Menu Close

Giặc đến nhà

“Giặc đến thì đánh, đánh không thắng thì chạy, chạy không thoát thì đầu hàng, đầu hàng cũng không xong thì… chết.”

Câu này tôi nghe người ta cho rằng một tay danh tướng thời Tam Quốc nói vậy.

Nhưng trước khi giặc đến thì phải làm gì đây? Ngày xưa tích thảo đồn lương, chiêu binh mãi mã, mài kiếm dưới trăng; bây giờ mua vũ khí tối tân, hiện đại hóa quân đội, tìm kiếm đồng minh… chứ còn gì nữa.

Nhưng nhiều người lại nghĩ rằng: Chắc ăn hơn cả là may sẵn những lá cờ của giặc rồi làm thế này: Nếu giặc là Tây thì ra ngoài đường mà đứng, tay phất cờ Tây, miệng hô: “Welcome my friends!” Nếu giặc là Tàu thì phất cờ Tàu miệng hô: “Nghinh tân!” Còn muốn chắc ăn hơn nữa thì học thuộc lòng những câu này: “We’ve been waiting for you!” nếu là giặc Tây. Hay là: “Ngộ chờ các nị lâu zồi ha!” nếu là giặc Tàu. Nghe ngớ ngẩn, lộn xộn nửa Tàu nửa Việt ư? Không sao, giặc hiểu ráo. Tây Tàu nó không đần độn lắm đâu! Rồi, nếu giặc vào nhà thì đàn ông phải ân cần rót rượu mời; đàn bà thì không được nghĩ tới chuyện còn cái lai quần cũng đánh như bà Út Tịch trong tiểu thuyết cách mạng, mà hai tay phải giữ chặt lấy cạp quần, nhìn giặc mà cười, giặc nó thấy mình cười, nó cũng cười lại. Chúng chịu cười là đời sẽ êm ru!

Thật ra, chỉ có đám dân đen ngu hèn mới phải làm như thế để được an toàn mạng sống, còn các nhà lãnh đạo thế giá, quyền chức cao trọng, thì không làm thế được. Nhục lắm. Chẳng những nhục cho bản thân thôi, mà nhục cho cả quốc thể lắm! Phải chuẩn bị từ sớm, có khi cả năm mười năm, thậm chí cả hai mươi năm, trước khi giặc đến. Chuẩn bị làm sao ư? Phải đưa con sang du học nước ngoài. Phải mua nhà mua đất ở nước ngoài. Tiền bạc gom góp được bao nhiêu cũng phải gởi nhà băng nước ngoài. Nước ngoài không thể nói chung chung như vậy. Nước ngoài là nước nào ư? Tất nhiên ưu tiên một là Mỹ, Úc, Canada, rồi tới Châu Âu. Rồi nghe ngóng thời cuộc. Có rục rịch động đậy binh đao là vù ngay một cái sang bên kia Thái Bình Dương. Qua biển xong, các ngài sẽ quay mặt về cố hương mà đả đảo quân xâm lược, hay là đứng trên những tòa nhà cao tầng nhìn về phương Nam mà nghẹn ngào, mà than thở: “Khóc lên đi ôi quê hương yêu dấu!”

Chuyện giặc giã xui lòng nhớ tới bài thơ Tình Nghèo không biết của ai, do cố nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc. Nhớ mang máng ca từ như thế này: “Hò là hò lơ… Nhớ, nhớ thuở nào, anh đi làm thuê, em đi bán rong đôi ta cùng gặp nhau dưới cầu, bóng mát í a dưới cầu… hò là hò lơ… Nhớ, nhớ thuở nào anh đi làm công, em đi bán rong miếng trầu cau nên đôi vợ chồng… Đôi vợ… í a… chồng…”  Thế rồi, đôi vợ chồng nghèo đến cuối làng dựng vội một túp lều che gió sương. Ơn trời cho năm ấy được mùa lúa chín ngô vàng, nhưng sang năm lũ tràn về, ruộng đồng tan hoang; năm sau nữa, giặc về đốt làng, đốt cả túp lều, đôi vợ chồng chẳng biết dắt nhau đi đâu…

“Hô! Nước từ ngàn trùng xa
Nước tràn về làng ta
Nước hờn cuộc tình quê
Hò lờ hò lơ
Ruộng màu tan vỡ
Vườn nghèo xơ rơ
Cửa nhà ngơ ngác
Đôi trẻ thơ
Đi về mô
Hô! Khói lửa ngụt trời mê
Bốc về ngàn nẻo quê
Kéo cuộc tình nghèo đi
Hò là hò lơ
Giặc về (là) ta đánh
Giặc tràn (là) ruộng xanh
Tình nghèo (là) mỏng manh
Đừng chia rẽ đôi lứa mình…”

Giặc đến, nghĩa là từ nay người ta hiểu thế nào là chinh phu, chinh phụ. Chàng lăn lộn trong chiến hào khét mùi thuốc súng, tập cho lão luyện những kỹ năng giết người để không bị người giết; nàng đan áo gởi ra sa trường, đêm đêm cầu nguyện cho người đàn ông của đời mình lành lặn trở về. Những đoàn xe chở đầy lính ra mặt trận, những cây lớn bị mảnh đạn cắt cụt ngọn, những ngôi nhà đổ chồng chất lên nhau, những trạm y tế tạm bợ nhung nhúc những thân thể thương tật máu me, từng đoàn người gồng gánh bồng bế nhau chạy hỗn loạn dưới mưa bom, người mẹ chết nằm bên lề đường, thi thể đã lạnh cứng nhưng đứa con mấy tháng tuổi vẫn bò đến vạch áo mẹ ra bú, người đàn ông gánh con trên vai cùng với mớ quần áo, chăn màn, nồi niêu gom góp được từ căn nhà vừa lìa bỏ. Với những người già sống sót trong chiến tranh thì những cảnh này quá quen thuộc, nhưng đối với lớp trẻ dưới 40 thì vẫn còn xa lạ lắm, chắc họ chỉ thấy trong phim ảnh hay trong tiểu thuyết chiến tranh.

Phải làm gì trước khi giặc đến? Đi biểu tình, giương cao biểu ngữ, hô khẩu hiệu. Điều này cũng cần thiết lắm đấy, nhưng tiếp theo những cái đó là gì? Giặc cứ đến thì sao, chúng đã dàn quân ngay bên kia biên giới kia rồi. Gần như quanh những thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng… thì chưa mấy ai biết phải trả lời câu hỏi này như thế nào. Trong khi chờ đợi câu trả lời xác đáng thì người ta tạm quên cái viễn cảnh ghê rợn đó đi bằng cách đi nhậu cái đã. Khi đã cạn hết một chai, hơi men bốc lên đỉnh đầu, ta sẽ thấy mình thành tay tráng sĩ kiêu bạt, hằng mong da ngựa bọc thây, một thanh gươm, một con chiến mã, giục bóng trăng rơi xuống mặt thành… Nhưng có lẽ khi sơn hà nguy biến, nghe lệnh tòng chinh thì chẳng thấy bao nhiêu tráng sĩ trong đám đó. Tráng sĩ này thì khai rằng mắc chứng béo phì, tráng sĩ kia khai rằng bị bệnh tim mạch, sỏi thận, tiểu đường, cha già mẹ yếu, vợ đẻ, đúng như một câu thơ của một nhà thơ vô danh thời bình cảm khái về thời chiến “Ngươi ngâm hồ trường khí hùng ngất ngất. Khi rượu tàn ai tráng sĩ qua sông.”

Như người đi trong bóng đêm phải vừa đi vừa hát to cho quên nỗi sợ, những lời bông phèng, nhăng cuội này cũng chỉ để tự trấn an mình trước câu hỏi chưa được trả lời: “Giặc sắp đến, ta phải làm gì?”

 

alt

ND
* Tư Mã Ý