“Ai thèm học tiếng Việt?”
Trên đường đi bộ nửa tiếng về nhà, tôi không ngăn được nước mắt. Hôm nay, Phong lại “nổi chứng” và không nhượng bộ trước thái độ khẩn khoản của tôi. Nước mắt tôi rơi không dứt, lòng buồn như mất quê hương. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy cái tuổi đôi mươi sao mà hay nhạy cảm và dễ xúc động quá. Lại khóc giữa đường mới hay chứ! Không khéo có người lại tưởng tôi có cuộc tình oan trái gì lắm đây.
Thế nhưng, ngay lúc này, hay về sau đi nữa, tôi cũng sẽ nhạy cảm như vậy, tuy có lẽ không khóc nghêu ngao trên đường như ngày xưa. Tôi cũng sẽ nghẹn lòng nếu có một đứa trẻ khác như Phong nói với tôi rằng, “I don’t like to study Vietnamese!” “Tại sao vậy?” tôi hỏi. “I’m eight years old! I’m a man! I don’t want to be with these kids!” Lớp vỡ lòng mà, lớn bé lẫn lộn. Trường Việt Ngữ Westminster lúc nào cung cũng thấp hơn cầu – phòng ốc có giới hạn, số thầy cô tình nguyện cũng có giới hạn. Em nào không biết một chữ tiếng Việt cắn đôi thì cứ được cho vào lớp tôi. Hay khi con bé bím đuôi gà dõng dạc tuyên bố với những học trò khác trong lớp, “She doesn’t know any English.” Liệu tôi có nên buồn các em không? Trong những lúc ấy, tôi bình tĩnh nói với em, “Cô biết tiếng Anh. Cô đi dạy trường Mỹ mà. Cô chỉ muốn các em tập nói tiếng Việt thôi.”

Trường Westminster chào cờ đầu tháng
Khai mở tâm thức
Nghề giáo, người ta nói, là một cái nghiệp. Vậy thì, tôi có nghiệp với việc dạy tiếng Việt. Ngày xưa khi đi học ở Việt Nam, tôi vẫn mê môn giảng văn lắm lắm, tuy không hứng thú gì với sách giáo khoa của Nhà nước. Vì tôi là lớp đầu tiên bị trói buộc vào vòng oan trái của chương trình “cải cách giáo dục,” tôi sớm nhận ra cái khốn khổ của một nền giáo dục bán diện, chỉ toàn chủ nghĩa với xã hội. May là, với những quyển sách giáo khoa cũ của Ba Mẹ còn giữ lại mà tìm được quanh nhà, tôi hưởng một tí hơi hướm của những áng thi văn từ Nguyễn Khuyến đến Tản Đà. Lại được cái may mắn là ông bà tôi trước kia có một thư quán, nên dẫu sanh sau đẻ muộn, tôi vẫn được thừa hưởng những “tàn dư” của những sách vở sống sót hỏa lò hậu 1975. Ông tôi lại là một người yêu sách. Giữa một vùng đồng ruộng bao la, không có lấy một ngôi trường làng, ông tôi lại có một tủ sách kim cổ sum vầy. Bây giờ nghĩ lại, tôi hồ nghi không biết ngày xưa mình thích về thăm ông bà những ngày nghỉ học vì yêu thương ông bà, hay bị cái từ trường của những con chữ hút lấy.
Tôi không chỉ yêu ông tôi vì tủ sách của ông. Tôi phục cái tình yêu của ông đối với kiến thức, cái quảng đại của ông trong việc chia sẻ cái kiến thức ấy với những người xung quanh. Nông dân quê tôi chỉ biết cây lúa và nắng trời, chọn lựa duy nhất của họ là chịu mù chữ. Ông bà tôi thường thuê người giúp việc ngoài gò, khi thì be bờ ao, khi thì vét cái lỗ trỗ, lúc thì lên liếp đám bắp. Ông tôi hay đứng gần đấy, kể chuyện lịch sử đời Hùng Vương, chuyện Hội Nghị Diên Hồng, cho tới những chuyện trong ấp trong xã thời ông bà cố tôi mới đến khai hoang lập nghiệp. Bình Phú Đông – đấy là ngôi trường làng đầu tiên của tôi, mà ông thầy giáo bán chính thức là ông tôi, lớp học là bờ đất lộ thiên bên những công việc đồng áng. Nắng hay mưa, ông tôi cũng ra, kể chuyện với người làm công. Mà họ thích nên ông mới “siêng” kể như thế.
Ưu tư và chọn lựa
Ông tôi có thể nói là một thầy giáo nguyên thủy, bản chất đã đầy những nhiệt tình để trao truyền kiến thức. Thế nhưng khi biết tôi sau hai năm định cư tại Mỹ đã quyết định theo ngành sư phạm, thì ông viết cho tôi một bức thư hai trang giấy học trò, khuyên tôi không nên chuốc khổ vào thân vì “cái nghề bạc như vôi ấy.” Ông lo rằng ở Mỹ, người ta không tôn sư trọng đạo. Nếu ông biết những khổ tâm của tôi với lớp Việt ngữ, không biết ông sẽ khuyên tôi thế nào? “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.” Ngay cả những người trưởng thành và các bậc trưởng thượng khi hội nhập vào cuộc sống mới ở Mỹ, vẫn chịu ảnh hưởng của nền văn hóa bản xứ. Quá trình sinh trưởng quyết định phần lớn những tâm thức và tình cảm của một con người. Lớn lên trong một văn hoá là đi vào một tiến trình khai mở và phát triển tâm thức dân tộc của văn hoá đó. Cái tâm thức mà các em khai mở là một tâm thức Việt Nam trong môi trường gia đình và cộng đồng, cho đến khi môi trường học đường công lập của Mỹ tái định hình và biến nó thành tâm thức bản xứ. Hơn nữa, các em sinh ra ở Mỹ thì không trực tiếp cảm nghiệm tâm thức di dân của thế hệ cha mẹ. Các khoảng cách này, không chỉ người Việt chúng ta đương đầu. Vấn đề là chúng ta làm gì với khoảng cách ấy.
Một cô bạn của tôi dự định mùa hè năm nay sẽ đi Tây Ban Nha để học chương trình sinh ngữ thực thụ bên đó, vì đã được học bốn năm Spanish ở trung học. Cô nói, “But when I come back from Spain, I want to learn to read and write Vietnamese. I feel bad, because I’m Vietnamese, and here I am, more fluent in Spanish. I should know my mother tongue.”
Thực sự ra, có lưu loát vài chục thứ tiếng khác đi nữa thì cũng không phải là cái tội. Vì trong trường hợp của cô, suốt bốn năm trung học, thời gian mà các nhà ngôn ngữ học cho là lý tưởng nhất để học một ngôn ngữ mới, thì cô chỉ có một chọn lựa, đó là học tiếng Tây Ban Nha. Trong thập niên 2000s, các hội phụ huynh Việt Nam tại quận Cam cùng với Ban Việt Ngữ Miền Nam California đã vận động để mở các lớp Việt ngữ tại một số trường trung học có đông sinh viên Việt Nam như La Quinta, Westminster, Bolsa Grande. Thế nhưng, những bước đầu này chỉ hứa hẹn một quãng đường hun hút trước mắt của trì chí và cố gắng. Đến hôm nay, thì chúng ta đã có những chương trình tiếng Việt ở bậc đại học lẫn chương trình song ngữ ở tiểu học tại Hoa Kỳ.
Máu sẽ phải nồng
Vấn đề gìn giữ và phát huy tiếng Việt không chỉ là vấn nạn của người lớn. Nó cũng canh cánh trong lòng của những người bạn trẻ đến Mỹ định cư khi còn bé, hay sinh ra ở Mỹ. Dù là thế hệ 1.5 hay 2.0 đi nữa, rất nhiều các bạn vẫn thao thức với cái vốn liếng tiếng Việt của mình. Trong một cuộc phỏng vấn cho Dự Án Việt Mỹ (Vietnamese American Project VAP, do tôi sáng lập vào thập niên 1990s) thuộc Trung Tâm Lịch Sử Truyền Khẩu & Cộng Đồng (Center for Oral & Public History) tại viện đại học CSU Fullerton, một sinh viên trẻ tên Paul Nguyễn đã nhận xét, “Có lẽ tại Paul 50% Việt Nam, 50% Mỹ cho nên là cũng cố gắng giữ cái phần Việt Nam lại. Dầu gì thì cũng khó. Qua đây mọi thứ là Mỹ rồi, nên Paul muốn giữ nói tiếng Việt, đọc tiếng Việt. Đọc được, viết được, nhưng mà nhiều khi nói chuyện có nhiều chữ nghĩ không ra. Mới đầu cứ nghĩ, ‘Chết rồi! Sao mình quên hết tiếng Việt rồi!’ Nhưng thực sự lúc nhỏ ở Việt Nam mới mười tuổi, đâu có xài mấy chữ đó đâu mà biết.”
Khi tôi giúp tuyển diễn viên cho một phim ngắn, cũng là một luận án cao học MFA ngành phim tại USC, anh bạn đạo diễn Howard Vũ có hỏi các em nhỏ tuổi độ 7 đến 12 đến thử vai, “What do you like to do most?” Tất cả đều nói là xem TV, chơi game điện tử, chứ chưa hề có em nào bảo thích đi học Việt ngữ hay tham gia những sinh hoạt có tính cách văn hóa. Cái quá trình khai mở và phát triển tâm thức của các em, mà chúng ta cần đặt lại ưu tiên, vẫn còn còi cọc về mặt tinh thần. Thế nên, cho dù các em có ưu tư về khả năng tiếng Việt của mình đi nữa, thì hai tiếng đồng hồ một tuần ở trường Việt ngữ thôi chưa đủ. Nói tiếng Việt ở nhà với ông bà cha mẹ thôi chưa đủ. Các em cần được trao truyền lại cái di sản văn hóa vốn mang cái tiềm năng khuấy động những thớ gân nhạy cảm nhất trong tâm hồn các em. Khi nhìn vào các cộng đồng di dân tị nạn người Mỹ gốc Việt, người ta thấy rõ sự phát triển kinh tế dồi dào. Còn văn hóa, đấy vẫn là một chiến trường đang chờ đợi hội nghị bàn tròn.
Trở lại lớp Việt ngữ của tôi, cuối năm đó, Phong lại “nổi chứng.” Nó đòi ở lại lớp để “học với cô năm tới.” Dĩ nhiên tôi không cãi được với nó. Chỉ đến năm sau khi bố mẹ nó đi ghi danh, ban giám hiệu nhìn vào sổ điểm và cho nó lên lớp vô điều kiện. Lớp trưởng mà lị! Ở lại lớp thì còn ai được lên lớp. Không biết nó có giận tôi đã không theo ý nó không. Tôi chỉ tin, thật tin, rằng máu nó sẽ mãi nồng, cũng như dòng máu của các con em Việt Nam khác lớn lên ở Mỹ vậy.

Trường Việt ngữ Westminster Mừng Xuân
Để tri ân các Thầy Cô giáo Việt ngữ, đặc biệt các bạn bè và học trò trường Việt ngữ Westminster