3.2 tỉ người đã theo dõi các trận tranh tài tại World Cup 2010, trong đó riêng trận chung kết đã có đến 750 triệu người đã xem trực tiếp. Chưa có những số liệu cuối cùng cho World Cup 2014 lần này, nhưng các con số dự đoán cho rằng sẽ còn cao hơn nữa. Cơn sốt World Cup mỗi bốn năm đang diễn ra khắp hoàn cầu và Hoa Kỳ không là ngoại lệ. Bên cạnh niềm say mê thể thao, khó có môn thể thao nào như bóng đá có thể đem lại cho người dân các quốc gia đang tranh tài một tinh thần dân tộc cao như vậy. Niềm vui của dịp lễ Độc Lập năm nay ắt có thêm phần hào hứng khi đội tuyển Hoa Kỳ được đi tiếp vào vòng hai giải vô địch World Cup.
Cổ động viên Hoa Kỳ tại World Cup 2014 – nguồn nbc.com
Từ Dallas đến Chicago, từ New York sang đến Los Angeles, hàng ngàn các cổ động viên đã lục đục kéo đến các cầu trường, các quảng trường từ sáng sớm để chuẩn bị và ủng hộ đội tuyển Mỹ trong trận quyết đấu cùng đội Đức được trình chiếu trực tiếp qua những màn ảnh đại vĩ tuyến hồi tuần trước. Các đài truyền hình cũng chiếu cảnh các binh sĩ Hoa Kỳ đồn trú tại nước ngoài cũng xôn xao tụ họp theo dõi và ủng hộ “gà nhà”. Không chỉ một rừng cờ Mỹ riêng trên cầu trường Pernambuco tại Brazil, nơi diễn ra cuộc tranh tài giữa Mỹ-Đức, mà những rừng cờ này còn dày đặc tại nhiều thành phố lớn nhỏ khắp nước Mỹ. Không nhiều đam mê bằng môn banh bầu dục đã ăn vào máu thịt dân Mỹ lâu năm, chưa náo nhiệt và đông đảo bằng những ngày hội Super Bowl, nhưng những hình ảnh ghi nhận được tại những nơi nói trên cũng đã cho thấy bóng đá Hoa Kỳ đang chuyển mình khi lôi kéo được nhiều cổ động viên Mỹ cùng đến, cùng tụ hội trong một tinh thần dân tộc, một tinh thần ái quốc để cổ vũ cho đội nhà.
Tổng Thống Mỹ Barack Obama và cố vấn cao cấp Valerie Jarrett xem trận đấu Mỹ và Đức trên chiếc Air Force One ngày 26 tháng sáu năm 2014 – nguồn REUTERS / Larry Downing
Chắc chắn nền bóng đá Hoa Kỳ đã lớn mạnh hơn trong vòng 20 năm qua, số người hâm mộ đã tăng theo thời gian, nhưng Hoa Kỳ phải còn rất lâu để bắt kịp sự đam mê và cuồng nhiệt của những “thánh địa bóng đá” trên khắp thế giới. Nhưng từ khi World Cup năm nay mở màn, từ khi Mỹ thắng Ghana ngay trận đấu đầu tiên, người dân Mỹ đã hòa mình vào không khí hào hứng của World Cup. Số người sử dụng facebook và twitter lên hàng chục triệu lượt lời bình hay tin nhắn trong mỗi trận Mỹ thi đấu và sau đó. Số liệu thăm dò của hãng Nielsen đưa ra con số khán giả xem trực tiếp trận Mỹ-Bồ Đào Nha trên ESPN và Univision lúc cao nhất lên đến 24.7 triệu, con số khán giả cao kỷ lục trong lịch sử bóng đá Hoa Kỳ cho một trận đá banh. Cơn sốt và số khán giả theo dõi trận Mỹ-Đức còn tăng cao hơn sau trận hòa đầy kịch tính với Bồ Đào Nha, khi không ít người đã cáo bịnh hay lấy ngày nghỉ để theo dõi trận đấu diễn ra giữa ngày, cũng như một số hãng đã cho phép giờ ăn trưa kéo dài để nhân viên có thời gian xem đấu và ủng hộ gà nhà. Nhưng số liệu của FIFA về World Cup mùa này có thể làm ngạc nhiên nhiều người hơn nữa là, cổ động viên Mỹ đã mua đến 200,000 vé xem các trận tranh tài tại Brazil, chỉ thua sau số vé bán ra cho người dân Brazil vào xem các trận đấu trên sân nhà. Số du khách và cổ động viên Mỹ đứng đầu danh sách số lượng du khách đến Brazil cho World Cup năm nay, vào khoảng 100,000 du khách theo như số liệu từ Đại sứ Quán Hoa Kỳ tại Rio. FIFA cũng cho biết một nửa khán giả trên sân cỏ trong trận Mỹ thắng Ghana, trong đó có Phó Tổng Thống Joe Biden và khoảng 20,000 cổ động viên Mỹ đã bay sang ủng hộ đội banh của mình. Thủ Quân Dempsey của Mỹ bảo rằng, “Có được khán giả Mỹ xem chúng tôi đấu các trận là có thêm cầu thủ thứ 12 cho đội. Và dù cho thi đấu trên sân Brazil, chúng tôi cũng cảm thấy như đang đá trên sân nhà”. Trên facebook, một số cổ động viên Mỹ cho biết họ để dành $5,000 cho chuyến sang Brazil ủng hộ đội nhà, nhưng dù có đắt hơn vẫn là xứng đáng. Quả có khoảnh khắc trong đời nào còn đáng nhớ và đáng sống hơn khi trực tiếp chứng kiến, hò reo trước chiến thắng đội tuyển quốc gia của mình trong một sự kiện lớn lao như vậy.
Nữ Thủ Tướng Đức Angela Merkel trên khán đài World Cup – nguồn nbc.com
Người hâm mộ Hoa Kỳ ở Detroit, thất vọng với 2 pha bóng cuối cùng trong trận Hoa Kỳ và Đức ngày 26 tháng 6, 2014. nguồn AP Photo / Paul Sancya
Báo chí cũng đưa tin tức, hình ảnh các Nguyên thủ quốc gia, các Quốc vương Hoàng hậu bay sang Brazil, ngồi trên hàng khán đài danh dự cổ vũ cho đội nhà hay vào tận phòng thay đồ bắt tay cùng cầu thủ của mình. Tổng Thống Obama trước trận Mỹ-Đức đã gởi tin nhắn khích lệ đến toàn đội, rồi trên đường công du sang Minneapolis cũng ngồi xem cùng các cố vấn của mình ngay trên chuyên cơ Air Force One đang bay và sau khi có kết quả trận đấu, đã chuyển lời tán dương đội tuyển đã vượt qua được “bảng tử thần” mà vào tiếp vòng hai. Nhưng ắt TT Obama cũng chưa bằng nữ Thủ Tướng Đức Angela Merkel, một “fan” nổi tiếng nhất của Đức khi chưa hề bỏ lỡ cơ hội sang ủng hộ đội nhà tại hai World Cup trước và ngay trận đầu tiên Đức thi đấu tại giải năm nay. Có thêm những khích lệ từ những người đứng đầu quốc gia, các cầu thủ tại World Cup thi đấu trong niềm hãnh diện, trong nỗ lực giành chiến thắng mang tính dân tộc, tính quốc gia hơn những trận đấu thể thao thông thường. Và cũng chính vì sự cuồng nhiệt và tinh thần dân tộc như vậy mà đã từng xảy ra chiến tranh giữa hai quốc gia El Salvador và Honduras vào năm 1969, khi thủ quân hai đội tuyên chiến trên cỏ trong trận đấu tranh quyền tham dự World Cup Mexico 1970. Hay những vụ bạo loạn đẫm máu trên sân cỏ giữa cổ động viên hai đội thi đấu, làm thiệt mạng hàng trăm người. Và cũng chính những trận banh thân hữu giữa các quốc gia được sử dụng như con đường ngoại giao, mở màn một mối quan hệ song phương mới.
Người hâm mộ Hàn Quốc trước Wilshire Park Place tại Koreatown trong trận đấu với Bỉ – nguồn Park Sang-hyuk / The Korea Times
Trở lại cùng World Cup năm nay, khi số báo đến tay độc giả thì đã có kết quả trận thư hùng giữa hai đội tuyển quốc gia Mỹ và Bỉ. Kết quả có như thế nào thì bóng đá tại Mỹ cũng được ghi nhận là thành công tại World Cup lần này, khi không phải về nước sớm như 16 đội banh khác. Nhưng thành công lớn nhất của nó vẫn là sự thu hút những người hâm mộ, lôi kéo được đông đảo khán giả. Đó là điều quan trọng tối hậu của thể thao. Thể thao nhà nghề cần có khán giả, yếu tố quyết định để vừa kiếm tiền vừa phát triển. Những đại tập đoàn cần khán giả, cần người tiêu thụ để bơm tiền tài trợ cho môn thể thao còn mới mẻ và chưa mấy đại chúng này. Bóng đá Hoa Kỳ cần tiền để mời gọi và phát triển tài năng, biến nó thành một môn thể thao nhà nghề như những môn thể thao khác. World Cup 2014 đã hé mở cánh cửa và những tia hy vọng cho tương lai bóng đá Hoa Kỳ khi từ tinh thần quốc gia, lòng ái quốc vốn sẵn mạnh mẽ sẽ chuyển sang niềm đam mê môn thể thao “vua” này. One Nation. One Team. Khẩu hiệu của đội tuyển Mỹ tại World Cup 2014 lần này đang đưa bóng đá Hoa Kỳ sang một trang mới.
Người hâm mộ phản ứng trong trận Mỹ – Ghana qua chiếc TV để ở phía sau một chiếc xe tải U-Haul, trong một con hẻm Pioneer Square ở Seattle, tiểu bang Washington – nguồn AP Photo / seattlepi.com, Jordan Stead
ĐYT