Menu Close

Đổi đời

Qua Mỹ hôm trước, hôm sau, Mẹ tôi và các chị em gái đưa nhau đi may. Vì chưa có kinh nghiệm, chúng tôi được cho vào khâu cắt chỉ, vừa cắt chỉ, vừa ‘tập may’ từ từ.

Chúng tôi chưa có xe, nên cả nhà chỉ đi chung một chiếc xe vừa đi vừa ‘hành quân.’ Xe ‘hành quân,’ vì lần nào nổ máy, nó cũng hô khẩu hiệu: Khẹt, khẹt, khẹt, khẹt khẹt khẹt. Sau đó, nó lừ thừ bò tới. Đến ngã tư đèn đỏ, thì nó tự hô “Dừng!” Lại phải nổ máy lại từ đầu. Lại phải nghe nó hô khẩu hiệu. Nhức cả óc. Nhưng trong hoàn cảnh mới mẻ và khó khăn ấy, những người vừa được đến Thiên đàng Mỹ quốc như chúng tôi không có quyền chọn lựa. Chúng tôi kiên nhẫn, lắng nghe và theo dõi những ‘thủ tục’ khá nguy hiểm và không dễ chịu của máy xe trước sự khó chịu hay tò mò của những người khác đang lái xe trên đường.

Đã vậy, mấy ngày đầu vợ con mới tới Mỹ, Ba tôi còn ‘liều’ đưa ra một ý kiến ‘tốn tiền:’ rủ cả nhà đi siêu thị lần đầu cho biết! Mẹ đòi ở nhà, nhường cho các con đi, nhưng Ba không chịu. Cả nhà chất chồng lên cái xe cà rịch cà tang nhỏ xíu xìu xiu đó. Siêu thị không xa chỗ chung cư chúng tôi ở. Lẽ ra, chỉ cần đi bộ năm bảy phút là tới. Vậy mà không ai biết luật, nên người này ngồi trên đùi người kia. Anh tôi được ngồi ghế trước. Mẹ và bốn cô con gái chia nhau băng sau, cũng không khó khăn gì, vì ai cũng vừa từ trại tế bần lớn của một Việt Nam hậu-1975 ra, nên đều rất mảnh mai. Vừa ra khỏi ngõ, thì chưa tới đèn đỏ ở ngã tư, chúng tôi đã gặp đèn đỏ của… “cảnh sát giao thông”! Ông cảnh sát không cần biết chúng tôi mới đến Mỹ hôm trước, cũng không cần biết cả nhà chúng tôi muốn cùng nhau đi siêu thị lần đầu cho biết. Ông tặng chúng tôi ngay một món hàng khó nuốt mà không siêu thị nào bày bán: tờ giấy phạt. Cả nhà tiu nghỉu quay về, vì sợ lái thêm chút nữa, biết đâu lại được tặng thêm một tờ giấy phạt khác. Cái ‘liều’ của Ba tôi là một bài học nhớ đời cho cả nhà, nhưng cũng là một kỷ niệm gia đình có một không hai.

Đi làm may được mấy ngày, có một tiệm khác cho chúng tôi đến làm thêm vài giờ cuối tuần. Họ chỉ cần hai người cắt chỉ, nên chị cả và tôi cùng đi. Hai chị em ngồi cắt chỉ ở một góc trong hãng may nhỏ do một người Việt làm chủ. Bắt đầu nhìn vào một đống quần áo ngùn ngụn, tôi cũng phát ngán, nhưng đó là công việc, đành phải làm thôi. Phải ‘gan’ thôi. Không ‘gan’ thì ai làm cho? Khi ở Việt Nam, Mẹ tôi đã tìm mọi cách để gia đình có kế sinh nhai mà không bao giờ đủ ăn. Sáu mẹ con cùng học xe lát, đóng cọc căng dây trên nền đất (gạch bông đã được chính quyền mới đục ra và tịch thu), hì hục xe ngày xe đêm mà Hợp tác xã của huyện không trả cho bao nhiêu tiền.

Thấy không xong, Mẹ xoay qua thắt giỏ. Chúng tôi lãnh từng bó lá về chất đầy nhà, chong đèn ngồi thắt với nhau. Thắt cả tuần lễ mà tiền lương cho cả nhà không đủ mua gạo cho một ngày, Mẹ tôi lại đổi nghề. Lần này, Mẹ ‘đầu tư’ lớn hơn, và nhắm vào những công việc có thể mang lại mức lương khá hơn. Mẹ mượn vàng. Mẹ cho anh tôi đi học nghề thợ bạc. Mẹ cho chị lớn học bắt bông kem và cắm hoa. Mẹ đưa chị kế tôi đi học may. Mẹ cũng học may, vì Mẹ nghe một Việt kiều trong xóm về chơi, nói nghề may khá lắm (chắc ý người ta nói là phổ biến). Tôi và em út còn nhỏ, nên chưa được học nghề. Rồi Mẹ học chằm nón lá với một dì từ miền Trung vào. Nhà lại chất đầy lá cọ và nan. Chúng tôi cùng nhau xoay sở đủ mọi thứ công việc để mưu sinh, bên cạnh việc phụ Ông Bà Ngoại tôi trồng trọt trên mảnh đất quanh ngôi nhà gia tiên mà Ông Bà tôi đang sống và không bị chính quyền mới quốc hữu hóa như mấy mẫu ruộng công quả do Ông Bà Cố tôi khai khẩn.

Cho nên, đây không phải là lần đầu tôi đối diện với một đống hàng hay mớ công việc a thần phù. Tôi đã trải qua nhiều điều còn đáng sợ hơn trong mười chín năm hậu chiến ở Việt Nam. Tôi biết, chúng tôi không qua Mỹ để cắt chỉ cả đời. Mẹ luôn nói về cơ hội học hành và tiến thân. Đây chỉ là những khó khăn ban đầu trong bước hội nhập. Sau khi cắt chỉ được phân nửa đống quần áo, hai chị em tôi đi ăn trưa. Khi quay lại, đống hàng “Thạch Sanh” lại ngùn ngụt cao lên như ban đầu. Trong lúc chúng tôi nhai bánh mì khô, thì chủ tiệm đã mang những hàng vừa may xong nhập vào đống hàng chúng tôi đang cắt. Nhìn đống hàng vừa vơi đã đầy, chị tôi bật khóc. Chị nói, biết như vầy, chị ở lại Việt Nam. Chị còn nói, nếu có ai tốt bụng, cho mượn tiền mua vé máy bay một chiều, chị sẽ về bển liền, đi làm để dành tiền để trả lại tiền vé cho người ta.

Tôi vẫn không nao núng trước công việc, nhưng tôi thấy chị mình khóc mà thương. Đây không phải là lần đầu chị khóc. Sau khi tốt nghiệp trung học ưu hạng, chị bị cấm thi vào Đại học Y vì ba lý do: con ngụy, Ba vượt biên, gia đình Công giáo. Chị khóc suốt ba tháng trời. Tôi không hiểu chị lấy nước mắt ở đâu ra mà khóc dữ quá. Khóc đến cả nhà phát lo, sợ chị bệnh hay kiệt sức. Nhà Nước bắt chị phải học Nông Lâm, nhưng đó không phải là đam mê của chị. Mẹ tôi thương con, lại đi vay vàng cây để cho chị đi học vi tính tại một trung tâm tư nhân. Chị chăm học, sớm được tuyển làm giảng viên, trở thành cô giáo lập trình, đi dạy ở nhiều tỉnh trong miền Nam trước khi chúng tôi qua Mỹ.

Hồi nhỏ thấy chị khóc vì không được thi Y, thì biết chị bị oan ức lắm, nhưng cái oan uổng đó vẫn là của chị. Nhưng lần này chị khóc, thì cái tủi thân của chị cũng là cái tủi thân của tôi, những người tỵ nạn mới đến Mỹ, bơ vơ, ngơ ngác, lạc lõng, nhìn phía trước còn vô định. Tôi muốn nói gì đó với chị, nhưng hoàn cảnh còn quá mới mẻ, tôi lại không biết tương lai sẽ ra sao, mình sẽ tìm được cơ hội đổi đời thế nào, nên chỉ ngồi im với chị. Tôi cố cắt chỉ cho mau hơn để chị thấy công việc đã vơi rồi. Tối đó, trên đường về, ngồi trên chiếc xe ‘hành quân,’ tôi nghe tiếng máy khì khẹt mỗi lần dừng ở đèn đỏ như đang khạc nhổ vào hoàn cảnh của chúng tôi. Cái máy xe cà chớn thật! Biết người ta khổ còn ngông! Mới hôm trước, tôi ‘thương’ cái xe cỡ nào vì nó chở cả nhà chúng tôi đi làm, thì hôm nay, chị tôi buồn, nó lại khì khẹt, tôi bỗng không ưa nó chút nào.

Tội nghiệp cái xe! Nó cũ quá thì phải khì khẹt thôi! Nếu chúng tôi có tiền tân trang bồi bổ cho nó, chắc nó đã dễ ưa hơn. Còn chị tôi, không biết chị có bao giờ nhớ lại lần chị ngồi khóc bên đống quần áo Thạch Sanh hay không. Riêng tôi, cái hình ảnh chị ngồi sụt sà sụt sịt ở lại mãi trong đầu tôi. Sau này, cả mấy chị em được đi học đại học. Chị tôi tốt nghiệp lập trình và nhận một việc làm khá tốt trong năm năm. Nhưng chị không màng, chị bỏ tất cả để đi tìm giấc mơ tuổi thơ. Chị nghỉ việc, đi học Dược, và sau khi ra trường, vừa đi dạy tại một đại học tư, vừa tiếp tục kinh nghiệm lâm sàng tại bệnh viện. Không biết bây giờ, nếu tôi nhắc lại chuyện chị ngồi khóc bên đống quần áo vừa cắt chỉ sắp hết thì lại đầy lên trong nháy mắt, chị tôi có mắc cười không.

Hồi đó, tuy tôi thương chị nhiều, nhưng thấy chị khóc cũng ngồ ngộ mà không dám cười. Sau khi đời sống gia đình đã tạm ổn, tôi cũng hay nhớ đến chuyện này và cười khì khà một mình. Thật ra, chị tôi không phải là người duy nhất ‘bật khóc’ trong những hoàn cảnh như vậy. Khi học về chuyên đề Sắc Tộc Học Á Mỹ, tôi có đọc những tài liệu về người Nhật làm công trong những trang trại mía tại Hawaii. Một người đã nói, “Mỗi ngày, cứ cầm dao ra trại mía, cắm đầu cắm cổ chặt. Sau này, có dịp nhìn từ xa, thấy đám mía bạt ngàn, mới hết hồn. Nếu lúc đầu mà biết đám mía ngút ngàn như vậy, chắc đã bỏ cuộc, vì nhìn thấy ngán quá!” Tôi có đem chuyện của chị tôi (khóc) và chuyện những người thợ chặt mía ra đối chiếu trong một bài luận năm 1998, và tôi nhận xét rằng, kinh nghiệm của những người di dân, dù ở nơi nào và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, vẫn luôn có những điểm tương đồng hết sức thực tế. Giáo sư Thomas Fujita-Rony (Đại học Cal State Fullerton) đã cười và cho rằng nhận xét đó thật thú vị và xác đáng.

TGT