Trồng mía
Nói tới mùa mía cũng như nhiều mùa màng khác là nhắc tới các loại cây trồng ấy có cùng một lúc xuống giống khi trồng, cũng như cùng một thời điểm khi thu hái kết quả vào những lúc đông ken. Nhắc tới mùa màng vùng sông nước Cửu Long miệt Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc và các vùng lân cận mà không nhắc mùa mía nơi các làng quê vùng này thì thiệt là một thiếu sót dữ lắm! Bởi lẽ, các vùng đất nơi ba tỉnh ấy đa phần là đất ruộng, mỗi năm hồi đời xưa làm lúa mùa một vụ. Sạ tỉa Tháng Ba, cắt gặt Tháng Chạp, Tháng Giêng âm lịch vì các cánh đồng nơi các vùng này có sáu tháng khô và sáu tháng nước ngập. Tuy vậy các vạt đất gò có khi quá gò, trồng lúa hổng được trúng cho lắm, nên nhà nông mới nghĩ cách làm thêm rẫy đậu, rẫy bắp, rẫy kiệu, rẫy mía… Do vậy mía là một trong những loại mùa rẫy có từ lâu đời. Chẳng hạn, hồi đời xưa làng Tân Bình thuộc Tân Phú tổng, Đông Xuyên huyện, Tân Thành phủ, tức vùng Lấp Vò, thuộc tỉnh An Giang thành lập từ đời Gia Long, trong địa bộ năm Minh Mạng thứ mười bảy có ghi là nơi làng này đã có đất trồng mía: “Tổng cộng các hạng điền thổ trong làng là 208 mẫu. Trong số này, ruộng canh tác gồm 88 mẫu: 19 mẫu thảo điền và 69 mẫu sơn điền. Đất ruộng đổi thành vườn cau, có gia cư là 11 mẫu. Đất ruộng đổi thành vườn chuối, tre, có gia cư là 13 mẫu. Đất trồng dâu và trồng mía là 10 mẫu (…)(1)
Thường thường nói tới rẫy, người ta thường nghĩ các loại hoa màu được trồng với thời gian từ gieo hột tới khi có bông có trái chừng ba hoặc bốn tháng là cùng; nhưng với mía thì thời gian từ trồng tới có kết quả phải mất nhiều tháng trời mới bán chác được. Vì thế nên ít ai trồng mía. Tuy nhiên, như trên tôi có nhắc đất ruộng gò gần mé vườn nhiều, người ta mới trồng mía, vì trồng mía làm cho đất xốp hơn và năng suất cao hơn trồng lúa. Còn một loại đất trồng mía nữa là đất cồn. Các vùng cồn và cù lao miệt Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc do phù sa bồi đắp hàng năm nhơn mùa nước ngập nên đất ở các vùng cù lao rất màu mỡ hạp với mía. Nơi các cù lao nằm giữa hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang, trong số đó có cồn Bà Hòa (ngang ấp Bình Phú, xã Bình Hòa), cù lao Ông Chưởng, miệt Mỹ Luông, Chợ Mới, Bình Phước Xuân, An Hòa (Long Xuyên), vùng Tân Châu (Châu Đốc), miệt Đất Sét Nhỏ, Hội An Đông, Định Yên (Lấp Vò – Sa Đéc) và còn nhiều vùng khác nữa, thì mía là một trong những loại rẫy dân quê ưa trồng mà cũng là huê lợi góp phần rất bộn cho đời sống bà con sống giữa hai con sông lớn này.
Thông thường trong việc trồng trọt, người ta cho hạt giống già làm giống; nhưng muốn trồng mía người ta không dùng gốc mía già mà lại chọn mía non. Có lẽ mía già chậm lên chồi và kém phát triển chăng? Như vậy, trước hết, bạn muốn trồng mía, bạn hãy gầy giống mía để mình có mía giống thì đỡ tốn tiền mua giống; thứ đến mía giống của mình nhiều mình ưu tiên lựa mía giống tốt trồng trước; trường hợp giống mía sau khi trồng xong mà còn dư, nếu có ai cần mía giống mình sẽ chia bớt lại cho người cần, thành ra cũng có thêm chút huê lợi khi bán mía giống hầu phụ giúp trong gia đình.
Việc gầy mía giống này trước tiên mình cũng dọn đất, căng dây lấy hàng, đào rãnh đặt mía giống. Mía giống đây là ngọn mía mình có sẵn hoặc ngọn mía mua của các rẫy mía khi họ đốn mía để bán. Vì mùa trồng mía chánh bắt đầu vào tháng Chạp khi nước vừa giựt khô đất rẫy, thì mía giống phải gieo cách đó sao cho khi mùa trồng mía bắt đầu mà mía giống vẫn còn tươi tốt, không già quá. Hay nói cách khác, khi mưa già cuối Tháng Ba bắt qua Tháng Tư là bắt đầu đặt mía giống xuống đất. Thường thường để tránh nạn nước ngập, mía giống được trồng trên các khoảng đất trống trên nền vườn cao. Mía giống trồng như vậy tới khi đốn xuống để làm giống thường thường đất tốt có cây cao tới khỏi đầu người. Điểm đặc biệt là trồng mía giống người ta không đánh lá như trồng mía ăn hay mía đường mà cứ để lá ủ như vậy đến khi nào cần trồng cứ đốn mía xuống rồi chặt ra từng khúc, lột vỏ thành mía hom để bắt đầu trồng vào mùa mía chính thức.
Còn loại mía giống thứ hai, thay vì gầy giống như vậy, người ta dùng ngọn mía tươi làm giống cũng tiện. Thường thường nhà nào có trồng mía, tới mùa đốn mía người ta chặt lấy ngọn mía để lại và dùng làm mía giống; nếu không đủ thì có thể mua thêm ngọn mía của các rẫy khác trong vùng rồi đem ủ vào một chỗ nào đó trong vườn chờ tới mùa là xuống giống. Tóm lại, cả hai loại mía giống này đều còn non, đều mạnh mẽ như nhau khi gặp đất bùn vừa ráo còn ướt phù sa thì mía giống nào đặt xuống đúng thời vụ thì mía lên cây đều tốt như nhau. Đặc biệt không ai lấy mía gốc làm mía giống vì mía gốc thuộc loại mía già, chậm đâm chồi, nếu có cũng không cho mía con mau lớn, khỏe mạnh như hai loại mía giống vừa kể. Điều này cũng dễ biết qua thực tế các chủ rẫy nếu tiếc mía gốc, thay vì sau khi đốn mía, người ta chừa mía gốc cho lên măng trở lại đỡ tốn mía giống, đỡ tốn nhơn công trồng lại đám mía mới, tới mùa giữa hai đám mía kế bên nhau, một đám trồng giống mới, một đám chừa gốc cũ, thì đám mía chừa gốc bao giờ cây cũng nhỏ, cây thưa, năng suất đường không bằng đám mía trồng lại bằng giống mới.
Còn đất trồng mía dù đất cồn hay đất ruộng thì cách đào hàng trồng mía thường thường tùy theo kinh nghiệm của mỗi chủ rẫy nhưng có những tiêu chuẩn gần giống nhau. Chẳng hạn như về khoảng cách giữa hai hàng mía tối thiểu phải một mét tây. Vì cách xa như vậy để tiện việc đi lại vô chưn và đánh lá mía sau này khi mía lớn. Đường rãnh đặt mía giống bề ngang chừng một tấc, bề sâu cỡ một lưỡi len miểng, tức chừng hai tấc. Với nền mía cũ trồng hồi năm ngoái, sau mùa nước giựt không phải đào lại rãnh đặt mía nữa mà cứ rãnh cũ còn sền sệt bùn là đem mía giống ra đặt. Nếu đất mới trồng lần đầu mới cần lấy hàng đào rãnh như vừa kể ở trên. Mùa xuống giống mía thuận tiện nhất là vào Tháng Chạp vì đất rẫy còn mềm, chất bùn còn nhão nên mía giống mau bắt rễ đâm mục. Trường hợp đất mới trồng lần đầu vào Tháng Chạp đất cũng còn mềm rồi có nhiều sương mù nên khi đặt mía giống, mía cũng mau bắt rễ, không phải tưới tốn nhiều công sức; chỉ khi nào đất quá gò, quá cứng thì chủ rẫy tưới sương sương qua cho đất ẩm một chút là được.
Mía trồng cỡ tròn tháng là măng mía mọc cao vài ba tấc rồi. Lúc bấy giờ người ta dùng cái chét để xuống đất lấp các thân mía giống lại hầu nuôi các măng mía mới mọc cho mau mập. Sau đó khi thấy mía lên cao cỡ đầu gối, dân quê mới bắt đầu vô chưn ấm. Vô chưn ấm người ta dùng cái xuổng, loại xuổng đào chuột, xới đất cặp hàng mía xuống lấp đầy các gốc mía với mục đích làm cho măng mía mau lớn, mập mạp và các bụi mía cũng ấm gốc để rễ của chúng bám thật chặt vào đất thịt để mía sau này khi lớn, cao không bị ngã đổ khi mưa gặp dông lớn. Lúc bấy giờ mía đã có lóng dài, lá mía bắt đầu nặng và người ta tước bỏ những lá mía già còn gọi đánh lá mía. Khi mía lớn chút nữa tức lúc mía cao chừng hơn một mét, người ta dùng cuốc mà cuốc đất dọc theo hàng mía đắp vô gốc mía và đạp cho đất bám chắc chắn vào gốc mía. Cách vô gốc và đạp đất cho dẽ dặt như vậy ở nhà quê gọi là vô chưn đạp. Công việc vô chưn đạp này có thể dùng len miểng cũng được nhưng làm bằng cuốc thì tốc độ nhanh hơn.
Hồi khởi thủy bắt đầu trồng mía người ta lấy hàng đào rãnh và đặt mía như vừa kể, nhưng sau khi qua các giai đoạn vô đất lấp mía giống, vô chưn ấm, vô chưn đạp thì lúc bấy giờ các hàng mía thành những giồng mía cao lên và ngược lại khoảng cách giữa hai hàng mía trở thành trũng sâu xuống thành mương mía, có khi sâu tới đầu gối. Nếu năm sau, sau mùa đốn mía bán, các mương này sẽ trở lại thành các rãnh để xuống mía giống cho mùa trồng mía mới và các liếp mía cũ sẽ thành những giồng đất để lấp gốc khi vô chưn ấm hoặc chân đạp sau này. Cứ luân phiên như vậy hoài giồng thành mương, mương thàng giồng và mía sau mỗi mùa nước lên, nước giựt phù sa bồi bổ mía vẫn tốt như thường. Trường hợp có người làm rẫy kỹ họ dùng cuốc, len miểng hoặc cho bò trâu cày ban các giồng mía cũ ra cho bằng mặt rồi bắt đầu giăng dây lấy hang đào các rãnh mía mới vì làm như vậy đất xốp hơn và tránh các rễ mía cũ làm chai đất nhưng tốn nhiều nhơn công và chi phí. Cách nào thuận tiện và có năng suất cao thì dù tốn kém thêm nhưng các nhà nông vẫn không tiếc công tiếc của miễn sao tới mùa mía trúng mùa là họ vui rồi.

Mía đường đang chờ đánh lá ủ tại vùng Bình Thành (Lấp Vò – Sa Đéc) HÌNH: TR-NH CHỤP
Cước chú:
1/Theo Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam của Sơn Nam do Xuân Thu (Hoa Kỳ) tái bản,không ghi năm, trang 115.