Y Uyên ra đi trong chiến tranh, giữa lúc tuổi đời còn rất trẻ. Thương ôi, cái chết của Y Uyên đã kết thúc một chuyện tình… Hai người dạy cùng trường, gặp nhau rồi yêu nhau, rồi chia tay khi Y Uyên lên đường vào quân ngũ. Y Uyên viết thư này cho Thị, người yêu, từ tiền đồn Nora. Đúng một năm sau anh ra đi. “Một mối tình giữa thời ly loạn. Tình yêu, tuổi trẻ…, trong ngọn lửa hung tàn của chiến tranh.” Lá thư được Mang Viên Long dùng lại trong truyện ngắn Một Câu Chuyện Tình để tưởng nhớ Y Uyên.

Bìa Thư Quán Bản Thảo, số Tưởng Nhớ Y Uyên
Nora, ngày 1.2.1968
Thị,
Tháng này coi như em không có thư cho anh. Nhiều buổi chiều có người từ Phan Thiết mang sách báo và thư lên, không thấy có tuồng chữ em, buồn. Hồi hôm, trăng sáng đến độ không ngủ được, hết ngồi trên xe GMC coi đánh bài (chớ không đánh bài) lại trèo lên “lốc” nằm, bốn giờ sáng mơ thấy em với nhiều chuyện lộn xộn không mạch lạc, tỉnh dậy nhớ quá, uống trà rồi viết được ít hàng lại xé bỏ. Anh chợt thấy một “câu hỏi” có thể giải thích tại sao em không viết cho anh: Có phải vì anh quá thành thực (nói đủ mọi chuyện) nên anh bị nghi ngờ và làm em nản? Nếu đúng vậy, cũng chẳng có gì đáng trách về phần em. Còn phần anh có lẽ cũng… không đáng trách nốt. Cái tính vốn dễ gây xa cách vì ngộ nhận, quen thói rồi, thây kệ. Còn nhớ số 13/12 anh bảo em ghi sau tấm hình đầu tiên đưa anh? Khi nhận thư này, biết đâu cũng là ngày tháng đó. Khác chăng, mùa lạnh năm nay mỗi đứa một nơi. Riêng anh, thì núi đồi này, chim chóc và rừng cây khô lá này làm anh viển vông thêm và không ngớt mơ mộng. Trong nỗi mơ mộng dông dài đó, chuyện tình chúng mình vẫn là thứ dễ hồi tưởng và có rất nhiều ngậm ngùi (như thể tình yêu là những tội nghiệp và dễ thương) tuy cũng rất nhiều dịu dàng xao xuyến: Mấy hôm rồi, đầu tuần trăng, anh xuống xóm uống tới tối mới lên, tới giữa dốc anh nằm dài và muốn nằm dài thế mãi. Những lời muốn đi xa, muốn quên hết của em, những cách xa giữa anh và những thân tình ở chỗ này, chốn nọ, đã tạo cho anh những đêm như vậy. Nằm dài trên dốc bất kể bạn bè và lính chờ, anh vui thích nghĩ là đang sống những phút quên thôi, cho anh, cho em. Những gì em ao ước nhưng không thể thực hiện thì anh đang sống thế cho em, đừng có ham và cũng đừng có đòi nữa.
Nói như vậy cũng chưa hết cái lạ trong mùa này đâu (lạ ở đây có nghĩa: Những gì anh sống khác hồi này năm ngoái). Những buổi ngồi trên cái xe xọc xạch chạy về Phan Thiết, ào vào nhà quen tìm lại chút thân thuộc gia đình rồi lại dời thành phố cùng những mớ hàng hoá vợ lính cười giỡn ồn ào, anh cho đó là những buổi chiều tự thấy mình xa xôi, biền biệt nhất. Bình thường thì sau những lúc đó phải viết cho em. Nhưng hồi này, dường như em cứ bướng bỉnh cố tự tạo một không khí riêng mà buồn, anh “bất khả” can thiệp, khiến anh đã nghĩ em hết còn muốn anh phiền hà để riêng em, em sống? Nếu đúng vậy, em không nói ra, em dở hết cỡ. Mình vốn “tôn trọng luật pháp công minh, 2 + 2 = 4” mà. Còn nhớ câu danh ngôn: “Sự học như con thuyền trên dòng nước ngược, không tiến thì lùi”? Tình yêu là một sự học không? Trả lời thử coi, đừng làm biếng. Không đâu. Những cái học được trong tình yêu đắt giá quá, học chi cho mệt. Nhưng nó giống sự học ở chỗ không tiến thì lùi phải không?
Anh vừa viết xong khúc đầu một cuốn sách. Em được mô tả một cách hết sức kỳ cục. Chừng nào có báo Xuân anh gửi cho coi sẽ rõ. Giờ thì anh viết một cuốn khác. Còn cuốn kia, định chừng nào về gặp lại em, hỏi ý em rồi viết tiếp. Em có muốn cái nhân vật giống em đó có… một đứa con để dẫn đi phố cho vui vào cuối cuốn sách?
Em vẫn còn ở chỗ cũ? Nói rõ em sống lúc này ra sao? Bạn bè đi lính vừa rồi có ghé về Tuy Hòa? Chắc bây giờ họ chịu đời lính hơn đời dạy học. Tâm trạng chung mà. Sống thì sống đời lính mới là tuổi trẻ và bay bướm. Trừ anh, anh chỉ cần một chỗ ngồi tán dóc với bè bạn, một xó xỉnh để ngồi một mình mà viết, nên rất mong về dạy lại. Mỗi ngày một buổi qua cầu, về làng dạy học, còn lại là của mình. Em chịu đựng được lối sống đó?
Bắt đầu nói chuyện về quê ăn Tết và… lấy chồng chưa? Tết năm nay chắc không phải chạy mỏi chân và sợ máy bay như Tết năm rồi đâu. Sống ở Tuy Hòa thì dường như chẳng có gì, nhưng đi xa mới thấy có nhiều thứ lẩm cẩm đáng nhớ. Sao Tết này chính phủ không phát động một chiến dịch các cô giáo đi thăm các tiền đồn để chúng mình gặp nhau trong hoàn cảnh lắt léo, ly kỳ?
Nhớ là phải viết ngay cho anh sau khi nhận được thư này. Em bắt đầu phải mặc áo ấm mùa lạnh năm ngoái chưa?
Anh.
Y UYÊN