Menu Close

Những người may mắn

Rời cảnh đẹp bình dị của thảo nguyên xanh trong tâm trạng của những đứa trẻ no nê tìm được niềm vui với trò chơi “lêu lêu mắc cỡ”. Chúng tôi đi tiếp chặng đường về nhà trong không khí lặng yên như không còn chuyện gì để nói. Cảnh vật chung quanh chẳng còn hấp dẫn những đôi mắt háo hức chờ khám phá ra điều gì mới lạ như lúc chặng hành trình đi. Mọi người thả lỏng suy nghĩ của mình với đôi mắt mơ tưởng về dòng đời trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ.

 

alt

Cảnh vật mùa xuân càng thêm lãng mạn khiến nhiều người không cưỡng được tấp xe vào, lăn mình đùa giỡn cùng hoa

Thế nhưng trước mắt tôi không phải là bóng câu mà là những đôi chim Sấm của thổ dân da đỏ trên vùng đất miền Trung Tây đang sải cánh bay trên bầu trời. Loài đại bàng có khả năng bay rất cao, nơi không có chim sẻ hay những loài chim nhỏ khác. Không có loài chim nào có thể đạt được độ cao của đại bàng. Trên trời cao lồng lộng, đại bàng chỉ bay cùng với đại bàng. Loài chim Sấm này biết cơn bão đang đến từ rất sớm. Trong khi mọi loài đi tìm nơi trú ẩn, chúng sẽ bay lên một đỉnh núi thật cao và chờ cơn bão tới. Khi cơn bão đến, đại bàng dang rộng đôi cánh để mượn sức gió bay vút lên trời cao. Bằng cách ấy, đại bàng có thể cưỡi lên cơn bão đang hoành hành phía dưới.

 

alt

Loài chim Sấm này biết cơn bão đang đến từ rất sớm

“Bão đến! Bão đến!”. Tôi thốt ra lời cảnh báo một cách tự nhiên từ trong tiềm thức mà tôi thu lượm trong các cảnh phim về người da đỏ. Trời xanh cao, mây trắng bồng bềnh đẹp thế này, lại nói chuyện “bão đến” không khoa học chút nào. Mấy người bạn trong xe thờ ơ tiếp tục thả hồn về một thế giới mênh mông của thảo nguyên, mắt ngước nhìn những đôi cánh đại bàng xa tít trên bầu trời mà cứ tưởng những con diều chao lượn trong tâm trí tuổi thơ. Tôi chợt nhớ câu chuyện tranh luận mới đây thôi với mấy người quen thằng bạn ở Nebraska về các loài hải sản của vùng biển quê nhà với loài hải sản vùng biển xứ người. Có người bảo chẳng khác gì, đều là loài sống trong biển, chúng ăn các sinh vật trong nước biển và phẩm chất của chúng đều như nhau. Cái sai lầm cơ bản là không nhận ra bản chất môi trường sinh thái mỗi vùng làm phẩm chất cùng loài mỗi vùng mỗi khác.

Miên man những suy nghĩ trong đầu, chúng tôi đã về tới ranh giới tiểu bang Oklahoma. Một vùng đất có quá nhiều vùng sinh thái khác nhau và ảnh hưởng thời tiết cũng quá ư biến đổi, cái nôi của vùng dông bão và tôi đã kể cho các bạn nghe trong câu chuyện “Hành lang bão tố”. Trên con đường xa lộ 35 từ Kansas dẫn vào Oklahoma City, hai bên trải thảm hoa đồng cỏ nội lúc tím, lúc cam non, lúc vàng chanh, lúc trắng trong như cảnh vật trên chặng đường lúc chúng tôi đi ngang qua mấy ngày trước. Muôn ngàn bông hoa còn e ấp, chưa chịu bung nở hết mình do thời tiết hanh khô. Sinh thái thiên nhiên như thế quả lý tưởng để tô vẽ cảnh vật mùa xuân càng thêm lãng mạn khiến nhiều người không cưỡng được tấp xe vào, lăn mình đùa giỡn cùng hoa, ghi lại mớ ảnh kỷ niệm hạnh phúc đơn sơ nho nhỏ.

 

alt

Chúng tôi là người may mắn trên đường về không gặp mưa đá

Mùa xuân tươi đẹp thế cũng là mùa khởi đầu cho mùa dông bão ở vùng đất Trung Tây này. Trong khi đó ở miền Nam mùa mưa bão lại vào đầu hè Tháng Sáu. “Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt”. Ai có dịp đi trên xa lộ 49 xuống vùng Vịnh Mexico của tiểu bang Louisiana. Tháng Sáu trên xa lộ này dễ dàng bắt gặp những bàu sen trắng, hồng, vàng đơm nụ. Cảnh đẹp thôn dã thật giống những vùng đất phương Nam quê nhà và thời tiết cũng không khác là mấy. Mưa thường xảy ra vì áp thấp nhiệt đới vùng biển Trung Mỹ đẩy lên và gây ra những cơn bão cho hết Tháng Mười. Trên xa lộ có đường dành riêng cho người dân di tản. Dự báo bão tố ập đến có thể biết trước hai ba ngày để đề phòng chuẩn bị. Còn ở vùng đất Trung Tây, dự báo thời tiết chỉ có thể biết trước không lâu và diễn biến bất thường do đa dạng vùng sinh thái, cho nên dông tố ập đến khó lường. Mưa, mưa đá, dự báo thời tiết có thể kiểm soát nhưng cuồng phong lốc xoáy không thể nào biết chính xác nó sẽ cuốn ập vào đâu.

Tôi mở radio nghe tin tức. “Vào lúc ba giờ chiều nay, tại Iowa, một trận lốc xoáy đã phá hủy các khu vực rộng lớn của thị trấn Thurma, nhưng không khiến ai bị thương nặng. Một trận lốc xoáy khác đổ ập vào thị trấn nhỏ ở Nebraska phá hủy nhiều ngôi nhà. Và tại Kansas cũng xuất hiện lốc xoáy, mưa to, cuồng phong gây mất điện trên diện rộng và các thiệt hại khác do cây gãy đổ tại thành phố Wichita. Tính từ đầu năm tới nay, các trận lốc xoáy tại miền Trung Tây đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 39 người”. Tôi dõi mắt trên bầu trời tìm kiếm những đôi chim Sấm, hình ảnh rất đẹp và dũng cảm của cánh chim ưng bay trên bầu trời làm tôi nhớ mãi. Nhưng tôi thật sự rất phục tính kiên cường của chúng dám đương đầu bay trên dông bão cuồng phong.

Thời tiết thay đổi bất ngờ. Trời hanh nắng dần chuyển sang hanh hao rồi mây xám. Càng lúc từng đám mây đen cau có vần vũ từ phương Nam kéo về thình lình ôm trùm lấy những ngọn đồi xung quanh. Khung cảnh thay đổi nhanh đến nỗi chúng tôi chưa kịp nghe hết câu chuyện thời tiết trên đài radio vừa xảy ra tại Wichita mà chúng tôi ghé qua kiếm tô phở lót bụng cho bữa ăn trưa, thì lại nghe tiếp một tin tức mưa đá xảy ra tại vùng Bắc Texas, nơi chỉ cách chúng tôi hiện giờ chừng hai tiếng lái xe. Chúng tôi lo âu trận mưa đá có thể di chuyển ngược đến chặng đường sẽ qua. Nhưng may là, vùng Wichita Fall đồi đá chập chùng chỉ chìm trong màn mưa trắng xóa. Thiên nhiên đang hú gào thể hiện quyền lực làm chủ của mình. Mưa càng lúc càng lớn và trút xuống ào ạt tràn ngập trên kính xe khiến cái quạt nước làm việc hết sức cũng đành bất lực.

 

alt

Trận mưa đá tháng tư tại Denton, TX

Chúng tôi liều mình lái xe tiếp tục chặng đường về, đương đầu với cơn hồng thủy và tự cho mình là những người gan dạ cỡi con ngựa chiến xông ra trận mạc. Mưa ngớt hơn, thấy rõ giọt mưa rơi xuống kính xe to bằng đồng tiền tan chảy. Nhưng nước từ trên dốc cao tràn về ngập hai bên đường dẫn vào con đường bên trong. Nước ngập chừng nửa bánh xe nhưng chúng tôi có cảm giác mình đang chìm dần trong dòng nước lũ. Chúng tôi muốn nán lại đâu đó nghe tin tức trận mưa đá đang xảy ra nơi xe phải đi qua chừng hơn tiếng nữa. Đi đường khác về hướng Dallas, phải băng qua đồng trống hoang vu và thời gian kéo dài. Chúng tôi quyết định cứ lao tới trên con đường bão táp. Mưa thì mặc mưa, ăn thua gì! Con người ta càng sống càng chai lì với những cơn mưa gió bão bùng của cuộc đời thì mưa sa bão táp ngoài trời có chi đáng sợ. Mỗi ngày tận mắt thấy tháng năm trôi mà không biết rằng mình đang trôi. Hay nhiều khi biết mà cứ để mặc mình trôi luôn, như một sự buông xuôi, mà còn có cớ ngụy biện là tại mình bị hoàn cảnh lôi kéo.
Nghiền ngẫm cuộc đời làm chi cho thêm phiền não. Thực tế chúng tôi là những con người may mắn vừa mới sáng này còn thơ thẩn trên thảo nguyên đi tìm hạnh phúc của loài cỏ cây. Và chiều nay những trận dông tố bão bùng trên đường về đã không chọn chúng tôi làm nạn nhân dưới quyền lực thiên nhiên. Mưa đã dứt. Mây trời còn u ám, thế mà xe vừa vào thành phố Denton, trời lại ươm hồng. “Sau cơn mưa trời lại sáng” không phải để nói nghĩa bóng cuộc đời con người, cho dù hiện thực mưa dông gió bão đã đi qua để lại cảnh hoang tàn trước mắt. Mưa đá vẫn chưa tan tràn đầy trên cỏ, bên lề đường. Có viên nước đá to bằng trứng cút, có cái to bằng quả trứng gà và nghe người ta kể có lúc nó từ trên trời rơi thẳng xuống, có lúc bay ngang như đạn bắn với sức gió giật làm gãy đổ cả cây to.

Mùi nhựa cây thoang thoảng quanh đây khi chúng tôi ghé vào exit tìm kiếm ly cà phê chiều. Cảnh tan hoang sau một trận mưa đá kinh hoàng, những chiếc xe tan tác bầm giập nằm bên vệ đường, trên bãi đậu xe trống trải. Chúng tôi không thể vào quán cà phê Starbucks vì nhân viên còn đang dọn dẹp. Vách tường loang lổ tróc lớp sơn nham nhở do từng viên đá bắn thẳng vào, bạt vải hiên che rách bươm dưới bàn tay thiên nhiên cào xé. Chúng tôi lái quanh một vòng khu mua bán vắng bóng người, mấy người bạn luôn miệng nói, “chúng ta là những người may mắn, chứ về sớm chút nữa thì thôi rồi bảo hiểm ơi!”.

 

alt

Mưa đá đã đi qua để lại cảnh tả tơi cho quán xá

TN