Menu Close

Áo dài Edelweiss

Tôi bị cú sét ái tình lần đầu thấy ‘nàng.’ Trong tấm bưu thiếp, hoa Edelweiss treo lơ lửng trên vách núi, rất mực ôn nhu và tinh tuyền, thật lộng lẫy mà cũng rất mỏng manh, đĩnh ngộ trong tuyết giữa trời xanh. Tôi đi thăm quê chồng tương lai để chào hỏi họ hàng và mời mọi người đến dự lễ cưới của chúng tôi ở một nơi cách xa ngàn dặm gọi là California, nơi mà chưa ai trong họ hàng đã đặt chân đến, chỉ trừ Ba Mẹ chồng tôi khi sang dự lễ ra trường của con trai, và khi ông bà đi một chuyến nữa với mục đích tối hậu: đến gặp Ba Mẹ tôi để hỏi vợ cho con mình. Cả dòng họ của anh đã sống ở vùng núi non hùng vĩ này hàng trăm năm. Nhưng đó không phải là lần đầu tôi đến Thụy Sĩ. Tôi đã ghé qua miền đất raclette (một món ăn của Thụy sĩ) nhiều lần trong thời gian nhận học bổng Fulbright vài năm trước. Tôi cũng đã mua một cái keychain và tháo ra để lấy hoa Edelweiss làm mặt dây chuyền. Và cũng như nhiều người Mỹ khác, tôi biết nàng qua bộ phim trứ danh “Giai Điệu Hạnh Phúc.”

Vậy thì có gì đặc biệt về ‘nàng’ lần này? Tôi không biết nữa. Có một cái gì đó thật thần diệu. Có thể vì tôi đang đi cùng ý trung nhân của mình. Có thể Edelweiss trong khung cảnh thần tiên nguyên sơ đã hớp hồn tôi. Bất kể vì nguyên do gì, nàng đã theo tôi về, và luôn ở trên tường, cho dù tôi đã dời nhà đến vạn lần.

alt

Áo dài Edelweiss

 Tôi yêu hoa Edelweiss đến nỗi khi đính hôn, tôi nói với hôn phu là tôi muốn cầm hoa xuyên tuyết trong ngày cưới. Chuyện mơ màng! Hoa này được bảo vệ trong vùng núi Alps. Chồng tương lai còn kể cho tôi nghe những chuyện rùng rợn về các hiệp sĩ ngày xưa, liều mình leo dốc cheo leo để hái hoa tặng cho người đẹp. Họ đều trượt chân và bỏ mạng. Tôi căn dặn người yêu rất lãng mạn của tôi, rằng anh không bao giờ được nối gót những hiệp sĩ dại khờ đó. Tôi yêu Edelweiss, nhưng tôi yêu anh hơn. Tôi sẽ rất hạnh phúc đưa hoa lên áo cưới và ngắm hoa trong tâm tưởng, miễn là chú rể của tôi an toàn và nguyên vẹn. Bây giờ, vì tôn trọng thiên nhiên và luật pháp, chắc không ai nghĩ đến việc hái đi những bông hoa được bảo vệ này.

Tôi mày mò, thử làm hoa xuyên tuyết bằng bông gòn trắng cho bó hoa cô dâu của mình. Nhưng sau nhiều cố gắng và thất bại, tôi nảy ra một ý: nếu tôi không thể ôm nàng, thì tôi sẽ mặc nàng. Vì tôi đã chọn chỉ mặc áo dài Việt Nam mà tôi luôn yêu và trân quý trong ngày cưới, tôi bắt đầu nghĩ đến việc kết hợp nét duyên dáng Việt Nam và hoa văn Thụy Sĩ. Trong chiếc áo dài đa văn hóa này, tôi bỏ hai tay áo và cổ áo, và thay vào đó bằng một khăn choàng mảnh và dài quanh cổ. Tôi nhờ họa sĩ Fréderic Thọ, nhà vẽ kiểu áo dài lụa trứ danh của Little Saigon tại Quận Cam, thực hiện ý tưởng của tôi trên lụa, và nhà may Trâm Anh hoàn tất chiếc áo cưới của mình.

Tôi mặc áo-dài-hoa-xuyên-tuyết khi cắt bánh cưới và cùng tân lang khiêu vũ lần đầu theo bài hát quen thuộc “Edelweiss.” Chúng tôi không phải đang khiêu vũ. Chúng tôi đang bay trên những cánh hoa xuyên tuyết trắng mềm. Chúng tôi bồng bềnh trôi trên đỉnh núi Alps, thong dong và hạnh phúc.

Hoa xuyên tuyết vẫn luôn là một loại hoa tôi rất yêu. Yêu đến nỗi, tôi còn nghĩ đến việc lấy tên hoa đặt cho con gái. Chồng tôi không tán thành, nhưng để xem anh có thay đổi ý kiến không khi chúng tôi có duyên sanh ái nữ. Áo dài Edelweiss ở mãi với chúng tôi, một phần hữu cơ trong cuộc hôn nhân Thụy Sĩ-Việt Nam-Hoa Kỳ này. Một tương sinh hương lửa ba châu lục. Tôi còn viết một bài thơ mang tựa đề “Áo dài Edelweiss” và trình diễn tại Đại hội AWP năm 2009 tại Chicago. Đây là đại hội lớn nhất dành cho những người cầm bút tại Mỹ. Thời tiết ở đây không thuận tiện cho việc mặc áo dài lụa, vì Tháng Hai Chicago ngập tuyết. Nhưng tôi cũng khổ công mặc áo dài hoa xuyên tuyết khi đọc thơ. Thật ra thì cũng là một chọn lựa thích hợp, vì Edelweiss là một loài hoa tuyết. Hơn thế nữa, như khổ thơ đầu thổ lộ:

kết hợp di sản quê em và quê anh
em tung hoa tuyết lên bầu trời
của chiếc áo dài Việt Nam
khâu đỉnh núi Apls băng giá
vào đồng bằng phù sa Cửu Long
trồng tre xanh
trên đỉnh núi tuyết

Áo dài Edelweiss, cũng như hoa Edelweiss, không chỉ là một chiếc áo hay một bông hoa. Chiếc áo này là hiện thân của sự kết hợp ba văn hóa của chúng tôi. Chồng tôi là người Thụy Sĩ, và đến học tại Stanford, nơi mà chúng tôi gặp nhau khi tôi cũng đang học tại đây. Chúng tôi coi văn hóa Mỹ là văn hóa thứ ba, và cũng là văn hóa chung của mình. Chiếc áo dài Edelweiss là một phát ngôn viên của chúng tôi, tường thuật lại chuyện tình và hôn nhân của chúng tôi. Tuy tôi là người duy nhất trong hai chúng tôi được mặc chiếc áo này, chồng tôi là người phối ngẫu hãnh diện nhất khi anh đi bên tôi trong tà áo dài hoa xuyên tuyết. Chiếc áo này cũng là nhịp cầu thông cảm giữa tôi và họ hàng nhà chồng, vì ai cũng vui và hãnh diện về những cố gắng hài hòa văn hóa của tôi – như thiết kế chiếc áo này – để đón nhận văn hóa Thụy Sĩ. Chiếc áo giữ lấy sự mầu nhiệm của ngày cưới, cái diệu kỳ của vũ điệu đầu tiên trong hôn nhân, và bí mật của hạnh phúc lứa đôi mà chúng tôi tiếp tục xây dựng. Chồng tôi còn viết cho tôi một bài thơ chỉ ít ngày sau đám cưới. Bài thơ mở đầu thế này:

Anh thấy em trong áo lam ngọc
Tung tăng giữa cánh đồng hoa xuyên tuyết
Em đi tìm chú nai vàng ngơ ngác
Vốn chưa bao giờ xuất hiện trong bài hát

Chú nai vàng ám chỉ Linh Dương – Linh Dương của tôi, một cách mà tôi âu yếm gọi chồng; và bài hát, chính là bài “Edelweiss,” vốn không đả động gì đến chú dê núi, một thường trú nhân của vùng núi Alps. May thay, trong chuyện tình của chúng tôi, Linh Dương của tôi không phải ì ạch leo vách núi để tỏ tình với hoa xuyên tuyết. Anh có thừa cơ hội để bày tỏ tình cảm với nàng trong những giờ tập hát và hát lễ hằng tuần với Ca đoàn của Nhà thờ Stanford, vì cả hai chúng tôi cùng là ca viên. Tôi cũng nghĩ đến việc cho hình ảnh Linh Dương vào áo dài cưới, chỉ có điều tôi không nghĩ ra được cách nào cho vẹn vẻ.

Tôi sẽ không đi vào ngọn lửa rạo rực nối tiếp khổ đầu của hai bài thơ, nhưng khổ thơ đầu đã cho thấy Edelweiss hiện diện một cách thân thương trong đời sống chúng tôi. Áo dài Edelweiss. Chiếc áo đưa hai văn hóa đến với nhau, phôi thai trong sáng tạo và chào đời trong tư tưởng. Mộc chiếc áo nối liền đỉnh Alps Thụy Sĩ với không gian bạt ngàn của đồng bằng Cửu Long. Chiếc áo tôn lên vẻ đẹp của thiên nhiên và của thân hình người nữ. Chiếc áo nhắc tôi mùi nước mắm thơm lựng và mùi fondue ngào ngạt. Chiếc áo ấy hài hòa hai thế giới, kết hợp nhục thể. Chiếc áo dệt cái không gian giòn trong của Matterhorn và những sợi nắng ấm của miền quê Việt Nam. Một chiếc áo trải ra trên những thành phố của ước mơ, đong đưa trên triền sóng hy vọng, lướt trên cánh vai an vi, và nấp trong trái tim của thanh xuân hàng thế kỷ. Với chiếc áo ấy, tôi biến tình yêu của chúng tôi thành một thực thể mặc được, thấy được, và độc nhất vô nhị. Một thời trang muôn thuở.

alt

Hoa xuyên tuyết

TGT