Chiều Thứ Ba 17-6-2014, lượt trận thứ nhất vòng nhóm World Cup đã kết thúc với trận Nam Hàn hòa Nga 1-1 ở Nhóm H. Dù kết quả thế nào, các đội còn đá 2 trận nữa và vẫn còn cơ hội cho nhiều bất ngờ xảy ra. Dù sao, qua một tuần tranh tài, có thể thấy lối chơi chủ động tấn công hoàn toàn lấn lướt phong cách bị động phòng thủ.
Trung vệ Hoa Kỳ John Brooks, phải, 21 tuổi, là cầu thủ trẻ tuổi nhất ghi bàn tại World Cup 2014 tính đến thời điểm này. Ảnh Petr David Josek / AP
Trong 17 trận tranh hùng vừa qua, chỉ có 3 trận hòa. Trung bình mỗi trận có 2.88 bàn thắng, là tỉ lệ khá cao (tại World Cup 2010, mỗi trận trung bình có 2.27 bàn thắng). Cầu thủ đội chủ nhà Brazil không hổ danh là đoàn hảo thủ tài hoa thích tấn công. Các chân sút Brazil đá công thành nhiều nhất với 28 lần (trong đó 3 lần tung lưới, 5 lần cầu thủ đối phương giải cứu, 9 lần thủ thành cứu thua, và 11 lần banh đi lệch khung thành). So với Brazil, các đội còn lại chỉ đạt trung bình mỗi trận 12.9 lần đá công thành đối phương. Brazil cũng dẫn đầu về nghệ thuật đan chuyền banh, với 785 đường chuyền banh cả thảy (con số trung bình của World Cup 2014 đến nay là 425 đường chuyền banh cho mỗi đội trong mỗi trận).
Cú bay người đội đầu đẹp mắt tung lưới Tây Ban Nha của tiền đạo Hà Lan Robin van Persie lan truyền rất nhanh trên internet, có hẳn một thuật ngữ riêng biệt “persieing”. Ảnh AP Photo/Bernat Armangue
World Cup 2014 cũng có một số thay đổi so với trước, trong đó 2 thay đổi dễ thấy nhất là kỹ thuật xác định banh đã vô lưới chưa và các trọng tài vạch lằn mức rõ ràng trong các pha đá phạt trực tiếp. Pháp Quốc là đội banh đầu tiên hưởng lợi từ kỹ thuật định vị banh chính xác này. Trong pha banh chỉ 3 phút sau khi bắt đầu hiệp 2, tiền đạo Pháp Karim Benzema #10 đá banh bật cột dọc dội vào tay thủ thành Noel Valladares #18 của Honduras. Nhờ kỹ thuật quay phim cho thấy rõ ràng banh đã qua khỏi vạch mức khung thành, trọng tài đã công nhận pha tung lưới hợp lệ. Hệ thống này tên gọi chánh thức là “GoalControl” đã được lắp đặt và chạy thử tới lui nhiều lần tại tất cả 12 sân banh World Cup. “GoalControl” bao gồm 14 máy quay phim, chia ra mỗi khung thành được 7 camera… tận tình chiếu cố suốt trận. Các máy quay phim này rất tối tân, cực nhạy, kết hợp tín hiệu tạo nên hình ảnh nổi “3D”. Máy tính computer tức thì phân tích các thông tin này, và khi nhận thấy trái banh đã vượt qua lằn mức khung thành, lập tức báo hiệu cho trọng tài qua chiếc đồng hồ đeo trên tay. Nhờ hệ thống “GoalControl” này mà từ nay khán giả có thể đỡ… tức (trong quá khứ, từng có những bàn thắng mười mươi lại bị trọng tài bỏ qua một cách oan uổng).
Kỹ thuật “GoalControl” giúp xác định bàn thắng rõ ràng của đội Pháp trong trận thắng Honduras 3-0.
Một thay đổi khá thú vị khác là các trọng tài dùng “spray” vẽ lằn vạch tạm thời cho phe phòng thủ lập hàng rào trong các pha đá phạt trực tiếp. Đồng thời với lằn mức lập hàng rào, trọng tài cũng vẽ một vòng tròn nhỏ xác định vị trí đặt banh. Lằn “spray” màu trắng này biến mất không để lại dấu vết chỉ sau một phút. Đây là những thay đổi có thể nói là đơn giản nhưng tinh tế. Chỉ một động tác “spray” lằn màu trắng của trọng tài đã xóa bỏ cảnh xô đẩy lộn xộn lẫn tiểu xảo trong các pha đá phạt hàng rào lâu nay. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật “spray” được áp dụng tại World Cup, và sẽ dùng cho giải Champions League bên Âu Châu từ mùa banh năm tới. Tuy nhiên, phương pháp này không phải mới, mà vài mùa banh qua khán giả trên các sân banh Brazil và Argentina đã chứng kiến đạt hiệu quả cao.
Tiền vệ Thomas Muller #13 (trái) của Đức đang dẫn đầu danh sách “Vua Phá Lưới” với 3 lần tung lưới.
Nhiều khán giả mộ điệu xem World Cup có thể cũng nhận ra các trọng tài năm nay thổi còi nhiều phần khắt khe hơn trước. Đến cuối ngày Thứ Ba 17-6, đã có 50 lần trọng tài rút thẻ vàng và 3 thẻ đỏ (trung bình gần 3 thẻ vàng mỗi trận). Trận Pháp-Honduras cứng rắn nhất, với 1 thẻ đỏ và 7 thẻ vàng. Sự kiện trọng tài bắt gắt gao hơn dĩ nhiên cũng đưa đến vài lỗi lầm. Đáng kể nhất là pha banh phút 71 trong trận Brazil gặp Croatia ở Nhóm A trong ngày khai mạc. Tỉ số lúc đó đang là 1-1, với đội Croatia chơi gần như ngang ngửa với đội chủ nhà. Trong pha tấn công của Brazil, hậu vệ Croatia cản phá bình thường và hợp lệ, nhưng trọng tài quá khắt khe, bắt lỗi Croatia và cho Brazil đá phạt penalty. Tỉ số nâng lên 2-1 và thế trận từ thời điểm đó hoàn toàn thay đổi. Các cầu thủ Croatia bị phạt oan, tâm lý có phần chùng xuống, trong khi Brazil càng đá càng hăng, và đến phút cuối trận kịp tung lưới thêm 1 lần nữa. Nếu trọng tài không cho Brazil hưởng trái penalty lạ lùng đó, thì kết quả chung cuộc chưa chắc là 1-3 với phần thua về phía Croatia. Dù còn ít nhiều sai sót, việc trọng tài thổi còi nghiêm khắc hơn là một quyết định đúng. Nỗ lực của FIFA nhằm loại bỏ lối chơi ác ý, khuyến khích tinh thần thượng võ và phong cách đá banh tấn công.
Các cầu thủ Brazil (áo màu sáng) chơi tấn công nhiều nhất. Ảnh trong trận Brazil hòa Mexico 0-0. Mexico có phần may mắn, trong một buổi chiều khác mành lưới của họ có thể dễ dàng bị rách không dưới 4-5 lần.
Trọng tài World Cup 2014… mạnh tay hơn có thể là một trong những lý do giải đá banh thế giới đến nay khá hấp dẫn, với các đội thay phiên tấn công, đưa đến kết quả nhiều bàn thắng được ghi. Khác những lần World Cup trước kia, lần này ít thấy cảnh các đội banh đá cầm chừng, hoặc “câu giờ” vào cuối trận. Dù thế trận tàn dần, nhiều cầu thủ vẫn chạy ầm ầm như thể mới nhập cuộc phút đầu tiên. Kết quả tức thì là các màn tung lưới vào những thời điểm sau chót, thậm chí vào các phút đá bù giờ. Như trận Brazil hạ Croatia đã nhắc bên trên, cầu thủ Oscar #11 của Brazil tung lưới Croatia vào phút bù giờ 90+1’. Trận Chile hạ Úc, cầu thủ Beausejour #15 nâng tỉ số lên 3-1 vào phút bù giờ 90+2’. Đặc biệt, trận Thụy Sĩ-Ecuador tưởng đâu đã hòa 1-1, nhưng sang phút bù giờ 90+3’, cầu thủ Seferovic #9 lại tung lưới nâng tỉ số chung cuộc lên 2–1 giành phần thắng cho Thụy Sĩ
Cựu binh DaMarcus Beasley #7 (phải) của Hoa Kỳ dự World Cup lần thứ tư, kỳ này trong vai trò hậu vệ trái.
Đối với khán giả mộ điệu Hoa Kỳ, World Cup 2014 hay và đẹp mắt hơn có lẽ một phần cũng vì có mặt đội banh Mỹ Quốc. Trong trận mở màn chiều Thứ Hai 16-6, các cầu thủ Hoa Kỳ đã đòi được món nợ thúc thủ trước Ghana 2 kỳ World Cup liên tiếp trước đây. Lần này, Hoa Kỳ thắng 2-1. Đội banh Mỹ Quốc có mặt cựu binh dày dạn DaMarcus Beasley #7 lần thứ tư tranh tài World Cup (tại Brazil mùa hè này chỉ có 7 cầu thủ từ 32 đội banh từng 4 lần dự World Cup). Một thủ lãnh khác là tiền đạo Clint Dempsey #8 người đeo băng thủ quân. Với màn tung lưới mở tỉ số trong trận thắng Ghana 2-1, Dempsey ghi tên mình vào danh sách hiếm hoi các chân sút từng tung lưới ở cả 3 kỳ World Cup khác nhau (tại Brazil lần này, ngoài Dempsey, còn có Tim Cahill #4 đội Úc, Robin van Persie #9 và Arjen Robben #11 đội Hà Lan từng đạt thành tích tương tự). Trong khi đó, trung vệ John Brooks #6, người đội đầu tung lưới Ghana phút 86 giành chiến thắng 2-1, đến giờ là chân sút trẻ nhất ghi bàn tại World Cup 2014 (21 tuổi, 4 tháng, 9 ngày). Phong cách đá banh tận tình hòa nhã của Hoa Kỳ cũng là điểm đáng khen khác. Qua lượt trận đầu tiên, đội banh Mỹ Quốc, cùng với Ý Quốc và Nigeria, là những đội duy nhất chưa phải chịu thẻ phạt nào.
Tiền đạo Hoa Kỳ Clint Dempsey (giữa) tung lưới Ghana khi trận banh mới bắt đầu được 30 giây. Đây là 1 trong 5 bàn thắng sớm nhất trong lịch sử giải World Cup.
TTD