Menu Close

Tâm sự người vợ lính

Sau khi đậu tú tài II tôi được tuyển vào Team clerk làm cho Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến HD Geneve 1954 tại Quy Nhơn.

Người yêu tôi đang học luật tại Sài Gòn được 2 năm thì nhận lệnh động viên vào Thủ Đức khóa 1/68. Ngày mãn khóa Thủ Đức, anh được bổ nhiệm về Sư đoàn 22/BB, Trung đoàn 40 đóng tại Đệ Đức – Bồng Sơn, thuộc Quận Hoài Nhơn, Tỉnh Bình Định. Chúng tôi kết hôn. Niềm vui và rất hạnh phúc với anh thật tràn đầy trong 7 ngày phép của đời quân ngũ. Sau đó lại bắt đầu lo lắng vì anh phải đi hành quân khắp nơi.

Thời gian cứ vùn vụt trôi qua.

Đơn vị tác chiến chịu trách nhiệm trong vùng lãnh thổ của mình, còn phải tăng cường các mặt trận Dakto – Tân Cảnh – Căn cứ 5/6 – Đức Cơ. Chiến dịch Bình Tây I và II đánh qua Bắc Campuchia. Tôi luôn luôn hồi hộp cho chồng ngày đêm đang đi giữa chiến tranh và không biết số phận của mình và các con sẽ ra sao. Chỉ biết cầu nguyện cho chồng tôi tai qua nạn khỏi, để ngày phép được về thăm gia đình.

Rồi một ngày của năm 1969,  điện từ Trung Đoàn gọi về, báo tin chồng tôi bị thương. Trực thăng đã chở anh về Quân y viện đêm qua. Nghe tin như sét đánh, tim tôi như muốn ngừng đập. Tôi vội vàng vào Quân y viện, được biết vết thương chồng tôi không nặng lắm, nhưng vì nguy hiểm nên không mổ để lấy mảnh đạn ra được. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

 Sau hai lần bị thương chồng tôi được biệt phái qua Cảnh sát làm tại Bộ chỉ huy quận An Túc – một nơi nhiều Việt Cộng nằm vùng và thường phục kích trên Quốc lộ 19 và đèo An Khê – Măng Giang nên phải đi hành quân luôn… Làm vợ một sĩ quan tác chiến không lúc nào tôi không hồi hộp, luôn sống trong phập phồng lo sợ.

Sau một thời gian 2 năm chồng tôi được chuyển về Bộ chỉ huy tỉnh phụ trách Trung tâm Hành quân Cảnh lực. Chưa được bao lâu, chưa kịp mừng thì biến cố năm 75 lại xảy ra.

Tôi đưa 4 đứa con dại cùng bà vú già và đứa tớ gái lên tàu thủy để di tản trong tình trạng tôi mang bầu sắp sanh. Anh còn phải ở  Quy Nhơn cố thủ theo lệnh Tỉnh trưởng.

Đến Nha Trang được mấy ngày tôi tưởng chừng mẹ con tôi không còn gặp chồng tôi nữa. Quy Nhơn bị đánh ác liệt.  Nhưng cũng may anh ấy tìm gặp mẹ con tôi tại Cam Ranh. Gặp nhau vừa mừng vừa tủi. Ngày 6 tháng 4 năm 75 được biết Cộng Sản đã chiếm khắp nơi nên vợ chồng tôi quyết định quay trở về Quy Nhơn vì  tôi sắp ngày sanh. Vừa vào đến nhà chưa kịp uống miếng nước thì Cộng Sản ập vào bắt chồng tôi đi và đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà. Buồn, tuyệt vọng, tâm trạng chới với lo sợ… mẹ con tôi đành về ở nhờ nhà Ngoại. Cũng từ ngày đó vợ chồng tôi xa nhau 7 năm ròng rã. Năm đó tôi mới 33 tuổi. Cho đến năm tôi 40 tuổi chồng tôi mới trở về sau bảy năm tù đày, gian khổ.

Tôi không bao giờ quên ngày anh bị bắt, vì họ bắt chồng tôi đi nhưng không biết đưa đi đâu. Tôi gần sanh mà phải đạp xe đi khắp các nơi để hỏi thăm nhưng chúng nó trả lời bằng chữ không. Về nhà tôi đã khóc thật nhiều rồi đứng trước bàn thờ Phật mà thưa với Phật Bà rằng: “Con không biết tin chồng con sống chết ra sao? Chắc con không sống nổi vì nhớ thương chồng, vì tình yêu của tuổi học trò và là mối tình đầu. Chúng con khó khăn lắm mới sống bên nhau, nếu sự bặt tin kéo dài hoặc là đã bị chúng thủ tiêu. Con có ý định dẫn 5 đứa con xuống biển cùng chết.” Lời thề nguyền và cầu xin của tôi thật linh ứng. Vài ngày sau tôi tình cờ gặp một người bạn đã hơn 30 năm không gặp. Trò chuyện một lúc anh bạn hứa sẽ tìm giúp. Tôi chỉ còn biết hằng ngày cầu nguyện và chờ đợi. Vài ngày sau anh trở lại cho tôi biết chồng tôi bị đưa lên K18 và đang bị bệnh rất nặng và được chuyển xuống trại Kim Sơn cách Quy Nhơn 100 cây số. Tôi mừng quá vội đi xin giấy phép đi thăm nuôi. Đường đi đến trại Kim Sơn phải leo qua đèo Bằng Lăng, lội qua sông, qua suối có lúc nước ngập tới cổ. Đồ ăn đem theo phải đội lên đầu, mặc quần áo ướt tiếp tục đi đến trại ngồi chờ kêu tên. Lúc được thăm thì quần áo đã vừa khô. Khi gặp tôi mới biết chồng tôi đang sốt rét nặng, tưởng như không sống được nữa. Rồi từ đó tôi đi thăm hằng tháng để tiếp tế thuốc và thức ăn cho chồng tôi mới hy vọng chống chọi với tử thần.

 Từ ngày chồng tôi đi, tôi vẫn phải nuôi bà vú già và đứa tớ gái để chăm sóc 5 đứa con chu đáo cho tôi yên tâm bươn chải và cố gắng bằng cách bán từ dĩa xôi tằm, kẹo đậu phụng, mía, ổi…dọn bán trước hè nhà ngoại cháu. Rồi dần dần tôi tìm tòi học hỏi từ buôn bán nhỏ đến buôn bán lớn. Tôi đã dành dụm mua được một căn nhà để mẹ con tôi ở vì tôi nghĩ chim còn có tổ, người phải có nhà để các cháu có chỗ che mưa đụt nắng và ăn học.

Vài năm sau, tôi đã có sạp vải bán tại chợ Quy Nhơn với giá thuế cao xếp hạng A. Tôi mừng từ đây tôi có thêm ít tiền để nuôi con và thăm chồng đầy đủ hơn. Nào ngờ chỉ được 2 năm thôi, vào lúc 5 giờ sáng Quản lý Thị trường, Công an, Ủy ban Phường, Thị xã đưa xe tới hốt các hàng vải chở đi. Tôi đứng nghẹn ngào chỉ biết khóc. Chúng nó đã cướp sạch vì tôi là vợ ngụy. Tay trắng lại trắng tay. Sau 3 tháng Phòng Thương mại gọi tôi đến trả cho tôi có mấy ngàn tiền H.C.M. Uất ức lắm nhưng không thốt nên lời.

Rồi cũng từ đây tiếp tục lặn lội đi bán vải chui bên góc chợ, bên hè phố rất khổ sở vì bị bọn thuế vụ rượt đuổi để bắt phạt hay tịch thu. Ngày chạy xuôi, chạy ngược để buôn bán. Chiều về phải tập trung họp tổ. Đến khuya về các con đã ngủ hết. Tôi nghĩ buồn thấm thía cho số phận nghiệt ngã, phần thì nhớ chồng, phần thì tủi thân. Bọn a dua cứ đay nghiến kêu mình là vợ ngụy, kể cả cô chú bác ruột của tôi đi tập kết về họ cũng xa lánh tôi, nên tôi đã khóc nhiều, rồi tôi tự nhủ mình yêu chồng thương con phải cố gắng vươn lên.

 Sau 1 năm Phòng thương mại gọi tôi bảo cho tôi bán lại, tôi mừng quá nghĩ rằng lần này chắc họ cho mình bán luôn nên tôi đã dọn lại sạp vải. Lần này bán được 1 năm rưỡi, bọn Thuế vụ và Phòng thương mại đến kiểm kê hàng vải của tôi. Ngày hôm sau nhân viên Phòng thương mại đến đứng bán và nhận tiền còn tôi chỉ là người đo vải, cắt vải và họ trả tiền lương hàng tháng. Có cái hận nào hơn khi đây là tài sản của mình. Tôi bỏ luôn không làm nữa.

 Còn nữa, thành phố, phường, khu vực buộc tôi phải mua công khố phiếu. Nếu không mua họ gọi tới phường học tập hoặc ngồi đọc báo đến khi nào chịu mua mới khỏi đến. Đó là chưa kể đến 3 lần đổi tiền. Còn công khố phiếu khi bắt mua thì nói 3 năm sẽ trả lại cả vốn lẫn lãi. Thời hạn qua chẳng thấy đâu, đi đến ngân hàng hỏi thì họ chỉ hỏi chỗ này, chỗ kia. Cuối cùng được trả lời một câu là chưa có quyết định để giải quyết.

 Thời gian cứ dần dà trôi qua. Con đi học tốt nghiệp phổ thông thi đậu đại học, Phòng Giáo dục không cho đi học lý do “con của ngụy quân ngụy quyền.” Chán nản, mấy cháu sau khi xong trung học nghỉ luôn, không thèm thi. Sống trong xã hội nghiệt ngã, khó khăn, bị trả thù nhưng phải cố gắng vươn lên, nếu tôi bị gục ngã lúc này thì chồng con tôi sẽ ra sao? Vì lúc chồng tôi đi tù đứa con lớn mới 8 tuổi và đứa thứ 5 thì còn trong bụng mẹ.

Họ lại buộc gia đình tôi đi kinh tế mới khi chồng còn ở tù, tôi sợ quá phải nộp 2 chỉ vàng để được vào Hợp tác xã Mành Trúc để khỏi phải đi, “vừa làm mành trúc vừa đi buôn bán chui” để có tiền nuôi con nuôi chồng hàng tháng. Khổ ơi là khổ! Tôi khóc cho những gian khổ  này quá nhiều, nên bây giờ mắt tôi rất kém.

Mỗi lần đi thăm chồng về, lòng tôi như se thắt lại, nhớ ngày xưa người sĩ quan của lòng tôi thật đẹp trai và khỏe mạnh, sao bây giờ quá tiều tụy và ốm đau, rồi miên man nghĩ không biết ngày nào anh về với mẹ con tôi. Tôi nghĩ dại biết có ngày hội ngộ không? Làm người ở thời loạn, nhất là làm vợ lính lúc nào cũng lo sợ chồng mình đang ở giữa “lằn tên mũi đạn” rồi bây giờ lại lo sợ chồng mình đang bị tù đày nơi rừng thiêng nước độc, làm việc khổ sai. Xua đuổi những ý nghĩ khờ dại đó, tôi chỉ biết niệm Nam Mô A di Đà Phật, Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát mà thôi.

Chồng tôi ở K18 rồi chuyển đến Kim Sơn, rồi trại Gia Trung, ở trại nào tôi cũng đi thăm nuôi hàng tháng để bồi bổ sức khỏe cho anh và nhìn nhau cho đỡ nhớ và yên lòng bớt lo sợ.

Tôi còn nhớ ngày xưa mỗi lần về thăm nhà có tài xế lái xe jeep cho mình đi, còn bây giờ trời lạnh buốt tôi phải vịn đứng sau xe chở than, chở heo gà mỗi lần xe chạy qua ổ gà tôi bị tưng lên tưởng chừng như mình sắp rớt xuống đất. Từ Quy Nhơn đến trại Gia Trung phải qua đèo An Khê. Đường vào trại 5 cây số gập ghềnh xuyên rừng. Lúc trở ra chiều tối đón xe rất khó. Có khi phải ngủ lại bên đường và về đến nhà người tôi mệt lả. Tội nghiệp bà vú già thấy vậy thều thào khóc và nói “Tội cô Hai quá!” Mỗi lần tôi đi thăm, bà dặn tôi cô Hai đi cẩn thận. Nếu cô Hai có việc gì không may, chắc tôi và các cháu chết mất. Tôi thương bà vú vì bà rất trung thành và quý mến tôi và các cháu.

Còn tôi thì chẳng khác gì anh ấy. Thân hình tiều tụy đen đúa và ốm như cây sậy vì mới sanh cháu út mà phải dãi nắng dầm mưa để tìm cách mưu sinh. Lần thăm anh  đầu tiên, sau nửa năm không gặp, chúng tôi không nhận ra nhau được. Phải một lúc sau. Mỗi lần đi thăm nuôi, tôi mặc bộ đồ vải tám đen, với chiếc nón lá hơi rách và đôi dép nhựa. Hình ảnh đẹp ngày xưa đã lùi về dĩ vãng. Sau nửa năm sống dưới chế độ Cộng Sản mà đã tàn tạ như vậy. Và nếu còn tiếp tục kéo dài chắc lại còn thê thảm hơn. Viết đến đây mắt tôi đã lệ nhòa vì nhớ lại những năm tháng xa cách hãi hùng ấy. Tôi rùng mình và không dám nghĩ đến nữa…

alt

Hình tác giả chụp với các sĩ quan trong Văn phòng Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến – Từ trái sang: Các Thiếu Tá  Ấn Độ, Ba Lan, tác giả, Canada, một vị Thiếu Tá VNCH và một thông dịch viên riêng của sĩ quan Ba Lan.

NTL – San Antonio