Xem tranh và vẽ tranh, việc nào quan trọng hơn?
Ở đây, tác giả xin không đề cập lại phương pháp xem tranh dành cho người mới bắt đầu, mà muốn nói đến tầm quan trọng của việc xem tranh. Riêng Việt Nam, việc học vẽ tranh là một nhu cầu của nhiều người, nhất là của giới trẻ, thậm chí có nhiều sinh viên coi việc có được tấm bằng Đại học Mỹ thuật là một danh vọng, nếu như không có đủ tiêu chuẩn để đậu các khoa bảng khác. Và không ít trong số đó biết vẽ nhưng lại không hề biết xem tranh, song phần lỗi này là do nhà trường không hề có thầy giỏi về dạy xem tranh.
Lại thêm hiện trạng hầu hết trường học các cấp đều không dạy học sinh tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật, hoặc chỉ dạy qua loa lấy lệ và không đúng quy cách. Vì thế mà ở Việt Nam họa sĩ rất đông nhưng người biết và yêu việc xem tranh thì chẳng có bao nhiêu. Sự chênh lệch này là nguyên nhân của sự vắng khách ở các phòng tranh hiện nay, dẫn đến tình trạng thị trường mỹ thuật Việt Nam ngày càng bấp bênh sống bám vào khách quốc tế du lịch hoặc những người làm việc lâu dài tại Việt Nam.
Thực ra, xem tranh cũng quan trọng không kém vẽ tranh. Biết và thích xem tranh là một điều rất quý không những cho ai đó, mà còn rất cần cho cả nền mỹ thuật của đất nước họ. Nền mỹ thuật bản địa nào muốn lớn mạnh cũng đều phải phụ thuộc vào người yêu tranh của nước đó. Chính họ mới làm giá tranh của họa sĩ nước họ cao hơn, không chỉ giữ lại trong nước những tác phẩm bất hủ mà còn mua về những bức tranh bất hủ khác của nhiều danh họa của nước mình đang bị rao bán tại những cuộc đấu giá quốc tế.
Xem tranh, lợi cho ai?
Xem tranh là một thú giải trí rất văn hóa cũng như đi xem kịch, xem phim, đọc sách… của con người. Ở đây chúng ta không bàn đến những lợi ích quan trọng mà thú xem tranh mang đến cho mỗi người vì nó quá hiển nhiên, điều lợi ích mang tính chiến lược cho mỗi nền mỹ thuật quốc gia là tạo được một tập quán xem tranh cho người dân. Đó chính là nguồn khách cho các phòng triển lãm, cho thị trường mỹ thuật và cho các viện bảo tàng, thậm chí họ cũng là nguồn độc giả cho các bài báo và sách viết về mỹ thuật. Riêng với giới doanh nhân, biết xem tranh đồng nghĩa với biết thẩm định cơ bản về tác phẩm sẽ giúp họ đi vào con đường kinh doanh nghệ thuật một cách lành mạnh, hòng tạo được một thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Rõ ràng, tình trạng vắng hoe khách xem tranh của các bảo tàng mỹ thuật và phòng triển lãm ở Việt Nam hiện nay là hậu quả tất yếu gây ra bởi sự giáo dục mỹ thuật tại học đường từ hàng chục năm qua.
Nhìn ra ngoài, không phải nhờ sự giàu có và hùng cường về khoa học và kinh tế mà tất yếu nền mỹ thuật của các nước Phương Tây trở nên tiên tiến, chắc chắn là không phải như vậy. Và cũng chắc chắn rằng ta sẽ không trở nên có văn hóa, văn minh sau khi ta có nhiều tiền. Văn hóa luôn là nền tảng cho mọi sự thăng tiến, vì thế người phương Tây luôn chuẩn bị nền văn hóa từ rất sớm cho lớp công dân trẻ của họ. Tác giả đã từng chứng kiến cảnh các bé từ 6-8 tuổi được cô giáo hướng dẫn xem tranh tại Bảo tàng Mỹ Thuật Hiện Đại Paris một cách nghiêm túc và hào hứng. Thật ngạc nhiên khi chứng kiến một bé gái khoảng 7 tuổi trả lời một cách chính xác và rành mạch về một bức tranh lập thể của Picasso vẽ một bãi biển đang được treo trước mặt. Càng ngạc nhiên hơn khi cô giáo hỏi bức treo bên phía tay phải em là của họa sĩ nào? Bé trả lời ngay không chút đắn đo: “Thưa cô, đó là tranh của họa sĩ Kandinsky, một tác phẩm trừu tượng”. Thì ra, sau khi trao đổi với cô giáo của các bé, tác giả mới biết là các em được chuẩn bị ở lớp rất kỹ bằng các bài giảng về cách vẽ, cũng như xem tác phẩm được in lại của các họa sĩ mà các em sẽ đi xem tại bảo tàng mỹ thuật. Mặt khác, cũng nằm trong chính sách giáo dục văn hóa của nước Pháp, cứ mỗi thứ tư trong tuần, các học sinh được xem tranh miễn phí và sinh viên thì vào cửa được giảm giá phân nửa. Thảo nào các bảo tàng mỹ thuật ở các nước tiên tiến lúc nào cũng đông người xem dù vé vào cửa không rẻ.
Để việc xem tranh trở thành một tập quán thì phải được bắt đầu từ tuổi thơ. Nếu không được hướng dẫn từ mẫu giáo thì cũng phải từ tiểu học, để đến trung học mới thực hiện việc hướng dẫn các em xem tranh đã là trễ. Thế nhưng không hiểu sao nền giáo dục ở VN vẫn còn thản nhiên đặt nó bên ngoài, dù giờ đây đã là thế kỷ XXI.
CHƠI TRANH
Những gì cần cho người chơi tranh?
Như thế, biết xem tranh thì mới nên chơi tranh. Vì nhờ có kiến thức người chơi tranh sẽ không khó khăn gì để tránh được việc mua nhầm tranh giả, hay nhận biết giá trị sáng tạo của họa sĩ, sự khác nhau giữa các trường phái và nhận ra phong cách của từng họa sĩ. Hẳn nhiên, việc bạn yêu một loại tranh nào lại là chuyện riêng của bạn, nhưng có kiến thức về mỹ thuật bạn sẽ tránh được việc khen chê không đúng cách. Biết xem tranh có trình độ cao (chỉ bắt buộc cho họa sĩ và nhà phê bình) là biết cả màu vẽ tốt hay xấu, biết cả bố vẽ được dệt từ loại sợi nào và đã được sơn lót có đúng cách hay không…
Để chơi tranh của các danh họa, người sưu tập tất nhiên là phải có nhiều tiền. Tuy nhiên, có ít tiền vẫn có thể chơi được tranh tốt dù là của họa sĩ không mấy tên tuổi. Nhưng không nhất thiết phải cố mua tranh của các danh họa, bạn có thể chọn tranh của các họa sĩ trẻ, chưa nổi tiếng nhưng nhờ có trình độ xem tranh cao tay, bạn có thể nhận ra tài năng đầy triển vọng trong số họ để mua. Dù sao chơi tranh thật vẫn thú vị hơn là chơi tranh của các bậc thầy mà toàn là bản copy.
Một trong những điều kiện quan trọng mà người mua tranh phải biết là xem bức tranh có được vẽ bằng mầu tốt không, tranh có bị nấm mốc và màu có bị xuống chất không; toan vẽ mặt sau có bị thấm dầu không (nếu là tranh sơn dầu); khi đưa lên ngược sáng, có tia sáng nào lọt qua sau lưng bức tranh không; và cuối cùng là biết treo tranh đúng cách nhằm bảo quản tác phẩm. Một trong những sai lầm nghiêm trọng là treo tranh tại những nơi ẩm thấp, nhiều khói và hơi nước như tại những nhà hàng ăn uống, quán phở và quán càfê, hoặc để ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào mặt tranh… Tất cả những điều kiện thời tiết có độ ẩm cao như ở miền Bắc Việt Nam vào mùa Thu-Đông đều có thể khiến tranh bị hư hỏng (xuống màu, bong tróc, nấm mốc…). Điều này đã xảy ra với tranh của các danh họa Việt Nam thuộc các thế hệ Mỹ Thuật Đông Dương do tư nhân và chính quyền lưu giữ. Phần lớn là không được bảo quản đúng cách, nhất là các tranh sơn dầu và bột màu được vẽ trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam. Hẳn nhiên, nếu bạn ở phương Tây thì bạn có thể uỷ thác những việc thẩm định, tư vấn, kỹ thuật phục chế… cho các chuyên gia hoặc công ty bảo hiểm tác phẩm nghệ thuật. Còn ở trong nước thì ngay cả nhiều họa sĩ Việt có tiếng đương thời cũng không biết nhiều về những điều bài viết vừa đề cập, huống gì đến những người buôn bán tranh, kể cả những “đại gia” sưu tập tranh.
Từ trái qua: Họa sĩ Đinh Cường, Hồ Đình Nghiêm, Châu Ngọc Bích, Nhà văn họa sĩ Võ Đình tại phòng trưng bày tranh Võ Đình ở Montreal, 1992 – Nguồn sangtao.org
Vậy chơi tranh có lợi gì?
Như tôi đã đề cập ở bài viết trước, chơi tranh có đến vài cái lợi:
– Giữ lại nhiều tác phẩm nghệ thuật trong ngôi nhà của mình, đem lại những thú vị tinh thần đặc biệt mỗi khi thưởng thức nó.
– Chơi tranh sẽ giáo dục được con cháu về tình yêu nghệ thuật và hiểu biết lịch sử phát triển nền mỹ thuật một cách thực tế nhất.
– Chơi tranh cũng là cách đầu tư không sợ rớt giá.
– Chơi tranh sẽ giữ lại những tác phẩm quý của các danh họa Việt Nam.
– Và sau cùng, chơi tranh là nuôi dưỡng tài năng sáng tạo của họa sĩ Việt Nam, giúp ngành gallery Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp, có giá trị xứng đáng trên thị trường nghệ thuật quốc tế.
THẨM ĐỊNH TRANH
Một khoa học chưa được
quan tâm đúng mức ở Việt Nam
Thẩm định tranh là việc xem tranh của giới chuyên môn (họa sĩ, nhà phê bình). Họ không xem tranh như người yêu tranh (chủ yếu là cảm tính). Họ không hỏi đại loại như bức tranh này vẽ cái gì, khen bức này mầu sắc êm dịu, chê bức kia màu “chỏi” quá… mà họ sẽ đánh giá phong cách hội họa, trình độ kỹ năng và sau cùng là hiệu quả thẩm mỹ của tác phẩm. Đây là một công việc đòi hỏi người thẩm định tranh phải có nhiều kiến thức chuyên môn. Các trường mỹ thuật ở Việt Nam không có khoa dạy về cách thẩm định tác phẩm hội họa đúng chuyên môn.
Dưới thể chế xã hội chủ nghĩa, khoa lý luận và phê bình chỉ tập trung ở nội dung chính trị, xem nhẹ phần sáng tạo nghệ thuật và dị ứng với những cái mới. Một trong nhiều ví dụ về sự đóng góp rất âm thầm của những nhà hóa học cho giới nghệ sĩ tạo hình có được nhiều chọn lựa về các chất phụ gia, các loại dầu pha màu. Họ còn tạo ra màu riêng theo sự yêu cầu đặc biệt của họa sĩ, như mầu đen trong tranh trừu tượng của danh họa Soulages là một đặc chế riêng bởi một kỹ sư hóa học; vì ông không muốn dùng mầu đen có sẵn trên thị trường.
Anne Pontegnie, một chuyên gia thẩm định – nguồn wikimedia.org
Để thẩm định một bức tranh cần có những phẩm chất nào
Được ngồi vào ghế của một nhà thẩm định tranh là một vinh dự lớn cho người làm nghệ thuật, nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất lợi nếu bạn không có đủ kiến thức chuyên môn về cả lý thuyết lẫn kỹ thuật vẽ tranh. Có thể coi một nhà thẩm định tác phẩm nghệ thuật như một người thuộc hết quyển tự điển. Họ nhìn vào một tác phẩm là biết ngay lối vẽ này thuộc về trường phái nào, bút pháp ở trình độ nào, kỹ thuật non tay hay điêu luyện, tư duy nghệ thuật của tác giả mới lạ hay vay mượn của ai…
Khi nói về một nhà phê bình thơ thế nào là hay như sau: “Phê bình thơ thì ai cũng phê bình được, nhưng để phê bình cho hay thì phải là một nhà thơ có tài”. Còn trong mỹ thuật, một nhà phê bình hội họa giỏi có khi lại là một họa sĩ “thất bại”. Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng thật ra đây là một kiểu ca ngợi kín đáo dành cho những nhà phê bình không phải là họa sĩ nhưng lại có kiến thức mỹ thuật rất uyên bác và có một cảm quan thưởng ngoạn sáng tạo nghệ thuật bén nhạy, như trường hợp tác giả Tuyên ngôn Siêu thực (Manifeste du Surréalisme) – nhà văn André Breton và tác giả cuốn sách nổi tiếng Les Voix du Silence – nhà văn André Malraux. Cả hai ông đều là người Pháp, đã viết và đóng góp rất lớn cho sự phát triển mỹ thuật hiện đại Phương Tây.
Riêng ở Việt Nam, trong lãnh vực phê bình mỹ thuật, Thái Bá Vân (quá cố) – tác giả của Tiếp Xúc Với Mỹ Thuật và Huỳnh Hữu Ủy – tác giả cuốn sách Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại cũng là những người đã để lại một dấu ấn kiến thức nghệ thuật khó quên như thế.
TC – SG 12.2008