Đêm… Không gian yên tĩnh, lạnh lùng, trống vắng quá! Dẫu trời đêm nay có trăng, bóng tròn xinh đẹp đang tỏa sáng một vùng trời đêm bên cạnh vài ngôi sao nhỏ bé nhấp nháy vẫn như cô đơn lặng lẽ làm sao! Trăng xuyên ánh sáng qua cửa sổ phòng tôi một màu vàng dịu, tôi yêu màu vàng của trăng, ngẩn ngơ hồi tưởng về những đêm trăng ở quê nhà có tiếng trẻ nô đùa đâu đây, nghe lúc gần, lúc xa… Trăng gợi cho tôi nỗi nhớ nhà hơn bao giờ hết…
Đã bao nhiêu lần tôi nằm mơ thấy mình trở về thăm Việt Nam, niềm vui trong mơ đã cho tôi những xúc động thật sự khi gặp lại anh em, họ hàng và bè bạn để lúc giật mình thức dậy, mắt tôi hãy còn ướt lệ. Giấc mơ hồi hương có khi còn đi vào cả trong những cơn mê sảng, ngay lúc tôi đang bị ốm nằm liệt rũ trên giường, đầu đau nhức vô cùng mà một trời quê hương vẫn thấp thoáng trong ký ức…
Tôi thấy lại căn nhà nhỏ hẹp ở khu Cư Xá Đô Thành, nơi cha tôi cùng mười đứa con đã sống chen chúc và làm việc bên nhau. Ngày nào trong nhà cũng vang lên tiếng ê a đọc bài của đàn trẻ từ các lớp học vần do chị em tôi đảm trách liên tục sáng, trưa, chiều, tối. Trẻ nhỏ (học trò của chúng tôi) vào ra tấp nập. Học sinh trung học (học trò của cha tôi) đến từng đợt. Căn nhà nhỏ ấy đã chất chứa bao nhiêu là kỷ niệm một thời gian truân, cơ cực sau ngày “hoà bình” tháng 4/75 khốn khổ. Những đêm mưa to mái dột, ướt hết một khoảng trống giữa nhà. Chị em tôi co quắp trên chiếc chiếu mỏng truyền hơi ấm cho nhau. Những ngày hè nóng nực, chúng tôi dẹp chiếc chiếu đi, nằm ngủ trên sàn gạch để tìm hơi mát. Rồi những buổi tối có trăng cả khu phố bị cúp điện, chúng tôi quây quần bên cha trước sân nhà để nghe kể chuyện ở trại tù “cải tạo”. Tôi còn nghe lại âm thanh ồn ào vào mỗi buổi sáng ở quanh xóm, tiếng rao bánh mì ơi ới, tiếng chị gánh xôi lanh lảnh, tiếng bà bán bánh kẹo trên sạp thúc giục con phụ kê bàn giăng bạt. Người đàn bà ấy luôn miệng chửi thề, sẵn sàng ứng chiến với mọi tình huống nào gây bất lợi cho việc buôn bán của bà. Nhưng, bà lại rất tốt bụng với gia đình tôi, phải nói bà là ân nhân của chị em tôi trong những năm bị “đói ăn”, sẵn lòng cho chúng tôi mua thiếu những món hàng quà vặt đủ loại trên cái sạp gỗ để cầm cự sự sống …
Tôi thấy lại hình ảnh cha tôi hằng đêm ngồi cặm cụi viết trên chiếc bàn vuông nhỏ kê sát bên cửa sổ. Hình như viết lách là nguồn vui còn lại của cha, viết để chia sẻ với chính mình và cho các con khi không có đủ thời giờ để ngồi kể tường tận về cuộc chiến tranh đau thương gắn liền với những bi thảm trong cuộc đời người lính.
Cũng bên khung cửa sổ, tôi thấy đôi mắt u buồn của bà ngoại tôi nhìn lên khung trời xanh cùng tiếng thở dài não ruột, và rồi những giọt nước mắt rơi xuống. Tôi biết bà nhớ miền quê Bắc Ninh của bà, nhớ bà cố ngoại, nhớ các bà dì còn kẹt lại từ năm di cư mà cho đến bấy giờ dù đất nước đã thanh bình, bà ngoại tôi vẫn chưa thể về thăm quê được. Tôi thấy thân thể gầy còm và khuôn mặt đau đớn của mẹ tôi trước giờ hấp hối…
Tôi thấy rất nhiều hình ảnh quen thuộc trong một góc học đường nhỏ bé, mỗi buổi sáng cô trò cùng tập thể dục trên sân theo tiếng gõ chiếc tambourine rộn ràng thay cho nhịp đếm một, hai, ba, bốn từng động tác. Những giờ trẻ chăm chú tập viết, giờ tô vẽ vui nhộn, giờ kể chuyện cổ tích trước những đôi mắt ngây thơ mở to thích thú…
Gần hai mươi năm, nỗi nhớ quê mãi theo tôi trên suốt cuộc hành trình sống và làm việc. Nỗi nhớ miên man, dài thườn thượt không thể đếm được bằng ngón tay hay bằng năm tháng. Nỗi nhớ mang hồn quê ấy ở mọi nơi, mọi chỗ, từ những trang web thơ văn, những clip youtube nhạc, những tấm hình phong cảnh… đến những ngày mưa dầm, những tháng hè nóng gắt, những mùa đông lạnh trắng đất trời và những đêm trăng huyền ảo như đêm nay.
Gần hai mươi năm từ ngày ra đi, tôi chưa lần nào trở lại Việt Nam, mỗi khi nói chuyện phone với em tôi từ quê nhà xa xôi, cũng như nghe những lời nhắn nhủ thăm hỏi của các cháu rằng chừng nào bác về Việt Nam chơi, là lòng tôi thêm nhoi nhói không biết hẹn đến dịp nào, đành phải hẹn bừa là bác sẽ về, sẽ về. Hứa với hẹn hoài, tôi không chỉ làm cho em tôi và đám cháu nhỏ thất vọng, mà ngay cả chính tôi cũng thất vọng.
Tôi thất vọng vì nghĩ đến con đường về quê nhà của mình sẽ không dễ dàng như bao nhiêu người khác. Vấn đề “đầu tiên” (tiền đâu) vẫn là điều đáng suy nghĩ hơn cả. Cuộc sống của tôi, thực ra rất đơn giản với đồng lương khiêm tốn của người làm nghề dạy trẻ. Một nghề ít ai muốn chọn vì thu nhập không cao trách nhiệm lại nặng nề. Nói như vậy không phải là chính phủ Mỹ trả lương giáo viên mẫu giáo chết đói như hồi tôi còn ở Việt Nam. Đời sống giáo chức vẫn được bảo đảm đầy đủ và nếu khéo dành dụm thì cũng thực hiện được một chuyến về thăm nhà như ý muốn, hay đi du lịch quanh nước Mỹ. Những điều đó tôi chưa bao giờ nghĩ đến bởi tôi đang sinh sống và làm việc ở một thành phố rất đông dân nghèo nên tôi hiểu giá trị của đồng tiền ra sao đối với những người túng thiếu. Họ là những thổ dân Mỹ từ bộ lạc Navajo sống trong những biệt khu riêng thường gọi là reservation. Mỗi khi nghĩ đến họ, tôi không còn ham muốn những chuyến đi chơi xa, tiêu xài tốn kém, chỉ muốn dùng đồng tiền của mình vào những việc hữu ích hơn. Tuy rằng họ đã có sự giúp đỡ tận tình của chính phủ, tôi vẫn cố gắng góp thêm phần nhỏ bé của mình vào các chương trình cứu trợ trong những dịp lễ, Tết. Những sự đóng góp nhỏ bé chẳng đáng gì ấy đã cho tôi cảm giác bớt đi cái tính “ích kỷ”. Tôi thật khâm phục những tấm lòng tốt của nhiều người Việt ở hải ngoại đã tận lực cống hiến công sức, thời gian, tiền bạc vào những chuyến đi về VN làm từ thiện. Song, tôi tiếc cho những tấm lòng tốt đó đã không được chính phủ cộng sản trân trọng lại còn bị lợi dụng, và chính quyền như ỷ lại chuyện lo cho dân nghèo là trách nhiệm của “khúc ruột ngàn dặm”.
Tôi còn thất vọng khi nghe mỗi ngày một nhiều tin xấu về tình hình đất nước trên các trang web, tệ nạn xã hội dẫy đầy. Nào chém người cướp của, nào lường gạt, nào bắt bớ dân oan, nào giao thông hỗn loạn… Càng đau lòng khi lại nghe thêm về chuyện trẻ em bị hành hạ, ngược đãi ở chính ngay các nhà trẻ gia đình. Sôi nổi hơn hết là vấn đề tự do ngôn luận và nhân quyền. Đã có rất nhiều, nhiều người tuổi trẻ lên tiếng nói trung thực bị giam cầm, và cả thân nhân họ cũng bị theo dõi hành hung… Ôi, thật xót xa tủi nhục cho quê hương Việt Nam sau gần bốn mươi năm hoà bình trong tay kẻ “ác”!
Tôi có bi quan lắm không khi nhìn lại con đường về quê hiện nay toàn những chông gai, xiềng xích? Cho dù ở Sài Gòn bây giờ tràn ngập những màu sắc hoa đèn, nhà cao cửa rộng, phố xá tấp nập, phô trương sự phồn thịnh vẫn chỉ là bộ mặt phấn son giả tạo bên ngoài nhờ những chuyên gia sửa soạn lên để che đậy biết bao mảnh đời nghèo đói ở sâu bên trong, những chà đạp hèn hạ lên quyền sống con người từ ngõ tối.
Mỗi năm, giòng thác uất hận, nhức nhối, buồn đau tuôn tràn khắp nơi nơi, ướt đẫm một Tháng Tư năm xưa đầy máu và nước mắt, một Tháng Tư oan nghiệt đã thay đổi vận mệnh nước nhà, thay đổi số phận con người tả tơi, tan nát, mất mát, tù tội…
Đêm khuya lắm rồi, sương đã phủ một lớp mờ trên kính. Gió thở ra hơi lạnh buốt. Dẫu đêm nay có trăng, bóng tròn xinh đẹp đang tỏa sáng một vùng trời đêm. Vậy mà bao nhiêu năm rồi, tôi như thấy trăng vẫn không soi sáng hết con đường về quê nhà, con đường ấy cứ hoài u tối và như càng xa hơn, không biết nó sẽ còn bao xa nữa để tôi được trở về thăm nhà trong không khí tự do, bình an với niềm vui đổi mới?