất 13 năm không tiêu pha gì vào đồng lương của mình, kể cả… mua đồ ăn, để mua một căn ở Bắc Kinh; 12 năm ở Xiamen; và 11 năm ở Thượng Hải.

Cặp thang máy phủ kín tại South China Mall, Dongguan, China, khu thương xá lớn nhất thế giới, khai trương từ 2005, song tới nay vẫn trống không. – ẢNH WADE SHEPHARD/VAGABOND JOURNEY
Theo các quan sát viên về hiện tượng xây cất chóng mặt và hầu như vô tổ chức này thì đã thấy có những dấu hiệu cho thấy cái bong bóng địa ốc ở Trung Quốc sẽ bục, vấn đề là “khi nào” với tình trạng nợ nần chồng chất của nhà cầm quyền. Survive & Prosper (survive-prosper.com), một tờ newsletter điện tử chuyên về việc dùng các khuynh hướng nhân khẩu học (demographics) và khả năng tiêu thụ để nhận diện chu kỳ kinh tế bùng phát và suy tàn, tường thuật lại lời báo động của chủ tịch China Beige Book International, ông Leland Miller, đã khẳng định là năm nay là năm cái bong bóng Trung Quốc sẽ bục, dựa vào những chỉ dấu mà ông cho là giống y như đã diễn ra tại Mỹ và dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, như cho vay tiền tắc trách (subprime lending), giá nhà cao tới trời, khủng hoảng niềm tin nơi tín dụng, nợ nần chồng chất mà tương lai chưa thấy lấy ở đâu trả, xảy ra không những ở chính quyền trung ương và đặc biệt tại địa phương. Tuy nhiên, Survive & Prosper cũng đồng thời cảnh báo là việc cái bong bóng Trung Quốc nổ cũng sẽ tạo ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, như đã diễn ra với cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ sáu năm về trước.

Hàng chục tòa cao ốc đang xây tại Tianjin City, đông bắc Trung Hoa, có tên là khu tài chính Yujiapu, phỏng theo mô hình thành phố Manhattan, kể cả dự án rập khuôn cao ốc Rockefeller và Lincoln Centers, mà chính quyền địa phương khoe là sẽ lớn hơn cả thành phố Apple và trong 10 năm nữa sẽ trở thành trung tâm tài chính lớn nhất thế giới. Các phân tích gia địa ốc tại đây vào năm ngoái cho biết là các nhà khai thác địa ốc và đầu tư vào công trình khu tài chính này đang tìm cách bán phần hùn của họ với giá dưới cả giá họ mua vì lo ngại về tương lai kinh tế của Trung Quốc. – ẢNH ROB SCHMITZ/MARKETPLACE.ORG
Một hiện tượng khiến nhiều quan sát viên thấy khó hiểu, đó là phong trào xây lại những thành phố của Âu Châu, như Paris, hình bên trái, London, giữa, và Hallstatt, phải, một thành phố cổ của Áustria đã được UNESCO liệt kê vào danh sách Di sản Thế giới. Ảnh Google Images. Các ký giả ngoại quốc gọi đó là những thành phố ma tân lập vì thấy đã nhiều năm mà vẫn không có hoặc rất ít người ở, hoạ chăng là những cặp mới cưới đem nhau tới chụp hình lưu hiệm. Các nhà khai thác địa ốc Trung Quốc không ngượng ngùng làm cái việc bắt chước, có khi nguyên một thành phố, như với Hallstatt, mà không cần xin phép. Tại sao người ta đua nhau xây những thành phố phó bản này ở Trung Hoa khi không có người mua và dọn vào? Có người phân tích là dân Trung hoa vốn ngưỡng mộ tất cả những gì của Tây phương nên thích bắt chước để được cảm thấy là mình tiến bộ. Điều đó có thể đúng phần nào, song cũng có thể là những thị trấn này đã được xây với con số trên một tỉ du khách nội địa sẽ trở thành khách hàng của những nơi này trong một tương lai không xa vậy?