Hắn thổi những cơn mưa phùn qua khung cửa kính hiệu buôn thuốc lá và cà phê. Chỉ có đất Pháp này mới có những quán thuốc lá chuyên bán đủ loại thuốc hút, đồng thời bán phụ thêm cà phê và rượu đỏ; cà phê đen, rượu đỏ và thuốc bao xanh là ba dấu hiệu của nước Pháp; không có ba thứ này, nhất định nước Pháp sẽ không có những cơn mưa phùn tháng tư. Hắn ngồi bên cạnh khung cửa kính, quán thuốc lá chỉ mang tên vỏn vẹn là tabac café express; quán thuốc nằm đối diện nghĩa địa. Chung quanh đều im lặng, thỉnh thoảng vài tiếng ho, tiếng cửa đẩy vào, tiếng gió rít vào từ những ngày quá khứ. Bây giờ là tháng tư? Thời gian là những tháng tư còn lại…
Trên là một đoạn văn trích từ “Bay đi những cơn mưa phùn” của Phạm Công Thiện. Và sau đây là bài đọc của Gió trong blog Tôi Là Gió.
Tôi đọc Bay đi những cơn mưa phùn lần đầu cũng vào một ngày Tháng Tư năm 1975 – Saigon không có mưa phùn nhưng đã bắt đầu những cơn mưa hạ. Mưa Tháng Tư. Tôi ngồi trong một quán kem có khung cửa kính ở đường Tự Do (Đồng Khởi bây giờ), Thu Sâm không đến như đã hẹn, tôi cũng không còn nhớ sau đó nó giải thích thế nào với tôi nhưng đây là lần đầu tiên tôi ngồi một mình ở một cái quán mà thường người ta đi hai người, vào thời gian mà chiến sự rối bời, trên những khuôn mặt người là sự lơ láo, hoang mang, trên phương tiện thông tin mỗi ngày là thương đau, chết chóc, là khi tôi vừa nhận lá thư của một người bạn học gởi về từ chiến trường “… Tối nay có lẽ Thạch chuyển quân đi xa lắm …”
Tôi cứ loay hoay với cái thìa kem nhỏ xíu, kem lạnh, quán cũng trở nên lạnh bởi cơn mưa chiều và máy điều hòa trong phòng.Tôi nhìn ra ngoài trời, mưa giăng trắng phố, đường phố vắng hẳn, Saigon ngày ấy vốn không đông đúc như bây giờ, xe cộ cũng ít, thỉnh thoảng lại có chiếc xe hơi lướt nhanh trên phố, người ta cứ tấp vào những hàng hiên hai bên đường trú mưa. Tôi cầm cuốn sách vừa mua ở nhà sách Khai Trí ra, cuốn sách hấp dẫn tôi đầu tiên bởi cái tựa đề và tên tác giả, ngày ấy Phạm Công Thiện là một cái tên khá quen thuộc với tuổi trẻ chúng tôi nhưng đây là lần đầu tôi cầm quyển sách của tác giả này và đọc nó vào một buổi chiều mưa, chiều mưa của một ngày Tháng Tư
Tôi đọc được khoảng một phần ba cuốn sách thì giật mình vì phố đã lên đèn, cơn mưa đã dứt. Cuốn sách là những mảng hồi tưởng, là những bối rối đến nặng lòng. Tôi có cảm tưởng Phạm Công Thiện đã viết những trang viết này trong trạng thái mê mê và cô đơn… Tôi cũng rơi vào tâm trạng mê mê khi đọc những dòng như thế dù khi ấy tôi còn trẻ, rất trẻ.
Hắn ho khan vài tiếng cho đỡ buồn; trời lạnh quá, im lặng quá, nhiều khi mình phải bày đặt ho khan để thấy rằng mình vẫn còn đó, vẫn sống, vẫn thở và thổi những cơn mưa phùn vào nghĩa địa của ngoại ô đầu thu. Đầu thu hay cuối thu? Đầu cuộc sống và cuối sự chết? A, tôi phải đi. Paris chỉ nằm bên kia sự chết; Saigon, Hà Nội, Huế, Đà Lạt chỉ là những thành phố Paris nằm bên kia sự chết. Giết hết tất cả những thành phố, bôi sạch chữ Paris trong tâm hồn mình, bôi tên, quên họ, bỏ quốc tịch, vứt lại đằng sau lưng những bao thuốc lá xanh, vứt lại đằng sau lưng những con đường rầy, những đêm tối, những mùa xuân, những quê hương. Làm một kẻ phản quốc, phản bội bạn bè, phản bội tổ tiên, phản bội văn chương, phản bội tùy bút, truyện ngắn, truyện dài. Trung thành với nỗi chết xa và gần, nỗi chết long đong, nỗi chết của những cơn ho gượng, ho cho đỡ buồn. Chỉ có những cơn ho khan là quan trọng, tất cả còn lại chỉ là văn chương…
A, tôi phải đi. Vừa đi vừa ho. Tập ho cho thật nhiều, ho như chưa từng biết ho trong đời. Người ho lao là người muốn ho lao; tôi không muốn ho lao, tôi chỉ muốn ho khan cho bay đi những cơn mưa phùn tưởng tượng. Dưới kia thung lũng là cỏ khô. Một dấu chấm, một dấu phết, một dấu sắc và một dấu huyền. Tất cả còn lại…
Hôm ấy tôi trở về nhà trong cái tâm trạng mê mê. Phố xá vẫn buồn hay hình như buồn. Đài phát thanh lại báo tin, lo lắng, hoang mang. Tôi tưởng tượng đến khuôn mặt của bố mẹ mình khi cứ thấp thỏm tin tức thằng em tôi đang đóng quân ở một cánh rừng nào xa lắm. Trời Tháng Tư, hàng cây đường Nguyễn Du bỗng sẩm tối, những quán cà phê vắng khách, chỉ vài thanh niên trẻ ngồi với khuôn mặt bất động, tôi thầm nghĩ… họ đang tập ho khan như nhân vật “hắn” trong cuốn sách tôi vừa đọc… tiếng nhạc từ quán vang ra… “Anh sẽ ra đi… chẳng mong ngày về”… tự nhiên buồn muốn khóc.
Tôi mất “Bay đi những cơn mưa phùn” cùng nhiều cuốn sách khác sau đó, bố tôi đem đốt hết, ông sợ. Tôi đã khóc khi mất những quyển sách thân yêu gắn bó với mình bằng ấy thời gian và nhiều đêm sau đó tôi hay nằm mơ thấy lửa. Thi thoảng tôi vẫn thèm đọc lại cuốn sách đã để lại cho mình những ấn tượng khó quên dù rằng sau này tôi còn được đọc “Im lặng hố thẳm” của Phạm Công Thiện nhưng tôi vẫn ray rứt nhớ cuốn sách có hình ảnh Tháng Tư và những cơn mưa phùn Paris.
Sinh nhật tôi năm ngoái, một buổi sáng Tháng Tư, Liên mang cho tôi một gói nhỏ quà mừng sinh nhật – nó chính là cuốn sách trong giấc mơ tôi, nó là Bay đi những cơn mưa phùn, cuốn sách y hệt cuốn sách tôi bị mất cách đây nhiều năm. Liên biết tôi ước mơ được có lại quyển sách, Liên lại là vua săn lùng sách cũ, không chỗ nào có sách cũ mà không có nó xuất hiện. “Ông chủ tiệm sách bảo là e rằng cả Saigon bây giờ chỉ còn lại quyển này thôi đó cô” Liên bảo tôi như thế. Tôi thầm cảm ơn Liên, có thể Saigon còn dăm ba quyển nữa thì vẫn không ngăn được niềm vui của tôi khi được cầm lại quyển sách mình đã mất nhiều năm, mình ước mơ có lại nhiều năm… một quyển sách có Tháng Tư và những cơn mưa phùn Paris, có tôi một chiều mưa đã xa, mê mê, hoang mang, ngơ ngác giữa nhiều biến cố sắp xảy ra.
Tôi đọc lại “Bay đi những cơn mưa phùn” trong tâm hồn của một người quá lớn, quá bình tĩnh, quá chai sạn. Không còn cái tâm trạng mê mê của con bé nhạy cảm, hay buồn và hay mộng mơ ngày xưa nữa, không còn cái cảm xúc của một người trẻ ngổn ngang nghĩ suy giữa bao nhiêu dấu hỏi… và đó cũng là điều nuối tiếc …nuối tiếc đến bối rối, nuối tiếc đến hẫng lòng.
Tối nay… vâng , tối nay tôi sẽ đọc lại “Bay đi những cơn mưa phùn”.
