Hàm Trần ‘mê’ gia đình. Đó là cốt lõi cho đời sống và tác phẩm của anh. Các phim ngắn đầu tay cũng như phim-thành-danh “Vượt Sóng” của anh luôn xoay quanh những người thân và cuộc sống gia đình. Phim của anh đăm đắm về những khung cảnh đời thường thân quen, những kỷ niệm ấu thơ đã khắn sâu trong tâm khảm, những tình cảm gia đình khắn khít, sống chết có nhau. Nhưng chính những mắc xích đơn sơ ấy lại tạo nên những bức tranh kỳ vĩ, giúp thế giới hiểu về một giai đoạn lịch sử cận đại nhiều thăng trầm và đầy can trường của người dân Việt trên màn ảnh bạc.
Được ngủ chung giường với Ba Mẹ cho tới năm 6 tuổi. 8 tuổi mới hết đái dầm. Khổ cho người anh của Hàm, phải lau sàn nhà và giặt ra giường sáng hôm sau. Anh cự nự, sao Hàm đái dầm mà anh phải lau? Thì tại vì Hàm còn nhỏ mà! Con Út có khác!
Đó là Hàm Trần trong đời thật. Một Hàm Trần không khác với Đạo diễn sáng giá của “Vượt Sóng” và nhiều phim giá trị khác. Nhưng là một Hàm Trần có lẽ ít ai trong chúng ta được biết.
Nhưng nói về Hàm Trần là nói về gia đình, về tuổi thơ, về Chợ Lớn, về những buổi sáng thức dậy trong mùi thơm nồng nàn của sạp cơm tấm của Bà Nội. Nói về Hàm Trần, là nói về những đêm khuya, hai ba giờ sáng, cậu bé đứng bên mẹ trong đêm trăng, cạnh cái cổng sắt trước căn nhà cuối hẻm, lặng lẽ chờ ba còn đi làm ăn giao tiếp chưa về. Nói về Hàm Trần, là nói về sự quây quần của gia đình, về cái dây thiêng liêng mà rất thật của một đời sống nương tựa vào nhau trong những giai đoạn khốn khổ nhất.

Đạo diễn Hàm Trần
Nhiều đêm đứng chờ Ba về như vậy có sợ không? Có chán không? Có buồn ngủ không? “Không. Đó là thời gian Hàm được ở với Mẹ một mình, nên không thấy sợ, chỉ thấy êm ả. Mà cũng không buồn ngủ nữa,” Hàm kể. Tất cả những kinh nghiệm sống đã khiến cho Hàm thiên về đề tài gia đình. Anh luôn muốn tìm hiểu về quan hệ, xung đột, và tình thân trong gia đình. Có một truyện phim về tuổi thiếu thời mà Hàm đã bắt đầu ‘viết-trong-đầu’ từ hồi còn học trường điện ảnh, “Nhưng phải đến 50 tuổi thì Hàm mới thực hiện phim này, vì lúc đó, mình có nhiều hoài cảm hơn, sẽ thấm thía hơn.” Chúng ta ráng chờ thêm mười mấy năm nữa vậy!
Cả bốn ông bà Nội Ngoại của Hàm đều di cư từ Triều Châu qua Việt Nam từ trước Đệ Nhị Thế Chiến. Lúc Ba Hàm mới 16 tuổi, Bà Nội mất. Ông Nội đau buồn, buông xuôi. Ba Hàm trở thành ‘người mẹ’ cho sáu em, và bươn chải kiếm sống cho cả gia đình. Cái tang của Bà Nội đã để lại một dấu ấn nhiều bi kịch cho cả gia đình, nhất là cho cậu con trai 16 tuổi của bà. Trong khung cảnh tang chế ấy, người cha mất hết năng lực sống, cho đến khi ông gặp một phụ nữ Việt tại Vĩnh Long.
Ông Nội tái giá. Đây mới là Bà Nội mà Hàm biết, vì Hàm lớn lên với Bà. Có lẽ chính nhờ Bà Nội mà Hàm được hưởng nhiều hương vị, ngôn ngữ, và tâm tình Việt nhất. Tuy sống ở Chợ Lớn, nhưng các anh chị em của Hàm đều đi học trường Việt, và chưa bao giờ học trường Hoa, tuy có thầy dạy kèm tiếng Hoa tại nhà, và trong gia đình sử dụng chủ yếu là tiếng Triều Châu.
Bà Ngoại của Hàm chính là ‘bà mai’ cho Ba Mẹ anh. Bà đã chấm Ba Hàm cho con gái mình từ lâu, nhưng mãi đến khi Ba Hàm bị thất tình, bà mới có cơ hội ‘hành động.’ Bà nghĩ, “Cậu trai này có thể quán xuyến và chăm sóc cho cả một gia đình nửa tá con, thì sẽ lo được cho con gái mình!” Người mẹ vợ tương lai này thương Ba Hàm hết mực. Được ‘bà mai’ giới thiệu, Ba Mẹ Hàm bắt đầu thư đi tin lại, rồi họ cưới nhau. Hàm vẫn chứng kiến Ba Mẹ viết thư cho nhau nhiều năm sau khi gia đình đến Mỹ. Sau đám cưới, Ba Mẹ Hàm cùng nhau quán xuyến gia đình. Tuy nhiên, Ba Hàm vẫn là người cáng đáng phần tài chính. Ông làm tất cả những gì mình có thể để nuôi sống gia đình. Nhờ đó, năm Hàm được 6 tuổi, cả gia đình được đi chơi xa lần đầu ở Vũng Tàu.

Hàm Trần thời thơ ấu
Qua hoàn cảnh mồ côi mẹ của Ba mình, Hàm nhận ra rằng một gia đình có thể trải qua nhiều thăng trầm, nhưng cuối cùng vẫn giải hòa và xây dựng lại tình thân. Ba Hàm luôn có óc học hỏi. Khi ở Việt Nam, ông tự học và nói thông thạo tiếng Việt, tiếng Phổ Thông, Quảng Đông, Triều Châu, và học thêm tiếng Anh khi sang Mỹ. Mẹ Hàm nói được ngần ấy thứ tiếng, và tiếng Pháp. Tôi cho rằng Hàm là một người may mắn, từ nhỏ đã được mỗi ngày tung tăng giữa một rừng ngôn ngữ.
Hàm được sinh ra và lớn lên ở Chợ Lớn cho đến khi sang Hoa Kỳ năm 8 tuổi. Một người cô đã vượt biển hồi cuối thập niên 70, và bảo lãnh gia đình Hàm đến Mỹ qua dạng ODP đoàn tụ gia đình, với sự giúp đỡ của hội Christian Coalition. Trong giai đoạn này, các gia đình trước khi định cư tại Hoa Kỳ đều phải thông qua các trại chuyển tiếp ở các nước Châu Á khác. Gia đình Hàm ở tại trại chuyển tiếp ở Thái Lan, rồi bay qua Hồng Kông, ngừng ở Tokyo, rồi sang Los Angeles.
Ban đầu, gia đình anh sống tại Reseda. May thay, bác Yến, một người bạn của Ba Hàm, khuyên gia đình nên dọn về Orange County, và để cho gia đình Hàm cùng sống với hai mẹ con bác trong căn apartment nhỏ tại Santa Ana. Ba Mẹ Hàm không chỉ đến ‘ở nhờ’ một mình, mà còn dắt theo bốn đứa con nhỏ. “Đông đúc vô cùng,” Hàm nói. Căn hộ chỉ có hai phòng. Mẹ và em gái Hàm ở chung một phòng với bác Yến. Cánh mày râu lớn bé chung nhau phòng kia. Anh vẫn còn nhớ rõ mồn một những kỷ niệm của gia đình mình thời đó.
Sau một vài tháng, gia đình anh tìm được một căn hộ cách nhà bác Yến vài căn, và ở đó cho đến khi Hàm vào trung học. Đối với Hàm, bác Yến là một phụ nữ tốt bụng và là ân nhân của gia đình anh. Tôi liên tưởng đến câu ngạn ngữ của người Đan Mạch, “Trong lòng có chỗ, thì trong nhà sẽ có chỗ.” Bác Yến là một bằng chứng của chân lý này. Và trong hoàn cảnh mới định cư ban đầu của người Việt, cũng như hiện nay, vẫn có rất nhiều “Bác Yến” giữa chúng ta, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, vun xén tình đồng hương.
Cộng đồng Việt tại Tiểu Sàigòn cũng lớn mạnh dần mỗi ngày kể từ thời gian đó. Gia đình Hàm tìm lại được mạch văn hóa tại Quận Cam, nhưng Ba Hàm cũng muốn thích ứng với đời sống mới, nên gia đình chú trọng việc hội nhập, và ‘tách ly’ khỏi môi trường văn hóa Việt. “Ai cũng muốn trở thành người Mỹ, vì khi Hàm lớn lên, nếu mình không nhập cuộc, thì mình sẽ bị kỳ thị,” Hàm nhận xét.
Ba Hàm muốn con cái đi lễ nhà thờ, tuy gia đình vốn gốc Phật Giáo. Lòng biết ơn tột cùng của ông đã lý luận rằng, “Gì thì gì, người của Chúa giúp chúng ta sang Mỹ, nên chúng ta phải tin Chúa và tỏ lòng biết ơn.” Nhưng cũng như người ta không thể ‘xóa’ một phần nhân diện hay quá khứ của mình, Hàm cũng không thể ‘quên’ nét Phật của tám năm đầu đời. Bà Nội anh hiện nay cũng đã quy y tại Việt Nam. Anh nói, “Cũng lạ lắm. Khi cầu nguyện, thì Hàm cầu nguyện với Chúa. Nhưng có nhiều việc khác, thì Hàm vẫn tin Phật.”

Poster phim “Vượt sóng”
Từ lúc qua Mỹ, ở nhà chỉ nói tiếng Triều Châu. Mãi đến khi vào đại học, Hàm mới gia nhập Club O’Noodles, và bắt đầu nói tiếng Việt trở lại. Và anh nhận chân, “Gốc rể văn hóa của Hàm là Việt Nam. Tuy Hàm hiểu văn hóa Trung Hoa, nhưng đó không phải là văn hóa mà Hàm gắn bó.” Tuy anh nói tiếng Việt hơi ‘vụng’ (chữ của tôi), nhưng Hàm có thể thẩm thấu và cảm nhận những tình cảm và lối sống Việt một cách trọn vẹn.
Được nhận vào UCLA, Hàm chọn học một ngành ‘không truyền thống’ đối với người Việt: Anh ngữ. Tôi cũng theo ngành này tại CSU Fullerton, và không có một bạn Việt Nam cùng khóa nào cả. Không biết Hàm có bao nhiêu bạn Việt Nam cùng ngành khi học cử nhân? Sau tốt nghiệp, Hàm tiếp tục học Cao học Điện ảnh, chuyên về Đạo diễn, tại trường Phim và Truyền hình của UCLA. Anh luôn đa dạng trong công việc sáng tạo: làm phim, viết kịch, đạo diễn kịch, trình diễn, làm thơ.
Chính sự phong phú trong sáng tạo đã đưa anh đến với thành công nhanh chóng. Anh đoạt nhiều giải điện ảnh cao quý, như The Princess Grace Award, giải The Audience Award for Best Short Film tại Liên Hoan Điện Ảnh Quốc Tế Viff do VAALA tổ chức, và được đề cử cho giải National Finalist for the Student Academy Awards trong hai năm liền. Luận án tốt nghiệp của Hàm, Ngày Giỗ/The Anniversary, đoạt giải The USA Film Festival award for Best Short Film, và đủ tiêu chuẩn để tranh giải 2004 Academy Awards for Best Live Action Short.
Hàm đã thực hiện rất nhiều phim ngắn lẫn phim feature, như Ngày Giỗ/The Anniversary (2004), Pomegranate (2002), Pairents (2002), The Prescription (2001), Poetree (2000), và Sisyphus (2000). Và tác phẩm để đời của anh vẫn là phim Vượt Sóng, hay “Journey from the Fall.” Đây là bộ phim đầu tiên gói trọn hành trình hậu chiến của người Việt, cả trong nước lẫn hải ngoại, bộc bạch những nỗi niềm bị chôn vùi vì sự đàn áp chính trị, như kinh nghiệm tù cải tạo, hay can đảm tìm về những biển đen hãi hùng bi thương của phong trào thuyền nhân.
Tuy ‘Vượt Sóng’ lấy cả hồn cả tim và nhất là nước mắt của khán giả, cá nhân Hàm lại là một người thích khôi hài và vui tính. Nhưng anh biết anh cần một tác phẩm có tầm vóc để đưa phim Việt tính vào thị trường Mỹ. Từ những ngày đầu khi “Vượt Sóng” được trình chiếu tại các rạp, Hàm vẫn luôn vận động cho một ‘consumer identity’ của người Việt. Và đây cũng là thao thức hiện nay của Hàm: làm sao để chính cộng đồng Việt xây dựng một quỹ đầu tư cho điện ảnh, để chúng ta được thưởng thức phim Việt thường xuyên và đều đặn, thay vì phải đợi vài năm mới được xem một phim giá trị. Và để chúng ta không bị thị trường phim từ Việt Nam ‘lấn’ đất.
Qua tất cả những thành công về điện ảnh, đâu là màn diễn mà Hàm cho là đạt nhất của mình? Là sự cởi mở, đón nhận tất cả, linh động để làm việc với mọi người và mọi hoàn cảnh. Tôi cho rằng chính thái độ cởi mở này đã giúp Hàm luôn có một cái nhìn thoáng, tạo ra một không gian mà những ai quan tâm đều có thể góp một bàn tay để giúp Hàm hoàn tất những tác phẩm để đời và rất ‘organic.’ Và sắp tới đây, Hàm sẽ trình làng một bộ phim ma, chắc sẽ lấy mất vía người xem chứ chẳng chơi!
Hàm Trần muốn đạt điều gì trong 10 năm nữa? Anh muốn tiếp tục thực hiện những tác phẩm điện ảnh có ý nghĩa, và muốn được làm cha. Anh thích con trai hay con gái đầu lòng? Trai gái không quan trọng. Có con là vui lắm rồi!
Chúc Hàm Trần có nhiều tác phẩm trong thập niên tới: cả tác phẩm để bế, lẫn tác phẩm để chiếu.
Ghi Chú:
Bài viết sau được thực hiện bằng phương pháp lịch sử truyền, Hàm Trần trả lời tiếng Anh. Tác giả chuyển mạch, sáng tác Việt ngữ.