Một phúc trình của Bộ Thương Mại giữa tuần qua gây xôn xao dư luận không ít: kinh tế Hoa Kỳ chậm lại 2.9% trong 3 tháng đầu năm 2014. Dù sao, đa phần giới quan sát kinh tế phán đoán đây chỉ là tình trạng tạm thời, và nền kinh tế quốc gia sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại từ quý 2 trở đi.
Quang cảnh xây dựng bận rộn tại thành phố Austin Texas, thuộc vùng kinh tế Dal-Austin.
Lý do chánh gây ra kinh tế đình trệ vài tháng đầu năm là các đợt bão tuyết mùa đông liên tục. Trong vài tháng liền, nhiệt độ băng hàn kỷ lục phủ trùm các vùng đông bắc, trung tây, và đông nam Hoa Kỳ. Ước tính thiệt hại tài chánh có thể lên từ $15 tỉ đến $30 tỉ. Một cách nào đó, người ta đã ngầm trông đợi con số sụt giảm kinh tế. Song kể từ quý 2-2014 trở đi, tổng sản lượng quốc gia GDP dự báo tăng trung bình 4%.
Bờ đông Hoa Kỳ trong ánh đèn đêm.
Có nhiều lý do để lạc quan. Sau vài năm thắt lưng buộc bụng, nay chánh quyền nhiều tiểu bang và địa phương có những dấu hiệu chịu mở hầu bao tiêu xài trở lại. Các con số khảo sát về thuê mướn người, doanh số bán lẻ, số nhà mới đang xây, và sự tin tưởng của khách hàng cũng đều cùng lúc lên cao — hẳn không phải do tình cờ. Chỉ riêng thị trường việc làm đã thêm vào ít nhất 200,000 công ăn việc làm mới trong mỗi tháng liên tục 4 tháng vừa qua. Chính Federal Reserve (Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang) cũng tuyên bố kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh, chủ trương tiếp tục duy trì lãi suất thấp kỷ lục để kích thích phát triển thêm nữa.
Trên trang báo tuần này, mời bạn cùng chúng tôi thăm lại các vùng kinh tế trọng yếu đứng đằng sau những thành công này của Hoa Kỳ. Giới kinh tế chia ra những vùng lớn này từ hơn 240 thành phố-trung tâm kinh tế quan trọng nhất nước. Tính chung lại, các vùng kinh tế trọng yếu này có trên 230 triệu người tức là khoảng 70% dân số Hoa Kỳ, cùng tạo ra thu nhập trên $13,000 tỉ, chừng khoảng 3/4 tổng GDP toàn Hoa Kỳ. Trong số này, vùng Bos-Wash lớn nhất, với 56.5 triệu người. Vùng Denver-Boulder nhỏ nhất, chưa tới 5 triệu cư dân.
Bản đồ các vùng kinh tế trọng yếu tại Hoa Kỳ.
– VÙNG KINH TẾ BOS-WASH
Trải dài từ Boston về New York, Philadelphia, Baltimore, xuống tận Washington, D.C., trên chiều dài 500 dặm. Vùng này là mái nhà của 18% dân số Hoa Kỳ – 56.5 triệu người. Kinh tế vùng này tạo ra $3,750 tỉ. Nếu Bos-Wash được kể là một quốc gia, thì kinh tế của nó chỉ đứng sau Hoa Kỳ, Trung cộng, Nhật Bổn – vượt xa Đức, Anh, Pháp, hay Ý…
– VÙNG KINH TẾ CHI-PITTS
Tâm điểm của vùng Trung-Tây Hoa Kỳ, từ Pittsburgh (Pennsylvania) vươn về hướng tây bắc, chạm Cleveland, Detroit, Indianapolis, Chicago, Minneapolis… CHI-PITTS bao gồm trên 50 thành phố lớn. Vùng này có 41.8 triệu dân, tạo ra $2,300 tỉ – con số hơi nhỏ hơn GDP của Anh Quốc, nhưng ngang bằng Brazil và hơn hẳn nước Nga.
– VÙNG KINH TẾ CHAR-LANTA
Vùng này có 22 triệu dân, bao gồm 45 vùng “metro”, nổi tiếng nhất có Atlanta, Georgia; Raleigh, North Carolina; hoặc Birmingham, Alabama… Tổng sản lượng của CHAR-LANTA khoảng trên $1,000 tỉ, cao hơn Nam Hàn, và có thể kể là nền kinh tế lớn hàng thứ 15 trên thế giới.
Giao thông tắc nghẽn tại Atlanta, tiểu bang Georgia trong đợt bão tuyết cuối Tháng Giêng 2014. Ảnh Ben Gray/Atlanta Journal Constitution / EPA
– VÙNG KINH TẾ SO-CAL
Bao gồm các thành phố từ vùng Los Angeles xuống San Diego và gồm cả Tijuana của Mexico. Vùng này có 21.8 triệu dân, GDP hằng năm xấp xỉ $1,000 tỉ, chỉ hơi nhỏ hơn GDP của cả nước Tây Ban Nha.
– VÙNG KINH TẾ NOR-CAL
Vùng này gồm San Francisco, San Jose, Oakland và 14 thành phố lớn khác trong vùng vịnh San Francisco Bay. Vùng NOR-CAL có 13 triệu người, tổng sản lượng $900 triệu, khoảng bằng nền kinh tế của cả nước Indonesia, và lớn hơn Thổ Nhĩ Kỳ.
– VÙNG KINH TẾ SO-FLO
Bao gồm Miami, Orlando và Tampa, là nhà của khoảng 15 triệu người. GDP hằng năm đạt $750 tỉ, tương đương Hà Lan hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu kể vùng SO-FLO là một quốc gia, nó xếp vào hàng 20 “cường quốc” hàng đầu thế giới.
Một đoạn xa lộ Interstate 75 đi ngang Covington, tiểu bang Kentucky, trong đợt bão tuyết cuối Tháng Giêng 2014 bao phủ đa phần lãnh thổ Hoa Kỳ. Ảnh Al Behrman/Associated Press
– VÙNG KINH TẾ HOU-ORLEANS
Đây là vùng… đặc trị về kỹ nghệ dầu hỏa, kéo dài từ Houston, băng qua Mobile, Alabama đến New Orleans, với dân số tổng cộng trên 10 triệu người. Vùng HOU-ORLEANS có GDP trên $750 tỉ. Cũng có một số kinh tế gia bao gồm Houston, Dallas-Ft. Worth và Austin thành một vùng… siêu kinh tế gọi là “Texas Triangle” (tạm dịch “tam giác Texas”) với 20 triệu người và GDP tổng cộng $1,500 tỉ, ngang với Úc Châu, chỉ kém hơn Canada chút ít.
– VÙNG KINH TẾ DAL-AUSTIN
Bao gồm Dallas, Austin, và San Antonio của tiểu bang Texas. Với dân số 12 triệu người, vùng DAL-AUSTIN tạo ra sản lượng $700 tỉ mỗi năm, cao hơn Thụy Điển và cả xứ dầu hỏa Saudi Arabia. Vùng DAL-AUSTIN cũng có thể được kể vào nhóm 25 nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới ngày nay.
– VÙNG KINH TẾ TOR-BUFF
Nằm ở cực bắc tiểu bang New York, kéo dài từ Buffalo và Rochester, gồm thâu cả Toronto, Ottawa và Montreal của Canada. Dân số ước tính khoảng 16 triệu người. Mỗi năm, vùng TOR-BUFF tạo ra GDP $600 tỉ, nhiều hơn Thụy Điển, có thể được kể vào hàng 25 “quốc gia” giàu có nhất thế giới.
Hoạt cảnh trong ngày thuê mướn người “Job Fair” tại một tiệm Toys-R-Us.
– VÙNG KINH TẾ CASCADIA
Đây là vùng kinh tế “viễn tây” từ Portland, Oregon xuyên qua Seattle và kéo lên tới Vancouver, Canada. Vùng này có 10 triệu dân, tạo GDP chừng $600 tỉ, tương đương Thụy Sĩ.
– VÙNG KINH TẾ PHOENIX
Vùng này có trên 5 triệu người, tạo ra $250 tỉ, chỉ hơi ít hơn Hong Kong, có thể xếp vào nhóm 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
– VÙNG KINH TẾ DENVER-BOULDER
Với 4.2 triệu dân và GDP $256 tỉ, vùng DENVER-BOULDER có nền kinh tế vượt Phần Lan, Hy Lạp. Nếu kể như là một quốc gia, kinh tế DENVER-BOULDER nằm trong nhóm 50 nước dẫn đầu về kinh tế.
Nhiều nơi trên khắp quốc gia đang trương bảng chiêu mộ nhân viên.
TD