Thứ nhất là đỗ Thám Hoa
Thứ nhì lấy vợ, thứ ba ị đồng
Không rõ những điều ước có từ thời xưa ấy có thể áp dụng cho phụ nữ ngày nay được không? Chuyện thi cử, ai cũng biết, thời xưa chỉ dành cho nam giới. Tất nhiên chuyện lấy vợ thì phụ nữ lại càng không thể tranh giành với đàn ông. Thành ra, những điều ước ấy, dù không nói rõ dành cho ai, đọc lên ai cũng thấy chúng không thể dành cho phụ nữ. Tuy nhiên, điều ước thứ ba, nếu suy… rộng ra, cũng có thể là một ước mơ (thầm kín) của chị em chăng? Đi tìm câu trả lời chính xác cho chuyện này chưa chắc đã dễ. Phụ nữ thời đại ngày nay cởi mở hơn nhiều (từ tâm hồn đến thể xác). Họ có thể nói về những chuyện, hồi xưa bị xem là cấm kỵ, một cách công khai như tình dục chẳng hạn. Thế nhưng nếu hỏi về điều ước thứ ba ấy chưa chắc họ đã thèm trả lời. Thậm chí có thể bị cho cái gì đó vào mặt. Để tìm hiểu kỹ hơn vấn đề tế nhị này, có lẽ phải tốn công mò sang xứ Ấn Độ, về những vùng nông thôn.
Như tại ngôi làng Kurmaali, gần ngoại ô của thủ đô Đề-li, phụ nữ thường ra đồng lúc bình minh và hoàng hôn. Nói “bình minh” và “hoàng hôn” để thi vị hóa cái chuyện mà ngay như những thi hào cỡ Xuân Diệu chưa chắc có thể nói lên được thành thơ. Thực tế thì họ chờ chực đợi trời mới hửng sáng hoặc vừa chạng vạng tối thì mấy chị em trong xóm rủ nhau ra đồng. Ra tới nơi, họ tản ra mỗi người mỗi ngả. Theo lệ làng, đàn ông chỉ được ra đây lúc trời đã sáng rõ. Tuy vậy, nhiều tên trai làng phục kích sẵn để chọc ghẹo, tán tỉnh. Có khi xảy ra chuyện hãm hiếp hoặc mới đây có hai cô gái bị giết. Thường thì các cô chỉ bị… sờ mó. Khi được (báo chí) hỏi, cô hay bà nào cũng than thở về sự khốn khổ này. Điều khó hiểu là tại sao họ không làm một cái nhà (hoặc chòi) vệ sinh ngay trong vườn nhà mình? Vừa tiện lợi, vừa an toàn, vừa kín đáo, vừa… đủ thứ! Thà họ ở thành phố chật chội, khó kiếm ra miếng đất dù nhỏ bằng cái… hố xí. Chứ ở miền quê, nhà nào cũng dư thừa đất đai… sau vườn. Thế mà mấy chục, mấy trăm, thậm chí mấy ngàn năm nay ai cũng đi ra đồng như thế mỗi ngày! Người Ấn Độ nổi tiếng thông minh, sáng tạo. Cứ nhìn cái Đền Taj Mahal cũng đủ thấy người dân xứ này giỏi về kiến trúc như thế nào. Nghèo gì thì nghèo, thậm chí dốt mấy đi nữa, đào một cái… chòi sau nhà thì ai cũng làm được. Rõ ràng họ cố ý không làm nhà vệ sinh. Đối với đàn ông thì dễ hiểu. Ở đâu cũng vậy, Ấn Độ hay Việt Nam đều giống nhau. Còn đàn bà, nếu muốn, vẫn có thể tự mình đào một cái chòi nho nhỏ. Nếu bị chồng ngăn cản thì cứ… mắng vào mặt: “Bộ ông muốn người ta rình, mò, rờ vợ ông sao?” Nếu một mình làm không được thì rủ mấy chị em trong xóm xúm lại cùng làm chòi cho nhau. Trong khi đó, đi (ra) đồng vừa bất tiện vừa nguy hiểm… Thế thì tại sao?
Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn
Ngồi ngoài đồng, nhìn trời nhìn đất, lại nghe tiếng ai ngâm nga ở đâu đó vẳng lại thì buồn gì đi nữa vẫn thấy… thích. Nhất là các cô chưa chồng, khung cảnh ấy đem đến một cảm giác khó tả; vừa rộn rã, vừa âm ỉ, vừa bồi hồi:
Lá hồng rơi lặng ngõ thuôn
Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương
Chính vì thế mà ai hỏi cũng nói chị em chúng tôi rất buồn (khổ) về chuyện này! Cực chẳng đã phải đi (ra) đồng. Chẳng lẽ nói ngược lại?

Sự nguy hiểm đối với phụ nữ đi vệ sinh ngoài trời ở vùng nông thôn Ấn Độ đã được làm rõ vào tháng trước khi hai cô gái đã bị phục kích, hãm hiếp và treo cổ từ trên cây. Nhưng đi vệ sinh bên ngoài là bình thường đối với hầu hết dân làng Ấn Độ – NGUỒN BBC.COM