Menu Close

Đạp không đau…

Thứ gì đạp không đau mà đi cà nhắc? Đấy là câu đố trẻ con ở Việt Nam hay đùa với nhau. Dĩ nhiên, khi lỡ đạp thứ đó thì không còn muốn đùa được. Người Việt tị nạn khi qua Mỹ, thấy đường phố sạch đẹp, (khoan khoái) nghĩ rằng mình thoát được hai thứ: Cộng sản và thứ đó (ngoài đường). Ở lâu mới biết chỉ có thoát Cộng sản chứ còn thứ đó thì thỉnh thoảng vẫn gặp. Thậm chí ngay trên sân cỏ nhà mình.

Người Việt mình có câu “Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng”. Dân Mỹ thực dụng. Con cái đều cho ở riêng hết cả nên dâu dù hiền hay dữ chẳng ảnh hưởng gì đến bà con nội ngoại. Còn chó dữ, chỉ treo tấm bảng “Beware of dog” trước cổng thì không ai trách ai. Nhà ai có chó dữ đều lo… giữ trong nhà; chứ không thể đeo cho nó tấm bảng ấy trước cổ rồi thả ra ngoài đường. Thật sự, mất (lòng) láng giềng là vì mấy con chó hiền… thả rong. Mấy con chó hiền này không bao giờ cắn hoặc hiếm khi sủa ai. Nó chỉ thinh thinh vào vườn (cỏ) nhà hàng xóm mà thoáng nghĩ đến những chuyện như thi đỗ Thám Hoa hoặc cưới vợ rồi… chạy biến! Đừng nói chi chuyện không thấy mà đạp lên; giả sử có thấy vẫn bực mình hết chỗ nói! Gặp thằng hàng xóm không biết điều cứ thả chó hoài như vậy thì nói chỗ nào? Giá như ở bên Việt Nam mà rình chộp được nó rồi đem tặng mấy quán “Cầy tơ bảy món” thì mới lại gan! Ở Mỹ thì chịu, dù trong nhà có súng. Tùy luật mỗi tiểu bang, đem súng mà xử nó thì tự rước họa vô nhà. Thực ra, tức con chó một mà tức thằng hàng xóm mười! Không biết trả đũa thế nào cho hả?

Chẳng biết đấy có phải tâm trạng (và cảnh ngộ) của ông Dennis Kneier là thị trưởng của thành phố San Marino ở tiểu bang California không? Hôm mồng 7 Tháng Sáu vừa qua, ông đã lén quăng một bao nhỏ (đựng thứ đó) vào phía trước nhà người hàng xóm.
Không may cho ông, người hàng xóm có gắn máy quay phim tự động nên đã thu lại trọn vẹn hành động của ông. Người này sau đó đăng đoạn phim lên mạng và… báo cảnh sát. Kết quả là ông bị cảnh sát phạt tiền vì tội… xả rác vào nhà người khác. Tuy nhiên, cái đó chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn là ông phải… từ chức Thị trưởng. Có lẽ trên đời này đau khổ nhất là thi rớt, thứ nhì là vợ bỏ, và thứ ba là mất chức như kiểu ông Dennis. Người ta thì đạp không đau, còn ông không đạp mà đau!

Mới đây, một chính trị gia khác là ông Rick Perry, đương kim Thống đốc tiểu bang Texas, cũng không đạp nhưng có thể đau… 2 năm sau, khi ông ra tranh cử chức vụ Tổng thống Mỹ. Hôm 11 Tháng Sáu, cũng tại tiểu bang California trong một cuộc hội nghị, Rick Perry bị báo chí hỏi về quan điểm của ông trong vấn đề đồng tính luyến ái. Ông trả lời đồng tính cũng tương tự như bệnh nghiện rượu vậy. Nhiều người nghiện rượu là do trong máu (nói một cách khoa học là trong gene) có sẵn bệnh đó rồi. Như ông cũng có thể mang cái gene đó nhưng ông nhất quyết là không bao giờ đụng tới rượu. Cái sai của ông là so sánh… tầm bậy. Giả sử nghiện rượu là do di truyền đi nữa thì so sánh như thế vẫn rất khập khiễng. Người đồng tính, trời sinh, chỉ thích một phái tính (cùng với mình).
Giống như người dị tính chỉ thích người khác phái mà thôi. Chỉ những người lưỡng tính mới có sự chọn lựa yêu đương với phái nào vì họ thích cả hai. Còn uống rượu hay không uống rượu cũng giống như làm tình hay không làm tình; không liên quan đến phái tính. Có lẽ ông cũng nhận thấy sự nhầm lẫn ấy nên trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Christian Science Monitor hôm Thứ Năm vừa qua, ông tỏ vẻ hối tiếc đã trả lời như thế. Ông phân trần đáng lý ra nên lảng tránh mà lái sang chuyện khác. Đằng này ông đã trả lời thẳng. Tuy nhiên, khi diễn tả ý đó, ông dùng cụm từ “stepped right in it”; nghĩa nôm na theo tiếng Việt là “đạp trúng…” (mà… không đau). Nói như thế có khác gì hàm ý sa vào (chuyện tranh cãi) vấn đề đồng tính thì giống như đạp phải…! Cái này còn tệ hơn cả ví đồng tính với nghiện rượu. Thế nào ông cũng bị… chạy cà nhắc cho cái chức Tổng thống vào năm 2016.

Có lẽ sống ở xứ Mỹ này, nên yêu thương và tôn trọng… mấy con chó! Chứ không thì có khi phải xấu mặt như hai ông chính trị gia kia.

alt

Dennis Kneier, thị trưởng thành phố San Marino và hình trên cameraNGUỒN SCMP.COM