Menu Close

Thảo nguyên xanh

Chuyến đi Nebraska vội vã trong chiều muộn thì bận trở về khởi hành trong buổi sớm tinh mơ. Đi như gió, trở về cũng như gió. Bạn bè hỏi liệu tôi có ý tưởng gì cho những bài viết trong đầu. Vài người bạn từ xa gọi điện hỏi miền Trung Tây có gì đẹp? Tôi trả lời chỉ toàn cỏ và cây. Và nếu trong suốt chặng đường đi chúng tôi như bị chụp trong cái chén khổng lồ vô cùng tận, hoang mang trong đêm đen chẳng thấy cảnh đẹp thảo nguyên thì lúc này đây, chúng tôi đứng giữa thảo nguyên xanh mênh mông hít thở không khí trong lành và tâm khảm bình yên kỳ lạ.

 

alt

Thảo nguyên Kansas hình thành do ngàn năm trước thổ dân da đỏ đốt rừng xua đuổi tà ma và lấy đất trồng cây lương thực

Chúng tôi đứng giữa khoảng đất rộng sát lề đường, dưới chân là vạt hoa đồng nội poppies vàng nghệ trải dài hai bên, trên đầu là những đôi chim sấm của người da đỏ sải cánh chao lượn xuống đồng cỏ tìm mồi; phía trên nữa trời xanh ngăn ngắt và mây trắng bồng bềnh trôi. Khung cảnh thảo nguyên thanh bình, lặng lẽ trong cái đẹp dịu dàng của một thiếu nữ thôn quê khiến khuôn mặt mọi người ai nấy đều rạng rỡ dưới nắng mai ấm áp. Trong đầu tôi mơ hồ cất lên giai điệu “Đồng xanh là chốn đây, thiên đàng cỏ cây / Là nơi bầy thú hoang đang vui đùa trong nắng say…”.

 

alt

Hoa Poppies vàng dọc theo con đường xuyên thảo nguyên

Thú hoang vui đùa tìm mãi không ra, chỉ có người và cỏ xanh giáp tận trời xanh. Và đâu chỉ có thảm hoa vàng dưới chân thu hút chúng tôi, bức tranh đầy màu sắc của vương quốc hoa cỏ mùa xuân đã kéo bước chân chúng tôi thơ thẩn trên thảo nguyên xanh ngút ngàn. Gió mơn man làn da làm lòng người trỗi dậy thứ tình cảm thiên nhiên đẹp vô cùng. Thứ tình yêu thiên nhiên này thường làm đề tài chủ đạo cho các nhà thơ. Nhưng tiếc một điều tôi lại không biết làm thơ để có thể ca tụng cái đẹp bình dị và buồn man mác trên miền đất thảo nguyên xanh của tiểu bang Kansas này.

Tôi có thể kể cho bạn nghe những gì khi đứng trước thảo nguyên chỉ toàn cỏ xanh và lưa thưa những ngọn cây thấp!? Điều đầu tiên bật ra trong đầu tôi lại là một câu hỏi. Tại sao thảo nguyên xuất hiện trên trái đất? Câu hỏi không khác ngày xưa còn đi học nghe cô giáo địa lý giảng bài về các vùng sinh thái ở Nội Mông, Trung Á, mà mỗi khi cô giáo đưa ánh mắt nhìn xuống dãy bàn tìm kiếm đứa học trò chây lười suy nghĩ. Thảo nguyên là đồng cỏ người nông dân nuôi bò. Cả lớp cười sặc sụa làm thằng bé tôi đỏ mặt tía tai. Tôi nói đúng chứ đâu có sai mà cười. Từng đàn bò gặm cỏ phía xa kia, chuồng trại của chúng đâu không thấy. Người nông dân nuôi thả rong trên vùng thảo nguyên bạt ngàn, bò ăn hết vùng cỏ này sang vùng cỏ khác. Có khác chăng là câu trả lời của tôi không đi vào trọng tâm câu hỏi nguyên nhân hình thành các thảo nguyên để cho người nông dân có cỏ nuôi bò.

 

alt

Thảo nguyên tức là đồng cỏ tự nhiên cho người nông dân nuôi bò

“Nguyên nhân chủ yếu vẫn do con người”. Câu giải đáp này tôi đọc trên tạp chí National Geographic. Việc hình thành thảo nguyên từ thuở hồng hoang do người du canh du cư đốt rừng lấy đất trồng trọt. Và khi đất bạc màu họ lại di chuyển sang khu rừng khác. Trong khi nạn cháy rừng tự nhiên do sấm chớp lại là chuyện khác, rừng cháy rồi thời gian sau cây mọc lại. Còn con người đốt rừng chỉ có thể tạo ra những vùng đồng bằng trồng trọt nông nghiệp hoặc thành đồng cỏ tự nhiên chăn nuôi gia súc. Có ích cho con người hay không tùy thuộc thổ nhưỡng, diện tích đất và quy mô dân số. Đối với Kansas, thảo nguyên ngàn năm trước cũng là những cánh rừng rộng lớn. Người thổ dân đốt rừng do mê tín. Họ tin rằng rừng là nơi ẩn nấp loài quỷ dữ và đốt rừng cùng với mục đích chống lại thú dữ, lấy đất trồng trọt ngũ cốc làm lương thực. Họ trồng trọt tự nhiên năng suất không nhiều nên cần diện tích lớn. Và cứ thế hình thành nên những thảo nguyên nối tiếp nhau cho đến khi đất đai thuộc về người da trắng từ Châu Âu đến “khám phá” ra Tân Thế Giới.

Nhưng tìm hiểu nguyên nhân để làm gì. Chẳng lý thú chút nào khi ta đứng trước hoa cỏ thảo nguyên đẹp mơ màng như một câu chuyện cổ tích. Tâm hồn tôi bay bổng nhưng tôi chẳng thể là họa sĩ để mô tả chi tiết cho bạn thấy từng tông màu đậm nhạt của các loài hoa cỏ bé tẻo teo hay là nhà thực vật kể vanh vách tên các loại hoa đồng cỏ nội. Duy chỉ có loài hoa Trinh nữ là tôi biết rõ hơn hết. Loài cỏ “Xấu hổ” này thuở nhỏ tôi quá quen thuộc khi lũ trẻ chúng tôi túm tụm nhau đi tìm cỏ gà chơi trò đá gà dân dã. Những người bạn tôi cũng nhận ra loài cây Xấu hổ chen trong đám cỏ xanh, vội vàng sà xuống chạm ngón tay vào những chiếc lá khép lại vì “lêu lêu mắc cỡ”. Chúng tôi hả hê hạnh phúc quay về ký ức tuổi thơ với những trò chơi con trẻ ngày xưa.

Tôi chợt nhớ câu chuyện sự tích loài hoa Mắc cỡ của người Mỹ đọc đâu đó lâu rồi. Người Việt mình cũng có truyền thuyết loài hoa Trinh nữ này nhưng nội dung có khác nói về một cặp vợ chồng trẻ sống ở thôn quê. Nói chung cả hai câu chuyện sự tích đều nói về con người đi tìm hạnh phúc. Chỉ khác câu chuyện của người Mỹ thì dùng hình tượng nhân cách hóa Cỏ và Cây trên thảo nguyên. Không làm được thi sĩ, họa sĩ, thì tôi xin làm người kể lại chuyện nhân bắt gặp loài Mắc cỡ trên đồng cỏ thảo nguyên.

 

alt

Hoa cỏ mùa xuân trên thảo nguyên

Ngọn Cỏ non đẹp dịu dàng như một nàng thiếu nữ đang uốn mình mềm mại với chiếc áo dài tha thướt xanh màu ngọc biếc, giản đơn và quyến rũ. Cây cao lớn, sừng sững tựa một chàng trai lực lưỡng đang vươn những cánh tay dài chắc chắn, trải rộng tán lá khỏe mạnh ra xung quanh như bao bọc, chở che, như ôm lấy Cỏ vào lòng. Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi. Đến một ngày trời xanh hửng nắng, gió mát vi vu, những áng mây trắng trôi bồng bềnh, phiêu lãng trên cao. Đêm đến, Cây mơ màng, đưa mắt ngước nhìn lên phía những vì sao trên trời lấp lánh và nghĩ: “Đẹp quá, nơi đó phải chăng là thiên đàng?”. Cây quyết định rời bỏ Cỏ, vươn cao mình lên phía những vì sao.

Cỏ im lặng nhìn theo, cúi đầu không nói. Cỏ ở lại một mình nơi vùng đất thảo nguyên, còn Cây thì ngày càng vút cao. Khoảng cách của Cây và Cỏ cũng ngày càng xa hơn. Cho đến một ngày, Cây đã trở thành đại thụ đứng sừng sững giữa thảo nguyên. Còn Cỏ cũng không còn là màu xanh nữa, Cỏ đã trở thành một màu xanh vàng úa và lặng lẽ ở phía dưới cây cao. Và Cây vẫn chưa với tới được những vì sao cho riêng mình. Cây bắt đầu cảm thấy mỏi mệt. Cây nhận ra rằng mình không thể đi đến cái nơi mà Cây vẫn cho là thiên đường của sự hạnh phúc. Cây hối hận và nhìn xuống phía dưới thấy Cỏ vẫn đang còn đó, vẫn đang vui đùa với hoa, vẫn đang thướt tha cùng những loài bướm. Cây chợt cảm thấy nuối tiếc, cảm thấy hối hận khi chợt nhận ra rằng: hạnh phúc lại chính là điều mà Cây đã từng có và đánh mất đi. 

Cây biết Cây đang là kẻ cô đơn nhưng bản tính kiêu căng vốn có đã không cho phép Cây hạ độ cao và thừa nhận sự nuối tiếc của mình. Cây sợ phải xấu hổ, Cây sợ tỏ ra mình yếu đuối. Vì thế, Cây mãi ngẩng cao đầu và không chịu nhìn xuống. Và cứ thế, cuộc sống cứ lặng lẽ trôi đi. Cho đến một ngày, bão đến! Cây đương đầu chống chọi. Bão gào rú. Cây ngả nghiêng rung chuyển. Bão thổi mạnh. Cây bật gốc lung lay. Bão đẩy nhẹ. Cây ngã xuống đổ gục, nằm yên trên thảo nguyên lạnh lẽo. Ngày hôm sau Bão hết, trời xanh lại hừng sáng. Cây mở mắt nhìn lên phía trời cao xa vời vợi. Cây chết, cỏ mọc xung quanh. Một thời gian sau nơi cây đổ xuống mọc lên một loài cây lạ. Một loài cây luôn luôn cúi xuống và không biết ngẩng mặt lên. Và người ta đặt cho nó tên là cây Xấu hổ.

Đôi khi con người ta cứ mải mê lao mình vào cuộc kiếm tìm điều hạnh phúc. Để rồi đôi lúc mới chợt nhận ra rằng hạnh phúc đang ở ngay dưới chân mình. Chúng tôi có thực là những con người hạnh phúc không khi bỗng dưng đứng giữa thảo nguyên xanh nói chuyện hạnh phúc của loài hoa cỏ.

 

alt

Cây Trinh nữ hay cỏ Mắc cỡ có cả một sự tích về hạnh phúc của Cỏ và Cây trên thảo nguyên

TN