Menu Close

Tequila

alt

PHOTO BẢOHUÂN

Người chưa đi Cancun hỏi người đi du lịch về rằng: “Đi Cancun vui không?”. Trong lòng vui thì chỗ nào cũng vui, không nhất thiết phải đi chơi mới vui. Đi chơi mà vừa đi vừa khóc, tất nhiên là buồn. Nếu đi du lịch vùng biển, tắm biển là chuyện bình thường thì lái Jetski, ca nô, dù lượn, lặn biển, lên tàu câu cá, xem cá biển bơi lội tung tăng sẽ làm đầu óc người ta hưng phấn. Nhưng để làm tâm hồn quay cuồng, hầu hết ma men nào cũng biết, đó là Tequila.

“Tequila, Tequila, Tequila… Cùng chung quay cùng khúc nhạc vui / Cười lên cho cuộc sống đẹp tươi màu / Cùng say sưa mình uống cạn ly / Cho ngất ngây tâm hồn cuồng si trong tiếng ca vang lừng”. Tiếng nhạc bập bùng trong giai điệu nhanh, người ngồi người đứng lắc lư quay cuồng chật kín trong bar khi bài hát Tequila cất lên qua giọng hát của một ca sĩ da đen. Giọng hát hay, mạnh khiến tôi phải dùng lời nhạc Việt của cố ca nhạc sĩ Trường Kỳ viết ra để các bạn có thể hình dung được chất men Tequila ép  phê đến cỡ nào. Vốn không phải là người hay uống rượu nhưng tôi đã được nếm thử trước đó trong bữa ăn tối của ngày đầu tiên đến Cancun.

alt

Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, anh bạn Mexico và Tequila PHOTO BẢOHUÂN

Tôi ngồi trong góc khuất, mặt còn nóng bừng và đôi chân thì cứ lắc theo nhịp điệu cùng khúc nhạc vui. Khi đó trong đầu tôi tự hỏi, tại sao nhạc sĩ viết ra bài “Tequila” chứ không phải Rhum, Brandy hay Cognac? Không có câu trả lời cho đến khi sực nhớ hồi trưa tôi và nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp là hai người trong đoàn du lịch  báo Trẻ bước ra khỏi sân bay sớm nhất. Trong khi chờ anh em đông đủ, chúng tôi nói chuyện với anh hướng dẫn viên du lịch của đoàn. Raphael ca ngợi thứ quốc tửu của đất nước mình và bảo sẽ chỉ cho tôi cách uống Tequila. Xin nhắc lại lần nữa, không phải người biết uống rượu cho nên tôi chỉ nghe qua rồi bỏ.

Nhưng giờ đây, ngồi trong quán bar nhạc sống, tôi không thể cưỡng lại được thứ âm thanh hát về món rượu quốc hồn của người Mexico thôi thúc vui tươi tràn đầy nhựa sống và lãng mạn đến thế. Tôi đứng dậy, định nhón chân vòng qua hành lang đi tìm Raphael ở quầy tour du lịch. Lẩn thẩn! giờ này anh ta chắc đã nốc vài ly quốc tửu lên mây cùng với vợ ở nhà hay dẫn vài vị khách đi tour bay đêm Night Club trong trung tâm thành phố. Tôi ngồi xuống nghe cho hết bài Tequila rồi bước ra, đi về phía nhà hàng buffet ban chiều không phải kiếm đồ ăn tối mà là học cách uống Tequila như một người Mexico thực thụ.

Thật ra về cái khoản “lỳ một lam” thì tôi dở ẹt. Uống một ly rượu mạnh tôi nhấp nhiều ngụm không khác gì thằn lằn uống nước. Nhưng lúc chiều muộn, đứng gần quầy rượu hồ bơi tôi để ý có mấy người khách đến nói gì đó với bartender, anh ta đem ra một cái ly thủy tinh (giống hồi bữa ăn tối tôi đã uống), pha thêm vào đó hai ba giọt rượu mùi Kahlua, đặt miếng chanh lên miệng ly và nói với khách “one time bottom up”. Tôi hiểu ngay là, “quất cái tróc”. Bài hát Tequila đã làm tôi hưng phấn và lòng chợt trỗi dậy những hoài niệm ngày xưa. Tôi muốn tìm lại đúng cái cảm giác của nhiều năm trước đây tôi đã từng biết. Kiểu nghi thức chào sân dành cho người từ nước khác đến đất nước Nga trong đêm sinh hoạt giao lưu văn hóa với nền nhạc tưng bừng của bài Vodka Fesa truyền thống đã làm tôi lâng lâng bay bổng.

alt

Cánh đồng trồng cây AgaveNGUỒN DAVECTRAVEL.WORLDPRESS.COM

Tôi bước đến quầy, để những ngón tay của mình lướt dọc theo từng chai rượu đủ màu sắc, đủ kích cỡ. Tôi cứ quay đi quay lại mãi mà không biết nên chọn loại nào. Nghĩ vậy rồi tôi liền dừng tay ở chai rượu bằng thủy tinh trong suốt đúc nổi hình một cành hoa hồng và phần chất lỏng bên trong có màu vàng ánh như mật ong nhìn rất đẹp. Tôi xoay phần nhãn ghi tên loại rượu về phía mình và nhíu mày đọc những dòng chữ bé xíu. “Tequila, nồng độ 46%…”. Phía dưới đó còn ghi sản xuất tại Mexico với chất lượng hảo hạng và có mấy con số in to nhưng tôi không mấy quan tâm. Tôi kêu bartender pha cho tôi một ly ra vẻ.

Một luồng khí nóng chạy từ cổ họng xuống tận bao tử, mắt thấy những ánh đèn chung quanh lung linh như những vì sao và tiếng sóng biển trước mặt thầm thì vẫy gọi. Tôi bước chân thẳng ra biển cho đến khi chạm đầu gối vào bức tường chắn. Tôi cúi xuống nhìn thấy hàng chữ “Meeting Point”. Hừm, gặp ai bây giờ? Chống hai cùi chỏ lên mặt lan can tường chắn, tôi chồm mình nhìn xuống mặt cát mơ hồ thấy đôi tình nhân đang say tình trao nhau những nụ hôn nồng cháy. Quay về thôi, đứng đó để mà thèm ư. Đi ngang qua bar rượu, tiếng nhạc vang ra không náo nhiệt như lúc nãy mà như từ trong giấc mơ, êm đềm như suối chảy đưa bước chân tôi phiêu bồng về đến tận cửa phòng.

alt

“Này mấy amigo báo Trẻ, tới Cancun mà không uống Tequila, chết sướng hơn!”

Nói say thì tôi chẳng say. Tôi chỉ có cảm giác lâng lâng bay bổng. Cảm giác này thích hơn say mèm không còn biết gì nữa. Thứ rượu đế của Mexico, Vodka của người Nga hay “nước mắt quê hương” người Việt mình nấu bằng gạo nếp, lúa mạch lại có nồng độ cao đến mức có thể nướng chín con khô mực. Không còn biết làm gì hơn ngả mình thư thái nằm trong phòng một mình. Họa sĩ Bảo Huân đi xem show chưa về nên trong phòng vắng lặng. Có anh nhộn hơn, hẳn lại đem ảnh chụp những con chim lạ ra khoe, không khéo lại thành chuyên gia chụp chim mất. Tôi với tay lấy quyển sách ảnh bìa cứng nói về đất nước Mexico trên chiếc tủ đầu giường. Sách in đẹp, có vài trang nói về rượu Tequila truyền thống và cả câu chuyện truyền thuyết về thứ rượu này.

alt

Cây Agave được đưa về nhà máy chế biếnNGUỒN KITCHENSISTERS.ORG

Vào thời đại của người Aztèque, trên vùng đất Tequila một hôm một cú sét đánh xuống cánh đồng trồng Agave (dứa Mỹ). Nhiệt độ quá cao khiến cho cây chín cả trong ruột rồi lên men tự nhiên. Các thổ dân rất ngạc nhiên khi thấy một chất lỏng thơm ngát rịn ra từ bên trong. Một vài người bạo gan nếm thử thứ chất lỏng trời ban đó. Thế là rượu Tequila ra đời. Tequila chỉ được làm ra từ cây Agave, loại cây phổ biến tại Mexico. Tiêu chuẩn Mexico định đặt rằng ít nhất phải có 51% rượu trong Tequila được làm từ cây Agave xanh. Mỗi chai rượu được gắn một con số chỉ lò sản xuất. Xưởng nấu rượu đầu tiên được Juan Sanchez de Tegla Caballero de la Orden de Calabra lập ra vào thế kỷ 18, nhưng giấy phép nấu rượu chính thức là do vua Charles IV cấp đầu tiên vào năm 1795 cho Don José de Cuervo, và xưởng xuất cảng Tequila đầu tiên sang Mỹ là của Don Cenobio Sauza năm 1873. Hiện nay chỉ có khoảng 50 lò rượu Tequila được chính quyền cấp giấy phép. Năm 2006 tổ chức UNESCO đã công nhận rượu Tequila và các lò rượu cũ là di sản của nhân loại.

Té ra tôi cứ nhầm tưởng Tequila được lên men từ gạo. Nhưng nhìn những bụi Agave thì tôi biết chắc những người khác cũng nhầm nốt rằng rượu Tequila được làm ra từ các loại xương rồng. Không có đồ uống cồn nào được làm từ cây xương rồng như người ta vẫn đồn đại. Tuy nhiên, xương rồng được sử dụng trong một số thức uống trái cây, sa lát và các mặt hàng thực phẩm khác ở Mexico. Có hơn trăm loài Agave ở Mexico, trong đó cây Agave Weber xanh là loài duy nhất được cho phép để sử dụng trong sản xuất rượu Tequila. Một số loài khác được dùng trong rượu Mezcal, trong đó có một loài hoang dã quý hiếm là Tobala.

alt

Chiều trên bờ biển  Cancun và TequilaPHOTO BẢOHUÂN

Sẵn thấy có mấy công thức pha chế Tequila, tôi xin chép lại để ai thích có thể tự pha cho mình một ly cocktail khi cần thiết.

Brave Bull: 30ml Tequila, 15ml Kahlua, pha trực tiếp hai thứ rượu với vài viên nước đá, trang trí thêm lát chanh hay cam. Brave Bull dùng để uống sau bữa ăn.

Tequila Sunrise: 30ml Tequila, 120ml nước cam, vài giọt sirup tùy thích, pha trực tiếp các nguyên liệu với đá bào, cho vào ly cao thêm lát cam trên miệng ly cho thơm. Tequila Sunrise dùng uống giải khát.

Acapulco: 30ml Tequila, 30mp light Rhum, 15ml Mabilu, 60ml nước dứa, 30ml nước nho. Cho tất cả nguyên liệu vào xay chung với nước đá. Dùng ly tulip để uống loại cocktail này.

Còn vài món nữa rất hay nhưng bây giờ thì Tequila đã thấm.

alt

NT