Thưa bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Chồng tôi là người Mỹ, năm nay 30 tuổi, khỏe mạnh còn tôi 28 và chúng tôi cố gắng để có thai từ 6 tháng nay mà không được. Tôi đang tìm hiểu nguyên nhân tại sao. Bố chồng tôi trước đây có chiến đấu ở nơi có chất độc da cam tại Việt Nam. Liệu sự kiện này có một ảnh hưởng gì tới sức khỏe của chồng tôi không.
Ngoài ra, đường kinh của tôi không đều. Có phải rằng phụ nữ nào cũng rụng trứng vào ngày thứ 14 của chu kỳ hoặc là ở giữa chu kỳ? Chẳng hạn nếu chu kỳ kinh của tôi là 32 ngày thì trứng sẽ rụng vào ngày nào? Khánh Hưng- Houston
Đáp
Chào bà Khánh Hưng
Chất Độc Da Cam, Agent Orange, là một loại hóa chất được dùng để diệt cỏ và được sử dụng tại nhiều nơi, đặc biệt là trong cuộc chiến tại Việt Nam vừa qua. Đã có nhiều tranh luận về hậu quả của chất này đối với các cựu chiến binh Hoa Kỳ chiến đấu tại Việt Nam, đặc biệt là hậu quả đối với con cái của họ. Tuy nhiên, kết quả nhiều nghiên cứu được Bộ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ xem xét và công bố đều kết luận là chất Agent Orange không gây ra birth defect ở con cái họ. Do đó, rất ít khả năng chồng của bà là nguyên nhân gây ra sự không có con. Một vài hóa chất có thể ảnh hưởng tới sản xuất tinh trùng, nhưng tinh trùng luôn luôn tự tái sinh và tinh trùng tổn thương vì hóa chất đều được thay thế bằng các tế bào mới.
Vì vậy, lý do việc chưa có con của ông bà có thể là:
– 6 tháng chưa đủ thời gian để bà có cơ hội có thai, và
– do kinh nguyệt của bà không bình thường.
Sự vô sinh infertility của một cặp vợ chồng được định nghĩa là sau một năm giao hợp tự do, không bảo vệ mà vẫn không có con. Vô sinh có nhiều nguyên nhân: 35% do người đàn ông, 20% do rối loạn rụng trứng, 20% do ống dẫn trứng, 10% bệnh nội mạc tử cung và 5% do các bất thường ở cổ tử cung. Ông bà mới cố gắng để có thai được 6 tháng mà chưa thành công thì chưa phải là thất vọng. Có thể là trong vài ba tháng nữa bà sẽ có thai.
Ngày noãn sào nhả trứng được báo hiệu bởi một số dấu hiệu như nhiệt độ cơ thể tăng, chất nhờn cổ tử cung tiết ra nhiều và một chút ngầm ngầm đau bụng. Rụng trứng luôn luôn xảy ra vào 14 ngày trước khi chu kỳ kế tiếp bắt đầu. Ngày bắt đầu có kinh là ngày thứ nhất. Trong chu kỳ đều đặn 28 ngày thì ngày thứ 14 trước kinh kỳ kế tiếp cũng là ngày thứ 14 của chu kỳ trước, như vậy trứng rụng vào giữa chu kỳ. Có nhiều phụ nữ cứ nghĩ là dù chu kỳ dài bao nhiêu thì họ vẫn rụng trứng vào ngày thứ 14. Thực ra không phải vậy, trứng rụng vào ngày thứ 14 trước khi bắt đầu chu kỳ kế tiếp. Vì vậy, nếu chu kỳ là 32 ngày, tức là 4 ngày dài hơn chu kỳ 28 ngày, thì trứng sẽ rụng vào ngày thứ 18 tức là 14 ngày trước khi chu kỳ kinh nguyệt sau bắt đầu.
Rõ ràng là ta phải biết rõ ngày rụng trứng rồi từ đó cặp vợ chồng có thể giao hợp để hy vọng có con, vì trứng chỉ sống được từ 12-24 giờ sau khi rụng còn tinh trùng sống tối đa là 7 ngày trong môi trường cơ quan sinh dục nữ.
Nếu bà không có thai trong vòng 1 năm và nếu hai vợ chồng đã giao hợp trong vòng một hai ngày khi rụng trứng, thì chồng bà nên tới bác sĩ chuyên môn làm xét nghiệm về tình trạng tinh trùng của ông ấy. Tinh trùng có đầy đủ không, có mạnh khỏe không…Nếu kết quả tình trạng sức khỏe của ông ấy tốt, thì bà cũng nên đi bác sĩ phụ khoa để tìm hiểu có phải “lỗi” là từ phía bà.
Cầu chúc ông bà sớm sanh hoàng nam hoặc công chúa, đề huề Mỹ-Việt một nhà cho vui.
Chào bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Tôi nghe bạn bè nói uống dầu cá Omega 3 rất tốt cho sức khỏe. Xin bác sĩ cho biết thêm về chất này và liệu có nên uống không? Tôi năm nay 58 tuổi, có sức khỏe trung bình. Cảm ơn bác sĩ. Ngô thị Hiến
Đáp
Chào bà Hiến
Chất béo Omega- 3 có tự nhiên ở nhiều loại cá nước lạnh như cá thu, cá hồi, cá trích, cá cơm, cá ngừ và trong một số thực vật như dầu canola, đậu nành, hạt lành (flax seed)…
Công dụng của Omega-3 đã và đang được khoa học nghiên cứu rộng rãi. Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy Omega 3 có thể giảm thiểu sự đau nhức trong các chứng phong khớp xương, các chứng đau đầu, giảm thiểu nguy cơ của ung thư vú và có thể làm nhẹ một vài biến chứng của bệnh tiểu đường.
Để được hưởng những ích lợi của dầu mỡ cá Omega 3, ta không cần phải tiêu thụ một lượng cá lớn như người Eskimo.
Theo các cuộc nghiên cứu kéo dài 20 năm ở Hòa Lan thì chỉ cần ăn cá 2 lần trong một tuần là đã được giảm đến phân nửa các vụ tai biến về tim mạch so với người không ăn một chút cá nào.
Theo Giáo sư William E. Connor của Viện Khoa học Sức Khỏe ở tiểu bang Oregon thì mỗi tuần chỉ cần ăn chừng 180 gr cá thì đã đủ để có được tác dụng phòng bệnh của Omega 3.
Theo Tổ chức Sức Khỏe ở Canada và Cơ quan Dinh Dưỡng ở Anh thì chúng ta nên ăn khoảng 0,5% tổng số nhu cầu năng lượng mỗi ngày dưới hình thức Omega- 3 fatty acid.
Cá càng lớn, lượng Omega- 3 càng nhiều. Nhưng cẩn thận với cá sông lạch vì sợ bị ô nhiễm. Cá biển tương đối an toàn hơn. Hóa chất độc thường đóng trong mỡ, nên dầu cá cô đặc có thể nhiễm nhiều hóa chất này.
Nếu muốn có Omega- 3 từ thực vật, ta có thể ăn hạt cây bồ đào (butternut), hạt và dầu hồ đào (walnut), walnut oil, dầu mầm lúa mì (wheat germ oil), dầu đậu nành, thực phẩm chế biến từ đậu nành, rong biển (seaweed).
Omega- 3 cũng được bán trên thị trường dưới dạng viên mà theo nhiều người có kinh nghiệm thì dùng một hoặc hai viên mỗi ngày là đủ. Ngoài ra, cần được sự hướng dẫn của bác sĩ để phòng ngừa tác dụng phụ, dùng quá nhiều cũng như tương tác với các dược phẩm khác.
Dùng quá nhiều mỡ cá, nhất là loại viên dầu, có nguy cơ băng huyết trầm trọng vì tác dụng loãng máu của dầu; nguy cơ khó chịu cơ quan tiêu hóa, thiếu hồng huyết cầu hoặc tai biến động mạch não. Những ai đang uống thuốc aspirin hoặc thuốc chống đau nhức cũng nên cẩn thận khi dùng dầu cá vì thuốc và dầu cá đều làm máu loãng. Bệnh nhân dùng thuốc suy tim nhóm Digitalis cũng phải cẩn thận vì dầu cá có thể làm tăng tác dụng của các thuốc này.
Hy vọng các góp ý trên đây thỏa mãn được sự tìm hiểu của bà.
Chúc bà có sức khỏe tốt.
NYD